Hoàng Thu Hà
1.
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cán bộ nữ
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta
luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ, chăm lo tới lực lượng phụ nữ và phát
triển đội ngũ cán bộ nữ thông qua việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, luật
pháp, chính sách liên quan tới công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Ngày
27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW (Nghị quyết số 11) về
công tác phụ nữ với quan điểm "xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán
bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội
dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng" và nhiệm vụ
"xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản
lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Đồng
thời, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2007 là một bước tiến quan
trọng, là công cụ để thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống
xã hội và gia đình.
Để có được đội ngũ cán bộ nữ đông về số
lượng và mạnh về chất lượng, nhiều chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đã
được ban hành. Đó là quy định tỉ lệ 30% trở lên cán bộ nữ tham gia các khóa đào
tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước (1); quy định
việc bình đẳng nam, nữ về độ tuổi trong đào tạo, bồi dưỡng, chế độ hỗ trợ cho
cán bộ nữ mang theo con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng (2);
quy định các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của
nữ cán bộ, công chức, viên chức đang nuôi con nhỏ; quy định hỗ trợ bằng tiền, tạo
điều kiện về nơi ở, nơi gửi trẻ, trường mầm non khi nữ cán bộ, công chức mang
theo con đến cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (3)…
Cùng với chính sách về đào tạo, bồi dưỡng,
quy định về tỉ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý và các cơ quan dân cử
thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu về
bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ. Nghị quyết số 11 xác định:
"Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25%
trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các
cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ
chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có
tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới".
Chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới
giai đoạn 2011-2020 đã đề ra 3 chỉ tiêu: 1) phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các
cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại
biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ
2016 - 2020 trên 35%; 2) phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên
95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp có
lãnh đạo chủ chốt là nữ; 3) phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt
100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt
là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động.
Đặc biệt, Chỉ thị số 37-CT/TW ngày
04/8/2009 của Bộ Chính trị về công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ
2010-2015 xác định "bảo đảm tỉ lệ cấp ủy viên là nữ không dưới 15%, trong
đó cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy"; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày
05/01/2011 của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa
XIII và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 nêu rõ:
"có tỉ lệ hợp lý đại biểu của các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, đại biểu
nữ, đại biểu trẻ tuổi". Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
215/QĐ-TTg ngày 16/02/2011 hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu
HĐND các cấp với cơ cấu đại biểu là phụ nữ tham gia hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2011-2016 là "phấn đấu đạt tỉ lệ chung khoảng 30% trở lên".
2.
Những kết quả đạt được
Những chính sách, quy định trên đã tạo
điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt,
đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác, nhạy bén, năng động, sáng tạo, từng
bước vươn lên, phát huy trí tuệ và sức lao động của bản thân; đồng thời là công
cụ để tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ, phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản
lý, tham gia các cơ quan dân cử. từ đó vai trò, vị thế của cán bộ nữ được nâng
lên và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành, cơ quan,
đơn vị và của cả nước.
Hiện nay, trên toàn quốc, tỉ lệ nữ có
trình độ thạc sĩ chiếm 30,53%, tỉ lệ nữ có trình độ tiến sĩ chiếm 17,1%, tỷ lệ
nữ giáo sư là 5,1% và nữ phó giáo sư là 11,7%(4). Hầu hết các tỉnh, thành phố đều
có chính sách hỗ trợ cán bộ nữ nói chung và cán bộ nữ có con dưới 36 tháng tuổi
nói riêng cao hơn nam giới khi đi đào tạo, bồi dưỡng(5). Đã có một số chương
trình bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài về lãnh đạo, quản lý, hội nhập quốc tế,
bình đẳng giới... dành riêng cho cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa
phương.
Đặc biệt, sau nhiều năm phấn đấu, nhiệm
kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI (2011-2016) là nhiệm kỳ đầu tiên có 02 nữ ủy viên Bộ
Chính trị và 02 nữ trong Ban Bí thư Trung ương Đảng; cấp ủy địa phương nhiệm kỳ
2010-2015, có 03 nữ Bí thư và 06 nữ Phó Bí thư tỉnh/thành ủy; tỉ lệ nữ tham gia
Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện, cấp xã đều tăng và đạt chỉ tiêu từ 15% trở lên
(cấp huyện là 15,16%, tăng 0,42%, cấp xã là 18,00%, tăng 2,92% so với nhiệm kỳ
trước); tỉ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ ở cả 2 cấp cũng tăng (cấp huyện là
10,19%, tăng 2,23%; cấp xã là 9,1%, tăng 3,3% so với nhiệm kỳ trước) (6).
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là
24,4%, hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện là 24,62%, cấp xã là
21,71%, trong đó có 18/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân
dân cấp tỉnh đạt từ 30% trở lên (7).
Về đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt
ở các cơ quan Trung ương và địa phương: tính đến tháng 09/2013, có 14/33 bộ, cơ
quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt, chiếm 42,42%;
có 14/26 cơ quan của Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương có
lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 53,85%; có 25/63 tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có nữ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân, chiếm
tỷ lệ 39,68% (8).
3.
Một số vấn đề đặt ra
Mặc dù các chính sách đào tạo, bồi dưỡng,
bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã có nhiều đổi mới, quy định rõ những chỉ
tiêu, mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ nữ, song một số quy định còn chung
chung, chưa được cụ thể hóa, chưa đồng bộ, thống nhất với yêu cầu của Nghị quyết
số 11 và quy định của Luật Bình đẳng giới, dẫn đến hạn chế cơ hội thăng tiến và
đóng góp của phụ nữ.
Nghị quyết số 11 yêu cầu "thực hiện
nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt
và bổ nhiệm"; Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng về độ tuổi khi đi học,
đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, nhưng thực tế còn có những quy định phân
biệt độ tuổi giữa nam và nữ trong các lĩnh vực trên. Ví dụ, quy định tuổi bổ
nhiệm lần đầu phải được ít nhất 01 nhiệm kỳ (5 năm) (9) đã làm cho cán bộ nữ
hoàn toàn hết cơ hội ở tuổi trên 50, trong khi nam ở tuổi 55 vẫn có cơ hội; hoặc
quy định về độ tuổi và hệ đào tạo chương trình cao cấp lý luận chính trị (nữ giữ
chức danh chủ chốt dưới 40 tuổi, không giữ chức danh chủ chốt dưới 36 tuổi, nữ
vùng dân tộc thiểu số dưới 31 phải đi học tập trung, trong khi nam cao hơn 5 tuổi)
(10). Các quy định này xuất phát từ sự khác biệt trong quy định về độ tuổi nghỉ
hưu của nam và nữ, nhưng chưa phù hợp với quy định bình đẳng về độ tuổi trong
Luật Bình đẳng giới và quy định áp dụng các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp
với cán bộ nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, vì độ tuổi dưới 31 và dưới 36 là độ
tuổi phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ.
Trong các văn bản hướng dẫn về cơ cấu
nhân sự trước các kỳ bầu cử đã nêu được chỉ tiêu tỉ lệ nữ cần đạt được, song
thiếu quy định về tỉ lệ nữ ứng cử viên, tỉ lệ nữ trong quy hoạch, vì vậy rất
khó đạt được chỉ tiêu đề ra do tỉ lệ nữ ứng cử viên, tỉ lệ nữ trong quy hoạch
thấp hơn, bằng hoặc chỉ cao hơn chút ít so với chỉ tiêu cần đạt được.
Các văn bản quy định về tiêu chuẩn, điều
kiện để được đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử… chưa đề
cập đến biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Đó là "Quy định việc ưu tiên nữ
trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam" (11); chưa xác định
các giải pháp cụ thể để có thể đạt chỉ tiêu đề ra trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc
lồng ghép giới.
Trong thực tế, tỉ lệ cán bộ nữ được tham
gia đào tạo, bồi dưỡng, tỉ lệ nữ trong quy hoạch, được bổ nhiệm, được giới thiệu
ứng cử vẫn còn rất thấp.
Theo Báo cáo đánh giá Giới tại Việt Nam
của Ngân hàng Thế giới, phụ nữ chỉ chiếm 10-20% tổng số người tham dự các khóa
học về lý thuyết và quản lý ở cấp trung ương; 58,6% cán bộ nữ chưa từng tham
gia khóa đào tạo so với 49% cán bộ nam (12). Theo kết quả điều tra của đề tài
Nghiên cứu đề xuất chính sách đào tạo cho cán bộ nữ do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố, có 69,3% cán bộ nữ và 41,3% cán bộ nữ làm
lãnh đạo, quản lý chưa bao giờ được cử đi học (13).
Đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý phát triển
chậm, thiếu ổn định, thậm chí giảm. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội có xu hướng giảm
trong 3 khóa liên tiếp (khóa XI là 27,3%, khóa XII là 25,76%, khóa XIII là
24,4%); tỉ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và khóa XI chỉ đạt
gần 9%; tỉ lệ nữ ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh đạt 11,3% giảm so với
khóa trước; số nữ Bí thư tỉnh, thành ủy giảm (hiện nay có 3 nữ Bí thư, khóa trước
có 6); có 7/63 tỉnh, thành phố không có nữ tham gia Ban Thường vụ cấp tỉnh; tỉ
lệ nữ Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 1,59% (giảm 1,54%
so với nhiệm kỳ trước); tỉ lệ nữ Phó Chủ tịch là 10,43% (giảm 5,66%) (14);
Trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chỉ có 02 nữ bộ trưởng;
tỉ lệ nữ vụ trưởng và tương đương chiếm 9,73%, nữ phó vụ trưởng và tương đương
chiếm 19% (15).
4. Một số giải pháp và kiến nghị
Để tăng cường sự tham gia của cán bộ,
công chức nữ trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định, xin đề xuất một số giải
pháp như sau:
Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; quy định trách nhiệm cụ
thể đối với những người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành trung ương, địa phương
trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ; có chính sách khen thưởng, phê
bình rõ ràng, từ đó các cấp, các ngành có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để
tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ đảm bảo số lượng,
chất lượng, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng.
Hai là, Chính phủ cần sớm hướng dẫn thực
hiện khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động về quy định đối tượng cụ thể là những
người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác
quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, song
không quá 5 năm.
Ba là, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm
xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nữ; gắn công
tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trong công tác cán bộ chung của Đảng.
Bốn là, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số
chính sách, quy định trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm… cán bộ,
công chức phù hợp với các quy định của Luật Bình đẳng giới. Đối với các văn bản
hướng dẫn công tác nhân sự bầu vào Quốc hội và hội đồng nhân dân: đề nghị quy định
cụ thể tỉ lệ ứng cử viên nữ tại hiệp thương vòng 3 để đảm bảo tăng tỉ lệ nữ đại
biểu trúng cử.
Năm là, tăng cường thực hiện chức năng đại
diện của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông qua quy định trách nhiệm của
các cấp Hội trong công tác cán bộ nữ; chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất,
tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ nữ;
phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ có chất lượng cho Đảng; tham
gia có hiệu quả vào công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ ở các cấp.
Sáu là, nâng cao nhận thức giới, kỹ năng
lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ tham mưu về công
tác nhân sự tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng, phát huy năng lực và
sức mạnh của đội ngũ chuyên gia giỏi về lĩnh vực lồng ghép giới trong các cơ
quan trung ương, đặc biệt là tại Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương. Có quy định
để nhóm chuyên gia này tham gia vào quá trình soạn thảo, đóng góp ý kiến và thẩm
định văn bản trước khi ban hành.
Bảy là, phát triển các hoạt động dịch vụ
gia đình có chất lượng nhằm hỗ trợ cán bộ nữ được bình đẳng hơn về cơ hội, tham
gia và thăng tiến trên con đường chức nghiệp.
--------------------------------
Ghi
chú:
(1)
Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007.
(2)
Quốc hội, Luật Bình đẳng giới, năm 2006, Chương II, Điều 14.
(3)
Chính phủ, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009, Điều 18.
(4)
Ban Dân vận Trung ương, Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW
ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khoá X) về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
(5)
Tổng hợp số liệu của Ban Tổ chức, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
tháng 12/2012.
(6)
Văn kiện Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, Phụ lục số liệu, năm 2012.
(7)
Tổng hợp số liệu của Ban Tổ chức, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
(8)
Tổng hợp số liệu của Ban Tổ chức, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
tháng 9/2013.
(9)
Ban Tổ chức Trung ương, Hướng dẫn số 33-HD/BTCTW ngày 25/9/2009.
(10)
Công văn số 1611-CV/BTCTW ngày 29/3/2007 "một số vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ".
(11)
Quốc hội, Luật Bình đẳng giới, Chương III, Điều 19, khoản 1.
(12)
Ngân hàng Thế giới, Đánh giá Giới tại Việt Nam, tr.70.
(13)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UNDP, Đề tài Đề xuất chính sách tạo điều kiện
cho cán bộ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, 2010.
(14)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phụ lục số liệu báo cáo đánh giá nhiệm kỳ
2007-2012, năm 2012 và Bộ Nội vụ, Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc
gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, năm 2010.
(15)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phụ lục số liệu báo cáo đánh giá nhiệm kỳ
2007-2012, năm 2012.