Ngày 06/1/2010, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ; ngày 27/2/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 296/CT-TTg về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Trường Đại học Vinh vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm đơn vị chỉ đạo điểm trong khu vực Bắc Trung Bộ. Vì vậy, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện với mục đích xem đây khâu đột phá để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học của Trường một cách bền vững, góp phần vào sự đổi mới toàn diện của giáo dục đại học Việt Nam.
Trước hết, Nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 05 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện, mỗi hoạt động đều chỉ rõ: mục tiêu cần đạt được, người phụ trách, đơn vị tổ chức thực hiện, các đơn vị phối hợp và nguồn lực thực hiện. Chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức thảo luận trong cán bộ, đảng viên, công chức và sinh viên “Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học”; đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Mở chuyên mục Đổi mới quản lý giáo dục đại học trên Trang Thông tin điện tử của Nhà trường. Tại chuyên mục có các nội dung: văn bản, tin hoạt động và kết quả tổ chức thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học của Nhà trường và các đơn vị. Tổ chức hội nghị dân chủ sinh viên qua Trang Thông tin điện tử của Nhà trường để thảo luận, hiến kế, đề xuất ý tưởng thực hiện đổi mới quản lý giáo dục, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Nhà trường.
Để đổi mới công tác quản lý, Nhà trường đã kiện toàn tổ chức bộ máy; hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các đơn vị; chuẩn hoá cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo thành lập hoặc sáp nhập một số đơn vị để thích ứng với tình hình đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý như khoa Điện tử Viễn thông, Trung tâm Đào tạo từ xa, Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp, Trung tâm Thực hành pháp luật và Tư vấn pháp lý, Trung tâm Thể dục - Thể thao, Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm, 2 văn phòng đại diện tại tỉnh Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Đại học Vinh. Nhà trường đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, triển khai phần mềm Văn phòng điện tử eOffice, giúp nhà trường quản lý theo mô hình nhà trường điện tử đảm bảo thông tin được trao đổi nhanh chóng, thuận tiện, giảm các chi phí theo mô hình quản lý truyền thống. Nhà trường đã thực hiện khoán tự chủ về tài chính cho một số đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả lao động, tăng nguồn thu như Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Ban Quản lý các dự án xây dựng, Trường Trung học phổ thông Chuyên... Nhà trường đã xây dựng và ban hành mới hệ thống văn bản có liên quan đến công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, sinh viên đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và đúng quy định như: kế hoạch chiến lược phát triển Trường Đại học Vinh giai đoạn 2011-2020; quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; quy chế chi tiêu nội bộ; quy định về quản lý các hoạt động khoa học công nghệ; quy chế tổ chức hoạt động công tác văn thư; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; quy định về tuyển dụng cán bộ; quy định thu và quản lý các khoản thu đối với học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh; quy định về công tác học sinh, sinh viên...
Đảng ủy Nhà trường luôn quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ; khắc phục có kết quả những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Giai đoạn 2010-2012, Nhà trường đã thực hiện điều chuyển gần 80 lượt cán bộ nhằm phát huy năng lực của cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác. Bổ nhiệm Trưởng bộ môn cùng nhiệm kỳ của Ban chủ nhiệm khoa theo định hướng "Tiến sĩ hóa" đội ngũ này; bổ nhiệm trưởng, phó các đơn vị theo hướng trẻ hoá và sử dụng các cán bộ có học hàm, học vị, năng lực quản lý. Hiện nay Trường có trưởng khoa trẻ nhất là 36 tuổi, phó khoa trẻ nhất là 28 tuổi. Bước đầu đổi mới phương thức tuyển dụng cán bộ theo hướng khách quan, công bằng và có yếu tố cạnh tranh. Phát triển đội ngũ giảng viên trên nguyên tắc tránh độc quyền về chuyên môn, mỗi môn học có ít nhất 2 cán bộ đảm nhận, mỗi cán bộ phụ trách ít nhất 2 học phần. Đối với các khoa đào tạo sư phạm, Nhà trường chỉ tuyển người có bằng tốt nghiệp đại học xuất sắc hoặc loại giỏi và có học vị thạc sỹ. Đối với các khoa ngoài sư phạm, ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, hạn chế tuyển sinh viên tốt nghiệp loại khá. Nhà trường định kỳ rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ quản lý, lãnh đạo, quy hoạch trưởng bộ môn, cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đầu tư kinh phí thích đáng cho việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch nâng cao trình độ ngoại ngữ (chú trọng tiếng Anh) cho cán bộ giảng dạy trẻ và cán bộ có học hàm Tiến sĩ giai đoạn 2011-2013. Nhờ vậy tính đến tháng 3/2012, Trường Đại học Vinh đã có đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về chất lượng với 131 tiến sĩ (tăng 18 người so với năm 2010); 381 thạc sĩ (tăng 29 người so với năm 2010); 55 giáo sư, phó giáo sư (tăng 12 người so với năm 2010). Ngoài ra, Trường còn có 135 cán bộ đang đi làm nghiên cứu sinh, 84 cán bộ đi học thạc sỹ trong và ngoài nước.
Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiện nay, Trường có cơ cấu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đa cấp với 43 ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy; 28 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; 13 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Từ năm 2007, Trường Đại học Vinh đã thực hiện chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế học phần sang hệ thống tín chỉ. Trường đã xây dựng và công bố công khai chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy. Công tác sàng lọc, phân loại sinh viên trong quá trình đào tạo được được diễn ra ngay trong quá trình học tập của sinh viên. Năng lực tự học, tính chủ động trong việc lựa chọn nội dung, tiến độ học tập của sinh viên được nâng lên. Cùng với việc chuyển đổi phương thức đào tạo thì Nhà trường đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với học chế tín chỉ. Thực hiện triệt để việc tách hoạt động giảng dạy với thi kiểm tra, đánh giá. Công tác khảo thí được giao cho Trung tâm Đảm bảo chất lượng thực hiện trên cơ sở ngân hàng đề thi của tất cả các học phần. Việc làm này đã tránh được tình trạng cắt xén chương trình giảng dạy. Trường đặc biệt quan tâm đổi mới chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo được điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, có cấu trúc mềm dẻo, dễ điều chỉnh và cập nhật để tăng khả năng liên thông giữa các ngành, các hệ. Việc điều chỉnh chương trình được thực hiện theo hướng tăng số lượng giờ xêmina, thảo luận, thực hành, thí nghiệm, trong đó có những ngành số giờ thực hành, thí nghiệm tăng gấp đôi (ngành điện tử viễn thông 342 giờ so với chương trình cũ 175 giờ, sư phạm Hóa học 244 giờ so với chương trình cũ 130 giờ...). Do vậy, kỹ năng thực hành của sinh viên đã được nâng lên. Bên cạnh đó, Trường luôn coi trọng công tác rèn nghề cho sinh viên. Chủ động làm việc với các công ty, doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng; tổ chức các hoạt động giao lưu giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng với sinh viên để có được thông tin về nhu cầu xã hội, ý kiến nhận xét, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành nhằm điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình đào tạo; đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động thực tập nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng, tích luỹ kinh nghiệp phục vụ quá trình công tác sau khi tốt nghiệp. Nhà trường quy định tháng 11 hàng năm là tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm, tháng 3 là tháng rèn nghề cho sinh viên các ngành ngoài sư phạm. Trong tháng rèn nghề tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, với các hình thức phong phú thông qua đó sinh viên tích lũy và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, chất lượng đào tạo hàng năm đã được nâng lên. Năm 2011, có 9 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc (tăng 7 em so với năm 2010); 229 em loại giỏi (tăng 101 em so với năm 2010); 2.014 em loại khá (tăng 861 em so với năm 2010); 489 em loại trung bình khá (giảm 692 em so với năm 2010).
Với quy mô gần 35.000 học sinh, sinh viên, học viên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiềm tiềm ẩn khó lường thì công tác quản lý học sinh, sinh viên được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Nhà trường đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ của phòng Công tác chính trị và Học sinh, sinh viên để tăng cường công tác quản lý người học. Với khẩu hiệu hành động “Trường Đại học Vinh là nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ”, với quan điểm người học là "khách hàng" đặc biệt được thụ hưởng những gì tốt nhất từ phía Nhà trường và của mỗi cán bộ, giảng viên nên Trường đã làm tốt công tác quản lý sinh viên nhất là sinh viên ngoại trú thông qua việc thiết lập mối liên hệ thường xuyên với chính quyền địa phương, với mỗi gia đình có người học của trường cư trú. Công tác đánh giá, xếp loại sinh viên được tiến hành nghiêm túc từ cơ sở các lớp và khoa đào tạo. Việc cấp phát chế độ học bổng khuyến khích học tập, chế độ ưu tiên đối với người học theo luật định được nhà trường thực hiện nghiêm túc và công khai. Từ năm 2010 đến nay, Nhà trường đã ban hành 32 văn bản và mẫu biểu về công tác học sinh, sinh viên. Trung tâm Phục vụ sinh viên của Trường có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong học tập, liên hệ với các doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Đảng ủy đã chỉ đạo các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động để tập hợp, giáo dục, rèn luyện đoàn viên, hội viên. Qua các hoạt động, nhiều sinh viên xuất sắc đã vinh dự được kết nạp Đảng. Trung bình mỗi năm Đảng bộ kết nạp được từ 250 đến 300 sinh viên vào Đảng, vượt chỉ tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước, là trường đại học có số lượng sinh viên được kết nạp Đảng lớn nhất trong cả nước. Tất cả đảng viên sinh viên tốt nghiệp ra Trường đều tìm được việc làm ngay, một số đảng viên được cử giữ những chức vụ, đảm nhận những công việc quan trọng trong các trường học, cơ quan, đơn vị.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo, Nhà trường đã chỉ đạo nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, phục vụ đào tạo và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ, có hiệu quả hơn về quy trình xét chọn đề tài, thời gian thực hiện, kinh phí, cách thức đánh giá nghiệm thu. Xây dựng phần mềm quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư về kinh phí, nhân lực cho những đề tài nghiên cứu lớn, đáp ứng yêu cầu chuyên môn của ngành đào tạo hoặc do thực tiễn đặt ra. Tăng cường chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu và khuyến khích phát triển thành khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ. Khuyến khích sinh viên, học viên tham gia với cán bộ giảng dạy nghiên cứu các đề tài, thực hiện các chương trình, dự án. Tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với nhu cầu xã hội thông qua việc liên kết, hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp. Hình thành nhóm các nhà khoa học để tổ chức xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và nghị định thư. Trong năm 2011, Trường đã triển khai 4 đề tài khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Trường đã ký chương trình hợp tác toàn diện với 2 huyện Quế Phong và Kỳ Sơn cho giai đoạn 2010-2015. Các chương trình hợp tác tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các đề tài chuyển giao công nghệ giúp nhân dân miền núi phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo vệ bền vững môi trường. Hàng năm, Nhà trường đã trích phần kinh phí đáng kể để thưởng cho các tác giả và tập thể tác giả có công trình khoa học công bố quốc tế. Năm 2010, có 11 cán bộ được khen thưởng công trình đăng báo quốc tế với số tiền 33.360.000 đồng. Năm 2011, có 36 cán bộ được khen thưởng công trình đăng báo quốc tế với số tiền 115.785.000 đồng. Trong 2 năm 2010, 2011, Trường đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học. Trong đó, có các hội thảo quốc tế về sinh học, vật lý, hóa học, khoa học vật liệu... thu hút nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu... trên thế giới về dự và trình bày báo cáo.
Trong công tác xây dựng cơ sở vật chất, Nhà trường đã tăng cường và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà trường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính kế hoạch, tính hiệu quả, minh bạch trong điều hành ngân sách để thực hiện tốt yêu cầu ba công khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước xã hội về hoạt động của Trường. Vào đầu mỗi năm học, các đơn vị trong Trường đều xây dựng kế hoạch năm học và được Hội đồng khoa học và đào tạo Nhà trường phê duyệt. Căn cứ vào chương trình công tác và các quy định hiện hành của nhà nước về công tác tài chính, căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ, Trường có kế hoạch phân bổ ngân sách hợp lý cho các đơn vị. Nhà trường thực hành tiết kiệm trong mọi hoạt động, đặc biệt là tiết kiệm điện, nước, xăng, dầu; tiết kiệm nhân lực; tiết kiệm trong việc tổ chức hội họp, tiếp khách, hội thảo; mua văn phòng phẩm; mua báo, tạp chí... Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện 3 công khai theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/05/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; công khai thu, chi tài chính. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Đa dạng hoá nguồn thu của Trường và tự chủ hạch toán thu, chi theo nguyên tắc thu đủ bù các khoản chi hợp lý, có tích luỹ tái đầu tư phát triển Nhà trường. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm đảm bảo sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có khả năng học tập đều được đi học; đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ các nguồn tài trợ từ bên ngoài cho giáo dục. Áp dụng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về học phí để xây dựng mức thu học phí, lệ phí của Trường; việc thu học phí tăng phải gắn với nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhìn chung, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 05 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Trường Đại học Vinh đã có những giải pháp đổi mới quản lý giáo dục đại học một cách toàn diện, quyết liệt, có tính đột phá. Quá trình thực hiện các chủ trương, hoạt động mới luôn nhận được sự ủng hộ của cán bộ, công chức và học sinh, sinh viên, học viên toàn Trường, mọi thành viên đều cảm thấy được chủ động trong công việc, gắn bó với tập thể và phát huy hết tài năng trí tuệ để xây dựng và phát triển Nhà trường. Với những thành tích đã đạt được, ngày 11/7/2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký Công văn số 1136/TTg-KGVX về việc đồng ý bổ sung Trường Đại học Vinh vào danh sách các trường đại học xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của Chính phủ đối với sự phát triển vững mạnh và vị thế của Trường Đại học Vinh trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia.