Phạm Quang Minh,
Nguyễn Văn Chính
Thời gian gần đây đã có nhiều đại học, cơ quan
nghiên cứu thảo luận, đưa vào chương trình nghị sự việc nâng cấp chất lượng tạp
chí KHXH&NV đạt chuẩn quốc tế. Trong bài viết này, trên cơ sở quan sát và
hiểu biết cá nhân, chúng tôi thử phân tích những điểm yếu của các tạp chí khoa
học xã hội nhân văn và đề xuất một vài kiến nghị cụ thể nhằm cải thiện chất
lượng của các tạp chí này theo các chuẩn mực quốc tế.
Chúng
ta hoàn toàn có thể và cần phải tiến đến phổ thông hóa loại hình “tạp chí theo
chuẩn quốc tế” trong khi phấn đấu để tiến đến xây dựng một số “tạp chí quốc tế”
thuộc danh mục ISI và Scopus. Tuy nhiên, cũng không thể làm đại trà loại hình
tạp chí quốc tế được vì cần có nguồn lực về con người, về vật chất và tạo được
mạng lưới liên kết, hợp tác quốc tế với các học giả và cơ quan xuất bản quốc
tế. Trong điều kiện hầu hết các cơ quan khoa học mạnh ở nước ta đều đặt dưới sự
quản lý trực tiếp của nhà nước nên việc đầu tư hay hỗ trợ có trọng điểm cho một
hai tạp chí phát triển thành “tạp chí quốc tế” sẽ khả thi hơn. Mặt khác, cần
đặt ra một lộ trình và có những yêu cầu bắt buộc đối với các tạp chí khoa học
còn lại phải “quốc tế hóa” quy trình tuyển bài, bình duyệt, và các yêu cầu kỹ
thuật trong xuất bản tạp chí khoa học.
Những "tử huyệt" của các tạp chí
KHXH&NV ở nước ta hiện nay
Cho đến
nay, các tạp chí về KHXH&NV vẫn được xếp vào nhóm báo chí, và công
tác xuất bản của tạp chí được xem như hoạt động tuyên truyền văn hóa, chính trị
và xã hội. Những người làm công tác biên tập của tạp chí được cấp thẻ phóng
viên và chịu sự quản lý nghiệp vụ báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thực ra, hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học không giống như hoạt động tuyên
truyền, bởi thuật ngữ tuyên truyền (Propaganda) có ngụ ý cung cấp thông tin một
chiều nhằm thuyết phục người khác, trong khi tính minh bạch thông tin lại không
rõ ràng. Thông tin trong khoa học, ngược lại, phải minh bạch, nhiều chiều và có
tính tranh luận, phê bình. Tình trạng tréo ngoe như vậy làm ta thấy đôi khi có
những tạp chí khoa học không khác tạp chí tuyên truyền minh họa là mấy.
Tình
trạng lưỡng nan như nói ở trên, cùng với các ràng buộc khác, đã đặt các tạp chí
khoa học và các nhà nghiên cứu xã hội nhân văn trước một số vấn nạn, mà chúng
tôi có thể gọi là những “tử huyệt” của khoa học xã hội, nếu không vượt qua được
thì không thể hy vọng có các tạp chí chuẩn quốc tế. Ít nhất, có năm vấn đề sau
đây cần được nêu lên để thảo luận.
Thứ
nhất, điểm yếu về nội dung của bài vở trên các tạp chí khoa học xã hội thường
thấy là tình trạng nghèo nàn về nội dung, nặng về minh họa, kém thuyết phục về
phương pháp thường không cập nhật được tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
về chủ đề mình đang nói tới, và hậu quả là không hội nhập được nghiên cứu của
mình vào dòng chảy học thuật chung, có liên quan trực tiếp đến chủ đề nghiên
cứu mà mình đang theo đuổi. Tình trạng này gây ra ba hệ quả trầm trọng. Một là
nó làm cho nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn của ta giống như đang diễn ra
trong ao làng, mình viết mình đọc, mình tự khen nhau mà không thu hút được sự
quan tâm của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Hai là nó không làm nổi bật được
đóng góp mới của nghiên cứu do thiếu khảo cứu và cập nhật tình hình nghiên cứu
của những học giả khác trong và ngoài nước về cùng chủ đề. Thậm chí có những
chủ đề đã được nghiên cứu và công bố từ lâu ở nước ngoài nhưng trong nước không
biết và không cập nhật. Và ba là nó không khuyến khích tạo ra các tranh luận
khoa học để tìm ra phát hiện mới. Cần phải nhấn mạnh rằng trong KHXH&NV,
nếu không có tranh luận và phê bình học thuật được xây dựng trên cơ sở những cứ
liệu vững chắc thì khó có những phát hiện mới.
Thứ hai, công tác tuyển chọn bài vở và bình
duyệt được làm có tính hình thức và không tuân thủ các nguyên tắc bình duyệt
theo chuẩn mực, hoặc không có những chuẩn mực rõ ràng. Hầu hết các bài báo được
lựa chọn trên cơ sở cảm tính, và chỉ được bình duyệt nội bộ (internal review),
đôi khi chỉ là ý kiến của người quản lý tạp chí, chứ không phải là sự bình
duyệt kín của các đồng nghiệp có chuyên môn sâu ở bên ngoài tạp chí
(external/blind/peer review).1Một số tạp chí gần đây đã cố gắng gửi bài cho
người bình duyệt bên ngoài tạp chí nhưng các bài bình duyệt này thường có xu
hướng góp ý về kỹ thuật, thiếu tính phê phán và đề xuất hướng nâng cao chất
lượng học thuật của bài báo. Bài vở được bình duyệt qua loa làm cho trạng thái
hời hợt không được cải thiện nhiều sau khi gửi đăng.
Thứ ba, các bài báo
khoa học thường coi nhẹ việc trích dẫn khoa học, cả về mặt đạo đức nghề nghiệp
và kỹ thuật trích dẫn. Vì nhiều lý do mà người biên tập thường khuyên cắt bớt
phần thư mục hoặc các chú thích. Các quy định trích dẫn tài liệu của các tạp
chí quá đa dạng, không theo nguyên tắc hay thông lệ chung của thế giới. Chẳng
hạn như quy định về trích dẫn tài liệu khoa học cho nghiên cứu sinh và sinh
viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì hình thức mở ngoặc vuông, đánh số
tài liệu tham khảo và số trang. Cách làm này rất bất tiện, khi thêm bớt tài
liệu tham khảo lại phải đánh số lại, ít thông tin, hay nhầm lẫn, và không có
tạp chí khoa học nào trên thế giới còn làm theo cách này. Ngoài ra, chúng ta
vẫn chưa có các quy định về đạo đức nghề nghiệp khi dẫn nguồn tin, khai báo tên
người cấp tin, và tính minh bạch thông tin. Các hội nghề nghiệp như Liên hiệp
hội Khoa học và các Hội khoa học dường như vẫn đang đứng ngoài cuộc và ít can
dự vào vấn đề như đạo đức nghề nghiệp của hội viên mà để mặc chính quyền xử lý.
Thứ tư, có những lo
ngại hiển nhiên về những vấn đề bị coi là "nhạy cảm chính trị" hoặc
"bí mật quốc gia" ở cả phía các nhà nghiên cứu và phía các tạp chí
khoa học. Có những vấn đề khoa học quan trọng nhưng lại bị né tránh do lo sợ bị
dán nhãn “nhạy cảm chính trị”. Có những lĩnh vực nghiên cứu thậm chí còn không
có chuyên gia do bị né tránh quá lâu. Chẳng hạn, đến nay trong dân tộc học Việt
Nam hầu như không còn chuyên gia có hiểu biết sâu về người Hoa do các nhà
nghiên cứu e ngại chủ đề có thể nhạy cảm và dễ bị phiền toái, khó công bố. Vấn
đề thường hay được nêu lên nhất trong các thảo luận gần đây về viết bài công bố
quốc tế là xung đột giữa tự do học thuật và những phát biểu bị coi là nhạy cảm
chính trị. Cần phải thừa nhận tự do học thuật là nguyên tắc tối thượng trong
sáng tạo khoa học. Nhưng điều đó không có nghĩa là tự do nói xấu, xuyên tạc hay
đi ngược lại lợi ích của đất nước. Các vấn đề nghiên cứu phải được giải quyết
và đối xử trên tinh thần khoa học. Thực ra, việc thiên kiến chính trị là khó
tránh khỏi, thậm chí ở ngay cả những tạp chí thuộc nhóm ISI/Scopus2. Trong
KHXH&NV, mối liên hệ chặt chẽ giữa quan điểm chính trị và học thuật rất khó
tách bạch, bởi các nhà nghiên cứu hay các tạp chí khoa học đều chịu chi phối
bởi một tư tưởng chính trị nào đó. Nhưng vấn đề là thái độ ứng xử của chúng ta
trước những thiên kiến đó như thế nào. Thảo luận công khai minh bạch trên tinh
thần khoa học thay vì ngấm ngầm né tránh hoặc phê phán cực đoan thiếu khoa học
sẽ giúp chúng ta có thể đứng vững trên đôi vai của thần công lý.
Thứ năm, có một thực tế là vai trò của các hội đồng biên tập
của các tạp chí rất mờ nhạt trong khi người biên tập lại có thể tự cho mình cái
quyền cắt xén, thêm thắt, sửa chữa cho bài viết phù hợp tư tưởng của tạp chí mà
ít khi tham khảo ý kiến tác giả. Việc biên tập kỹ thuật và nội dung thường hay
bị bỏ qua và đôi khi người biên tập chỉ làm mỗi việc sửa chính tả và ngôn từ.
Nhìn vào danh sách hội đồng của các tạp chí, chúng ta thường thấy tên tuổi của
nhiều nhà khoa học uy tín, nhưng đôi khi chính họ cho biết hội đồng chỉ có tính
hình thức. Có những học giả nổi tiếng thế giới đã thẳng thắn chia sẻ với một
tạp chí: Tôi đồng ý tham gia vào hội đồng biên tập (Tạp chí KHXH&NV, trường
ĐH KHXH&NV) nhưng “Đừng nghĩ đưa tên của tôi vào thì sẽ làm uy tín của tạp
chí tăng lên”. Một học giả khác có tên trong hội đồng cũng chỉ ra tính hình
thức của danh sách: “Tôi thi thoảng nhận được yêu cầu bình duyệt, nhưng chưa
bao giờ nhận được lời đề nghị nào về tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tạp chí,
có lẽ là do ban biên tập muốn “giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát”. Ông giải thích
thêm rằng các tạp chí khoa học Việt Nam được dẫn dắt bởi một hệ thống quản lý
nhà nước mà các nhà khoa học, nhất là người nước ngoài, không thể can thiệp
được.
Giải pháp nào để hướng đến tạp chí chuẩn quốc tế và
tạp chí quốc tế?
Từ những “tử huyệt”
của tạp chí KHXH&NV nói trên, chúng tôi xin nêu một số gợi ý để tham góp
vào các cuộc thảo luận của giới khoa học nhằm tìm kiếm giải pháp phù hợp, phát
triển tạp chí khoa học Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.
Trước hết, chúng tôi
cho rằng muốn tạo cơ sở bền vững cho các tạp chí chuẩn mực quốc tế, phải bắt
đầu ngay từ bây giờ công tác đào tạo ở tất cả các bậc đại học và sau đại học
trong đó chú trọng rèn luyện cho sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học và
các kỹ năng thực hành nghiên cứu, viết bài, tranh luận khoa học và trích dẫn
tài liệu theo thông lệ quốc tế. Như đã chỉ ra ở trên, có những quy định về trích
dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế,
trong khi ở nhiều trường đại học, việc trau dồi kỹ năng phương pháp chưa được
chú trọng. Khi các trường đại học chuyển dịch theo hướng đại học nghiên cứu thì
việc dịch chuyển phương pháp đào tạo trên cơ sở project-based learning cho sinh
viên các năm cuối là một phương pháp thích hợp để tạo thói quen tư duy và kỹ
năng thu thập thông tin và phân tích. Cách đào tạo của các ngành KHXH&NV
hiện nay vẫn nặng về thuyết giảng mà không chú trọng các kỹ năng nghiên cứu.
Thứ hai, cần thiết
phải xây dựng một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp (ethic code) và đưa vào giảng
dạy ở các đại học định hướng nghiên cứu (research-oriented-university), các bậc
học sau đại học và phổ biến trong giới nghiên cứu về các nguyên tắc trích dẫn
khoa học, bảo vệ người cấp tin, và minh bạch thông tin. Cần vận động và tạo cơ
chế cho các hội đoàn nghề nghiệp như Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật và các hội
chuyên ngành tham gia sâu hơn vào việc tạo ra bầu không khí học thuật lành mạnh
thay vì trông chờ ở các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước.
Thứ ba, các tạp chí
khoa học cần phải được tách ra khỏi hệ thống tuyên truyền của báo chí và có cơ
chế quản lý thích hợp để đảm bảo tôn trọng tuyệt đối khách quan học thuật và
các tạp chí, với tư cách là cơ quan truyền bá tri thức khoa học không bị chi
phối bởi thiên kiến chính trị và lợi ích nhóm. Điều này không có nghĩa là khoa
học thoát ly khỏi chính trị, mà là đảm bảo cho khoa học phát huy được tốt hơn
vai trò của nó đối với xã hội.
Thứ tư, mỗi tạp chí
cần tập hợp được một hội đồng biên tập có năng lực, nhiệt tình, làm việc trên
cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí và chuẩn mực của một tạp chí quốc tế. Thêm nữa,
tạp chí cần chủ động mở rộng mạng lưới tác giả để có nguồn bài vở phong phú, đa
dạng, được tạo ra từ những công trình khoa học thực sự nghiêm túc thay vì ngồi
chờ tác giả gửi bài tới như hiện nay. Thành viên hội động biên tập nên có sự
tham gia của học giả trong và ngoài nước, và những nhà nghiên cứu có kinh
nghiệm làm việc ở tầm quốc tế. Có cơ chế khuyến khích những tên tuổi khoa học
có uy tín trong và ngoài nước tham gia viết bài cho tạp chí và lôi cuốn được
học giả nước ngoài tham gia biên tập và bình duyệt.
Thứ năm, cần tổ chức
xếp hạng tạp chí theo định kỳ thay vì lập một danh mục các tạp chí với những
tiêu chí còn mơ hồ và ít thay đổi như hiện nay. Việc xếp hạng không nên giao
cho một cơ quan nhà nước mà nên do Hội Liên hiệp các khoa học chủ trì, với sự tham
gia của các nhà khoa học có chuyên môn sâu trong và ngoài nước. Cần thiết phải
tạo ra một bộ tiêu chí và quy chuẩn của tạp chí khoa học theo chuẩn mực quốc tế
và các tạp chí cần được đánh giá và xếp hạng theo những chuẩn mực này thay vì
những chuẩn mực riêng lẻ, có tính địa phương.
Thứ sáu, khuyến khích
các tạp chí trong nước hợp tác xuất bản với các cơ quan, tổ chức khoa học có uy
tín của nước ngoài. Sự hợp tác có thể thực hiện ở nhiều cấp độ, như mời học giả
viết bài theo chuyên đề, mời các học giả có uy tín thế giới làm guest editor
cho các số chuyên đề của tạp chí cho đến ký kết các hiệp định hợp tác xuất bản
với một cơ quan xuất bản quốc tế có uy tín.
Thứ bảy, các tạp chí
cần mở rộng hình thức bài vở, thay vì chỉ tập trung vào các bài viết có tính
học thuật như hiện nay. Ngoài mục đưa tin các hoạt động khoa học trong nước và
trên thế giới, cần mở một phần điểm sách (literature review) trong nước và quốc
tế để giới thiệu những nghiên cứu mới. Mục này hầu hết các tạp chí khoa học có
uy tín trên thế giới đều làm, vì nó liên kết đọc giả, nhà nghiên cứu với cộng
đồng học thuật, và khuyến khích họ quan tâm đến những phê bình góp ý của tạp
chí. Một số tạp chí của ta hiện nay cũng có mục này, nhưng nghèo nàn về thông
tin và còn vu vơ trong nhận xét đánh giá, phê bình, góp ý, do đó chưa tạo được
sự kết nối và quan tâm của giới học thuật.
Cuối cùng, cần có quy
chế và chính sách khuyến khích công bố trực tuyến theo hình thức open access để
phổ biến tri thức khoa học ra cộng đồng học thuật. Nên học hỏi kinh nghiệm xây
dựng hệ thống công bố mở của Nhật Bản J-STAGE, trên cơ sở đăng ký dữ liệu VCI
và ACI. Các tạp chí khoa học xã hội của chúng ta hiện nay chủ yếu vẫn đang hoạt
động theo cơ chế bao cấp, với kinh phí được nhà nước rót vào hằng năm, và hầu
như chưa có tạp chí nào sống được từ nguồn bán tạp chí. Vấn đề quan trọng của
khoa học xã hội là tác động xã hội. Việc tạo hệ thống công bố trực tuyến theo
quy chế chặt chẽ chắc chắn sẽ giúp mở mang ảnh hưởng và góp phần làm tăng trích
dẫn khoa học của các tạp chí.
-----
Chú thích:
1 Trần Mạnh Tuấn
(2016). Nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học Xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bài viết trình bày tại hội thảo Viện HLKHXH Việt Nam, 20/6/2016. Tài liệu lưu
tại Viện thông tin Khoa học Xã hội, VASS.
2 Chẳng hạn, Daniel Klein
và Eric Chiang (2004) đã báo cáo kết quả khảo sát chỉ số trích dẫn các tạp chí
khoa học xã hội thuộc hệ thống ISI (Social Sciences Citation Index) và cho biết
có biểu hiện của xu hướng thiên vị tư tưởng chính trị (Daniel Klein and Eric
Chiang. The Social Science Citation Index: A Black Box—with an Ideological
Bias? Econ Journal Watch, Volume 1, Number 1, April 2004, pp 134–165). Trong
khi đó Albach Philip lại báo cáo xu hướng thiên kiến với các tạp chí ngoài
tiếng Anh (Albach Philip (2005). “Academic Challenges: The American
Professoriate in Comparative Perspective”. The Professoriate: Profile of a
Profession. Dortrecht: Springer. pp. 147–165)
Theo: tiasang.com.vn