ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
ĐẢNG UỶ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH Nghệ An, ngày 12 tháng 9 năm 2012
*
Số 818-HD/TV
HƯỚNG DẪN
về tiêu chuẩn, quy trình kết nạp người xin vào Đảng
và xét chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức
- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI;
- Căn cứ Quy định số 45-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI); Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 05/1/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 17/5/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề cụ thể về nghiệp vụ công tác đảng viên;
- Căn cứ Quyết định số 501-QĐ/TU ngày 26/6/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc giao quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy cơ sở Trường Đại học Vinh;
- Căn cứ thực tiễn của Đảng bộ Nhà trường, Ban Thường vụ Đảng ủy hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình kết nạp người xin vào Đảng và xét chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức như sau:
I. TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC XÉT ĐỂ KẾT NẠP VÀO ĐẢNG
1. Tiêu chuẩn
Điểm 2, Điều 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên (tính theo tháng, tại thời điểm chi bộ xét kết nạp); thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp Đảng.
2. Điều kiện
- Nếu người xin vào Đảng là cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên phải là người luôn nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nêu tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và năng lực sáng tạo trong công tác, giảng dạy; đoàn kết, gắn bó với tập thể, với quần chúng ở nơi làm việc và nơi cư trú; có đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường; hàng năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến trở lên;
- Nếu người xin vào Đảng là học sinh, sinh viên, học viên cao học phải là người luôn chấp hành tốt nội quy, quy chế của khoa và Nhà trường; có vai trò nòng cốt trong các chi đoàn, lớp; tích cực tham gia công tác đoàn thể, công tác xã hội và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, công tác Đoàn và phong trào thanh niên, cụ thể như sau:
+ Đối với học sinh: có điểm trung bình chung học tập đạt từ 8,0 trở lên và có ít nhất 1 giấy khen từ cấp Trường trở lên.
+ Đối với sinh viên hệ chính quy: có kết quả học tập từ đầu khoá học tính đến thời điểm xét đạt từ 2,90 trở lên và có ít nhất 1 giấy khen từ cấp Trường trở lên.
- Đối với học viên cao học: chỉ xét kết nạp những người có quá trình học tập liên tục từ bậc đại học lên Sau đại học tại Trường, điểm thi các môn chung và các chuyên đề phải từ 7,5 điểm trở lên tính đến thời điểm xét và có ít nhất 1 giấy khen từ cấp Trường trở lên.
- Nếu người xin vào Đảng là người dân tộc thiếu số, tôn giáo và các trường hợp đặc biệt khác, Ban Thường vụ Đảng ủy Trường sẽ xem xét, quyết định kết nạp vào Đảng.
II. QUY TRÌNH XÉT KẾT NẠP ĐẢNG
1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên
1.1. Đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường
Cụ thể hoá chủ trương và kế hoạch kết nạp đảng viên của Tỉnh uỷ phù hợp với đặc điểm của đảng bộ; chỉ đạo hướng dẫn các đảng bộ bộ phận, chi bộ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên. Định kỳ hàng tháng xét, chuẩn y đề nghị của các đảng uỷ bộ phận, chi bộ về kết nạp quần chúng vào Đảng. Thường xuyên kiểm tra cấp uỷ cấp dưới thực hiện kế hoạch phát triển đảng viên; hằng năm tổng kết rút kinh nghiệm và báo cáo Tỉnh uỷ.
1.2. Đối với đảng ủy bộ phận
Chỉ đạo, hướng dẫn chi bộ xây dựng và thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên. Định kỳ hàng tháng xét đề nghị của chi bộ để bổ sung, điều chỉnh danh sách cảm tình Đảng của đảng bộ bộ phận; xét đề nghị kết nạp đảng viên của chi bộ để báo cáo lên Ban Thường vụ Đảng ủy Trường; xét đề nghị cho cán bộ, đoàn viên đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
1.3. Đối với chi bộ
Đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng để xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể giáo dục, lựa chọn đoàn viên xuất sắc giới thiệu với chi bộ. Phân công đảng viên chính thức giúp đỡ và giao nhiệm vụ cho quần chúng để thử thách. Định kỳ hàng tháng xem xét, lựa chọn quần chúng vào danh sách cảm tình Đảng; đưa cảm tình Đảng không đủ tiêu chuẩn ra khỏi danh sách; xét quyết định cho cảm tình Đảng (đã học lớp bồi dưỡng, qua kiểm tra có nhận thức tốt về Đảng) được làm thủ tục xem xét kết nạp vào Đảng.
2. Thủ tục, trình tự xét kết nạp đảng viên
2.1. Tạo nguồn kết nạp Đảng
- Những cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên có triển vọng trở thành đảng viên đã học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng (có giấy chứng nhận do trung tâm bồi dưỡng chính trị hoặc cấp uỷ có thẩm quyền cấp và có giá trị trong vòng 60 tháng kể từ ngày cấp) thì được chi bộ phân công đảng viên chính thức bồi dưỡng cảm tình Đảng phấn đấu vào Đảng.
- Hàng tháng, trong số những cảm tình Đảng đã được chi bộ phân công đảng viên chính thức bồi dưỡng đảm bảo những tiêu chuẩn, điều kiện được xét để kết nạp Đảng quy định tại mục I của Hướng dẫn này, chi bộ tiến hành hội nghị thảo luận, nếu được 2/3 số đảng viên chính thức trở lên đồng ý cho cảm tình Đảng đó được làm hồ sơ để xét kết nạp Đảng thì chi bộ phân công đảng viên chính thức hướng dẫn cảm tình Đảng viết Đơn xin vào Đảng và khai Lý lịch của người xin vào Đảng. Chi bộ yêu cầu cảm tình Đảng lên Văn phòng Đảng uỷ Trường để nhận hồ sơ xét kết nạp đảng viên.
2.2. Hướng dẫn cảm tình Đảng viết Đơn xin vào Đảng
Người xin vào Đảng phải tự viết đơn (theo mẫu, không đánh máy), trình bày rõ những nhận thức của mình về mục đích, lý tưởng của Đảng, về động cơ xin vào Đảng.
2.3. Khai lý lịch và tiến hành thẩm tra lý lịch của người xin vào Đảng
Người vào Đảng tự khai lý lịch đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định và chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có điều nào không hiểu và không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ. Lý lịch phải được cấp uỷ thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.
- Những người cần thẩm tra lý lịch gồm: người xin vào Đảng, cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người xin vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
- Nội dung thẩm tra:
Đối với người xin vào Đảng: làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống.
Đối với người thân: làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Cách thức tiến hành thẩm tra:
+ Nếu người xin vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch của người xin vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh. Nếu vợ (chồng) của người xin vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng). Nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó; khi các cấp ủy cơ sở (ở quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc) đã xác nhận, nếu có nội dung nào chưa rõ thì đến ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng để thẩm tra làm rõ.
+ Đại diện chi bộ mang lý lịch của người xin vào Đảng trình Ban Thường vụ Đảng ủy Trường (qua Văn phòng Đảng uỷ) để kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch (chi ủy chưa nhận xét và Ban Thường vụ Đảng ủy chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch) và viết giấy giới thiệu đảng viên của chi bộ đi thẩm tra. Nếu địa điểm đến thẩm tra tại thành phố Vinh thì đảng viên của chi bộ trực tiếp mang giấy giới thiệu đến cấp uỷ nơi cần xác minh lý lịch. Nếu địa điểm đến thẩm tra ngoài thành phố Vinh thì Văn phòng Đảng ủy sẽ gửi công văn của Ban Thường vụ Đảng ủy và lý lịch của người xin vào Đảng đề nghị cấp ủy nơi cư trú xác minh lý lịch qua đường bưu điện. Cước gửi công văn thẩm tra, công tác phí cho đảng viên đi thẩm tra được thanh toán theo quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.
2.4. Lấy ý kiến của tổ chức đoàn thể nơi người xin vào Đảng sinh hoạt và chi ủy nơi người xin vào Đảng cư trú
Nếu kết quả xác minh, thẩm tra lý lịch không có vấn đề gì về lịch sử chính trị của gia đình và người xin vào Đảng thì đại diện chi bộ tổ chức lấy ý kiến của tổ chức đoàn thể nơi người xin vào Đảng đang sinh hoạt, công tác, học tập. Nếu là cán bộ thì lấy ý kiến của khoa, phòng, ban, trung tâm (nếu là đoàn viên thanh niên thì lấy ý kiến của chi đoàn cán bộ, nếu là đoàn viên công đoàn thì lấy ý kiến của công đoàn bộ phận). Nếu là học sinh, sinh viên, học viên thì lấy ý kiến của chi đoàn, Ban chấp hành liên chi đoàn.Việc lấy ý kiến nhận xét phải làm chu đáo, chặt chẽ, khách quan, bằng các hình thức phù hợp, trên cơ sở làm cho quần chúng hiểu rõ ý nghĩa việc quần chúng tham gia xây dựng Đảng, hiểu rõ điều kiện và tiêu chuẩn lựa chọn người vào Đảng, đề phòng vì cảm tình hoặc thành kiến cá nhân mà phát biểu không đúng sự thật. Thủ tục lấy ý kiến của tổ chức đoàn thể đối với người xin vào Đảng như sau:
- Nơi sinh hoạt, công tác, học tập: chi uỷ lấy ý kiến trực tiếp gồm: chi đoàn cán bộ, công đoàn bộ phận (đối với cán bộ), chi đoàn, Ban chấp hành liên chi đoàn (đối với học sinh, sinh viên, học viên). Ý kiến quần chúng phải được ghi chép đầy đủ và lấy ý kiến biểu quyết bằng phiếu kín.
- Lấy ý kiến của chi ủy hoặc chi bộ (nếu chưa có chi ủy) nơi cư trú của người xin vào Đảng: chi uỷ phân công đảng viên trực tiếp đến lấy ý kiến nếu nơi cư trú ở thành phố Vinh; chi ủy gửi công văn (có dấu xác nhận của Ban Thường vụ Đảng ủy) kèm theo phiếu nếu nơi cư trú ở xa.
- Sau khi lấy xong các ý kiến, chi uỷ tổng hợp ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi làm việc, nơi cư trú đối với người xin vào Đảng, báo cáo chi bộ kèm theo ý kiến của các tổ chức đã góp ý.
2.5. Người giới thiệu thứ nhất (một đảng viên chính thức của chi bộ được chi bộ phân công giới thiệu người xin vào Đảng)
Chi bộ phân công đảng viên chính thức giới thiệu người xin vào Đảng phải là người cùng sinh hoạt, công tác, lao động, học tập… với người xin vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ có thời gian ít nhất là 12 tháng. Nếu đảng viên giúp đỡ người vào Đảng chuyển công tác, thay đổi chỗ ở đến đảng bộ cơ sở khác, bị kỷ luật hoặc vì lý do khác không thể tiếp tục thì chi bộ phân công đảng viên chính thức khác theo dõi, giúp đỡ người xin vào Đảng (không nhất thiết đảng viên đó phải cùng sinh hoạt, công tác, học tập với người vào Đảng ít nhất 12 tháng). Đảng viên chính thức khi giới thiệu người xin vào Đảng phải viết giấy giới thiệu người vào Đảng nêu rõ những điểm chính về lý lịch, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác, quan hệ quần chúng của người vào Đảng; chịu trách nhiệm trước Đảng về những nội dung đó, tiếp tục giúp đỡ người vào Đảng có đủ điều kiện trở thành đảng viên chính thức. Đây là người giới thiệu thứ nhất.
2.6. Người giới thiệu thứ hai: Ban Thường vụ Đoàn trường hoặc 1 đảng viên chính thức thứ hai của chi bộ
- Nếu người xin vào Đảng đang ở trong độ tuổi đoàn thì chi bộ gửi Đơn xin vào Đảng, Lý lịch của người xin vào Đảng, bảng điểm kết quả học tập và biên bản sinh hoạt chi đoàn, biên bản họp Liên chi đoàn lên Ban Thường vụ Đoàn trường. Ban Thường vụ Đoàn trường xem xét, ra nghị quyết giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng, nội dung nghị quyết cần nêu rõ những ưu, khuyết điểm của đoàn viên về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác, quan hệ quần chúng; số uỷ viên tán thành, số uỷ viên không tán thành giới thiệu đoàn viên vào Đảng; chịu trách nhiệm về những nội dung giới thiệu và tiếp tục giáo dục bồi dưỡng người vào Đảng trở thành đảng viên chính thức. Nghị quyết này được gửi kèm theo nghị quyết đề nghị của chi đoàn nơi đoàn viên đang sinh hoạt. Nghị quyết của Ban Thường vụ Đoàn trường tương đương với người giới thiệu thứ hai.
- Nếu người xin vào Đảng không còn trong độ tuổi Đoàn thì chi bộ phân công thêm một đảng viên chính thức nữa để giới thiệu thay cho Ban Thường vụ Đoàn trường.
2.7. Nghị quyết của chi bộ xét kết nạp
Sau khi đã có đầy đủ các thủ tục trên thì chi bộ tiến hành hội nghị xem xét: Đơn xin vào Đảng, lý lịch của người xin vào Đảng, giấy giới thiệu của đảng viên chính thức; nghị quyết giới thiệu của Ban Thường vụ Đoàn trường hoặc giấy giới thiệu của đảng viên chính thức thứ hai, bản tổng hợp ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi sinh hoạt và ý kiến nhận xét của chi ủy nơi cư trú... Nếu được 2/3 số đảng viên chính thức trở lên biểu quyết đồng ý kết nạp người xin vào Đảng (việc biểu quyết được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết bằng thẻ đảng viên), thì chi bộ ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định. Nghị quyết nêu rõ kết luận của chi bộ về lý lịch; ý thức giác ngộ chính trị; ưu, khuyết điểm về phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác; quan hệ quần chúng… của người xin vào Đảng; số đảng viên chính thức tán thành, không tán thành. Nếu có đảng uỷ bộ phận thì chi bộ gửi toàn bộ hồ sơ xét kết nạp đảng viên lên đảng uỷ bộ phận.
2.8. Báo cáo đề nghị kết nạp đảng viên của đảng uỷ bộ phận (đối với những chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận)
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên của chi bộ, đảng uỷ bộ phận phải tiến hành kiểm tra lại lý lịch của người xin vào Đảng, các văn bản của chi bộ và báo cáo bằng văn bản đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy xét, kết nạp người xin vào Đảng. Thời gian không được quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày chi bộ ra nghị quyết kết nạp.
2.9. Quyết định của Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường kết nạp đảng viên
Sau khi nhận được toàn bộ hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên của chi bộ bao gồm: Đơn xin vào Đảng, lý lịch của người xin vào Đảng, giấy giới thiệu của đảng viên chính thức; nghị quyết giới thiệu của Ban Thường vụ Đoàn trường hoặc giấy giới thiệu của đảng viên chính thức thứ hai, bản tổng hợp ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi sinh hoạt và ý kiến nhận xét của chi ủy nơi cư trú, nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của chi bộ; báo cáo về việc thẩm định nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của đảng uỷ bộ phận (nếu có), Ban Tổ chức Đảng uỷ tiến hành thẩm định lại, trích lục tài liệu gửi các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ nghiên cứu. Ban Thường vụ Đảng ủy Trường họp xét, nếu được trên 1/2 số thành viên Ban Thường vụ Đảng ủy tán thành thì ra quyết định kết nạp đảng viên đối với người xin vào Đảng. Thời gian không được quá 60 ngày làm việc, kể từ ngày chi bộ có nghị quyết đề nghị kết nạp.
3. Thời hạn sử dụng văn bản trong hồ sơ xét kết nạp Đảng
Quá 12 tháng, kể từ khi lập hồ sơ đề nghị xét kết nạp người xin vào Đảng mà chi bộ chưa xem xét đề nghị kết nạp được thì phải làm lại các tài liệu sau: giấy giới thiệu người ưu tú vào Đảng của đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ người xin vào Đảng; nghị quyết giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng của Ban Thường vụ Đoàn trường; văn bản thẩm tra bổ sung lý lịch của người xin vào Đảng nếu có thay đổi so với thời điểm thẩm tra lần trước; ý kiến nhận xét bổ sung của tổ chức đoàn thể nơi người xin vào Đảng sinh hoạt và chi ủy chi bộ nơi cư trú đối với người xin vào Đảng.
Quá 60 tháng, kể từ khi người xin vào Đảng được cấp giấy chứng nhận đã học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng mà chi bộ chưa xem xét đề nghị kết nạp, thì chi bộ phải giới thiệu người xin vào Đảng học lại để được cấp giấy chứng nhận mới trước khi xem xét, kết nạp.
4. Tổ chức kết nạp đảng viên
Khi nhận được quyết định kết nạp đảng viên của Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường, trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, chi bộ phải tổ chức lễ kết nạp đảng viên. Lễ kết nạp đảng viên phải được tổ chức trang nghiêm; tiến hành kết nạp từng người một (nếu kết nạp từ hai người trở lên trong cùng một buổi lễ).
4.1. Trang trí lễ kết nạp
Trên cùng là khẩu hiệu: Đảng Cộng sản Việt Nam Quang vinh muôn năm; cờ Đảng, cờ Tổ quốc, tượng hoặc ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (bên trái), ảnh Mác - Lênin (bên phải).
Tiêu đề buổi lễ kết nạp như sau:
ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
CHI BỘ……………………………………
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN
Nghệ An, ngày / tháng / năm
4.2. Nội dung chương trình lễ kết nạp đảng viên
- Chào cờ (hát Quốc ca, Quốc tế ca).
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Bí thư chi bộ hoặc đại diện chi uỷ đọc quyết định kết nạp đảng viên của Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường.
- Đảng viên mới đọc lời tuyên thệ.
- Đại diện chi uỷ nói rõ nhiệm vụ, quyền hạn của người đảng viên, nhiệm vụ của chi bộ và phân công đảng viên chính thức giúp đỡ đảng viên dự bị phấn đấu trở thành đảng viên chính thức.
- Đại diện cấp ủy cấp trên phát biểu ý kiến (nếu có).
- Bế mạc (hát Quốc ca, Quốc tế ca).
5. Hồ sơ đảng viên
- Sau khi tổ chức lễ kết nạp đảng viên, chi uỷ ghi ngày tổ chức lễ kết nạp vào Quyết định kết nạp đảng viên (3 bản: 1 bản gửi cho Văn phòng Đảng ủy Trường để lưu hồ sơ đảng viên, 1 bản trao cho đảng viên, 1 bản lưu chi bộ) và ghi vào danh sách đảng viên của chi bộ theo quy định chung; hướng dẫn cho đảng viên mới viết lý lịch đảng viên, khai phiếu đảng viên.
- Chi uỷ gửi toàn bộ hồ sơ kết nạp đảng viên (như mục 2.9) kèm theo Quyết định kết nạp đảng viên, lý lịch đảng viên, phiếu đảng viên, 2 ảnh 3x4 của đảng viên… lên Văn phòng Đảng uỷ.
Hồ sơ và thủ tục xét kết nạp đối với trường hợp kết nạp lại cũng thực hiện đầy đủ theo trình tự trên.
III. QUY TRÌNH CÔNG NHẬN ĐẢNG VIÊN CHÍNH THỨC
1. Phân công đảng viên chính thức giúp đỡ đảng viên dự bị
Trong thời gian dự bị, chi bộ, tổ đảng (nếu có), phân công đảng viên chính thức giúp đảng viên dự bị định hướng chương trình công tác, học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ về chính trị, văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao phẩm chất đạo đức, phẩm chất cách mạng và năng lực công tác.
2. Thủ tục đề nghị công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức
2.1. Giấy chứng nhận học lớp đảng viên mới
Đảng viên dự bị phải học lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới do cấp ủy có thẩm quyền tổ chức. Kết thúc khóa học, học viên phải làm bài thu hoạch hoặc thi kiểm tra, nếu đạt sẽ được cấp giấy chứng nhận.
2.2. Bản tự kiểm điểm của đảng viên dự bị
Sau 12 tháng, kể từ ngày chi bộ kết nạp, đảng viên dự bị viết bản tự kiểm điểm nêu rõ ưu, khuyết điểm về thực hiện nhiệm vụ đảng viên, biện pháp khắc phục khuyết điểm, tồn tại và đề nghị chi bộ xét, công nhận đảng viên chính thức (nếu có tổ đảng thì tổ đảng góp ý kiến trước khi chi bộ xét).
2.3. Bản nhận xét về đảng viên dự bị của đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ
Đảng viên được phân công giúp đỡ viết bản nhận xét đảng viên dự bị nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm về lập trường tư tưởng, nhận thức về Đảng, đạo đức lối sống và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của đảng viên dự bị để báo cáo chi bộ.
2.4. Bản nhận xét của đoàn thể nơi sinh hoạt và chi ủy nơi cư trú
Phạm vi, hình thức tổ chức và thủ tục lấy ý kiến nhận xét của đoàn thể nơi sinh hoạt, công tác, học tập và chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị được tiến hành theo điểm II.2.4 của Hướng dẫn này. Chi ủy có đảng viên dự bị tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể mà người đó là thành viên và ý kiến nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị để báo cáo chi bộ.
2.5. Nghị quyết của chi bộ, báo cáo của đảng ủy bộ phận và quyết định công nhận đảng viên chính thức của Ban Thường vụ Đảng ủy Trường
Chi bộ nghe đảng viên dự bị, đảng viên được phân công giúp đỡ báo cáo để xét, nếu đủ điều kiện thì ra nghị quyết đề nghị công nhận đảng viên chính thức; nếu không đủ điều kiện thì đề nghị xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị. Sau khi xét, đề nghị công nhận đảng viên chính thức, chi bộ gửi hồ sơ chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức lên đảng uỷ bộ phận (nếu có), Ban Thường vụ Đảng ủy để xét và chuẩn y. Nội dung và cách tiến hành xét đề nghị công nhận đảng viên chính thức thực hiện theo điểm II.2.7, 2.8, 2.9 của Hướng dẫn này.
Đảng viên dự bị đủ điều kiện được công nhận là đảng viên chính thức, dù chi bộ họp chậm, Ban Thường vụ Đảng ủy có quyết định chuẩn y chậm, vẫn được công nhận đảng viên chính thức đúng thời điểm hết 12 tháng dự bị. Thời hạn từ khi chi bộ có văn bản đề nghị đến khi Ban Thường vụ Đảng ủy Trường công nhận chính thức không được quá 30 ngày làm việc. Sau khi có quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Trường công nhận đảng viên chính thức, chi ủy nơi đảng viên sinh hoạt công bố quyết định đó trong kỳ sinh hoạt chi bộ gần nhất. Tuổi Đảng của đảng viên được tính từ ngày cấp có thẩm quyền ký quyết định kết nạp.
2.6. Hồ sơ công nhận đảng viên chính thức
- Giấy chứng nhận học lớp đảng viên mới.
- Bản tự kiểm điểm của đảng viên dự bị.
- Bản nhận xét đảng viên dự bị của đảng viên được phân công giúp đỡ.
- Ý kiến nhận xét về đảng viên giữ mối liên hệ với chi uỷ nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị (của chi uỷ nơi cư trú).
- Tổng hợp ý kiến của tổ chức đoàn thể nơi đảng viên dự bị sinh hoạt và chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị.
- Nghị quyết đề nghị công nhận đảng viên chính thức của chi bộ.
- Báo cáo về việc thẩm định nghị quyết đề nghị công nhận đảng viên chính thức của đảng uỷ bộ phận (nếu có).
- Quyết định công nhận đảng viên chính thức của Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các tổ chức đảng và đảng viên có trách nhiệm thi hành. Các hướng dẫn trước đây trái với nội dung hướng dẫn này đều bãi bỏ.
Trên cơ sở hướng dẫn này, các đảng bộ bộ phận, các chi bộ căn cứ vào tình hình, đặc điểm cụ thể của đơn vị để triển khai thực hiện. Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ, Ban Tổ chức Đảng uỷ định kỳ kiểm tra việc thực hiện Hướng dẫn này ở các đảng bộ bộ phận, chi bộ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì chưa phù hợp, các cấp uỷ kịp thời phản ánh về Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường qua Văn phòng Đảng uỷ để Đảng uỷ chỉnh sửa, bổ sung.
Nơi nhận: T/M BAN THƯỜNG VỤ
- Tỉnh uỷ Nghệ An, BÍ THƯ
- Đảng ủy, Ban giám hiệu,
- Các đảng bộ bộ phận, chi bộ,
- Các ban của Đảng uỷ,
- Các đơn vị, các đoàn thể,
- Lưu Văn phòng Đảng ủy.
Đinh Xuân Khoa
818_2012_Huong_dan_Quy_trinh_ket_nap_Dang_120810181920.doc