Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thiết thực kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2012), sáng ngày 19/5/2012, Trường Đại học Vinh tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, giảng dạy về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tham dư hội thảo có trên 500 đại biểu. Về phía khách mời, gồm các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn Đông Phương Nghị (Trung Quốc); lãnh đạo các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy Nghệ An; lãnh đạo Hội khoa học Lịch sử Nghệ An, Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An, Hội Hữu nghị Việt - Trung tỉnh Nghệ An, Trung tâm Khoa học xã hội nhân văn tỉnh Nghệ An; lãnh đạo Thư viện Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Khu di tích Kim Liên; lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tương Dương, Phòng PA83 Công an tỉnh Nghệ An; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Tạp chí Văn nghệ quân đội... Về phía Trường Đại học Vinh có các đồng chí trong Đảng ủy, Ban giám hiệu; Bí thư, Phó Bí thư các Đảng bộ bộ phận, các chi bộ; Trưởng, phó các đơn vị; Ban Chấp hành các đoàn thể cấp Trường; toàn thể cán bộ, giảng viên và đại diện sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của 3 khoa Ngữ văn, Lịch sử và Giáo dục chính trị.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.NGƯT Đinh Xuân Khoa, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài và muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam. Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Nhà nước ta. Người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc. Người đã làm rạng danh dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta. Người là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, tiêu biểu cho trí tuệ, tinh hoa, văn hóa và khí phách Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, về đạo đức cách mạng trong sáng. Nhưng Người lại rất gần gũi, giản dị và thân thiết với mỗi chúng ta. Và chính vì vậy mà Người càng trở nên vĩ đại; tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người mãi mãi sống trong lòng chúng ta, mãi mãi soi đường dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn là một chủ đề hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu không những về các mặt tư tưởng, chính trị mà còn về văn hóa và tiểu sử cuộc đời. Không những các nhà nghiên cứu Việt Nam mà còn có nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài quan tâm. Trong thời gian gần đây, đã có một số cuộc hội thảo liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức. Nhưng nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Người là một quá trình lâu dài, liên tục. Tại Hội thảo “Nghiên cứu, giảng dạy về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”, các nhà khoa học sẽ trình bày một cách hệ thống, sâu sắc về thân thế và sự nghiệp của Người, từ đó khẳng định sự kiên định con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác và của nhân dân ta.
Tiếp đó, PGS.TS. Phạm Minh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã trình báo Báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học. Báo cáo cho biết trong một thời gian ngắn, sau khi gửi thông báo, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 75 báo cáo khoa học của nhiều giảng viên, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Bên cạnh sự quan tâm của các nhà phê bình, nghiên cứu chính trị, sử học, văn học, văn hóa... đến từ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Nghệ An, các học viện, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và Bạc Liêu, hội thảo còn nhận được sự hưởng ứng của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh ở Trung Quốc. Sự quan tâm đông đảo, rộng rãi và nhiệt tình của các nhà khoa học chứng tỏ Hội thảo là thực sự cần thiết, bổ ích; đồng thời thể hiện sự tri ân sâu sắc, niềm tự hào và ngưỡng mộ của hậu thế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Người. Tuy chủ đề của Hội thảo không mới nhưng đã được các tác giả tiếp cận từ những góc độ khác nhau, vừa khoa học, vừa thời sự, đồng thời có cách khai thác, xử lý tư liệu riêng, đề cập nhiều vấn đề trong nghiên cứu, giảng dạy về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính điều đó đã làm cho các báo cáo tham dự Hội thảo có giá trị học thuật và ý nghĩa thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lưu Gia Khải, Trợ lý Tổng Giám đốc, Thư ký học thuật Tập đoàn Đông Phương Nghị (Trung Quốc) đã thay mặt lãnh đạo Tập đoàn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; mong muốn Trường Đại học Vinh sẽ đẩy mạnh các hoạt động của Trung tâm nghiên cứu Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy, nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, các độc giả trong và ngoài Trường. Đồng chí cũng khẳng định trong những năm tới Tập đoàn Đông Phương Nghị sẽ tiếp tục hợp tác có hiệu quả hơn nữa với Trường Đại học Vinh để tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc.
Các tham luận tại hội thảo đã phân tích, đánh giá sâu sắc hơn về quá trình hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Quảng Tây, Quảng Châu, Nam Ninh, Quế Lâm (Trung Quốc) và Liên Xô. Các báo cáo cũng chỉ rõ vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc bồi dưỡng thanh niên yêu nước, đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc. Quá trình hoạt động ở nước ngoài đã giúp Người trang bị những kiến thức cơ bản có tính hệ thống về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, về cách mạng vô sản, về xây dựng Đảng cách mạng của giai cấp công nhân, về kinh nghiệm xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa… Người đã tìm thấy con đường phát triển đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc ta từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Người đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam. Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, dẫn dắt nhân dân ta hòa chung vào xu thế phát triển tất yếu của thời đại, gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Đồng thời, góp phần to lớn vào việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng vô sản nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới và Châu Á nói riêng. Qua nghiên cứu toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh có liên hệ với thực tiễn, các báo cáo đã góp phần bảo vệ và phát triển học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong công cuộc đổi mới mà còn có giá trị bền vững, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước; đồng thời đề xuất bổ sung phát triển đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Hùng khẳng định Hội thảo đã làm rõ một số vấn đề học thuật liên quan tới thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tiến hành biên tập và xuất bản Kỷ yếu chính thức trong thời gian sớm nhất.
PGS.TS.NGƯT Đinh Xuân Khoa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Lưu Gia Khải - Trợ lý Tổng Giám đốc, Thư ký học thuật tập đoàn Đông Phương Nghị phát biểu
PGS. TS Phạm Minh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trình bày báo cáo đề dẫn
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo
PGS.TS.NGƯT Đinh Xuân Khoa và ông Lưu Gia Khải ký kết thỏa thuận hợp tác