Thực hiện Kế hoạch số 108-KH/TU ngày 28/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 01-CV/BCĐ ngày 24/2/2014 của Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới của Tỉnh ủy, ngày 06/3/2014, Ban Thường vụ Đảng ủy Trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm đổi mới về xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Trưởng các ban của Đảng ủy, Trưởng các đoàn thể cấp Trường, Bí thư các đảng bộ bộ phận, Bí thư các chi bộ, Trưởng các đơn vị trực thuộc trong toàn Trường. Đồng chí Đinh Xuân Khoa, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Phạm Minh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường trình bày Dự thảo Báo cáo của Ban Thường vụ Đảng ủy Trường tổng kết 30 năm đổi mới về xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng.

Báo cáo đã khẳng định những kết quả mà Đảng bộ Nhà trường đã đạt được trong thời gian qua:

- Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ Nhà trường luôn nắm vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với Chính quyền. Cơ chế: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý được xác định là cơ chế chung trong quản lý toàn bộ hoạt động của nhà trường . Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy đã xác định trong phương thức cầm quyền, Đảng ủy lãnh đạo chính quyền (Ban Giám hiệu) thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ủy thành kế hoạch, quy chế, quy định… và tổ chức thực hiện. Đảng ủy luôn phát huy sức sáng tạo, tôn trọng ý kiến phản biện và tự do học thuật của cán bộ và người học trên tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, bình đẳng và vì lợi ích chung. Đảng ủy luôn luôn là một tập thể đoàn kết, thống nhất, dân chủ trong mọi hoạt động. Mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy, Ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể quần chúng gắn bó chặt chẽ, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

- Đảng uỷ Trường Đại học Vinh là hạt nhân chính trị, lãnh đạo Nhà trường thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ công tác của Nhà trường; hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng; xây dựng đảng bộ và Nhà trường vững mạnh. Đảng bộ Trường Đại học Vinh là 1 trong 27 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Từ năm 1998 đến năm 2013, Đảng bộ Trường 16 năm liên tục được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tặng Bằng khen Đảng bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh.

- Trước năm 2010, chức danh Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng Nhà trường do 2 người đảm nhận. Đảng ủy đã xây dựng quy chế làm việc trong đó quy định rõ mối quan hệ giữa Đảng ủy và chính quyền mà cụ thể là với đồng chí Hiệu trưởng - Thủ trưởng đơn vị. Theo đó chế độ làm việc định kỳ giữa Đảng uỷ và Hiệu trưởng được thực hiện trên cơ sở đảm bảo đúng nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, quản lý. Từ năm 2010 đến nay, chức danh Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng được nhất thể hóa và do một người đảm nhận vì vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và sự điều hành, quản lý của Ban giám hiệu đã được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

- Ban Chấp hành Đảng bộ Trường, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ bản bám sát và thực hiện tốt chương trình công tác đã xác định, lãnh đạo bao quát được toàn diện các lĩnh vực và tập trung vào những vấn đề trọng tâm; không sa vào các nội dung cụ thể thuộc phạm vi điều hành của chính quyền. Phương thức chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy tiếp tục được đổi mới theo hướng giảm họp, giảm văn bản giấy tờ; thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của cấp trên. Tăng cường cập nhật, đưa các thông tin lên Trang thông tin điện tử của Đảng ủy để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động trong Trường. Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy thường xuyên nghe báo cáo và cho ý kiến về hoạt động của Ban giám hiệu và các khoa, phòng, ban, trung tâm, trạm, trường trực thuộc để điều hành hoạt động của Nhà trường theo hướng dân chủ, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả. Hàng tháng, hàng quý, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy đều tự kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao để rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.

- Đảng ủy đã chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong thực thi nhiệm vụ, giải quyết công việc có chuyển biến hơn. Nhà trường đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, triển khai phần mềm Văn phòng điện tử eOffice, giúp nhà trường quản lý theo mô hình nhà trường điện tử đảm bảo thông tin được trao đổi nhanh chóng, thuận tiện, giảm các chi phí theo mô hình quản lý truyền thống. Chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của Nhà trường, tăng cường phân cấp quản lý, tạo quyền chủ động cho các đơn vị, giảm bớt phiền hà trong thủ tục, thực hiện các chế độ chính sách kế toán mới, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhà trường đã xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ; quy định mua sắm tài sản công; quy chế hội đồng giá; xây dựng quy chế quản lý thu và quy trình thanh toán nội bộ... nhờ vậy đã đưa việc quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước và các nguồn thu của Trường đi vào nề nếp, hiệu quả.

- Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, Đảng ủy luôn chăm lo bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, đội ngũ giảng viên để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển. Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy trực tiếp chủ trì và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức cán bộ theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Những vấn đề về chủ trương, chính sách, đánh giá, bố trí, sử dụng, điều động, đề bạt, khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ đều được Ban Thường vụ Đảng ủy quyết định theo đa số. Nhà trường đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về chất lượng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Nhà trường luôn viết, nói và làm theo đúng chủ trương, nghị quyết, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác; luôn giữ gìn tư cách, đạo đức, nêu cao tính gương mẫu của người đảng viên, chấp hành tốt quy định về những điều đảng viên không được làm; giữ mối liên hệ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tích cực tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở đơn vị nơi công tác và địa phương nơi cư trú; luôn chấp hành sự phân công, điều động, luân chuyển của tổ chức; thực hiện chế độ sinh hoạt Đảng và đóng đảng phí theo quy định; thực hiện tốt nội quy, quy chế của tổ chức đảng, đơn vị và đoàn thể.

- Đảng ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ năm 2006 đến nay; xác định đây là giải pháp hàng đầu để làm tốt công tác chính trị, tư tưởng. Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và Hiệu trưởng Nhà trường đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong toàn Trường việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Nhận thức về Đảng và công tác xây dựng Đảng trong cán bộ, đảng viên được nâng lên. Thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy đã góp phần củng cố, nâng cao và tạo sự thống nhất tư tưởng trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế. Từ đó, mỗi cấp ủy và cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc, đề cao ý thức tự giác trong việc thực hiện Nghị quyết.

Báo cáo tổng kết của Ban Thường vụ Đảng ủy Trường cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng cần sửa chữa, khắc phục để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp:

- Việc lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cụ thể hoá một số nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án của Trung ương và Tỉnh uỷ có nơi chưa kịp thời, thiếu những biện pháp có tính đột phá, đồng bộ và đủ mạnh để tổ chức thực hiện nên có một số chỉ thị, nghị quyết hiệu quả thực hiện chưa cao.

- Một số chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, Nhà trường đến với cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên có nơi chưa kịp thời.

- Chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính, phục vụ cán bộ, học sinh, sinh viên chưa đồng đều giữa các đơn vị. Chỉ đạo sự phối kết hợp giữa một số đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao có lúc chưa nhịp nhàng.

- Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm nề nếp công tác, vi phạm quy chế đào tạo, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; vi phạm tư cách đảng viên, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng bị kỷ luật.

Tổng kết 30 năm đổi mới về xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm sau:

- Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách và quan điểm chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Trường kịp thời xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, hệ thống giải pháp phù hợp, đồng thời có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các đồng chí cấp ủy viên và các đơn vị để tổ chức thực hiện một cách khoa học, hiệu quả.

- Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế của các tổ chức và cấp uỷ đảng. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc triển khai các chương trình công tác; kiểm điểm kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Không ngừng đổi mới phong cách, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng sâu sát cơ sở.

            - Luôn giữ vững sự ổn định về chính trị, xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên Nhà trường. Thực hiện dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch trong mọi hoạt động, tất cả vì mục tiêu xây dựng Trường Đại học Vinh phát triển toàn diện, vững mạnh, là trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục của khu vực Bắc Trung Bộ.

- Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ban, Ngành từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, chủ động thực hiện các giải pháp để khơi dậy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường.

- Chăm lo công tác tổ chức và cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, có phẩm chất, đạo đức tốt, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và có ý thức trách nhiệm cao. Quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời đề cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu tổ chức. Cấp uỷ phải chủ trì và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức cán bộ theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

- Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên; tăng cường chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ và chi bộ; việc thực hiện các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc phê bình và tự phê bình; củng cố mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận và đánh giá những nguy cơ lớn đối với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thời gian tới:

- Hoạt động của các thế lực thù địch chống phá cách mạng, chống phá Đảng và Nhà nước ráo riết hơn những năm trước đây, đặc biệt là diễn biến phức tạp trên Biển Đông, tình hình tôn giáo, hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước trên mạng Internet từng ngày, từng giờ tác động đến cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên.

- Ở một số đơn vị, việc cụ thể hoá chỉ thị, nghị quyết của Đảng có lúc chưa kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết chưa được tiến hành thường xuyên; một số cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên thiếu gương mẫu và tinh thần trách nhiệm chưa cao.

- Là Đảng cầm quyền nên một bộ phận cán bộ, đảng viên trở thành những người có chức, có quyền, là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là điều kiện dễ làm cho cán bộ, đảng viên nếu không có bản lĩnh, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng thì sẽ có nguy cơ thoái hoá, biến chất, chạy theo chức, quyền, danh, lợi, dẫn đến phai nhạt lý tưởng, tham nhũng, xa rời quần chúng và dễ vi phạm pháp luật.

- Trong điều kiện hiện nay, nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đặc biệt là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn ra rất tinh vi, phức tạp và ngày càng trở nên nghiêm trọng; nếu không kịp thời đấu tranh, khắc phục sẽ làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên có thể diễn ra một cách từ từ hàng ngày và đó cũng chính là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” rất nguy hiểm, phải luôn luôn cảnh giác đề phòng và không thể xem thường.

Hội nghị cũng đã thảo luận và thống nhất những việc cần làm để phát huy dân chủ trong Đảng và phát huy mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ:

- Chỉ đạo để thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, quản lý. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, các cá nhân trong Nhà trường để phát huy tối đa dân chủ trong tổ chức hoạt động và bảo vệ, giữ gìn uy tín của Nhà trường.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chế độ tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, học viên trực tiếp và qua việc tổ chức định kỳ hội nghị cán bộ, công chức và hội nghị dân chủ sinh viên hàng năm. Cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của mọi thành phần về công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành; về thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức; kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc trong dư luận Nhà trường.

- Thực hiện chế độ dân chủ, công khai, minh bạch tài chính. Thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản của cán bộ theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tạo cơ chế để quần chúng giám sát; định kỳ lấy ý kiến của quần chúng về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, vi phạm điều lệ Đảng và suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hết sức dân chủ, công khai, minh bạch trên các phương diện: hoạch định chính sách; tổ chức thực hiện; kiểm tra, đánh giá theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

- Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh và ban hành mới, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và các đoàn thể. Khắc phục tình trạng bao biện làm thay, lấn sân hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo.

- Tích cực đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tác phong công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm cá nhân.

- Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong Nhà trường.

Hội nghị cũng đã thảo luận và thống nhất về một số đề xuất, kiến nghị với Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An để tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng:

- Cần sớm hoàn thành Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

- Ban hành chính sách, chế độ khuyến khích đối với cán bộ làm việc ở những ngành và những vùng cần phải ưu tiên, những cán bộ, chuyên gia giỏi, làm việc có hiệu quả, có cống hiến thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

            - Đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Bảo đảm quyền giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức và bộ máy nhà nước.

- Tập trung lãnh đạo, giải quyết dứt điểm, công khai, minh bạch những vụ việc lớn, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật những cán bộ, công chức tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, vi phạm pháp luật.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng (chẳng hạn Quy định số 97-QĐ/TW ngày 22/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp đã được thực hiện 10 năm).

- Cần xây dựng và ban hành mẫu quy chế làm việc của Đảng bộ bộ phận để các tổ chức đảng cấp dưới triển khai thực hiện.

- Đổi mới cách ra nghị quyết và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế cơ sở, nói đi đôi với làm.

            - Tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" của cấp cơ sở một cách thường xuyên.

                        Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Xuân Khoa, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong toàn Trường cần tiếp tục thảo luận, đánh giá kết quả 30 năm đổi mới về xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng tại đơn vị mình trong những kỳ sinh hoạt chi bộ tiếp theo. Từ đó đúc rút kinh nghiệm để góp phần phát triển tư duy lý luận về Đảng cầm quyền; phát hiện, đề xuất được một số vấn đề, luận điểm mới có căn cứ lý luận - thực tiễn, những giải pháp, kiến nghị mới đúng đắn, thiết thực, cụ thể về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn của đơn vị. Đồng thời tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế phù hợp với thực tiễn của đơn vị mình để đưa nghị quyết thành hiện thực trong cuộc sống.

 

 Tin: Nguyễn Quang Tuấn