Bài 1: Bắt buộc?

5 năm trở lại đây, vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp được đông đảo giáo viên (GV), cán bộ QLGD và cả xã hội quan tâm. Bởi đây là một nội dung mới khi thực hiện Luật Viên chức, tác động đến nhà giáo ở tất cả cấp học. Nhưng hiểu cho đúng, cho đủ về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV, cho đến thời điểm này, vẫn là câu chuyện cần phải bàn. 

Để giúp quý độc giả hiểu hơn về nội dung này, Báo GD&TĐ có loạt bài chuyên sâu về các nội dung liên quan, kính mời quý độc giả đón xem.

Khi giảng dạy các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, câu mà tôi luôn hỏi GV là: Việc đi thi thăng hạng với các thầy cô có bắt buộc hay không?

Hiểu mù mờ

Một số ít GV trả lời chắc chắn là không bắt buộc, phần lớn GV trả lời là không rõ lắm vì hầu như không biết đích xác, chỉ nghe người này, người kia nói rằng có thấy cơ quan quản lý bắt đi thi thì đi. Trong khi một số ít khẳng định rất chắc chắn việc thăng hạng là bắt buộc, không đi không được.

Câu trả lời của GV luôn làm tôi suy nghĩ. Vì hình như, GV ít quan tâm tới luật, cho nên ngay cả những quy định sát sườn, các thầy cô cũng không biết hoặc biết một cách rất mù mờ. Cho nên, có lẽ cần phải hiểu cho đúng về thăng hạng và bản chất của thăng hạng.

Trước năm 2010, khi chưa có Luật Viên chức GV được xếp theo ngạch, gọi là các ngạch GV mầm non, GV tiểu học, GV THCS và GV THPT. Các ngạch GV có mã số bắt đầu bằng con số 15. Ở mỗi cấp học, lại có các thứ bậc khác nhau thể hiện cấp độ của ngạch, bao gồm GV, GV chính và GV cao cấp.

Năm 2010, Luật Viên chức được ban hành và đến năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó có các quy định cụ thể về chức danh nghề nghiệp viên chức gắn với vị trí việc làm. Sau khi Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP có hiệu lực, năm 2015, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông công lập (Thông tư liên tịch số 20/2012/TTLT-BGDĐT-BNV, số 21/2012/TTLT-BGDĐT-BNV, số 22/2012/TTLT-BGDĐT-BNV, số 23/2012/TTLT-BGDĐT-BNV).

Cần lưu ý rằng, việc ban hành các Thông tư liên tịch nêu trên là một bước chuẩn hóa đội ngũ GV mầm non, phổ thông công lập theo quy định của Luật Viên chức và các quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Thăng hạng là không bắt buộc

Quay trở lại với câu hỏi: Thăng hạng bắt buộc hay không? Câu trả lời là thăng hạng không bắt buộc.

Theo quy định GV các cấp học được xếp vào 3 hạng (I, II, III đối với GV THCS, THPT; II, III, IV đối với GV mầm non, tiểu học). Trong đó, sau khi được xếp vào hạng thấp nhất, GV sẽ có quá trình tích lũy các điều kiện (về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ) để đủ điều kiện tham dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng cao hơn liền kề. Việc thăng hạng bắt buộc phải được thực hiện thông qua một kỳ thi hoặc xét do cơ quan có thẩm quyền tổ chức quyết định.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV, vấn đề lớn nhất còn tồn tại ở các địa phương vẫn là vấn đề nhận thức về các quy định: nhiều GV không hiểu hoặc hiểu không đúng về bản chất của tiêu chuẩn chức danh và các quy định liên quan. Cho nên, không lạ khi nhiều GV trên các diễn đàn công khai lớn tiếng phê phán Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý “đẻ” ra nhiều quy định làm khó GV và tạo cơ sở để cho các đơn vị đào tạo kiếm tiền.

Nếu một GV từ lúc vào nghề cho đến khi nhận quyết định nghỉ chế độ không tham gia thăng hạng và vẫn chỉ ở hạng thấp nhất cũng không sao, miễn là GV đó đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng hiện giữ và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, không vi phạm các quy định của ngành, thì họ vẫn được hưởng lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có) theo quy định.

Còn trong trường hợp, GV có nhu cầu thăng lên hạng cao hơn thì bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng mong muốn được bổ nhiệm vào. Để được thăng hạng, cá nhân GV phải có kế hoạch và lộ trình cho việc tích lũy các điều kiện, minh chứng, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ cần thiết cho kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp có thẩm quyền quy định.

Điều này, nếu hiểu đúng bản chất thì việc thăng hạng vốn là một chính sách rất minh bạch và sòng phẳng. Bởi, việc thăng hạng không đơn thuần là giải quyết chế độ chính sách mặc dù trong thăng hạng có thể có tăng lương (tăng nhiều hay ít tùy thời điểm, nếu GV thăng hạng càng sớm thì càng có lợi về lương và ngược lại). Thăng hạng thể hiện sự phát triển chuyên môn, nghiệp vụ vị trí và đẳng cấp của GV trong phát triển nghề nghiệp.

Bởi vì, trong thiết kế về kết cấu hạng chức danh nghề nghiệp GV, hạng càng cao thì ngoài lợi ích được hưởng, GV sẽ phải cống hiến nhiều hơn, làm những việc khó hơn mà người ở hạng thấp không làm được hoặc không có cơ hội để làm. Như vậy, nếu GV muốn được hưởng lợi ích nhiều hơn về lương và khẳng định vị thế nghề nghiệp, họ bắt buộc phải nỗ lực cố gắng, tích lũy các minh chứng để đủ điều kiện thăng hạng, còn nếu không, họ chỉ cần đáp ứng đủ các điều, tiêu chuẩn của hạng đang giữ.

Bài 2: Bản chất tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Trong các Thông tư liên tịch của liên Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Kết cấu của mỗi hạng chức danh nghề nghiệp đều quy định rõ các tiêu chuẩn cụ thể. Vậy cần hiểu thế nào cho đúng và đủ về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên?

Giáo viên có bị “làm khó”?

Một số giáo viên trên các diễn đàn đã lên tiếng phản đối hoặc có các bình luận trái chiều về các quy định liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, cho rằng quá cao hoặc cơ quan quản lý đang “làm khó” giáo viên. Nhưng bản chất của các quy định này là sự chuẩn hóa đội ngũ theo yêu cầu của Luật Viên chức và các hướng dẫn của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Ngay cả kết cấu của tiêu chuẩn chức danh cũng là một khung chung được quy định cho viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực.

Với giáo viên các cấp, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được quy định gồm tên gọi được kết cấu bởi tên cấp học + hạng (giáo viên mầm non hạng II, giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên THPT hạng I…). Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp được quy định chung cho tất cả các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở một cấp học, các tiêu chuẩn còn lại (nhiệm vụ; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định riêng cho từng hạng chức danh nghề nghiệp.

Tiêu chuẩn về nhiệm vụ của giáo viên ở một hạng được hiểu là những việc mà một giáo viên sẽ phải làm kể từ khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng đó. Nhiệm vụ của từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đã được xây dựng trên cơ sở tích hợp từ các quy định hiện hành về các công việc, trách nhiệm, nhiệm vụ của giáo viên cấp đó (điều lệ trường học, chuẩn nghề nghiệp giáo viên…).

Như vậy, về lí, nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên không phải là nội dung quy định mới hoặc quy định khác ngoài các quy định đã có trong điều lệ nhà trường, mà là chính các nhiệm vụ đó, nhưng được nhóm lại và phân cấp theo hạng. Kết cấu của các hạng được quy định theo hướng tăng dần từ thấp lên cao theo thứ tự từ hạng IV, hạng III, hạng II, hạng I. Nhiệm vụ của các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, theo đó, được xây dựng theo hướng, ở hạng thấp nhất, giáo viên sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, lên hạng cao hơn, ngoài nhiệm vụ của hạng thấp, giáo viên sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ mà giáo viên hạng thấp hơn không phải làm.

Kết cấu bậc thang trong quy định về nhiệm vụ của hạng chức danh thể hiện những yêu cầu khác nhau về nhiệm vụ đối với các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, với một nguyên lý: Thăng lên hạng cao hơn sẽ gắn liền giữa quyền lợi và trách nhiệm, giữa chính sách và sự cống hiến. Xét từ góc độ khoa học về quản lý nhân sự, đây là một sự sòng phẳng cần thiết.

Do đó, nếu có nhu cầu thăng hạng, giáo viên bắt buộc phải có sự nỗ lực cá nhân, có kế hoạch và lộ trình cho riêng mình trong thực hiện nhiệm vụ, hoàn thiện các yêu cầu về năng lực đồng thời có ý thức tích lũy các minh chứng. Điều này cần có sự xuất phát đầu tiên và quan trọng nhất từ cá nhân giáo viên, không phải là từ cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý chỉ đóng vai trò hỗ trợ, ủng hộ, tạo điều kiện cho giáo viên chứ không quyết định việc giáo viên có thăng hạng hay không?

Không bình quân chủ nghĩa

Có giáo viên đã phản biện rằng: Trong quy định về nhiệm vụ của giáo viên ở các hạng chức danh nghề nghiệp, có những việc cơ sở GD không có thì làm sao có thể thực hiện được. Điều đó không sai. Bởi những nhiệm vụ được liệt kê ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp là sự tổng hợp mang tính phổ quát chung cho tất cả các cơ sở GD ở tất cả các vùng miền. Vì vậy, có thể có một số (ít) nhiệm vụ có thể có những cơ sở GD sẽ không thực hiện do đặc thù về điều kiện vùng miền hoặc loại hình.

Chẳng hạn, đối với nhiệm vụ hướng dẫn thực tập sư phạm, đối với những cơ sở GD ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thường không có giáo sinh đến thực tập nên giáo viên sẽ không có cơ hội để thực hiện nhiệm vụ này. Trong trường hợp đó, năng lực chuyên môn nghiệp vụ tương ứng của giáo viên thể hiện khả năng thực hiện nhiệm vụ này có thể được cơ sở GD đánh giá thông qua hoạt động chuyên môn khác (hướng dẫn đồng nghiệp trong thực hiện các hoạt động chuyên môn của nhà trường).

Một số giáo viên, thậm chí cả cán bộ QLGD cho rằng các tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên hạng cao nhất ở mỗi cấp học còn quá cao so với mặt bằng chất lượng đội ngũ (chẳng hạn như nhiệm vụ tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên của giáo viên THPT hạng I). Nhưng bản chất của hạng chức danh nghề nghiệp không phải sự cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Thăng hạng cũng không phải thuần túy là việc thực hiện chế độ, chính sách. Vì vậy, nếu cho rằng tiêu chuẩn hạng cao nhất cần phải hạ xuống để đáp ứng thực tế đội ngũ là không đúng.

Trong hệ thống hạng chức danh nghề nghiệp, để được bổ nhiệm vào hạng cao nhất, giáo viên phải có một quá trình phấn đấu, tích lũy qua thời gian dài (khoảng 15 năm), khi đó, họ đã đáp ứng vị trí của một cán bộ cốt cán, một chuyên gia đủ có năng lực, kinh nghiệm ở chuyên môn giảng dạy. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngành GD triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, ngoài năng lực, kinh nghiệm thì tính tự chủ, khả năng chủ động trong xây dựng, phát triển các kế hoạch GD môn học, kế hoạch GD nhà trường là đòi hỏi tất yếu đối với mỗi giáo viên, cho nên, những yêu cầu về nhiệm vụ như tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh là hoàn toàn bình thường đối với một giáo viên ở hạng cao nhất của cấp học.

 

Nguyễn Hương (Cục NG&CBQL)

Theo Báo Giáo dục và Thời đại online