Những năm vừa qua, giáo dục đại học (GDĐH) có những chuyển biến tích cực khi nhiều cơ sở đào tạo đã được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy và tài chính. Tuy nhiên, để các trường tự chủ thành công góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, cần có sự đồng bộ trong các văn bản pháp luật.


SỬ DỤNG NGUỒN LỰC HIỆU QUẢ HƠN 

PGS. TS. Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2016, trường bắt đầu thực hiện đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Đến năm 2017, trường đã triển khai đổi mới toàn bộ chương trình đào tạo để phù hợp với thế mạnh của mình và đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường chủ động mở mới, phát triển các chương trình chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế như: cơ khí, hệ thống thông tin quản lý, kỹ thuật ô-tô… liên kết với trường đại học của Anh, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản; chương trình đào tạo song bằng, kỹ sư chất lượng cao… Quá trình tự chủ, số lượng nghiên cứu công bố trên tạp chí quốc tế tăng không ngừng, trong đó bài báo trên hệ thống ISI và Scopus năm 2016 là 462, năm 2018 tăng lên 501. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học tăng từ 63,8 tỷ đồng năm 2016 lên 86,71 tỷ đồng năm 2018. Tình hình tài chính của trường được cải thiện đáng kể, năm 2017 là 686,895 tỷ đồng; dự kiến năm 2019 là 827,35 tỷ đồng, trong đó thu từ học phí, lệ phí là 595,5 tỷ đồng…

Theo Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Quang Hùng, sau khi thực hiện đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, tổng thu của trường đã tăng hơn 30%, đồng thời các khoản học bổng cũng tăng hơn ba lần so với trước khi tự chủ. Việc tự chủ đã giúp trường chủ động, cân đối các nguồn thu, chi triển khai nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học… Theo kế hoạch từ năm 2016 - 2022 trường sẽ huy động 1.200 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau thực hiện các dự án trọng điểm nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước hiện có 236 trường đại học, học viện. Thủ tục hành chính trong GDĐH ngày càng được giảm bớt, các cơ sở đào tạo ngày càng chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới công tác quản trị, quản lý nhà trường hoạt động hiệu quả.

Trên cơ sở được giao quyền tự chủ, các trường đại học đã chủ động hơn trong quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học - công nghệ. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học tăng mạnh, nhất là các công trình khoa học được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành nước ngoài.

Mặt khác, thời gian mở ngành đào tạo được rút ngắn giúp các trường chủ động và tận dụng cơ hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội; nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiếp cận với chương trình đào tạo quốc tế.

Đáng chú ý, việc tự chủ đã tạo cơ hội để các trường sử dụng nguồn thu hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ đào tạo tốt hơn đến người học. Với cơ chế tự chủ, các trường có cơ hội kêu gọi tài trợ học bổng từ các tập đoàn kinh tế lớn để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

CẦN ĐỒNG BỘ CÁC QUY ĐỊNH

Mặc dù, cơ chế tự chủ trong GDĐH đã từng bước được “cởi trói” nhưng vẫn chưa thật sự giúp các trường triển khai đạt hiệu quả như mong muốn do sự bất cập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo Bộ GD&ĐT, cơ chế, chính sách về tự chủ đại học còn thiếu và chưa đồng bộ. Hiện nay, việc giao quyền tự chủ đối với cơ sở GDĐH mới chỉ thực hiện thí điểm, chưa trở thành nhu cầu nội tại của các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận từ góc độ tài chính mà chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo. Một số cơ sở GDĐH chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng cho nên lúng túng trong thực hiện.

PGS. TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho rằng, nguồn thu khi tự chủ vẫn chủ yếu dựa vào học phí cho nên sẽ khó giúp các trường tích lũy vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, đào tạo đội ngũ. Trong khi đó, các văn bản của Nhà nước hiện nay còn thiếu, chưa rõ ràng, dễ gây “tranh cãi”. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 mở ra trang mới cho phát triển GDĐH, trong đó có vấn đề tự chủ. Tuy nhiên, để thực hiện luật hiệu quả cần rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các quy định liên quan tổ chức, nhân sự, tài chính, đầu tư…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, thực tế hoạt động tự chủ của các trường đại học đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của các luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Khoa học và Công nghệ, Đấu thầu, Đầu tư công, Xây dựng, Đất đai, Bảo hiểm xã hội, Ngân sách… và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

TS. Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH công lập để các trường thực hiện. Các bộ, ngành cần ban hành các văn bản hướng dẫn, tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị được giao tự chủ nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.

Các trường đại học xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ mang tính chi tiết, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng. Trong đó, chú trọng giải pháp chi trả thu nhập theo hiệu quả công việc, thu hút người có năng lực, có trình độ; tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình nhằm bảo đảm các trường tự chủ hiệu quả, hoạt động theo đúng pháp luật./.

 

Mạnh Xuân (nhandan.com.vn)