GS.TS. Phùng Hữu Phú
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực
Ban Tuyên giáo Trung ương


 
 
Để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo bước đột phá trong phát triển đất nước, những năm tới Đảng Cộng sản Việt Nam phải dành nhiều công sức tạo bước chuyển biến rõ rệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực.
Dĩ bất biến ứng vạn biến
Càng đi sâu nghiên cứu, suy ngẫm, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, đối chiếu với sự vận động theo dòng chảy thời gian của đời sống, càng thấy tầm phủ sóng rộng lớn và độ mở khôn cùng tư tưởng của Người. Có thể tìm thấy trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều, rất nhiều vấn đề còn nóng hổi tính thời sự, đặc biệt là tư tưởng đại đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các bài viết, bài nói và cuộc đời hoạt động vô cùng phong phú, cao đẹp của Người. Đại đoàn kết, từ tư duy truyền thống đến Hồ Chí Minh đã trở thành một chiến lược cách mạng nhất quán, thành bí quyết thành công của cách mạng Việt Nam.
Trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành và giữ độc lập, tự do, thống nhất đất nước, tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ tập hợp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công công là sự đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bài học lịch sử cơ bản, phản ánh quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trung thành với tư tưởng cách mạng và khoa học của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng củng cố, bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam hoàn thành thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ trên phạm vi cả nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới.
Ở thời điểm kết thúc thập niên thứ nhất, chuẩn bị bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Việt Nam đứng trước những thời cơ, vận hội phát triển mới, đồng thời cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Thành quả to lớn sau một phần tư thế kỷ tiến hành sự nghiệp đổi mới đã làm tăng thêm nhiều lần thế và lực của đất nước; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền được giữ vững; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; vị thế và uy tín quốc tế được nâng cao. Đó là nền tảng cơ bản, tạo đà cho bước phát triển bứt phá trong chặng đường sắp tới. Tuy nhiên, tiềm lực và sức cạnh tranh chưa đủ mạnh của nền kinh tế đất nước trong cuộc ganh đua kinh tế gay gắt, quyết liệt toàn cầu; những hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục trong quản lý, giải quyết những vấn đề văn hóa, xã hội, nhất là tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội; cuộc đấu tranh cam go chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; tính chất gay gắt của cuộc đấu tranh tư tưởng trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch và sự phức tạp trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền trước xu hướng gia tăng cuộc chạy đua tranh giành tài nguyên, năng lượng và các địa bàn chiến lược giữa các quốc gia... là những khó khăn, thách thức đang đặt ra, đòi hỏi phải được giải quyết.
Trong bối cảnh đó, kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh chính là phương sách tạo nên sức mạnh vô địch dựng nước và giữ nước; chính là lấy cái bất biến để ứng phó với cái vạn biến của thời cuộc.
Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết; tất cả do con người, vì con người
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trọn đời hy sinh phấn đấu vì mục đích cao cả: dân tộc độc lập - nhân dân tự do - con người hạnh phúc. Mọi suy nghĩ, tình cảm và hành động của Người đều hướng vào, đều xoay quanh mục tiêu duy nhất đó. Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh trở thành ngọn cờ hiệu triệu, động viên sức mạnh vĩ đại của đông đảo lực lượng yêu nước, cách mạng chính là vì Người đã nhận thức đúng đắn sự thống nhất biện chứng và giải quyết hài hoà lợi ích dân tộc - lợi ích giai cấp - lợi ích con người phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng.
Những năm tháng đất nước bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, nhân dân sống trong lầm than nô lệ; độc lập, chủ quyền dân tộc bị chà đạp; Tổ quốc bị chia cắt, độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất là đòi hỏi khách quan của toàn dân tộc, là ý nguyện của mọi giai tầng xã hội, là khát vọng của mỗi người Việt Nam yêu nước. Lúc này, lợi ích dân tộc, giai cấp, con người thống nhất làm một - nước mất thì nhà tan; không giành được lợi quyền cho dân tộc thì lợi ích của giai cấp, của con người đến vạn năm cũng không đòi lại được. Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, dù phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải giành cho được độc lập, nếu còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch chúng đi ... Những lời kêu gọi tràn đầy tính tư tưởng và hành động của Người đã khơi dậy chủ nghĩa yêu nước và khí phách anh hùng của dân tộc, nhân dân, con người Việt Nam, tạo nên những kỳ tích trong Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược.
Trong khi đề cao lợi ích dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến lợi ích con người. Trước khi giành được chính quyền, Người đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ: ruộng đất cho dân cày; tăng lương, giảm giờ làm cho thợ thuyền; quyền tự do cho công chức, viên chức, học sinh, sinh viên... Đất nước vừa được độc lập, trước sự đe dọa của thù trong, giặc ngoài, tình thế như ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo Chính phủ lâm thời lo chống giặc ngoại xâm, vừa dồn sức chống giặc đói, giặc dốt. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Người chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa đánh giặc vừa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đảm bảo đời sống cho nhân dân, bộ đội. Trong quá trình xây dựng chế độ xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương chăm lo cho con người, từ cái kim sợi chỉ, tương cà mắm muối, việc học hành, khám chữa bệnh, đến đảm bảo quyền tự do, bình đẳng và cơ hội phát triển, tiến bộ. Trước khi qua đời, trong Di chúc gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người căn dặn ''Đầu tiên là công việc đối với con người”',(1) ''Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm nâng cao đời sống của nhân dân'' (2). Có thể nói, như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: ''Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn xuất phát từ con người và cuối cùng trở về với con người với những khả năng thiên biến vạn hóa của nó''(3).
Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết; tất cả do con người, vì con người - đó chính là nền tảng trong Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh; là mẫu số chung để tăng cường sự thống nhất, đồng thuận và hóa giải những khác biệt, thậm chí mâu thuẫn về lợi ích theo phương châm cầu đồng tồn dị. Đây là bài học lớn đối với cách mạng Việt Nam hiện nay.
Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo đất nước luôn nhất quán mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; trước mắt, đang động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020 đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu lý tưởng đó thật cao đẹp; mục tiêu phấn đấu trước mắt có ý nghĩa thật lớn lao, thiết thực. Cần tăng cường tuyên truyền, vận động để mục tiêu phấn đấu đó từ ý tưởng trong Cương lĩnh, trong Chiến lược của Đảng thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, của mỗi người Việt Nam yêu nước, trở thành khát vọng, ý chí, quyết tâm chấn hưng đất nước, thành mẫu số chung quy tụ đại đoàn kết toàn dân tộc, biến nó thành sức mạnh hành động trong lao động, sáng tạo xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trung thành với chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt vấn đề con người ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, xem con người vừa là mục tiêu vừa là động lực, ''thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người.'' (4) Trên thực tế, cùng với những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đã thành công trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi những mục tiêu thiên niên kỷ. Điều kiện sống, lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam không ngừng được cải thiện; quyền con người được tôn trọng, bảo đảm; ước mơ, hoài bão và tài năng sáng tạo của con người được khuyến khích, trân trọng. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế còn hạn chế, do tác động của thiên tai cùng ảnh hưởng những biến động khó lường của kinh tế quốc tế trong bối cảnh hội nhập và do cả những yếu kém trong quản lý, giải quyết các vấn đề xã hội, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, những người làm công ăn lương, những gia đình chính sách, neo đơn, cô quả... còn khó khăn; khoảng cách giàu nghèo chậm được thu hẹp; tiến bộ và công bằng xã hội triển khai chưa đồng bộ; có nơi, có lúc quyền và lợi ích của con người còn bị xâm phạm. Bước vào thời kỳ phát triển mới, Đảng, Nhà nước cần đầu tư thích đáng các nguồn lực; hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống và bồi đắp, phát huy tài năng lao động, sáng tạo vốn rất tiềm tàng của người Việt Nam, nhân lên sức mạnh kết đoàn và nguồn năng lượng nội sinh vô tận. Những năm tháng này, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo cho con người có ý nghĩa thời sự sâu sắc biết nhường nào: ''Vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng rất cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người, là sự phấn khởi của quần chúng. Làm tất cả là do con người''(5)
Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân
Trong các di cảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi ngời sáng những dòng chữ viết về Nhân Dân:
''Nước lấy dân làm gốc”
''Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”;
''Trong bầu trời không có gì quí hơn nhân dân.
Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”;
''Dễ trăm, lần không dân cũng chịu,
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Đại đoàn kết toàn dân tộc thực chất là đoàn kết toàn dân. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phạm trù Nhân Dân mở rộng biên độ tới tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, trong nước hay ở nước ngoài - ai tự nguyện nhận mình là con Lạc cháu Hồng thì người đó là một tế bào của Nhân Dân. Theo Người, Nhân Dân tuy là một phạm trù mở về biên độ, nhưng chặt chẽ về cơ cấu, tổ chức - Mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp là tổ chức tập hợp, vận động, hướng dẫn và đại diện cho quyền lợi của Nhân Dân, liên minh công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối quan hệ máu thịt giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước cách mạng với Nhân Dân. Một mặt, Nhân Dân chỉ có thể trở thành lực lượng tự giác và phát huy cao nhất tiềm năng, sức mạnh của mình một khi có Đảng Cộng sản, lãnh đạo; mặt khác, Đảng Cộng sản chỉ nắm được và giữ vững quyền lãnh đạo đất nước, xã hội khi nào Nhân Dân tin tưởng, đi theo và hết lòng ủng hộ. Vì vậy, Đảng Cộng sản phải hết lòng, hết sức phụng sự Nhân Dân; cán bộ, đảng viên phải là người lãnh đạo, đồng thời là người đầy tớ, người công bộc thật sự trung thành của Nhân Dân. Tất cả quyền lực và của cải là của Nhân Dân; Nhân Dân trao quyền cho Nhà nước điều hành, quản lý, và do vậy Nhà nước phải phấn đấu trở thành nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mang lại những lợi ích thiết thực phục vụ nhân dân.
Trọng dân, gần dân, hiểu dân, yêu dân, học dân, có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, mọi chủ trương, chính sách xuất phát từ dân và trở về với dân... chính là phương châm hành động và phong cách Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tình nguyện làm một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào mà phấn đấu hy sinh, ''Hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân''. (6) Nhân dân Việt Nam thành kính biết ơn, tuyệt đối tin theo và đoàn kết xung quanh Người chính là vì lòng yêu nước, thương dân bao la đó.
Mấy chục năm qua, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân Việt Nam hăng hái đấu tranh, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.(7) Ở thời điểm chuẩn bị bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với mục tiêu phấn đấu có ý nghĩa lịch sử, trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá hòng phân hóa nội bộ nhân dân, kích động chia rẽ, đối lập Nhân Dân với Đảng, việc kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, chăm lo bồi dưỡng sức dân, phát huy dân chủ, quyền làm chủ và tiềm năng to lớn của Nhân Dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa sống còn. Vấn đề cấp bách phải làm ngay là tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một phận cán bộ, đảng viên; khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý kinh tế, xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội và dân sinh bức xúc; nâng cao dân trí, dân khí, dân sinh; kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin của các thế lực thù địch... nhằm củng cố niềm tin và bồi đắp quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhân Dân với Nhân Dân. Làm tốt những công việc này thì khó khăn, thử thách nào cũng có thể vượt qua; mục tiêu, nhiệm vụ nào Việt Nam cũng có thể thực hiện thắng lợi.
Quan san muôn dặm một nhà
Trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết dân tộc luôn gắn liền với đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước chân chính luôn hòa quyện và thống nhất với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Hiếm có lãnh tụ quốc gia nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh, một phần lớn cuộc đời tranh đấu của mình lại gắn bó mật thiết, ở tầng sâu và tầm cao, với thực tiễn phong trào cách mạng thế giới; nhận thức và giải quyết những vấn đề của đất nước, dân tộc mình từ tầm nhìn nhân loại và xu thế thời đại. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải có một đảng chân chính lãnh đạo để trong thì tập hợp mọi lực lượng yêu nước, ngoài thì liên kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức, bóc lột nơi nơi. Khi đất nước đã giành được độc lập về chính trị, phải tiến hành sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước và xây dựng chế độ xã hội mới, với trách nhiệm là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Việt Nam chỉ muốn hoà bình và độc lập để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới”(8); Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á, một bộ phận trong nền hòa bình chung toàn thế giới; “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước châu Á là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là thái độ bạn bè” (9); “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(10). Tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức thu hút và lan tỏa sâu rộng bởi lẽ đó là tư tưởng vì hòa bình, công lý, vì tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, là sự kết hợp hài hoà đoàn kết để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân loại tiến bộ với thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả theo tinh thần thuỷ chung, trong sáng. Người thường căn dặn: giúp bạn chính là giúp mình.
Là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời là chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội (...), những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau''(11). Những người yêu chuộng hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới khâm phục, ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh vì Người là hiện thân cho tình anh em bốn biển và thông qua những hoạt động không mệt mỏi, những cống hiến xuất sắc của Người đối với cộng đồng quốc tế, nhân loại tiến bộ hiểu nhiều hơn, ủng hộ và hết lòng giúp đỡ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đáp lại tình cảm và sự giúp đỡ quốc tế quý báu đó, trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tâm nguyện thay mặt nhân dân Việt Nam đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam.(12)
Thế giới ngày nay đã có nhiều thay đổi. Nhân loại đang chứng kiến sự cùng tồn tại, hợp tác và đấu tranh giữa các quốc gia có chế độ chính trị, xã hội khác nhau. Toàn cầu hóa cùng sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ và sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu và những hiểm hoạ chung đang và sẽ đặt trước nhân loại những vận hội và thách thức mới. Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu hướng lớn, chủ đạo; các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau trong sự tùy thuộc về lợi ích và yêu cầu chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, sự phục hồi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự gia tăng cuộc cạnh tranh ảnh hưởng, quyền lực, tài nguyên... vẫn là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến mâu thuẫn và xung đột khu vực và quốc tế không thể xem thường.
Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục kế thừa, phát triển tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tê.ë Việt Nam đang và sẽ là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế (13), vừa kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Một thế giới hòa bình, thịnh vượng, một cộng đồng quốc tế hữu nghị, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau trên tinh thần anh em, bè bạn - đó là mong muốn và phấn đấu suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là ước nguyện của dân tộc Việt Nam, một dân tộc khao khát, yêu chuộng hòa bình, đạo lý nhân nghĩa thủy chung và cũng là một dân tộc sẵn sàng đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình
Đảng Cộng sản Việt Nam là thành viên đặc biệt của Mặt trận dân tộc thống nhất, là hạt nhân đóng vai trò lãnh đạo, tổ chức, hướng dẫn hoạt động của Mặt trận. Sự đoàn kết, thống nhất của Đảng tác động rất lớn đến việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác xây dựng Đảng, nói chung, đến việc củng cố, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí của Đảng, nói riêng. Trong bản Di chúc lịch sử, với tư cách là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết những suy nghĩ trăn trở cả một đời về Đảng, xem đó là công việc quan trọng trước hết để dặn lại những người đồng chí của mình. Người viết: ''Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình''. Người dặn dò, trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phêâ bình; phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. (14) .
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Tuyệt đại bộ phận những người cộng sản Việt Nam đã giữ đúng lời thề khi vĩnh biệt vị Lãnh tụ thiên tài và vô cùng kính yêu của mình: Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. (15) Tuy nhiên, trong tiến trình cách mạng và đổi mới, do tác động của những tàn dư tư tưởng phong kiến, thực dân chưa bị quét sạch, tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ chưa được khắc phục; do tính chất lâu dài, gian khổ, phức tạp của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; do sự kích thích, cám dỗ của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế chưa được phòng ngừa, ngăn chặn; do sự kích động chống phá tinh vi và hiểm độc của các thế lực thù địch chưa bị đánh bại và do cả những thiếu sót trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, một bộ phận cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện đã bị tha hóa, biến chất. Đã có biểu hiện dao động, hoài nghi đường lối, chủ trương của Đảng; đã xuất hiện tư tưởng công thần, địa vị, cục bộ, bè phái; đã có hiện tượng đam mê, tranh giành quyền lực, chạy chức, chạy quyền... Những tiêu cực đó đã ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, hạn chế sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo bước đột phá trong phát triển đất nước, những năm tới Đảng Cộng sản Việt Nam phải dành nhiều công sức tạo bước chuyển biến rõ rệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực.
Đây là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.(16)
87 năm trước, Nhà văn Xô viết Oxíp Manđenxtam đã viết trên báo Ogoniok về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với một dự cảm tốt đẹp: ''Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai". (17) Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh bên thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chính là dịp để những người cộng sản Việt Nam, một lần nữa, ôn lại những di sản tư tưởng vô giá của Người Thầy vĩ đại, để tin tưởng vững bước vào tương lai./.
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t12, tr.503
(2) Sdd, tr. 511
(3) Phạm Văn Đồng: Bản Di chúc bất hủ sáng ngời tính thời sự, 35 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 277
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.77
(5) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr. 272
(6), (7) Hồ Chí Minh; Toàn tập, t. 12, tr. 512, 510
(8), (9), (10) Hồ Chí Minh; Toàn tập, t.5, tr.22, 136, 220
(11) Nghị quyết của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, tr. 509
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 112
(14) Hồ Chí Minh; Toàn tập, t. 12, tr. 510
(15) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, 35 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 56
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 130
(17) Hồ Chí Minh; Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 478