Gây áp lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ
 
                                                             PGS.TS. Phạm Minh Hùng
                                                                  
                                                                          
              Đào tạo theo hệ thống tín chỉ (HTTC) là một phương thức đào tạo tiên tiến, được áp dụng rộng rải trong các trường đại học trên thế giới. Để giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam có thể nhanh chóng hội nhập được với GDĐH thế giới, cần phải nhanh chóng chuyển sang đào tạo theo HTTC.     
            Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ Về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam, giai đoạn 2006-2020 đã chỉ rõ:
            “Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo HTTC, tạo điều kiện thuận lợi để ng­ười học tích luỹ kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong n­ước và ngoài n­ước”.
            Như vậy, đào tạo theo HTTC đã trở thành một xu thế tất yếu của GDĐH Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỉ XXI.
1. Những đặc trưng và ưu thế của đào tạo theo HTTC
            1.1. Những đặc trưng và ưu thế của đào tạo theo HTTC
Đào tạo theo HTTC có một số đặc trưng cơ bản sau đây:
   - Kiến thức đ­ược cấu trúc thành các mô đun (học phần);
   - Quá trình học tập là sự tích luỹ kiến thức của sinh viên (SV) theo từng học phần;         
   - SV tự đăng ký kế hoạch học tập và tổ chức lớp học theo học phần;
  - Đơn vị học vụ là học kỳ, Xét kết quả học tập theo học kỳ chính (mỗi năm học có hai học kỳ chính và một học kỳ phụ);
   - Kết quả học tập các học phần của SV đ­ược đánh giá theo quá trình (bao gồm điểm chuyên cần, điểm giữa kỳ và điểm thi kết thúc học phần);
   - Sử dụng thang điểm 10, thang điểm chữ (A, B,C, D, F) và thang điểm 4;
   - Quy định khối l­ượng kiến thức phải tích luỹ (số tín chỉ tích luỹ tối thiểu) cho từng văn bằng;
   - Có hệ thống cố vấn học tập;
   - Ch­ương trình đào tạo mềm dẽo, có tính liên thông cao, ngoài các học phần bắt buộc còn có các học phần tự chọn để SV có điều kiện tích luỹ thêm kiến thức cho định hư­ớng chuyên môn nghề nghiệp;
   - Bắt buộc áp dụng các phư­ơng pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của SV…
    1.2. Những ưu thế của đào tạo theo HTTC
 Đào tạo theo HTTC có những ưu thế sau đây:
- Tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển năng lực của người học.
    Trong đào tạo theo HTTC, cho phép SV hoàn toàn chủ động trong việc đăng ký kế hoạch học tập theo điều kiện và năng lực của mình. Những SV giỏi có thể đăng ký học tối đa số lượng tín chỉ quy định trong từng học kỳ để rút ngắn thời gian học ĐH. Những SV bình thường hoặc yếu có thể kéo dài thời gian học tập trong trường và tốt nghiệp muộn hơn.
     - SV có nhiều cơ hội hơn trong việc học cùng lúc hai chương trình để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng.
   Ngay trong đào tạo theo niên chế - học phần, SV cũng có thể học cùng lúc hai chương trình. Tuy nhiên, để học cùng lúc hai chương trình, SV gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí kế hoạch học tập của mình. Vì thế, có nhiều SV đã buộc phải hủy bỏ việc học chương trình thứ hai.
   Trong đào tạo theo HTTC, SV tự sắp xếp kế hoạch học tập của mình để vừa đảm bảo học chương trình thứ nhất, vừa theo học chương trình thứ hai.
     - Việc tổ chức đào tạo khoa học, mềm dẻo và linh hoạt.
    So với đào tạo theo niên chế - học phần, đào tạo theo HTTC đòi hỏi việc tổ chức quá trình đào tạo phải rất khoa học trong tất cả mọi khâu, từ khâu xây dựng chương trình đào tạo; đăng ký học phần của SV; tổ chức lớp học phần; triển khai dạy học; quản lý SV đến khâu kiểm tra- đánh giá kết quả học tập của SV…Toàn bộ quá trình đào tạo theo HTTC được quản lý bằng phần mềm.
    Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các ngành đào tạo trong và ngoài trường; đáp ứng nhu cầu học tập khác nhau của SV, quá trình đào tạo, chương trình đào tạo theo HTTC cũng phải rất linh hoạt, mềm dẽo.
    2. Sự cần thiết phải gây áp lực tự học, tự nghiên cứu cho SV trong đào tạo theo HTTC
     Trong đào tạo theo HTTC, sở dĩ cần phải gây áp lực tự học, tự nghiên cứu cho SV vì những lý do sau đây:    
        2.1. Đáp ứng yêu cầu giảm giờ lên lớp, tăng giờ tự học, tự nghiên cứu của SV trong đào tạo theo HTTC
     Trong đào tạo theo HTTC, thông th­ường giảng viên (GV) chỉ lên lớp 50%, thời gian còn lại dành cho các hoạt động độc lập (nh­ư thí nghiệm, thực hành, xemine, tự học, tự nghiên cứu..) của SV. Vì thế, nếu SV không tích cực, tự giác trong việc thực hiện các họat động độc lập mà chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu thì không thể đáp ứng được yêu cầu học tập theo HTTC. Ở họ sẽ thiếu hụt đi một khối lượng kiến thức, kỹ năng cần thiết trong từng học phần cũng như toàn bộ chương trình đào tạo của ngành học. Những SV nào cho rằng, học theo HTTC “nhẹ nhàng” hơn thì đó là một sự nhận thức sai lầm. Không phải lên lớp nhiều nhưng đào tạo theo HTTC lại đòi hỏi SV phải tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn trước đây.  
       2.2. Phát triển năng lực và thói quen tự học, tự nghiên cứu cho SV
     Năng lực và thói quen tự học, tự nghiên cứu rất quan trọng đối với SV, không chỉ trong thời gian họ học ĐH mà cả sau này, trongsuốt cuộc đời của họ. Tuy nhiên, năng lực và thói quen tự học, tự nghiên cứu chỉ được hình thành ở SV khi họ được thường xuyên tham gia vào hoạt động này. Thực tế cho thấy, chỉ có một số ít SV là có thói quen tự học, tự nghiên cứu, còn phần lớn SV không có thói quen này. Họ chỉ thực sự bắt tay vào tự học, tự nghiên cứu khi có “sức ép” từ phía nhà trường và GV. Từ đó, ở họ dần dần hình thành được năng lực và thói quen tự học, tự nghiên cứu.
      2.3. Đòi hỏi SV phải sử dụng nhiều thời gian ngoài giờ lên lớp cho hoạt động tự học, tự nghiên cứu
    Ngoài thời gian học tập trên lớp, SV còn sử dụng thời gian cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp (NGLL). Theo kết quả nghiên cứu của một số tác giả về nhu cầu sử dụng thời gian NGLL của SV thì vui chơi, giải trí là hoạt động mà SV có nhu cầu cao nhất. Hoạt động này thường chiếm nhiều thời gian NGLL của SV. Trong khi đó, thời gian SV dành cho hoạt động tự học, tự nghiên cứu không nhiều mà nguyên nhân chính là do GV chưa gây áp lực tự học, tự nghiên cứu đối với họ.  
       3. Một số biện pháp gây áp lực tự học, tự nghiên cứu cho SV trong đào tạo theo HTTC
    Để gây áp lực tự học, tự nghiên cứu cho SV trong đào tạo theo HTTC, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:
 3.1.Giao nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu cho SV
    SV chỉ tự học, tự nghiên cứu khi họ có nhu cầu. Trong giai đoạn đầu, nhu cầu này xuất hiện từ việc phải thực hiện các nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu do GV giao. GV không giao nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu cho SV thì cũng đừng trông chờ sự tự học, tự nghiên cứu của họ.
    Nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu mà GV giao cho SV phải mang tính chất bắt buộc. SV nhất thiết phải thực hiện các nhiệm vụ này. Để giao nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu cho SV, trong từng nội dung của học phần, GV cần xác định rõ những kiến thức, kỹ năng nào cần cung cấp cho SV; những kiến thức, kỹ năng nào SV cần tự học, tự nghiên cứu.      
     Nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu mà GV giao cho SV phải đa dạng, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Có nhiệm vụ SV chỉ phải đọc một số trang của giáo trình nhưng có nhiệm vụ đòi hỏi SV phải đọc nhiều tài liệu để có cái nhìn đa chiều về một vấn đề. Có nhiệm vụ thuần túy lý thuyết nhưng có nhiệm vụ SV phải tiến hành các bài tập thực hành, thí nghiệm...   
     3.2. Có các hình thức phù hợp để SV báo cáo kết quả tự học, tự nghiên cứu của mình
      Kết quả tự học, tự nghiên cứu của SV cần được báo cáo bằng các hình thức khác nhau. Có làm được điều này, GV mới kiểm soát SV có thực hiện các nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu hay không? Kết quả thực hiện như thế nào? Tùy theo các nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu mà SV có các hình thức báo cáo thích hợp như: Trả lời các câu hỏi của GV trước hoặc trong các giờ học; Thông báo các số liệu từ một bài tập điều tra; thực hành một nội dung đã học; Trình diễn một kỹ năng đã được hình thành... Kết quả tự học, tự nghiên cứu của SV phải được xem là một thành phần không thể thiếu được trong kết quả học tập chung của từng học phần.
      3.3. Bồi d­ưỡng ph­ương pháp tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên
    Trong trường ĐH, cùng với học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một hoạt động không thể thiếu được của SV. Hai hoạt động này hỗ trợ cho nhau và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc gây áp lực tự học, tự nghiên cứu cho SV.
    Tuy nhiên để tự học, tự nghiên cứu có kết quả, SV cần được bồi d­ưỡng ph­ương pháp tự học, tự nghiên cứu. Đây là vấn đề có ý nghĩa mấu chốt trong đào tạo theo HTTC, khi thời gian học tập trên lớp giảm đi, thời gian dành cho các hoạt động độc lập của SV tăng lên. Nếu SV không tự học, tự nghiên cứu thì không thể đáp ứng được yêu cầu của đào tạo theo HTTC.
    Nội dung bồi dưỡng ph­ương pháp tự học, tự nghiên cứu cho SV bao gồm các vấn đề như: Cách lập thư mục cho một chủ đề; cách đọc các loại tài liệu; cách thực hiện các nhiệm vụ học tập khác nhau; cách xác định một đề tài NCKH; cách thu thập và xử lý các kết quả điều tra... Những nội dung này có thể lồng ghép trong các học phần của chương trình đào tạo (nhất là trong học phần Phương pháp NCKH của ngành học); cũng có thể biên soạn thành một chuyên đề trình bày trong hội nghị “Học tốt” của SV...
    3.4. Đổi mới phương pháp dạy học
    Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) theo hướng trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy học... đã trở thành một yêu cầu bắt buộc trong đào tạo theo HTTC. Nếu trong đào tạo theo HTTC, ng­ười GV vẫn sử dụng các PPDH truyền thống, dựa trên cơ sở thuyết trình - diễn giảng là chủ yếu thì không thể nào nâng cao đ­ược chất l­ượng và hiệu quả của ph­ương thức đào tạo này.
    Khi đổi mới PPDH, công việc chủ yếu của GV ở trên lớp là phải tổ chức hoạt động nhận thức của SV theo h­ướng gợi mở, phát hiện và giải quyết vấn đề. Với cách dạy này, đòi hỏi GV phải nhanh chóng sử dụng và sử dụng có hiệu quả các PPDH mới như­: PPDH giải quyết vấn đề; PPDH nghiên cứu; PPDH hợp tác…
    Còn SV cũng phải đổi mới phương pháp học tập. Trong cách học của SV cần chú trọng đến ph­ương pháp tự học. Có hình thành đ­ược ph­ương pháp tự học, SV mới có thể thích ứng nhanh với ph­ương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ và việc học tập suốt đời, trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh tự học, cần phải chú ý đến “cùng học”. Cùng học (theo nhóm, tổ, lớp) mới rèn luyện cho SV khả năng hợp tác, khả năng thuyết phục và khả năng quản lý.
       3.5. Tạo ra một môi trư­ờng tự học, tự nghiên cứu thuận lợi cho SV
    Môi tr­ường tự học, tự nghiên cứuảnh h­ưởng không nhỏ đến kết quả tự học, tự nghiên cứu của SV. Vì thế, việc tự học của SV cần đ­ược diễn ra trong một môi trường thuận lợi. Các yếu tố của môi tr­ường này bao gồm: Sự h­ướng dẫn tự học chu đáo của GV (mục đích, yêu cầu , nội dung, cách thức tự học, tự nghiên cứu...); Hệ thống học liệu (tài liệu, giáo trình) đầy đủ; Công tác kiểm tra tự học của SV được tiến hành thư­ờng xuyên... Ngoài ra, cần quan tâm đến việc tổ chức các câu lạc bộ học tập theo ngành học của SV như: Câu lạc bộ Nhà sử học trẻ” đối với SV ngành Lịch sử; Câu lạc bộ Doanh nhân tương lai” đối với SV ngành Kinh tế; Câu lạc bộ “Tư vấn pháp lý” đối với SV ngành Luật...  
          Tóm lại: Gây áp lực tự học, tự nghiên cứu cho SV là một yêu cầu cấp thiết trong đào tạo theo HTTC. Để gây áp lực tự học, tự nghiên cứu cho SV cần thực hiện đồng bộ các biện pháp mà chúng tôi đề xuất ở trên.
                                                 Tài liệu tham khảo     
1. Nghị quyết 14/ 2005/NQ- CP của Chính phủ Về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam, giai đoạn 2006 -2020.
   2. Phạm Minh Hùng, Một số giải pháp nâng cao khả năng thích ứng với hoạt động dạy học của GV và SV trong đào tạo theo HTTC, Tạp chí Giáo dục, số 244/2010.
3. Quy chế 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/8/2007của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Về đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo HTTC.