GS. Phạm Vũ Luận
Thứ trưởng phụ trách Bộ GD&ĐT
Ngành giáo dục với vai trò chủ động, nòng cốt
Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến giáo dục nói chung, GD đại học nói riêng. Kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với GD-ĐT và GD đại học.
Năm 2009, Quốc hội đã thông qua 2 quyết nghị lớn, có ý nghĩa lâu dài, tác động đến những vấn đề cốt yếu của ngành GD và GD đại học, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD và Nghị quyết số 35/QH/2009/QH về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2008-2009 và triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 khối các trường ĐH, CĐ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định những đóng góp to lớn của GD ĐH trong việc cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời chỉ ra một trong những hạn chế yếu kém của GD ĐH đó là chất lượng đào tạo còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu, Thủ tướng chỉ đạo: “Để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện GD đại học, làm tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém và nâng cao chất lượng và hiệu quả GD đại học, cần phải đột phá vào việc đổi mới quản lý GD đại học, trong đó có quản lý Nhà nước về GD đại học và quản lý của các cơ sở đào tạo”.
Quán triệt các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, trên cơ sở phân tích tình hình thực tế của ngành trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều hoạt động cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo:
- Xác định chủ đề của từng năm học, trong đó chủ đề của năm học 2009-2010 được xác định là “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”.
- Báo cáo Chính phủ, các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII về tình hình phát triển của hệ thống GD đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
- Ngày 6/1/2010, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/BCS về đổi mới quản lý Giáo dục Đại học giai đoạn 2010 - 2012. Ngày 11/1/2010, Bộ Giáo và Đào tạo đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết quan trọng này.
- Tổ chức nhiều hội thảo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội cho các ngành kinh tế chủ lực, đến nay toàn ngành đã ký được gần 600 hợp đồng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Thí điểm đào tạo theo chương trình tiên tiến của các nước phát triển: Mỹ, Anh, úc, Canađa…
- Hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Triển khai đào tạo tiến sĩ, cho giảng viên các trường ĐH, CĐ.
- Từng bước triển khai thực hiện sinh viên đánh giá giảng viên; chuẩn bị hướng dẫn để cán bộ, giảng viên đánh giá sự quản lý của Ban giám hiệu các nhà trường, nhà trường đánh giá sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ và các vụ, cục trong Bộ.
Mặc dù đã đạt được những thành tích không thể phủ nhận, song GDĐH vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng sự quan tâm và kỳ vọng của nhân dân, của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Giáo dục Đại học chưa tạo được chuyển biến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo; một số tiêu cực, khuyết điểm bộc lộ trong quá trình phát triển (thành lập trường, mở ngành đào tạo…) đã gây nên bức xúc và lo lắng trong toàn ngành và toàn xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những yếu kém nói trên. Nhưng nguyên nhân cơ bản đó là cơ chế quản lý nhà nước về GD ĐH và quản lý của chính các cơ sở GD ĐH còn nhiều bất hợp lý kéo dài, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên; tiềm năng đầu tư cho GD ĐH chưa được phát huy có hiệu quả. Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT cũng đã phân tích cụ thể về vấn đề này trong hoạt động sư phạm, trong hoạt động quản lý hệ thống GD đại học, trong yêu cầu nâng cao trách nhiệm và khuyến khích sáng tạo của từng cá nhân, trong cơ chế tài chính, trong tiếp thu, áp dụng và phát triển tri thức mới, công nghệ mới.
Với tinh thần trách nhiệm cao, với tư cách là cánh quân ở các địa bàn và lĩnh vực, các trường ĐH, CĐ cần phân tích kỹ hơn, sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về những yếu kém, tồn tại và nguyên nhân (chủ quan và khách quan), tìm ra những biện pháp khắc phục hữu hiệu nhất nhằm khắc phục tình trạng tồn tại kéo dài của những khuyết điểm đã nêu.
Những việc cần triển khai
Trên cơ sở Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý GD đại học giai đoạn 2010-2012, các Vụ, Cục của Bộ, các trường ĐH, CĐ cần tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tổ chức quán triệt, thống nhất nhận thức trong từng đơn vị và trong toàn hệ thống về lý do phải đổi mới, mục đích, yêu cầu và nguyên tắc đổi mới, về nội dung, phương pháp và đặc biệt là phải tránh căn bệnh hình thức, “đánh trống bỏ dùi”, trên cơ sở đó thống nhất quyết tâm của toàn ngành về đổi mới quản lý GD Đại học.
2. Xây dựng Chương trình hành động của mỗi cá nhân, của mỗi đơn vị để đổi mới trong quản lý nhà nước về GD ĐH và quản lý ở mỗi nhà trường. Mỗi cá nhân, mỗi tập thể có sự đổi mới góp phần tạo nên đổi mới chung trong toàn hệ thống.
3. Thường xuyên quan tâm, góp ý, đặt ra những đòi hỏi cụ thể để cấp trên, cấp dưới (theo chiều dọc) và cả các đơn vị khác tương đương (theo chiều ngang) phải đổi mới nhận thức và hành động. Đồng thời phải quan tâm đặc biệt đến việc tự đổi mới của bản thân mình và đơn vị mình. Cần tránh hiện tượng hô hào người khác, đơn vị khác đổi mới mà không tự mình đổi mới, hoặc quá tập trung vào công việc của đơn vị mình mà không quan sát tổng thể sự đổi mới của toàn hệ thống.
Mỗi cá nhân và từng đơn vị cần phân tích kỹ lưỡng tình hình thực tiễn, từ đó xác định khâu đột phá, mắt xích trọng tâm để tập trung các nguồn lực thực hiện.
4. Cấp ủy, bí thư Đảng ủy, giám đốc và hiệu trưởng các cơ sở đào tạo phải trực tiếp quan tâm chỉ đạo thực hiện công việc này; Đồng thời phải lựa chọn các cán bộ nhiệt tình, có trách nhiệm và có năng lực tham gia vào quá trình này.
5. Thống nhất hành động toàn ngành theo Chương trình chung đã đề ra, đồng thời khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lý GD và các em SV; của từng đơn vị và từng nhà trường.
6. Giám đốc các sở GD-ĐT chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ về sự tham gia của mình vào quá trình quản lý nhà nước đối với hoạt động của các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn.
Kinh nghiệm triển khai thành công cuộc vân động “Hai không” trong khối phổ thông cho thấy: Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nhờ sự quán triệt sâu sắc và đầy đủ trong toàn ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp quản lý và sự hưởng ứng của toàn ngành, sự đồng thuận của cả xã hội mà các hoạt động được triển khai đồng bộ, thuận lợi và đem lại kết quả.
Các bộ, ngành cùng vào cuộc đổi mới giáo dục đại học
Để tăng sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội cho công cuộc đổi mới GD đại học Việt Nam, ngày 27/2/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về đổi mới quản lý GD đại học giai đoạn 2010 - 2012. Những yêu cầu chủ yếu mà ngành GD cần quán triệt khi triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới GD đại học đó là :
1. Cần quán triệt nhận thức: Phát triển quy mô GD ĐH phải đi đôi với đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo. Cần tạo ra cơ chế và động lực trong quản lý nhà nước và quản lý của các cơ sở đào tạo để thực hiện mục tiêu Đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
2. Coi việc đổi mới quản lý GD đại học, bao gồm quản lý nhà nước về GD đại học và quản lý của các cơ sở đào tạo là khâu đột phá để tạo ra sự đổi mới toàn diện của GD đại học.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai các công việc liên quan đến hoạt động GD đại học trên các lĩnh vực: Đổi mới quy hoạch, kế hoạch; rà soát các chỉ tiêu phát triển hệ thống GD ĐH; triển khai chủ trương định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong GD đại học, hướng dẫn và kiểm tra các trường áp dụng mức trần học phí gắn với nâng cao chất lượng đào tạo; phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở đào tạo, đồng thời phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường; đẩy mạnh chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội; tăng cường việc đánh giá và kiểm định chất lượng GD đại học cũng như thanh tra, kiểm tra các hoạt động khác theo đúng quy định; nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý trường ĐH, CĐ cũng như công tác nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, các Bộ, ngành cần tích cực vào cuộc cùng Bộ GD-ĐT trên con đường đổi mới GD đại học theo những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao:
- Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, hỗ trợ việc triển khai đổi mới quản lý GD đại học; Phối hợp tổ chức diễn đàn trên các báo về “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng”, giới thiệu các nhà trường là điển hình tốt trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học.
- Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT mở Chuyên mục tuyên truyền định kỳ về thực hiện Chương trình hành động đổi mới quản lý GD đại học.
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở GD đại học do địa phương quản lý xây dựng và thực hiện Chương trình hành động về đổi mới quản lý GD đại học giai đoạn 2010 – 2012; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về GD đại học theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ; hàng năm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành đối với các cơ sở GD đại học đóng trên địa bàn, công tác phối hợp và tổng hợp kết quả thực hiện, thông báo cho Bộ GD-ĐT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với sự chủ động và nỗ lực của toàn ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội, công cuộc đổi mới GD đại học Việt Nam nhất định sẽ thành công.