GS. TS. Lê Ngọc Hùng
Học viện Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh
(TCCS) Mở
rộng cơ hội đến trường ở tất cả các cấp bậc giáo dục là biểu hiện trực tiếp
sinh động của định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở
Việt Nam, đồng thời phản ánh nguyên tắc công bằng xã hội và bình đẳng xã hội
trong giáo dục hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát
triển bền vững của đất nước. Bài viết này tập trung vào tìm hiểu những nội dung
đổi mới trong chính sách giáo dục được phản ánh trong các Báo cáo chính trị tại
các kỳ Đại hội đại biểu của Đảng từ năm 1986 đến nay và phân tích số liệu điều
tra, thống kê về giáo dục nhằm làm sáng tỏ một số luận điểm mới về đổi mới giáo
dục ở Việt Nam. Luận điểm cơ bản là đổi mới giáo dục cần tiếp tục củng cố thành
tựu phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở, đồng thời mở rộng cơ
hội đến trường ở tất cả các cấp giáo dục từ mầm non đến đại học tiến tới phổ
cập trung học phổ thông và phổ cập đại học bảo đảm công bằng xã hội và phát
triển bền vững.
Một số nội dung đổi mới chính
sách giáo dục
Năm
1986, mục tiêu đổi mới giáo dục là hoàn thành cơ bản phổ cập tiểu học cho trẻ
em, phổ cập trung học cơ sở ở những nơi có điều kiện và từng bước mở rộng giáo
dục phổ thông trung học bằng nhiều hình thức. Năm 1991, trong Báo cáo chính
trị, giáo dục và đào tạo vẫn được xác định là một trong năm vấn đề cơ bản của
chính sách xã hội, nhưng không còn nói đến phổ cập giáo dục, không nói đến mở
rộng cơ hội đến trường, mà chuyển sang tập trung vào đổi mới mục tiêu, nội
dung, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Từ năm 2014 nhìn
lại có thể thấy việc chuyển trọng tâm chính sách giáo dục sang ưu tiên chất
lượng vào đầu những năm 1990 là quá sớm bởi vì vào năm 1993 tỷ lệ đi học đúng
tuổi giáo dục phổ thông còn rất thấp: tiểu học mới đạt 78%, trung học cơ sở 36%
và trung học phổ thông là 11%. Trên thực tế, đến năm 2000 Việt Nam mới thực
hiện được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học.
Từ
năm 1996 đến năm 2011, trong Báo cáo chính trị, chính sách xã hội không còn tập
trung vào giải quyết vấn đề giáo dục nữa, mà vấn đề giáo dục được tách ra khỏi
chính sách xã hội và được phát triển thành nội dung của chính sách chuyên về
giáo dục - đào tạo. Năm 2006, chính sách xã hội được xác định là “bảo đảm cung
ứng dịch vụ công cộng thiết yếu, bình đẳng cho mọi người dân về giáo dục và đào
tạo” và chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn luôn được đặt ra trong tất cả các Báo cáo
chính trị tại Đại hội Đảng.
Bàn
về mục tiêu phát triển đất nước, Báo cáo chính trị năm 1996 xác định mục tiêu
đến năm 2000 phổ cập giáo dục tiểu học. Đến năm 2001, khi trình bày chính sách
về giáo dục và đào tạo, Báo cáo chính trị Đại hội IX đặt ra mục tiêu củng cố
thành tựu phổ cập giáo dục tiểu học và đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục trung
học cơ sở. Mười năm sau đó, khi bàn về phổ cập giáo dục, Báo cáo chính trị năm
2006 xác định một cách chung chung là bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng phổ
cập giáo dục, nhưng không nêu rõ phổ cập giáo dục trung học cơ sở hay phổ cập
giáo dục trung học phổ thông.
Báo
cáo chính trị năm 2011 khi đánh giá thành tựu giáo dục đã ghi nhận rõ là “Đến
năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ
sở”, nhưng lại không tiếp tục đặt ra mục tiêu phổ cập giáo dục trung học phổ
thông và mở rộng quy mô, tăng tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp, bậc giáo dục -
đào tạo, nhất là giáo dục cao đẳng, đại học. Báo cáo chính trị năm 2011 đề ra
chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm mục tiêu cơ bản,
chủ yếu là phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chứ không
phải phổ cập giáo dục trung học phổ thông và cũng không nhằm mở rộng cơ hội đến
trường cao đẳng, đại học. Năm 2013 chủ trương này được thể hiện cụ thể trong
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 trong đó đề ra mục tiêu cụ thể phấn đấu
đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học
phổ thông và tương đương(1).
Như
vậy về mặt chính sách, có thể thấy các mốc thời gian quan trọng về giáo dục như
sau:
-Năm
1986 đặt ra mục tiêu toàn diện là hoàn thành cơ bản phổ cập giáo dục tiểu học,
phổ cập trung học cơ sở ở nơi có điều kiện và từng bước mở rộng giáo dục phổ
thông trung học;
-
Năm 1996 đặt mục tiêu đến năm 2000 phổ cập giáo dục tiểu học;
-
Năm 2001 đặt mục tiêu củng cố thành tựu phổ cập giáo dục tiểu học và đẩy nhanh
tiến độ phổ cập trung học cơ sở;
-
Năm 2006 đặt mục tiêu chung là phổ cập giáo dục;
-
Năm 2010 được ghi nhận là đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở;
-
Năm 2011 chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
-
Năm 2013 ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 về đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục và đào tạo.
Một
nghiên cứu cho biết, đến năm 2014 Việt Nam có 144 văn bản chính sách hiện hành
về an sinh xã hội bao quát các lĩnh vực từ tạo việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm
xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ cơ bản tối
thiểu gồm giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin cho người nghèo. Trong số 144 văn
bản chính sách an sinh xã hội này có 29 văn bản chính sách về hỗ trợ giáo dục
tối thiểu, chiếm 20%, chỉ đứng thứ hai về số lượng văn bản sau vị trí thứ nhất
thuộc về nhóm chính sách tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động với
33 văn bản chiếm gần 24%.
Cơ hội đi học đúng tuổi và
bất bình đẳng xã hội trong giáo dục
Đi
học đúng tuổi là một tiêu chí cơ bản, quan trọng phản ánh trình độ phát triển
giáo dục của cá nhân và cộng đồng xã hội. Trên thế giới, tỷ lệ đi học đúng tuổi
được sử dụng để đánh giá các thành tựu và sự tiến bộ trong quản lý giáo dục,
phát triển giáo dục quốc dân và phát triển bền vững. Việc phân tích số liệu về
tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp bậc giáo dục cho biết một số vấn đề phân hóa xã
hội và bất bình đẳng giáo dục cần được giải quyết để bảo đảm nguồn nhân lực
chất lượng cao cho phát triển bền vững của đất nước trong điều kiện kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các
kết quả điều tra cho biết cơ hội đến trường đã được mở rộng, nhưng chưa được
phân bổ bình đẳng cho các nhóm trong độ tuổi đến trường từ tiểu học đến trung
học phổ thông và nhất là cao đẳng, đại học. Cơ sở pháp luật của việc mở rộng cơ
hội đi học đúng tuổi tiểu học là Luật Phổ cập giáo dục tiểu học được Quốc hội
thông qua năm 1991 trong đó quy định rõ Nhà nước thực hiện chính sách phổ cập
giáo dục tiểu học bắt buộc từ lớp 1 đến hết lớp 5 đối với tất cả trẻ em Việt
Nam trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi. Nhờ thực hiện luật và chính sách phổ cập
giáo dục tiểu học nên gần 10 năm sau, đến năm 2000 Việt Nam đã hoàn thành phổ
cập giáo dục tiểu học, nhưng với các mức độ khác nhau giữa các địa phương. Đến
năm 2009, kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam cho biết vẫn còn những
tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La đạt tỷ lệ đi học đúng tuổi tiểu
học của nữ từ 80 - 83% trong khi có những tỉnh như Hải Dương, Nam Định, Thái
Bình, Đà Nẵng, Bắc Ninh tỷ lệ này đạt trên 98%. Tổng điều tra dân số và nhà ở
năm 2009 cho biết, Việt Nam đã đạt được bình đẳng giới trong giáo dục, nhưng tỷ
lệ đi học đúng tuổi giảm dần từ tiểu học gần 96% xuống còn gần 10% ở bậc đại
học. Sự phân hóa xã hội và bất bình đẳng xã hội ở các cấp, bậc giáo dục giữa
thành thị và nông thôn giữa các dân tộc và nhất là giữa các nhóm hộ gia đình
giàu và nhóm gia đình nghèo tăng lên mạnh từ trung học cơ sở lên đại học. Xét
riêng tỷ lệ đi học đúng tuổi đại học: ở thành thị (23,3%) nhiều gấp hơn 7 lần
so với nông thôn (3%), tỷ lệ của người Kinh (11,1%) nhiều gấp 55 lần so với
người H’Mông (0,2%), tỷ lệ của nhóm người giàu (26,3%) nhiều hơn 87 lần so với
người nghèo (0,3%). Do vậy, nếu ngân sách nhà nước bao cấp cho đại học, ví dụ
bao cấp một gói kinh phí 437 tỷ đồng thì sinh viên thuộc gia đình có mức sống
trung bình, nghèo và rất nghèo được hưởng 68 tỷ đồng và sinh viên gia đình khá
giả và giàu hưởng 369 tỷ đồng, tức là 60% hộ gia đình trung bình, nghèo và rất
nghèo được hưởng gần 16% số tiền bao cấp và 40% gia đình khá giả và giàu hưởng
hơn 84% số tiền bao cấp còn lại. Về mặt chính sách, điều này có nghĩa là cần
phải tăng bao cấp cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông gồm cả tiểu học,
trung học cơ sở và trung học phổ thông, đồng thời giảm bao cấp cho giáo dục đại
học nhằm mở rộng cơ hội đến trường và đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục -
đào tạo.
Kết
quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2012 cho biết: tỷ lệ đi học đúng tuổi
tiểu học tăng từ 89,3% năm 2006 lên 92,4% vào năm 2012. Năm 2010 tất cả các
tỉnh, thành phố đều được ghi nhận là đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở,
nhưng với tỷ lệ đi học đúng tuổi trung học cơ sở là 81,3%. Hai năm sau, tỷ lệ
này chỉ tăng rất ít và đạt 81,4% vào năm 2012. Điều này có nghĩa là đến năm
2012 vẫn còn gần 19% trẻ em chưa đến trường trung học cơ sở đúng độ tuổi và gần
40% không đến trường đúng độ tuổi trung học phổ thông và 80% không học cao
đẳng, đại học. Không có sự bất bình đẳng đáng kể về tỷ lệ đi học đúng tuổi tiểu
học giữa thành thị và nông thôn. Nhưng sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn
tăng lên ở độ tuổi đến trường trung học cơ sở và thể hiện đặc biệt rõ ở độ tuổi
trung học phổ thông: năm 2014 tỷ lệ đi học đúng tuổi trung học phổ thông ở
thành thị là hơn 73% trong khi ở nông thôn là hơn 59%. Mức độ bất bình đẳng về
cơ hội đến trường trung học phổ thông giảm rất chậm chạp từ 16 đơn vị phần trăm
năm 2006 xuống còn 11 đơn vị phần trăm vào năm 2014.
Nguồn nhân lực chất lượng
cao: “thiếu cả thầy cả thợ”
Nhiều
ý kiến phê phán Việt Nam đào tạo đại học tràn lan dẫn đến tình trạng “thừa thày
thiếu thợ” mà không biết rõ trình độ bằng cấp của dân số từ 15 tuổi trở lên của
Việt Nam như thế nào. Năm 2009, theo kết quả điều tra tỷ lệ dân số từ 15 tuổi
trở lên có trình độ giáo dục bậc cao của một số nước trên thế giới như sau:
Việt Nam có 5,4%, Malaisia 8,4%, Philippines 8,4%, Hàn Quốc 23,4% Nhật Bản 30%,
Hoa Kỳ 36,2%. Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2012 cho biết:
tỷ lệ dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có trình độ từ “chưa bao giờ đến
trường” đến “tốt nghiệp trung học cơ sở” là gần 70%, tỷ lệ có trình độ đào tạo
từ “sơ cấp nghề” đến “trên đại học” là 16,2%, còn lại dưới 14% có trình độ “tốt
nghiệp trung học phổ thông”. Số người có trình độ “đại học” gồm cả “cao đẳng”
và “trên đại học” chỉ chiếm 7,4%, số người có trình độ kỹ thuật nghề được đào
tạo là 8,8% và số còn lại 83,2% chưa được đào tạo nghề, tức là tỷ trọng trình
độ nhân lực của Việt Nam năm 2012 là: 7,4% “thầy”, 8,8 % thợ được đào tạo nghề
tức là kỹ thuật viên và 83,2% thợ chưa được đào tạo nghề; có thể quy ra “công
thức”: 1 thày/1,2 kỹ thuật/ 11,2 thợ. Cấu trúc trình độ chuyên môn kỹ thuật này
là đặc trưng cho lực lượng lao động còn rất thấp kém của một nền kinh tế đang
chuyển sang kinh tế thị trường, công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong thời đại
ngày nay. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang thiếu cả thày và thiếu cả thợ chứ
không phải “thừa thày, thiếu thợ” như rất nhiều người vẫn tưởng. Một thực tế là
trong tổng số gần 53 triệu lao động đang có việc làm năm 2014 chỉ có 6,1% lao
động có trình độ “chuyên môn kỹ thuật bậc cao”; 3,1% lao động có trình độ
“chuyên môn kỹ thuật bậc trung”; 40,1% lao động “giản đơn” và số lao động còn
lại là thợ thủ công, thợ lắp ráp, nhân viên, lao động có kỹ thuật(2).
Giáo dục và việc làm: Càng
học lên cao thất nghiệp càng giảm
Có
phải càng học lên đại học thì càng thất nghiệp? Câu trả lời là không! Không
phải vì tốt nghiệp đại học nên bị thất nghiệp, mà người không học đại học có
khả năng bị thất nghiệp nhiều hơn so với người chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở
hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông.
Năm 2014 dư luận xã
hội rộ lên vấn đề 72.000 sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp. Thông tin về số
lượng cử nhân thất nghiệp này được đưa ra và bình luận trên cơ sở thiếu nhiều
dữ liệu khoa học nên rất dễ gây ra hiểu lầm và rất có thể dẫn đến những quyết
định trái với xu thế và yêu cầu của sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng
cao. Để đánh giá được thực trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp cần biết
nhiều thông tin khác, ví dụ cần biết tổng số sinh viên tốt nghiệp và số sinh
viên tốt nghiệp bị thất nghiệp trong khung thời gian - không gian xác định. Khi
được hỏi về điều này một quan chức ngành giáo dục - đào tạo cho biết, trung
bình mỗi năm có khoảng 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường. Nếu mỗi năm có
72 nghìn sinh viên thất nghiệp trong tổng số 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp thì
tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên là 18%. Nhưng nếu 72 nghìn sinh viên thất
nghiệp của hai năm liên tục thì tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên này giảm xuống
còn 9%. Từ góc độ khác, cần tìm hiểu xem 72 nghìn sinh viên thất nghiệp này tốt
nghiệp đạt loại nào thì mới có thể phán xét về chất lượng giáo dục. Rất có thể
72 nghìn sinh viên thất nghiệp này chiếm 18% không phải đều là sinh viên xuất
sắc, giỏi hay khá trong tổng số 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp hằng năm. Cũng
cần phải tìm nguyên nhân thất nghiệp ở năng lực tạo việc làm cho sinh viên của
nền kinh tế, ví dụ khi các cơ quan nhà nước giảm biên chế, nhiều doanh nghiệp
gặp khó khăn thậm chí bị phá sản thì rủi ro thất nghiệp không chỉ xảy ra đối
với các cử nhân mà đối với các thành phần lao động khác.
Kết
quả điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê cho biết năm 2012 Việt Nam
có 925,6 nghìn người thất nghiệp, trong số đó những người “tốt nghiệp trung học
cơ sở” chiếm 24,2%, nhiều hơn gấp đôi so với 10,1% những người có bằng “Đại học
trở lên”.
Sau
hai năm, từ năm 2010 đến năm 2012 tỷ lệ thất nghiệp của những người có bằng cấp
từ “trung học phổ thông” trở xuống đều giảm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của
những người có bằng cấp nghề nghiệp đều tăng, đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp của
người có trình độ “cao đẳng” tăng gấp đôi từ 2,7% lên 5,4%. Tỷ lệ thất nghiệp
của người tốt nghiệp đại học tăng từ 6,1% trong tổng số 1,3 triệu người thất
nghiệp lên 10,1% trong tổng số 925,6 nghìn người thất nghiệp. Đây là số lượng
lớn, nhưng cũng chỉ bằng gần một nửa số người thất nghiệp mới tốt nghiệp tiểu
học hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này có nghĩa là nếu một người chỉ
học hết trung học phổ thông thì rủi ro bị thất nghiệp lớn gấp đôi so với người
tốt nghiệp đại học trở lên. Do vậy, khó có thể suy luận rằng càng học lên cao,
tức là càng học lên đại học thì khả năng bị thất nghiệp càng cao. Từ thực trạng
này khó có thể suy luận đưa ra giải pháp là giảm bớt đại học để giảm bớt thất
nghiệp cũng như khó có thể kết luận rằng nếu tăng chất lượng giáo dục đại học thì
có thể giảm tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học.
Cũng
cần chú ý một chi tiết là tỷ lệ thất nghiệp của những người tốt nghiệp trung
học cơ sở là 24,2% nhiều hơn so với người tốt nghiệp tiểu học và người tốt
nghiệp trung học phổ thông. Do vậy, có thể suy luận rằng nếu đã tốt nghiệp tiểu
học thì hoặc là tìm cách đi làm luôn hoặc là cố gắng học tiếp cho đến khi tốt
nghiệp trung học phổ thông để có thêm cơ hội việc làm chứ không nên rẽ ngang đi
tìm việc làm ngay sau khi “tốt nghiệp trung học cơ sở” bởi vì rủi ro thất
nghiệp lớn và nếu có việc làm thì mức thu nhập từ lao động cũng thấp.
Chuyên môn kỹ thuật: Trình độ
càng cao thu nhập càng nhiều
Nhiều
nhà lãnh đạo, quản lý phê phán việc “đổ xô vào đại học” mà không biết một lý do
đơn giản là thu nhập của người lao động có trình độ đại học luôn đạt mức cao
nhất và gần gấp đôi thu nhập của những người chưa được đào tạo chuyên môn kỹ
thuật. Người dân Việt Nam biết rõ các giá trị, các lợi ích của trình độ đại học
nên vẫn đầu tư cho con cháu đi học từ mầm non đến tận đại học. Các nhà khoa học
được giải thưởng Nobel về khoa học kinh tế như Gary Becker, Amartya Sen và các
nhà xã hội học nổi tiếng như Collins, Coleman, Bourdieu đều nhấn mạnh tầm quan
trọng của việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển các loại vốn vô
hình như vốn con người, vốn văn hóa, vốn xã hội đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn
trong của cải của cá nhân, cộng đồng và quốc gia, ví dụ tỷ lệ nguồn vốn vô hình
này là 45% trong tổng của cải bình quân đầu người Việt Nam năm 2005, trong khi
tỷ lệ này ở các nước phát triển OECD là 81%.
Tóm
lại, việc tìm hiểu những nội dung đổi mới trong chính sách giáo dục và đào tạo
cùng với việc phân tích các số liệu điều tra liên quan cho thấy rõ các cơ hội
giáo dục ở tất cả các cấp, bậc giáo dục đều được mở rộng và tăng lên trong suốt
thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ có thể thấy mặc
dù Việt Nam đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học năm 2000 và phổ cập giáo dục trung
học cơ sở năm 2010, nhưng không phải tất cả 100% trẻ em và thanh niên ở thành
thị và nông thôn, đồng bào dân tộc Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số đều được
đến trường đúng độ tuổi các cấp bậc giáo dục. Các bằng chứng cho thấy bất bình
đẳng xã hội trong giáo dục tăng lên theo các cấp bậc giáo dục và thể hiện đặc biệt
rõ ở trung học phổ thông và giáo dục đại học. Do vậy, trong bối cảnh hội nhập
kinh tế thế giới và trước yêu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước rất cần thiết phải tiếp tục củng cố thành quả phổ cập tiểu học, phổ cập
trung học cơ sở đồng thời tiến tới phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập trung học
phổ thông và phổ cập giáo dục cao đẳng, đại học. Điều này đang trở nên cấp
thiết để bảo đảm công bằng xã hội và bình đẳng xã hội trong giáo dục, phát
triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khắc phục tình trạng vừa thiếu thầy vừa
thiếu thợ của nền kinh tế đang rất cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đòi hỏi phải đổi mới tư duy lãnh đạo,
quản lý về giáo dục theo hướng mở rộng cơ hội đến trường từ mầm non đến đại học
bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội trong giáo dục. Đổi mới giáo dục không
chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn phát triển nhu cầu của xã hội, không chỉ phát triển
năng lực cứng, năng lực mềm và kỹ năng “xin việc làm”. Đổi mới giáo dục còn
phát triển ở người học năng lực “tạo việc làm”, năng lực “khởi nghiệp”, năng
lực “lập nghiệp” cho bản thân, gia đình và xã hội góp phần phát triển bền vững
đất nước./.
-----------------------------------------------------
(1) Đảng cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 29-NQ/TW
ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
(2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê:
Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2014, Hà Nội, 2015, Tr. 24