Tạ Hải Tùng
Tại Việt Nam, mô hình startup rất
phổ biến hiện tại còn mô hình spinoff chưa được quan tâm, phát triển đúng mức,
cho dù đã tồn tại các mô hình hỗ trợ cho các hoạt động này, như: doanh nghiệp
hỗ trợ chuyển giao công nghệ (CGCN), vườn ươm, hay không gian làm việc chung
tại một số ĐH (ĐHBK Hà Nội, ĐHBK Tp Hồ Chí Minh…), hay thậm chí hành lang pháp
lý cho việc ra đời các doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) trong trường ĐH
đã được đề cập rõ nét trong Dự thảo Luật Giáo dục Đại học dự kiến thông qua
trong năm nay. Vậy nút thắt nằm ở đâu?
Doanh nghiệp startup và doanh nghiệp spinoff
Khi đổi mới sáng tạo và công nghệ là
trung tâm của hoạt động khởi nghiệp thì nơi tạo ra các ý tưởng công nghệ mới có
thể được coi là “hạt nhân” của cả hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đó chính
là các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó, đặc biệt là các
trường đại học (ĐH), nơi không chỉ đóng góp các ý tưởng công nghệ đột phá, mà
còn đóng góp nguồn nhân lực không những giàu tiềm năng công nghệ, mà còn đầy
sức trẻ với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.
Hiện tại, khởi sự doanh nghiệp từ
các kết quả nghiên cứu của trường ĐH có thể được chia thành hai mô hình:
startup, và spinoff. Dù còn có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng theo cách hiểu
phổ biến1, với doanh nghiệp startup, các đồng chủ sở hữu doanh nghiệp thường
đến từ bên ngoài trường đại học, và đặc biệt họ không sở hữu công nghệ xuất
phát từ trường ĐH, mà tiếp cận với nó thông qua hoạt động chuyển giao quyền sở
hữu trí tuệ (licensing). Trong khi đó, nếu trường ĐH cùng với các nhà khoa học
đang sở hữu bằng sáng chế về công nghệ mà muốn mình tự xây dựng và phát triển
doanh nghiệp (“tự khởi nghiệp”) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học
(NCKH) thì ta có mô hình doanh nghiệp “spinoff”.
Tại Việt Nam, mô hình startup rất
phổ biến hiện tại còn mô hình spinoff chưa được quan tâm, phát triển đúng mức,
cho dù đã tồn tại các mô hình hỗ trợ cho các hoạt động này, như: doanh nghiệp
hỗ trợ chuyển giao công nghệ (CGCN), vườn ươm, hay không gian làm việc chung
tại một số ĐH (ĐHBK Hà Nội, ĐHBK Tp Hồ Chí Minh…), hay thậm chí hành lang pháp
lý cho việc ra đời các doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) trong trường ĐH
đã được đề cập rõ nét trong Dự thảo Luật Giáo dục Đại học dự kiến thông qua
trong năm nay.
Vậy nút thắt nằm ở đâu?
Khởi nghiệp sáng tạo trong trường ĐH thông qua spinoff: khó khăn bắt đầu
từ sự nhận thức
Thực sự thì không phải đợi đến bây
giờ, tại một số trường đại học truyền thống tại Việt Nam như: ĐHBK Hà Nội, ĐH
Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ĐH Xây dựng, ĐH Mỏ-Địa chất… từ nhiều năm qua
đã thành lập các doanh nghiệp với mục đích là hỗ trợ hoạt động CGCN. Tuy nhiên,
trong thực tế triển khai, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này chủ yếu
là tư vấn, giám sát, kiểm định, cung cấp dịch vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân
lực đến trực tiếp sản xuất, kinh doanh, thi công, trong khi hoạt động quan
trọng là CGCN từ kết quả NCKH của chính đơn vị còn rất hạn chế. Đây là khó khăn
căn bản khi triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo – thành lập spinoff –
trong trường ĐH. Hơn nữa, khi mà lãnh đạo các trường luôn nhìn nhận danh tiếng
của đơn vị mình chiếm tỷ trọng lớn trong sự thành công của doanh nghiệp, thì họ
luôn mong muốn “danh tiếng” – thứ tài sản vô hình đó được quy đổi ra một tỷ lệ
sở hữu lớn trong doanh nghiệp spinoff, như hiện tại con số này có thể lên tới hàng
chục phần trăm, thậm chí 51% theo kiểu cũ sẽ không thể tạo động lực cho doanh
nghiệp spinoff tồn tại và phát triển.
Về bản chất spinoff cũng như startup
nói chung luôn tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro. Các doanh nghiệp này tập trung vào
công nghệ mới chưa đủ độ chín, với thị trường có thể chưa thành hình, trong khi
trước mắt là vô vàn khó khăn từ vốn, quản trị, vận hành sản xuất, đến phân phối
sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, và không thể không kể tới sự cạnh tranh khốc
liệt từ thị trường. Vì vậy, thông thường ngoài sự đóng góp thông qua việc
chuyển quyền sử dụng bằng sáng chế, các trường đại học sẽ chỉ đóng góp thông
qua “danh tiếng”, và sự hỗ trợ ban đầu về quyền sử dụng cơ sở vật chất, trang
thiết bị, phòng thí nghiệm, cũng như nhân lực dưới dạng biệt phái cho spinoff.
Ngoài ra, các trường đại học nghiên cứu thường là các trường công (bao gồm cả
trường công được bao cấp, tự chủ một phần và tự chủ toàn phần), vì vậy, sẽ rất
khó để dùng tiền từ các hoạt động khác cho khoản đầu tư rủi ro này. Trong khi,
doanh nghiệp mới thành lập thực sự cần tiền mặt cho mọi hoạt động của mình, vì
vậy, họ cần các khoản đầu tư khác, có thể từ chính tiền cá nhân của họ, hoặc
kêu gọi các nhà đầu tư khác ngoài xã hội. Tuy nhiên, việc các trường ĐH chiếm
tỷ lệ sở hữu lớn (thậm chí chi phối) thì sẽ làm giảm sự hấp dẫn của doanh
nghiệp với các nhà đầu tư, những người thực sự “đổ xăng” cho cỗ máy spinoff có
thể chạy được. Ngoài ra, chiếm giữ cổ phần lớn nghĩa là trường ĐH có khả năng
chi phối mạnh các hoạt động của spinoff, trong khi chất lượng nhân sự quản lý
doanh nghiệp chắc chắn không phải là một thế mạnh của trường ĐH, chưa kể, tính
nhiệm kỳ trong các quyết định là một rào cản không nhỏ cho sự phát triển bền
vững của spinoff. Chính vì vậy, thực tế triển khai trên thế giới cho thấy rằng
tỷ lệ thành công của các spinoff sẽ càng giảm nếu tỷ lệ sở hữu của trường ĐH
càng lớn2.
Vậy đến đây, câu hỏi được đặt ra lợi
ích của hoạt động spinoff này là gì, nếu không phải là lợi nhuận của CGCN? Câu
trả lời đôi khi phụ thuộc vào chính sách và sự ưu tiên của từng trường ĐH,
trong từng giai đoạn khác nhau, nhưng tựu trung lại, chúng ta có thể kể tới các
lợi ích trực tiếp và gián tiếp như sau:
- Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm
NCKH: các kết quả NCKH thông thường tồn tại ở dạng mô hình, và bản chế thử
(prototype), vì vậy không hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư
quan tâm nhiều đến lợi nhuận ngắn hạn. Gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam có
phát sóng chương trình “Thương vụ bạc tỷ”, và trong chương trình này, chúng ta
thường xuyên nghe thấy các nhà đầu tư yêu cầu nhà khởi nghiệp phải đảm bảo sự
an toàn cho khoản đầu tư của mình, thậm chí họ còn yêu cầu được cầm cố tài sản.
Chính vì vậy, trông đợi vào các nhà đầu tư ngoài xã hội trong các lĩnh vực có
yếu tố rủi ro cao như đầu tư công nghệ (đặc biệt là công nghệ mới) là tương đối
khó khả thi trong điều kiện Việt Nam hiện tại. Vì vậy, doanh nghiệp spinoff với
sự tham gia chủ động và vai trò quan trọng của trường ĐH và đặc biệt là bản
thân nhà khoa học, những chuyên gia công nghệ, người hiểu hơn ai hết về “đứa
con” của mình sẽ nâng cao tỷ lệ thành công của việc thương mại hóa sản phẩm
NCKH.
- Thúc đẩy sự phát triển kinh tế -
xã hội: ngoài nghĩa vụ về thuế, cũng như thu hút lao động, doanh nghiệp spinoff
ra đời sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, khác biệt về công nghệ,
qua đó trực tiếp và gián tiếp đóng góp vào sự phát triển của xã hội, cũng như
nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, doanh nghiệp spinoff còn đóng vai trò
hình thành các liên kết thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đặc
biệt tại địa phương nơi doanh nghiệp hình thành.
- Thúc đẩy sự phát triển của hoạt
động đào tạo và NCKH: các doanh nghiệp spinoff sẽ góp phần tạo ra làn sóng khởi
nghiệp sáng tạo trong trường ĐH, qua đó hỗ trợ phát triển NCKH đặc biệt trong
các lĩnh vực có khả năng ứng dụng, và tiềm năng thương mại hóa cao, đưa khoa
học đến gần hơn với thực tiễn đa dạng của đời sống. Ngoài ra, doanh nghiệp
spinoff tạo ra môi trường lý tưởng để sinh viên, và đặc biệt là nghiên cứu sinh
tham gia các hoạt động R&D, và được đào tạo bổ sung các kỹ năng thực tiễn
cần thiết, để sau này có thể chính họ cũng sẽ là những hạt nhân khởi nghiệp
sáng tạo cho xã hội. Thêm vào đó, sự thành công của hoạt động spinoff sẽ mang
lại thêm thu nhập cho những người tham gia, qua đó tạo điều kiện cho trường đại
học thu hút và “giữ chân” các giảng viên, các nhà khoa học có trình độ cao,
phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững. Cuối cùng, câu chuyện
thành công của các spinoff còn thể hiện một phần trách nhiệm giải trình của các
trường ĐH đối với sự đầu tư của xã hội, và qua đó, thu hút thêm được nguồn lực
xã hội hóa vào phát triển các cơ sở giáo dục đại học trình độ cao, với định
hướng nghiên cứu rõ nét, và là trung tâm của đổi mới sáng tạo.
Về bản chất, duy trì tỷ lệ sở hữu
lớn là trường ĐH mong muốn có được phần lợi tức cao khi spinoff thành công (sản
xuất/kinh doanh có lãi, IPO, hoặc mua bán/sáp nhập doanh nghiệp). Tuy nhiên,
với doanh nghiệp spinoff tỷ lệ này không thể cao. Thống kê ở Úc (tuy nhiên kết
luận này có thể áp dụng cho tình hình thế giới nói chung) cho thấy rằng, trung
bình tỷ suất hoàn vốn đầu tư cho R&D từ hoạt động licensing của các trường
ĐH chỉ ở mức 3%, trong đó chỉ có 10% các trường có tỷ suất dương, và mỗi trường
trong nhóm này cũng chỉ thu được phí licensing của một số lượng rất hạn chế
trong tổng số các phát minh mà mình sở hữu.
Mô hình spinoff trên thế giới
Trên thế giới, mô hình doanh nghiệp spinoff
khá phổ biến tại các trường đại học ở các nước phát triển. Trong đó đặc biệt ở
Mỹ, sự ra đời của Đạo luật Bayh-Dole vào năm 1980, với việc cho phép các đại
học có được quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) từ các kết quả nghiên cứu nhận nguồn
tài trợ của ngân sách liên bang đã tạo ra một làn sóng phát triển mạnh mẽ các
doanh nghiệp spinoff.
Chính sách về doanh nghiệp spinoff
có sự điều chỉnh theo từng trường đại học, tuy nhiên đa phần được xây dựng trên
nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp spinoff có thể tồn tại và phát
triển, cụ thể:
(i) tỷ lệ sở hữu của trường ĐH khá
nhỏ để spinoff trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, cũng như tạo thêm động
lực khởi nghiệp cho nhà khoa học,
(ii) các loại phí, trong đó đặc biệt
là phí licensing, được ghi nhận nhưng sẽ được hoàn trả khi doanh nghiệp có lợi
nhuận, và (iii) sự hỗ trợ của trường ĐH với spinoff có giới hạn về mặt thời
gian, sau thời hạn được nhận hỗ trợ này, spinoff phải có nghĩa vụ đầy đủ với
trường ĐH, trong khi trường ĐH thông thường sẽ thoái vốn để tạo điều kiện cho
spinoff phát triển mạnh hơn với các nhà đầu tư mới, cũng như thu hồi vốn đầu tư
cùng lợi nhuận (nếu có), hay chỉ đơn thuần là tạo “không gian” để hỗ trợ cho
các spinoff khác.
Để cụ thể hóa các nguyên tắc nêu
trên, qua đó có thể bổ sung các thông tin tham chiếu cho các trường ĐH, dưới
đây, bài báo sẽ cung cấp một số thông tin tương đối giá trị về triển khai
spinoff tại Mỹ (một số số liệu được lấy từ tài liệu “Hướng dẫn thành lập
Spinoff” của Đại học Carnegie Mellon
(CMU) – một trong những trường hàng đầu thế giới trong các hoạt động CGCN3), cụ
thể:
- Về sự hình thành: doanh nghiệp
spinoff thường được xây dựng dựa trên nguyên tắc chung: (i) công nghệ “đầu vào”
của spinoff phải được bảo hộ SHTT bởi bằng sáng chế; (ii) các cá nhân đề xuất
là cán bộ của trường ĐH, đồng thời là tác giả của bằng sáng chế; (ii) kế hoạch
kinh doanh được thông qua bởi trường ĐH.
- Về tỷ lệ sở hữu: như đã phân tích
ở trên để hoạt động spinoff được phát triển và bền vững, các trường ĐH được
khuyến cáo nên giữ tỷ lệ sở hữu thấp, ví dụ: tại CMU với gói thỏa thuận cơ bản,
nếu spinoff muốn được độc quyền tiếp cận sáng chế, trường ĐH sẽ sở hữu 6% cổ
phần, xác nhận tại thời điểm tổng vốn đầu tư vào doanh nghiệp huy động được đạt
tới 2 triệu USD; còn nếu không độc quyền thì tỷ lệ giảm xuống còn 5%. Tại ĐH
Los Angeles tại California (UCLA) con số này là 2%.
- Về phí sử dụng sáng chế (royalty),
cơ sở vật chất, và con người: theo chính sách của CMU, trường sẽ miễn 3 năm phí
sử dụng sáng chế, sau đó, phí được tính là 2% trên tổng doanh thu từ sản phẩm
có được nếu độc quyền sáng chế, và con số này là 1% nếu không độc quyền sáng
chế. Để việc sở hữu độc quyền không biến thành rào cản cho việc CGCN, giữa
trường và spinoff sẽ đặt ra một số mốc thời gian, kèm theo đo lường mức độ hiệu
quả để sau đó quyết định có tiếp tục thỏa thuận độc quyền hay không. Quyền sử
dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm được xây dựng dựa trên kế
hoạch kinh doanh được phê chuẩn, và theo nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến
hoạt động chính của trường ĐH, và thời hạn hỗ trợ không thể kéo dài (2 năm với
CMU). Trong thời hạn hỗ trợ, các hoạt động này có thể miễn phí, hoặc được tính
phí nhưng sẽ chỉ được thu lại khi doanh nghiệp có dòng tiền. Về vấn đề con
người, các cán bộ của trường ĐH tham gia vào spinoff có thể nhận được hình thức
công tác biệt phái bán thời gian, hoặc toàn bộ thời gian, và sau một khoảng
thời gian, tùy theo thỏa thuận ban đầu, họ phải lựa chọn: tiếp tục làm việc cho
spinoff, hoặc quay về trường ĐH.
Thực tế, khó có thể có một mô hình
spinoff chuẩn có thể áp dụng cho mọi trường ĐH, đặc biệt đối với trường ở các
nước đang phát triển như Việt Nam, khi mà nguồn lực từ xã hội còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, spinoff là một trong những cách thức tốt
nhất, và có thể nói là văn minh nhất để chứng minh hiệu quả của hoạt động CGCN
từ kết quả nghiên cứu. Tại Việt Nam, trong quá khứ đã có nhiều công ty được
thành lập và lớn mạnh đến ngày nay với xuất phát điểm từ các trường đại học, và
viện nghiên cứu. Có thể kể tới: Công ty FPT, Công ty Sơn Kova, Công ty Polyco,
Công ty BKAV, Công ty Netnam, Công ty MISA…, tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử,
sự nhận thức, hành lang pháp lý và trình độ phát triển trong các giai đoạn khác
nhau, nên cũng khó có thể nói đó là các doanh nghiệp theo mô hình spinoff thực
sự từ các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Trong bối cảnh mới, trước thách thức của
hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà chỉ số đổi mới sáng tạo được dùng để đánh giá
trình độ phát triển của một quốc gia, cũng như sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng
khốc liệt, việc phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại
học là hết sức quan trọng, điều này không những đóng góp cho sự phát triển kinh
tế xã hội, mà còn tạo ra nguồn lực mạnh mẽ để phát triển nghiên cứu khoa học,
và đào tạo trình độ cao, gắn liền với thực tiễn đời sống.
---------
Tài liệu tham khảo:
[1] Yumiko Hamano, Commercialization
Procedures: Licensing, Spin-offs and Start-ups, WIPO Regional Forum on
University - Industry Collaboration to Promote Technology Transfer, Hanoi,
Vietnam, November 4th - 7th, 2011.
[2] Ian A. Maxwell,Why Universities
are the Worst Shareholders for Spin-out Companies,The IP Strategy Journal, 31
January 2013.
[3] CMU Spin-Off Guidelines, Center
for Technology Transfer and EnterpriseCreation, Carnegie Mellon Univer