Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương mở cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc. Nhưng để cuộc vận động ý nghĩa này được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng thì nó phải đi vào lòng dân bằng những việc làm thiết thực, đồng bộ ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Ai cũng biết, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là một hành động chứng tỏ lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của mỗi một người dân. Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, các ngành sản xuất trong nước gặp những trở ngại trong xuất khẩu, đồng tiền trong dân không nhiều thì việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng trong nước lại càng cần thiết.
Nhưng mặt khác cũng phải hiểu rằng không phải chúng ta không xuất khẩu được nên phải bán nội địa. Lại càng không phải hàng tiêu thụ nội địa là những mặt hàng kém chất lượng. Cuộc vận động này là hướng các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong khi mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa ra các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới thì không bao giờ được quên đối tượng phục vụ chủ yếu của mình là hàng chục triệu người tiêu dùng trong nước, một thị trường bao la trải khắp đất nước thân yêu của mình. Đã qua rồi thời kỳ mình sản xuất được cái gì thì đưa ra thị trường cái ấy mà không cần biết người tiêu dùng cần gì. Bởi vậy, muốn người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì hàng hóa phải hợp với nhu cầu, thị hiếu, túi tiền của người Việt Nam. Đã có thời kỳ các xí nghiệp cơ khí công nghiệp ở các vùng miền sản xuất những máy tuốt lúa, trảy củ lạc, tỉa hạt ngô … rồi cứ các tổ thợ xuống các vùng nông thôn vận động nông dân dùng thử, sản phẩm nào thích hợp được nông dân ưa chuộng thì về sản xuất hàng loạt để cung ứng cho nông dân. Không ai hiểu phong tục, tập quán, thị hiếu tiêu dùng, đặc điểm thổ nhưỡng, núi rừng của Việt Nam bằng người Việt Nam. Bởi vậy, khi sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhân dân cũng phải xuất phát từ tinh thần phục vụ, tấm lòng yêu quý, trân trọng đồng bào mình. Nói về quan điểm này, sinh thời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Đó là tinh thần vì nhân dân, đó là mối tình đoàn kết công, nông”.
Về phía người tiêu dùng, đã có lúc chúng ta chuộng hàng ngoại vì hàng nội có lúc chất lượng chưa cao lại đắt hơn hàng ngoại. Đó là do một số hàng ngoại không qua con đường nhập khẩu mà là nhập lậu, trốn thuế nên có giá rẻ. Đó là chưa nói đến xu hướng “sính hàng ngoại”, chuộng hình thức bóng bẩy bên ngoài mà ít quan tâm đến giá trị và thời gian sử dụng. Cuộc vận động này vừa nhắc nhở cả hai phía (nhà sản xuất và người tiêu dùng) những vấn đề nêu trên vừa nêu rõ trách nhiệm của người tiêu dùng tinh thần dùng hàng nội để khuyến khích các nhà sản xuất. Khi các nhà sản xuất trong nước tiêu thụ được hàng hóa, quay vòng vốn nhanh, có tích lũy để tái sản xuất mở rộng, tái đầu tư nâng cao thì chất lượng, hàng hóa sẽ có điều kiện nâng dần chất lượng.
Nhà nước đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để kích cầu sản xuất và tiêu dùng. Nếu chúng ta không vì yêu cầu của sản xuất trong nước mà cứ chờ mua hàng ngoại thì vô hình trung tiền của Nhà nước bỏ ra để “kích cầu tiêu dùng hàng ngoại”. Đó vừa không phải là một thái độ vì đất nước, càng thiếu lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà Bộ Chính trị vừa chủ trương không phải chỉ hướng về người tiêu dùng là nhân dân mà bao gồm cả các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị chính trị, xã hội trong khi mua sắm công cũng phải tuân thủ. Ngay các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình, cũng cần sử dụng có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh.
Trong khi vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chúng ta hoàn toàn không có ý đồ “bài ngoại” hay “bảo hộ” hàng nội mà nêu rõ trách nhiệm các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải không người nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm của hàng hàng hóa Việt Nam. Khi chúng ta đã tạo ra hàng hóa, dịch vụ có chất lượng rồi thì phải kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, không gương mẫu thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu. Phải sớm hình thành hệ thống bán lẻ ở các vùng nông thôn, các khu công nghiệp, xúc tiến thương mại nội địa … để tạo thuận lợi nhất cho người tiêu dùng và cũng là cách để chiếm lĩnh thị trường nội địa.
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là một khẩu hiệu mà là một cuộc vận động chính trị lớn vì sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Cuộc vận động này phải được tiến hành đồng bộ, rộng khắp để nhân dân hiểu rõ, hương ứng, một sự hưởng ứng bằng cả tấm lòng vì đất nước của từng người dân .
Thanh Phong