Tự phê bình và phê bình là quy luật của xây dựng và phát triển Đảng, là truyền thống tốt đẹp của Đảng ta. Trong học tập, công tác, sinh hoạt, chúng ta không thể tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm, thiếu sót... Tự phê bình và phê bình là tìm ra những ưu điểm để phát huy, những khuyết điểm, nhược điểm để khắc phục, tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ, không ngừng nâng cao chất lượng công tác, giúp cho đảng viên và tổ chức của Đảng tiến bộ. Mặc dù Đảng ta chú trọng công tác tự phê bình và phê bình, nhưng trên thực tế cho thấy, không phải mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều đã làm tốt việc tự phê bình và phê bình. Ở nhiều đảng bộ, chi bộ, tự phê bình và phê bình thường chưa xuất phát đầy đủ từ tình hình và nhiệm vụ để đề ra yêu cầu cho chính xác; chưa đi vào những nội dung chủ yếu, chưa nắm chắc phương châm, phương pháp tự phê bình và phê bình; có thái độ không đúng đắn trong tự phê bình và phê bình. Hơn nữa, sau khi tự phê bình và phê bình thường thiếu biện pháp tổ chức để đảm bảo việc sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Có không ít tổ chức cơ sở đảng, đảng viên rơi vào khuynh hướng làm ít, nói nhiều, mắc bệnh thành tích nên ngại đấu tranh, tránh va chạm, chưa phát huy tính chiến đấu, không trung thực nhận rõ khuyết điểm của tổ chức cũng như của bản thân mỗi đảng viên. Vì vậy, tự phê bình và phê bình chỉ diễn ra một cách hình thức. Đảng viên là cấp dưới đối với cấp trên thường e dè, không dám đấu tranh, thẳng thắn phê bình những việc làm sai trái, tiêu cực, sợ mất lòng, sợ bị cấp trên thành kiến, trù dập. Do đó, trong xã hội nhiều hiện tượng tiêu cực đã xuất hiện. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức tước, quyền hành, địa vị… đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, tha hoá về đạo đức, lối sống, thoái hoá về phẩm chất chính trị. Họ lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tham ô, móc ngoặc, thu lợi cá nhân gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Những vụ án trong mấy năm trước như Tân Trường Sanh, Tăng Minh Phụng, Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh… và gần đây là các vụ án tham nhũng ở PMU 18 (Bộ Giao thông vận tải), Đồ Sơn (Hải Phòng), Vụ xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại)… là bằng chứng rõ ràng nhất.
Trước thực trạng nói trên, chúng ta phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng nhằm hạn chế những hiện tượng tiêu cực, lấy lại lòng tin của quần chúng với Đảng. Trước hết, các cấp uỷ đảng và mỗi đảng viên phải xác định được mục đích, yêu cầu của tự phê bình và phê bình. Để tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả cao, trước hết phải xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ chung của Đảng, của Nhà nước, cơ quan, đơn vị, trường học... để xem xét những ưu điểm và khuyết điểm trong việc quán triệt và chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ nơi công tác và sinh hoạt. Đây là tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá phẩm chất chính trị và năng lực thực tiễn của mỗi chi bộ Đảng và từng đảng viên. Bản thân mỗi đảng viên phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và các nghị quyết của chi bộ trong từng thời gian, vào chức trách của từng người và trách nhiệm được chi bộ phân công để tự kiểm điểm bản thân có tích cực thực hiện và tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ của Đảng hay không, có đấu tranh lên án những tư tưởng, quan điểm, việc làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng...
Hai là, các tổ chức Đảng phải đưa tự phê bình và phê bình làm thành một trong những nội dung sinh hoạt định kỳ. Cần giáo dục cho đảng viên thấy rõ ý nghĩa của tự phê bình và phê bình. Tổ chức cho mọi đảng viên học tập nắm thật chắc Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII), Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X)… Sau đó, bản thân mỗi đảng viên tự liên hệ xem đã có những ưu điểm gì để tiếp tục phát huy, khuyết điểm gì còn tồn tại để khắc phục và phải tự giải đáp câu hỏi vì sao bản thân lại vi phạm khuyết điểm đó. Công khai nhận rõ sai lầm khuyết điểm là thể hiện dũng khí và tính đảng của mỗi đảng viên. Không vì sĩ diện cá nhân, sợ mất uy tín hoặc vì động cơ không chính đáng nào khác mà che dấu khuyết điểm hoặc tự phê bình và phê bình một cách đại khái, qua loa cho xong chuyện.
Để đảng viên tự phê bình và phê bình có hiệu quả thì những đồng chí lãnh đạo cấp uỷ phải gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình; khuyến khích đảng viên phê bình cấp uỷ, phê bình cá nhân cấp uỷ viên và tổ chức cho đảng viên trong chi bộ thực hiện tốt việc phê bình đó. Thực tiễn cho thấy chi uỷ tự phê bình và phê bình trước, có kết quả tốt thì sẽ có tác động đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong chi bộ, nâng cao tính tự giác và chất lượng tự phê bình và phê bình của mỗi đảng viên. Trong những buổi sinh hoạt tự phê bình và phê bình, chi uỷ cần đối chiếu với đường lối, chính sách, các nghị quyết của Đảng, những kinh nghiệm của các đợt tự phê bình và phê bình đã qua, chỉ rõ những yêu cầu mới, những nội dung cần chú trọng khi tự phê bình và phê bình để giúp đảng viên tự phê bình và phê bình có hiệu quả.
Ba là, chi uỷ và mỗi đảng viên phải có thái độ tự phê bình và phê bình đúng đắn. Mỗi đảng viên cần nghiêm túc trong việc tự phê bình cũng như phê bình đảng viên khác. Tự phê bình và phê bình là hai mặt có quan hệ khăng khít với nhau. Nếu không tự phê bình nghiêm túc thì cũng không thể phê bình đảng viên khác một cách nghiêm túc. Trong chi bộ, nếu đảng viên nào mắc khuyết điểm thì các đảng viên khác cũng phải thấy trong đó phần trách nhiệm của mình. Vì thế, một mặt phê bình đảng viên đó, một mặt phải tự phê bình. Tự phê bình và phê bình cần khách quan, trung thực, không tô hồng ưu điểm, cường điệu khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình là trách nhiệm, là tình cảm để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Người phê bình phải có động cơ trong sáng, chân tình, người được phê bình sẽ dễ dàng tiếp nhận và việc phê bình sẽ có tác dụng tích cực. Khi phê bình đảng viên khác, không nên chấp nhặt, tránh đao to búa lớn; càng không nên vì định kiến cá nhân, bè phái hoặc vì động cơ cá nhân mà có thái độ thiếu chân tình và xây dựng, thiếu bình tĩnh, lợi dụng phê bình để đả kích, châm biếm, nói xấu, nói sai sự thật để làm mất uy tín của người mình không ưa, gây nên tình trạng mất đoàn kết nội bộ. Chúng ta cũng cần phải khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do như nể nang nhau, vì quan hệ họ hàng, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng liêu... mà xuê xoa qua chuyện hoặc bao che khuyết điểm cho nhau. Điều này sẽ khiến cho tự phê bình và phê bình phản tác dụng.
Bốn là, trong quá trình tự phê bình và phê bình cần có phương pháp thích hợp. Phải nhận xét, phân tích một cách toàn diện, đúng mức ưu điểm và khuyết điểm. Có đánh giá đúng ưu điểm mới thúc đẩy được mặt tích cực của đảng viên. Có phê phán đúng khuyết điểm mới hạn chế được mặt tiêu cực. Cần chống cả hai khuynh hướng chỉ thấy ưu điểm mà không nghiêm khắc với khuyết điểm hoặc ngược lại, chỉ thấy khuyết điểm mà không đánh giá được ưu điểm. Quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình phải quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tự do tư tưởng. Nghĩa là, chi uỷ trong khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải đảm bảo cho mọi đảng viên có đầy đủ quyền phát biểu mọi ý kiến của mình. Làm được như vậy thì sẽ nâng cao tính tích cực sáng tạo của đảng viên, sẽ ngăn ngừa được tình trạng phát ngôn tự do, vô tổ chức. Để thúc đẩy tự phê bình và phê bình thì chi uỷ phải tạo điều kiện và khuyến khích các đảng viên phê bình. Không được dùng quyền là cấp uỷ để trấn áp phê bình, không để người được phê bình trình bày hết ý kiến của mình, hay lái sang vấn đề khác.
Năm là, mỗi chi bộ cần có ít nhất là một tờ báo hoặc tạp chí như báo Nhân dân, tạp chí Cộng sản, tạp chí Xây dựng Đảng... để cập nhật thông tin và xem các chi bộ, đảng bộ từ trung ương đến địa phương đã thực hiện tự phê bình và phê bình như thế nào. Từ đó vận dụng những kinh nghiệm hay của chi bộ, đảng bộ bạn vào hoàn cảnh cụ thể của chi bộ mình. Điều này xuất phát từ thực tiễn là hiện nay có một số chi bộ thiếu các loại báo và tạp chí nói trên. Vì vậy, nên chi uỷ cũng như các đồng chí đảng viên trong chi bộ thiếu thông tin dẫn đến việc tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả chưa cao.
Cuối cùng, trong sinh hoạt chi bộ cần gắn tự phê bình và phê bình với việc đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm, xét chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức, bình bầu các danh hiệu thi đua... Nếu một đảng viên trong cả năm sinh hoạt không tiến hành tự phê bình và phê bình (trừ trường hợp chi bộ hoặc đảng viên đó quá xuất sắc) thì không thể xếp là đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hay một đảng viên dự bị trong thời gian một năm thử thách, nếu thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình thì chi bộ cũng cần xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng trước khi ra nghị quyết đề nghị đảng uỷ cấp trên công nhận là đảng viên chính thức... Nếu làm được những điều này thì mỗi đảng viên sẽ ý thức được tầm quan trọng và hiệu quả của việc tự phê bình và phê bình. Bên cạnh đó, hàng năm khi tổng kết công tác đảng, chi uỷ cần biểu dương, khen thưởng những đảng viên có tinh thần tự phê bình và phê bình tốt. Đó là động lực để tạo cho đảng viên phấn khởi, tin tưởng và là nguồn động viên, khích lệ để đảng viên tiếp tục phát huy tốt việc tự phê bình và phê bình. Nhờ đó sức mạnh của chi bộ đảng sẽ ngày càng tăng. Có như vậy, chúng ta mới góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đồng thời thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Quang Tuấn