Những
năm gần đây, các dự án khởi nghiệp được xem là xu hướng kinh doanh mới, thúc
đẩy sự sáng tạo, giảm bớt khoảng cách giàu - nghèo... Thế nhưng, ghi nhận từ
các tổ chức, tạp chí về thương mại, kinh doanh và đầu tư trên thế giới cho
thấy, để hiện thực hóa một dự án khởi nghiệp cần phải lường trước các rủi ro
tiềm ẩn...
Bắt
đầu được nhắc tới trên một số phương tiện báo chí và truyền thông tại Việt Nam
từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng kinh doanh khởi nghiệp (start-up)
chỉ thật sự bùng nổ, trở thành làn gió mới trong nền kinh tế Việt Nam trong một
vài năm trở lại đây, và hiệu ứng tích cực đem lại từ mô hình doanh nghiệp này
là không hề nhỏ. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp như: trang thanh toán và
chuyển tiền điện tử Momo, trang thương mại điện tử Tiki, tổ hợp công nghệ giáo
dục Topica,... được các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế định giá từ hàng chục
tới hàng trăm triệu USD. Nhiều sản phẩm từ doanh nhân khởi nghiệp của Việt Nam
đã bắt đầu gặt hái thành công, có uy tín trong nước và ngoài nước như: chương
trình giáo dục ngoại ngữ trên nền tảng di động có tên Monkey Junior của Đào
Xuân Hoàng và cộng sự, thiết bị bay của Công ty nghiên cứu và phát triển Đông
Giang... Bên cạnh đó, là một số mô hình kinh doanh khởi nghiệp thế giới của
người gốc Việt như: Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn) với Công ty sản xuất thiết bị công
nghệ Misfit đã chuyển nhượng cho Fossil Group với giá 260 triệu USD, Bill
Nguyễn với Công ty phần mềm Onebox được phone.com mua lại với giá 850 triệu
USD, hay Trung Dụng (Dụng Tấn Trung) cùng thương vụ bán Công ty On Dislay cho
tập đoàn Vignette để thu lại số tiền lên đến 1,8 tỷ USD.
Thành
công của các cá nhân, công ty khởi nghiệp là động lực tiếp thêm sức mạnh cho
các nhà kinh doanh giàu hoài bão và sức sáng tạo, đồng thời cho thấy tiềm năng
của mô hình khởi nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Cho nên sẽ không
quá lời khi nói rằng “khởi nghiệp” là cụm từ được nhiều nhà kinh doanh, nhất là
các bạn trẻ ưa sử dụng khi nói về các dự án kinh doanh của mình, bất chấp một
nghịch lý là không ít người trong số họ chưa hiểu biết thấu đáo về mô hình kinh
doanh khởi nghiệp. Đến nay, nhiều người vẫn hiểu đơn giản “khởi nghiệp” có
nghĩa là “lập nghiệp”. Dù không thể phủ nhận công ty khởi nghiệp có nhiều đặc
điểm tương đồng với doanh nghiệp liên doanh vừa và nhỏ mới được thành lập. Tuy
nhiên, bản chất của mô hình kinh doanh này có nhiều khác biệt. Theo bài Khởi
nghiệp là gì của chuyên gia N.Robehmed (N.Rô-bờ-mét) đăng trên Tạp chí Forbes
ngày 16-12-2013, “khởi nghiệp” là thuật ngữ được dùng để mô tả về các hoạt động
kinh doanh, liên doanh với những ý tưởng đột phá, táo bạo, thậm chí bị coi là
mạo hiểm, rủi ro. Trong bài viết, quan điểm của chuyên gia P.Graham
(P.Gờ-ra-ham) được xem là bài học cơ bản về khởi nghiệp. Theo chuyên gia này
thì bên cạnh sự sáng tạo, các hình thức kinh doanh khởi nghiệp phải hứa hẹn có
tốc độ tăng trưởng cao, ngân sách được rót vào liên tục từ các đơn vị cộng tác,
liên doanh, các “nhà đầu tư thiên thần” và một công ty khởi nghiệp có tuổi thọ
nhiều nhất là 5 năm. Sẽ không được coi là mô hình khởi nghiệp khi ý tưởng và xu
hướng kinh doanh đã ổn định, bão hòa trên thị trường. Chủ tịch Tập đoàn FPT
Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Tôi muốn nói rõ một biên giới giữa chữ start-up và
Entrepreneur. Một bên là Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là Lập
nghiệp. Người khác bán phở, bạn cũng bán phở thì dù thành công cũng không thể
gọi là khởi nghiệp”.
Mặt
khác, một công ty khởi nghiệp cũng khó có thể trụ lại lâu dài trên thị trường.
Thống kê của nhiều tổ chức, quỹ đầu tư mạo hiểm và các tạp chí kinh tế thương
mại cho thấy, có đến khoảng 90% số doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ thất bại, biến
mất trên thị trường ngay trong các năm đầu tiên. Điều này do nhiều nguyên nhân
khác nhau, trong đó nguyên nhân chính đến từ sự thâu tóm, chèn ép về kinh tế
của các tập đoàn kinh tế lớn hơn đối với các tập đoàn khởi nghiệp. Khi nhận
thấy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp, các cá nhân, tổ chức
tham gia đầu tư và tài trợ ban đầu dễ có động thái thu hồi vốn, gây khó khăn
cho người sáng lập. Nhiều tỷ phú quỹ đầu tư, công ty “mẹ” sẵn sàng đóng vai
“nhà đầu tư thiên thần” chấp nhận thua lỗ hàng triệu USD cho dự án khởi nghiệp.
Tại Việt Nam, hiện tượng các tập đoàn lớn chịu lỗ khi đầu tư vào doanh nghiệp
khởi nghiệp cũng bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn. Báo cáo của Công ty cổ
phần VNG năm 2016 cho biết, công ty này bỏ ra 383 tỷ đồng để mua 3,7 triệu cổ
phiếu, tương đương 38% cổ phần của Tiki trong khi doanh nghiệp này lỗ khoảng 20
tỷ đồng ngay trong quý I cùng năm. Tương tự, Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman
Sachs đầu tư 28 triệu USD vào ví điện tử Momo bất chấp nhiều nguồn tin cho rằng
địa chỉ này đã lỗ tới 42 tỷ đồng, lũy kế lên 90 tỷ đồng ngay trong năm 2014.
Suy cho cùng, số tiền này không thấm tháp gì so với việc phải tự bỏ tiền để
thành lập các đơn vị nghiên cứu, phát triển ý tưởng mới. Từ góc độ này có thể
hiểu vì sao nhiều doanh nhân khởi nghiệp là người gốc Việt nổi tiếng như Dụng
Tấn Trung, Bill Nguyễn hay Vũ Xuân Sơn đã bán lại công ty của mình cho các tập
đoàn lớn khi bắt đầu làm ăn có lãi. Đây cũng được xem là mặt trái của kinh doanh
khởi nghiệp tại các nước tư bản khi “bàn tay đen” của những tập đoàn lũng đoạn
kinh tế luôn có thể ôm trọn các doanh nghiệp khởi nghiệp, và cũng là thực tế
chung diễn ra tại nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới
như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Một
nguyên nhân khác có thể dẫn đến sự thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp là quá
xem trọng khâu marketing, quảng cáo ý tưởng trong khi lại không đánh giá được
khả năng huy động vốn và khả năng quản lý tài chính; không lãnh đạo được đội
ngũ quản lý; không có chiến lược thâm nhập thị trường, nghiên cứu khách hàng và
hoạch định kế hoạch tăng trưởng. Thêm nữa, nhắc tới start-up, nhiều doanh nhân
trẻ thường liên tưởng đến không gian làm việc thoải mái, lý tưởng với nhiều
phương tiện vui chơi giải trí, thay vì không gian công sở gò bó, tù túng. Vì lý
do đó, nhiều doanh nghiệp start-up đã bị phá sản chỉ vì thói quen “làm màu” của
ông chủ và nhân viên, mà điển hình là sự sụp đổ của Công ty Karhoo với khoản nợ
30 triệu USD vì chứng nghiện mua sắm, ăn chơi của giám đốc điều hành. Tỷ phú
công nghệ hàng đầu Trung Quốc Jack Ma cũng từng rơi vào tình thế nguy hiểm khi
tuyển dụng ồ ạt, quá tập trung vào việc mở văn phòng tại các vị trí đắc địa. Ở
Việt Nam, trường hợp đóng cửa sàn giao dịch lingo.vn với quy mô công ty lên tới
265 nhân viên trước khi phá sản cùng khoản nợ 150 tỷ đồng là bài học cho các
start-up trong nước, cũng là cảnh tỉnh đối với các nhà đầu tư mạo hiểm khi bỏ
ra một số tiền không nhỏ cho một doanh nghiệp khởi nghiệp không có chiến lược
kinh doanh tốt.
Từ
nhận định của nhiều chuyên gia và CEO (tổng giám đốc điều hành) uy tín trong
kinh doanh, không quá lời khi nhận định rằng start-up là loại hình “kinh doanh
ý tưởng”, “công nghiệp sáng tạo”, sản phẩm của nền kinh tế tri thức (khái niệm
của F.Machlup và P.Durucker chỉ nền kinh tế coi tri thức, khoa học và công nghệ
cao là nền tảng chi phối toàn bộ hoạt động sản xuất). Điều này phù hợp với thực
tế là số đông doanh nghiệp và sản phẩm khởi nghiệp đều là các ứng dụng công
nghệ và các tỷ phú hàng đầu đi lên từ start-up E.Musk (I.Ma-xờ-cờ),
M.Zuckerberg (M.Za-khơ-bớt) đều học tập tại các trường đại học công nghệ, có
thời gian tiếp xúc, hoặc làm việc với các công ty, tập đoàn tại “Thung lũng
Silicon”. Cũng vì đặc thù của ngành kinh doanh này bắt đầu từ “ý tưởng” mà quá
trình đầu tư, tài trợ, liên doanh cũng có sự khác biệt. Nếu trước đây người
sáng lập ý tưởng phải tự bỏ tiền vốn hoặc chịu thiệt thòi khi bán ý tưởng của
mình với giá rẻ mạt cho các tập đoàn lớn, thì gần đây tình thế đã bắt đầu thay
đổi khi xu hướng crowdfunding (gây quỹ cộng đồng) đặc biệt thông qua các kênh
hỗ trợ gây quỹ cộng đồng trên in-tơ-nét như Indiegogo (In-đi-gâu-gâu),
Kickstarter (Kích-sờ-tát-tờ) - Tạo đà khởi nghiệp đang dần trở nên phổ biến
trên toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã bắt đầu xem xét và hạn chế tình
trạng mua bán cổ phần của các công ty khởi nghiệp từ các tập đoàn lớn. Theo quy
định và điều khoản mới của những quốc gia này, thay vì thu lại lợi nhuận từ vốn
đầu tư ban đầu, các tập đoàn lớn chỉ được “hỗ trợ” doanh nghiệp khởi nghiệp qua
hình thức mua lại sản phẩm của họ với mức giá ưu đãi. Đây được xem là chính
sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hai
năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách, đề án hỗ trợ cộng đồng khởi
nghiệp với nhiều ưu đãi lớn như xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi
nghiệp, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo, phát triển cơ sở vật chất - kỹ
thuật phục vụ khởi nghiệp sáng tạo, đưa ra cơ chế thuế ưu đãi... Trong số này,
chính sách hỗ trợ tài chính doanh nghiệp từ các quỹ phát triển khoa học - công
nghệ của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ, tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương là một chính sách quan trọng, được cho là bắt
kịp với xu hướng của nhiều quốc gia đang đứng đầu về phát triển mô hình khởi
nghiệp như Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po. Tuy nhiên, để thực thi chính sách này có
hiệu quả, tránh gây thất thoát, lãng phí là một bài toán khó, cần được triển
khai một cách cẩn thận, nghiêm ngặt, vì đầu tư khởi nghiệp luôn gắn liền với
cụm từ “rủi ro, mạo hiểm”. Bên cạnh đó, việc đưa tiêu chí, quyền và nghĩa vụ
của doanh nghiệp khởi nghiệp vào dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là
rất cần thiết, nhằm bảo đảm cho sự phát triển của loại hình kinh doanh này. Một
quốc gia đang phát triển như Việt Nam với nhiều tiềm năng về con người và các
chính sách thuận lợi, cởi mở về kinh tế có thể xem là miền đất hứa với các cá
nhân, tập thể, cộng đồng trong và ngoài nước có ý định kinh doanh, đầu tư khởi
nghiệp. Tuy nhiên, mọi doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có thể thành công khi đem
lại những sản phẩm giá trị đến tay người tiêu dùng, thay vì những ý tưởng viển
vông, xa vời thực tế.
Theo Quang Minh - Báo Nhân dân