TSKH. Phan Xuân Dũng
TCCS - Khoa học và công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển
kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa
chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy
nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng trí tuệ và tố chất
của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ cũng như người dân Việt Nam, chưa đáp
ứng yêu cầu phát triển đất nước. Bài viết phân tích các kết quả đạt được,
những hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân của hạn chế để từ đó tìm ra được
những bước đi mới vững chắc nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khoa học và công
nghệ của đất nước trong thời gian tới.
Trong giai đoạn 2011
- 2015, khoa học và công nghệ (KH-CN) nước ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật
trên các lĩnh vực, như quốc phòng - an ninh, đặc biệt là làm chủ công
nghệ trong công tác đóng tàu quân sự 12418; công nghệ thông tin - truyền
thông (ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành
chính trong quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực hải quan, ngân
hàng); cơ khí - tự động hóa (thiết kế, chế tạo thành công máy biến
áp điện lực 3 pha 500KV-3x150 MVA); y tế (ứng dụng công nghệ tế bào
gốc trong điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế); công nghệ sinh
học; bảo tồn nguồn gen; nông nghiệp; thủy lợi; môi trường,... Điều này
đã cho thấy, KH-CN nước ta đang có sự chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ, các kết
quả nghiên cứu đã chú trọng giải quyết các yêu cầu của sản xuất, sử dụng hợp
lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu thay thế
ngoại nhập, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế tạo các thiết
bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất. Nhiều công trình nghiên cứu KH-CN đã
được áp dụng thành công, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước nhằm phát triển
kinh tế - xã hội. Khoa học và công nghệ đang từng bước thể hiện vai trò động
lực và nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đánh giá trong
Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) của Tổ
chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học
viện Kinh doanh INSEAD (Pháp), Việt Nam đứng thứ 52 trên 141 quốc gia/nền kinh
tế tham gia xếp hạng, tăng 19 bậc so với năm trước. Việc thăng hạng có ý nghĩa
hết sức quan trọng bởi đây là đánh giá khách quan của các tổ chức và trường đại
học uy tín trên thế giới.
Chính
sách, pháp luật đối với phát triển khoa học và công nghệ
Nhận thức được tầm
quan trọng của KH-CN, Đảng ta đã dành nhiều điều kiện cho phát triển KH-CN,
đã ban hành các định hướng chiến lược, cơ chế và chính sách phát triển KH-CN,
như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII (năm 1996) về định hướng chiến
lược phát triển KH-CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết
luận Hội nghị Trung ương 6 khóa IX (năm 2002), Nghị quyết Đại hội XI của Đảng
(năm 2011) và gần đây nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW được thông qua tại Hội
nghị Trung ương 6 khóa XI “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Hình
thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và
đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ”.
Pháp luật nước ta
trong lĩnh vực KH-CN đã được ban hành khá đầy đủ, gồm 08 đạo luật(1), hàng loạt
văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều văn bản quan trọng khác về xây dựng tiềm lực
và đổi mới cơ chế quản lý KH-CN cũng đã được ban hành, bổ sung và hoàn thiện
nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động KH-CN. Các đạo luật được
Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đã có nhiều tác động đến sự phát
triển của KH-CN nước nhà.
Đặc biệt, Hiến pháp
năm 2013 đã tiếp tục khẳng định cùng với giáo dục và đào tạo, KH-CN là quốc
sách hàng đầu, đã xác định vai trò quan trọng của KH-CN đối với đổi mới mô hình
tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và
năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững; đã đưa KH-CN từ “giữ
vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước” (Hiến
pháp năm 1992) trở thành “quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt
trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Năm 2013, Luật Khoa
học và Công nghệ (năm 2000) được sửa đổi với nhiều nội dung mới đã tháo gỡ
những “nút thắt”, tạo bước đột phá cơ bản trong hoạt động KH-CN, đó là: đổi mới
về tổ chức KH-CN; đột phá về chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ KH-CN; đổi
mới về phương thức đầu tư cho KH-CN; đổi mới về ứng dụng kết quả nghiên cứu và
phổ biến kiến thức KH-CN; đổi mới quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài
chính cho nghiên cứu KH-CN thông qua Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ
quốc gia và các quỹ phát triển khoa học và công nghệ; hội nhập quốc tế về
KH-CN; vinh danh các nhà khoa học, lấy ngày 18-5 hằng năm là “Ngày Khoa học
và Công nghệ Việt Nam”.
Bên cạnh việc ban
hành Hiến pháp mới và Luật Khoa học và Công nghệ (năm 2013), trong những năm
qua Quốc hội tiếp tục ban hành nhiều đạo luật sửa đổi, bổ sung về tài chính,
ngân sách, đầu tư, kinh doanh, dân sự... Những đạo luật này đã hỗ trợ hoàn
thiện hệ thống pháp luật về KH-CN và tạo cơ chế cho KH-CN phát triển.
Một
số bất cập, yếu kém của đầu tư cho khoa học và công nghệ, hoạt động khoa học
và công nghệ
Mặc dù đã đạt
được nhiều kết quả như đã nêu, nhưng so với yêu cầu phát triển, KH-CN nước ta
còn chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước, chưa gắn
kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thị trường
KH-CN còn sơ khai, chưa tạo sự gắn kết có hiệu quả giữa nghiên cứu với đào tạo
và sản xuất, kinh doanh; đầu tư cho KH-CN còn thấp, sử dụng chưa hiệu quả.
Nhiều khái niệm và
nội hàm của KH-CN hiểu chưa được đầy đủ nên có không ít nhiệm vụ KH-CN được
phê duyệt không phải là hoạt động KH-CN; còn sự nhầm lẫn giữa khái niệm công
nghiệp với công nghệ nên đã sử dụng ngân sách nhà nước dành cho KH-CN vào
phát triển công nghiệp; nội dung chi nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ giải pháp
cũng đưa vào nội dung chi cho các hoạt động KH-CN.
Không ít tổ chức
KH-CN chưa thực hiện nhiệm vụ KH-CN chuyên sâu, việc hình thành nhiệm vụ KH-CN
thiếu tính kế thừa, khoa học; việc đăng ký và sử dụng kết quả nghiên cứu còn
thiếu tính hệ thống; các tổ chức KH-CN chưa tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Phân bổ ngân sách
nhà nước cho KH-CN chưa hợp lý, kinh phí cấp để thực hiện nhiệm vụ KH-CN có
nhiều bất cập, thường xuyên giao chậm; cơ cấu chi chưa thực sự phù hợp (ước
tính có khoảng 20% tiền dành cho KH-CN thực chất đầu tư cho hoạt động sáng tạo
của các nhà nghiên cứu, còn 80% nằm ở khâu đầu tư gián tiếp).
Quản lý tài chính
quốc gia về KH-CN có nhiều bất cập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo chi đầu tư phát
triển khoảng 44%, khoảng 56% còn lại một phần là lương sự nghiệp của Bộ Tài
chính, phần chi nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì (Trong đầu tư
phát triển, Trung ương: 49%, địa phương: 51%. Trong chi cho vấn đề nghiên cứu,
Trung ương: 75%, địa phương: 25%). Đây là bài toán cần nghiên cứu tính toán
lại.
Chưa huy động được
nhiều nguồn lực cho hoạt động KH-CN, đặc biệt từ doanh nghiệp. Ở các nước phát
triển, phần lớn kinh phí đầu tư cho hoạt động KH-CN đến từ các doanh nghiệp,
còn nhà nước chỉ chi khoảng 20% - 30%. Kinh phí từ ngân sách nhà nước chủ
yếu chi cho các nghiên cứu cơ bản và các đề án có tầm quan trọng chiến lược. Ở
nước ta do năng lực các doanh nghiệp còn nhỏ, nhu cầu đổi mới sáng tạo để tồn
tại và phát triển chưa cao nên không nhiều doanh nghiệp tự ý thức được việc
này. Mặc dù theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ (năm 2013), doanh
nghiệp phải trích một phần lợi nhuận để tái đầu tư cho R&D (research &
development - nghiên cứu và phát triển) nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng
suất và chất lượng sản phẩm.
Cơ cấu nguồn nhân lực
quốc gia bất hợp lý. Theo kết quả tổng hợp từ Điều tra nghiên cứu và phát
triển 2014 (Bản tin Chiến lược Phát triển, số 5+6+7/2015 của Cục Thông tin
KH-CN quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2013 Việt Nam có 164.744
người hoạt động trong lĩnh vực R&D, trong đó ở khu vực nhà nước có 139.531
người, chiếm tới 83%; ngoài nhà nước: 20.917 người, chiếm 14%; khu vực có vốn
đầu tư nước ngoài: 4.296 người, chiếm 3%. Với cơ cấu như vậy, cần phải thay đổi
mới thu hút được các nguồn lực cho hoạt động KH-CN. Ở các trường đại học có
74.217 người, chiếm 45%, các viện/trung tâm nghiên cứu: 37.481 người, chiếm
23%, số còn lại ở các cơ sở khác. Với cơ cấu như vậy, nguồn ngân sách cũng cần
phải cơ cấu lại mới tránh được tình trạng lãng phí chất xám và sử dụng nguồn
nhân lực không hiệu quả.
Nguyên
nhân của hạn chế, yếu kém
Thứ
nhất, về mặt thể chế
và mô hình. Trong thời gian rất dài chúng ta phát triển kinh tế theo chiều
rộng, mà đã phát triển kinh tế theo chiều rộng thì thường sẽ thâm dụng vốn, sử
dụng lao động giá rẻ và trình độ thấp, xuất khẩu tài nguyên chế biến thô là
chính, trình độ sử dụng công nghệ thấp. Mô hình này không tạo ra thị trường và
động lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng KH-CN. Đây là vấn đề “then chốt”,
vì với hệ thống sản xuất như thời gian vừa qua không thể thúc đẩy liên kết
giữa cung và cầu cho KH-CN được. Cầu của KH-CN hiện nay có thể kể tới mấy loại:
Từ phía các cơ quan của Đảng, Nhà nước sử dụng KH-CN, từ phía doanh nghiệp, từ
sản xuất, kinh doanh và từ các tổ chức KH-CN.
Việc chuyển giao
KH-CN qua các dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDI) chưa thực sự là cầu nối đối với KH-CN trong nước; Doanh nghiệp
nhà nước phát triển theo chiều rộng, nhập công nghệ nước ngoài là chính, có rất
ít doanh nghiệp đầu tư cho phát triển KH-CN (trừ Viettel, Dầu khí, Vinaphone và
một số doanh nghiệp lớn có một bước đột phá đầu tư lớn cho KH-CN). Trong số
các doanh nghiệp dân doanh thì có tới 90% - 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ dù
rất muốn đầu tư cho KH-CN nhưng cũng không có đủ tiềm lực, không thể tiếp cận
về kinh phí theo ngân hàng. Nước ta có 2 trung tâm KH-CN lớn nhất là Viện Hàn
lâm khoa học xã hội và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, nhưng hằng
năm Nhà nước đặt hàng những nhiệm vụ trực tiếp cho 2 viện này rất ít.
Thứ
hai, cơ chế phát triển
kinh tế và cơ chế phát triển KH-CN chưa thực sự gắn chặt với nhau, kinh tế chưa
đặt hàng được cho KH-CN, vì thế KH-CN nghiên cứu xong cũng ít có điều kiện để
ứng dụng. Nhìn vào các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước đã được triển khai, chúng
ta thấy rất ít các đề tài được các doanh nghiệp đặt hàng, mà chủ yếu
từ các cơ quan nghiên cứu khoa học, từ các nhà khoa học. Có một điều đáng nói
là, một số sản phẩm KH-CN ra đời từ thực tiễn cuộc sống, từ nhu cầu sản xuất,
kinh doanh do người dân sáng tạo có hiệu quả lại không tiếp cận được nguồn
vốn, không được tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho KH-CN.
Thứ
ba, về cơ chế phát triển
KH-CN. Vấn đề này liên quan nhiều đến sử dụng ngân sách nhà nước cho KH-CN.
Đây là vấn đề vẫn bị ràng buộc theo quan điểm chỉ chủ yếu cấp kinh phí cho tổ
chức KH-CN, doanh nghiệp nhà nước. Nếu chúng ta không “gỡ bỏ” được quan niệm
này thì không thể huy động tốt các nguồn lực từ xã hội và khó sử dụng ngân
sách nhà nước hiệu quả.
Bên cạnh đó, phân loại nhiệm vụ KH-CN
gắn với cơ chế phân bổ và sử dụng kinh phí hiện nay còn khá nhiều bất cập. Có 4
loại nghiên cứu: 1- Nghiên cứu cơ bản; 2- Nghiên cứu lý luận xây dựng cơ
sở, chủ trương, chính sách; 3- Nghiên cứu ứng dụng triển khai; 4- Nghiên cứu phát
triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới. Về mặt pháp lý, ai là người chịu trách
nhiệm quản lý nguồn kinh phí cho từng loại nghiên cứu, cấp cho ai, cấp theo cơ
chế nào, trách nhiệm, đánh giá kết quả, thì phải chịu trách nhiệm giải trình
trước Nhà nước, trước nhân dân. Theo đó, chúng ta cần nghiên cứu để hình
thành một cơ chế cho rõ ràng và phù hợp. Có những kết quả nghiên cứu rất
đúng, rất tốt nhưng vì không có cơ chế nên không có đơn vị sẵn sàng ứng dụng
vào thực tiễn.
Thứ
tư, xác định rõ
trách nhiệm sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Cấp được
phân nhiệm vụ khoa học và cấp được cấp kinh phí phải chịu trách nhiệm về nhiệm
vụ khoa học cũng như phân bổ kinh phí hợp lý. Với cách cấp kinh phí như
hiện nay, người làm nhiệm vụ KH-CN phải mất nhiều thời gian để hoàn thành các
thủ tục hành chính và bức xúc với tình trạng tham nhũng trong khoa học.
Kiến
nghị một số giải pháp
Các nhiệm vụ KH-CN
trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020: 1- Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ
chế quản lý và hoạt động KH-CN; 2- Tập trung các nguồn lực để triển khai các
định hướng phát triển KH-CN chủ yếu; 3- Tiếp tục nâng cao tiềm lực KH-CN quốc
gia; 4- Phát triển thị trường công nghệ, doanh nghiệp KH-CN và các hoạt động
dịch vụ KH-CN; 5- Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH-CN. Để hoàn thành tốt các
nhiệm vụ trên đòi hỏi tập trung triển khai một số giải pháp sau:
Một
là, quán triệt nghiêm túc
các nghị quyết của Đảng; các chủ trương, pháp luật của Nhà nước; hiểu rõ mọi
thách thức và nắm bắt tốt mọi cơ hội trong phát triển KH-CN.
Chủ trương của Đảng,
chính sách của Nhà nước luôn đặt một niềm tin lớn vào sự thắng lợi của chúng
ta trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có KH-CN. Trên thực tế, dưới
sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã vươn lên từ một nước không có tên trên bản
đồ thế giới trở thành một quốc gia được cả thế giới biết đến không chỉ trong
chống giặc ngoại xâm mà cả trong công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là thành
tựu của gần 30 năm đổi mới. Hiểu rõ mọi thách thức và nắm bắt tốt mọi cơ hội là
một việc rất quan trọng. Trong thời gian tới, chúng ta có nhiều cơ hội và
thách thức lớn, có thể kể đến là:
- Ngày 5-10-2015 đã
kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam bước
vào một sân chơi mới - sân chơi của một khu vực rộng lớn, gồm 12 quốc gia có
sản lượng buôn bán bằng 40% sản lượng toàn cầu. Sân chơi này không chỉ về
thương mại mà tất cả các lĩnh vực, trong đó có KH-CN. Nếu KH-CN không thực sự
vào cuộc tốt thì chất lượng sản phẩm và giá thành hàng hóa không thể cạnh tranh
được, đồng nghĩa với nó là chúng ta sẽ thất bại. Nếu biết tận dụng cơ hội, hợp
tác giúp đỡ lẫn nhau thì KH-CN sẽ phát triển một cách nhanh chóng.
- Giai đoạn này là
thời điểm mà nhiều nước, nhất là các nước lớn đang tìm mọi cách để “bành
trướng” ra thế giới, Việt Nam coi trọng mục tiêu phát triển đất nước và
hội nhập quốc tế một cách hòa bình nên thời gian tới sẽ là cơ hội phát
triển của chúng ta. Nếu mềm mỏng, khôn ngoan sẽ có nhiều thuận lợi trong việc
tiếp nhận những công nghệ hiện đại nhất cho tăng trưởng kinh tế nhanh, vững
chắc, đi với đó là đầu tư cho xây dựng quân đội cách mạng, tinh nhuệ, chính
quy, hiện đại.
- Đổi mới tư duy quản
lý KH-CN không nhất thiết ban hành nhiều văn bản mà cần các văn bản thực chất,
chuẩn mực, chất lượng và được gắn với nhóm tác giả, chuyên gia đã soạn. Trả
lương cho cán bộ KH-CN với nhiệm vụ và định mức xác định cho từng loại cán bộ,
phần “kinh phí nghiên cứu” gắn với hiệu quả khoa học “gia tăng” của cán bộ đó
trong năm trước. Không có kết quả gia tăng sẽ không cấp kinh phí nghiên cứu cho
năm sau...
- Nghiên cứu khoa học
đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên sâu, nghiên cứu sinh, thực tập sinh làm
việc theo nhóm. Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch để kinh phí được cấp phân
bổ kịp thời, hợp lý và khắc phục tình trạng giao kinh phí chậm trễ. Nếu
không có định mức đúng thì cơ chế khoán không thành công, công tác thanh quyết
toán các đề tài sẽ không rõ ràng, rành mạch.
Hai
là, phân bổ và sử
dụng ngân sách phải thực sự khoa học, hướng tới hiệu quả, theo cơ chế thị
trường. Đổi mới việc xác định nhiệm vụ và cấp kinh phí KH-CN cho các địa
phương, địa bàn. Nhiệm vụ KH-CN nói chung có tính liên thông, liên kết tất cả
vùng, không bị “chặn” ở “biên giới” một địa phương nào đó. Đây là vấn đề cần
thiết xem xét kỹ, sau khi xác định rõ tất cả các loại nhiệm vụ KH-CN từ nghiên
cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng triển khai, đến nghiên cứu phát triển sản phẩm
thì phải có cơ chế bảo đảm để có hiệu quả. Sản phẩm phải có sức cạnh tranh
trên thị trường; những sản phẩm mới, nghiên cứu khoa học phải đến được các
doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp là nơi quy tụ của sự phát triển ứng dụng KH-CN
để tạo thành sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong ngân sách cho
KH-CN phải dành một phần để làm “vốn mồi”, phải có cơ chế để kéo vốn, để thu
hút các nguồn lực kể cả trong và ngoài nước. Cần bố trí nguồn kinh phí dự phòng
cho khoa học, vì hoạt động KH-CN có tính rủi ro cao, cắt giảm những hoạt
động KH-CN không chất lượng nhằm chống lãng phí, thất thoát ngân sách nhà
nước. Đổi mới cơ chế khoán; đấu thầu phải theo kịp với sự phát triển của thời
đại. Phải có niềm tin với người được cấp kinh phí.
Ba
là, tăng cường giám
sát và đánh giá tình hình sử dụng và phân bổ ngân sách bằng những chỉ tiêu thực
sự khoa học. Theo đó, phải tăng quy định và giám sát tình hình sử dụng, phân
bổ ngân sách bằng những tiêu chí thực sự khoa học; kiểm toán thực hiện các quy
định về quản lý các chương trình đề tài kể cả cấp nhà nước, chống hình thức.
Cần giám sát kỹ việc sử dụng ngân sách phù hợp với kế hoạch được phê duyệt;
có hướng dẫn tổ chức và hoạt động của các đơn vị KH-CN theo tinh thần mới. Có
thể hình thành hai nhóm: nhóm một với kinh phí hoạt động hoàn toàn nhờ thị
trường, nhóm hai có sử dụng ngân sách nhà nước. Xây dựng và triển khai các
quy định về dân chủ trong hoạt động KH-CN, công khai, dân chủ thì mới có thể
phát triển KH-CN, nhất là trong khoa học xã hội để không thành khoa học theo
kiểu minh họa.
Bốn
là, xã hội hóa các nguồn
lực đầu tư cho KH-CN; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, coi đây là nguồn lực
chính. Nhà nước phải coi đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, đặc
biệt là từ các doanh nghiệp cho KH-CN là chính, tiến tới đầu tư cho KH-CN chủ
yếu từ doanh nghiệp như các nước tiên tiến đã làm.
Theo đó, cần hiểu
rõ bản chất hoạt động của doanh nghiệp là phải có hiệu quả thiết thực, nên việc
tiếp cận với nghiên cứu KH-CN của doanh nghiệp có những nét riêng so với các tổ
chức KH-CN công lập. Khi doanh nghiệp đặt yêu cầu thì cần phải có ngay, nếu
chậm cơ hội thị trường sẽ mất đi. Nắm được yếu tố đó chúng ta cần điều chỉnh
làm sao cho ngân sách của các doanh nghiệp dành cho KH-CN ngày một nhiều hơn.
Cần có cơ quan theo
dõi, tổng hợp, phân tích các hoạt động KH-CN không dùng ngân sách nhà nước để
tham mưu cho Nhà nước các giải pháp đột phá trong việc thu hút đầu tư và phát
triển KH-CN. Nhiều doanh nghiệp báo cáo đã dành gần 10% lợi nhuận của các doanh
nghiệp làm nguồn vốn cho KH-CN. Đây là nguồn lực lớn, cần giám sát việc sử dụng
kính phí.
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận
thức cho doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung về việc cần thiết đầu tư
cho phát triển KH-CN. Cung cấp thông tin và định hướng thị trường công nghệ cho
doanh nghiệp và có những hỗ trợ ban đầu cho hoạt động KH-CN. Bổ sung những
chế độ tiếp cận ngân sách nhà nước cho hoạt động KH-CN từ phía các nhà khoa
học không chuyên. Công khai hóa các kết quả nghiên cứu trên mạng in-tơ-nét để
mọi người có thể tìm đọc, nghiên cứu tự do.
Thời đại của chúng ta
là thời đại mà KH-CN phát triển nhanh như vũ bão. Để KH-CN phát triển, bên cạnh
tố chất của con người thì cần phải có thể chế, cơ chế phù hợp để con người
có cơ hội phát huy được trí tuệ của mình và đóng vai trò quyết định trong
hoạt động KH-CN. Với tố chất của con người Việt Nam, trong thời gian tới, nếu
có cơ chế, chính sách phù hợp hơn thì KH-CN Việt Nam nhất định sẽ phát triển
hơn./.
--------------------------------------------
(1) Luật Khoa học và Công nghệ (năm
2000); Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005), Luật Chuyển giao công nghệ (năm 2005),
Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (năm 2006), Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa (năm 2007), Luật Công nghệ cao (năm 2008), Luật Sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Luật Đo lường (năm 2011)
Theo
Tạp chí Cộng sản