Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chương trình giáo dục phổ thông đã được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực người học. Người thầy quyết định chất lượng giáo dục nên không có thầy giỏi thì không thể có trò giỏi. Chính vì thế, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bắt buộc các trường sư phạm cũng phải đổi mới đào tạo, đảm bảo sản phẩm đầu ra thích ứng với yêu cầu của nghề nghiệp. GS.TS. Thái Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đã có cuộc trao đổi xoay quanh chủ đề này.

 

Bắt buộc phải thích ứng

 

- Với kinh nghiệm quản lý một trường đại học đào tạo giáo viên, theo GS, các trường sư phạm cần có chiến lược như thế nào để sản phẩm đầu ra đạt chuẩn quốc tế?

 

Đảng và Nhà nước ta luôn xem GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong các ưu tiên cho giáo dục thì đào tạo giáo viên là quan trọng nhất, vì đây là đầu tàu của sự nghiệp giáo dục.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đòi hỏi việc đào tạo giáo viên cần có sự thay đổi thích ứng để đội ngũ nhà giáo tương lai có những kỹ năng, kiến thức và phẩm chất mới. Yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục bao gồm: Đội ngũ giảng viên, triết lý, chương trình đào tạo (CTĐT), quy trình, đánh giá người học và điều kiện bảo đảm chất lượng bao gồm cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính.

 

CMCN 4.0 dựa trên những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet kết nối vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng... trên nền tảng cách mạng số. Với cuộc cách mạng này, sự xuất hiện và thay thế nhanh chóng của các loại công nghệ dẫn đến ra đời các loại hình nghề nghiệp phi truyền thống.

 

Đây là đặc điểm quan trọng không những để định hướng cho việc thay đổi CTĐT, hình thành các ngành nghề mới trong các trường đại học mà định hướng “học tập suốt đời” còn trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối với mọi kỹ năng làm việc. Chu trình tạo ra tri thức mới được rút ngắn và ngày càng đồ sộ. Như vậy, chân dung nhà sư phạm của thời đại 4.0 phải đáp ứng được các yêu cầu này.

 

- Đội ngũ giảng viên, giáo viên được coi là then chốt quyết định chất lượng giáo dục, vậy yếu tố cần và đủ đối với đội ngũ này trong kỷ nguyên 4.0 là như thế nào, thưa Giáo sư?

 

Tôi cho rằng, sự thay đổi đầu tiên các trường sư phạm là xây dựng chiến lược và tầm nhìn để sản phẩm đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế. Với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, việc xuất - nhập khẩu giáo dục cũng như nguồn nhân lực đã trở nên phổ biến. Yếu tố con người quyết định sự thành công của quá trình đổi mới.

 

Do đó, các cơ sở đào tạo giáo viên cần chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện cho họ thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiên cứu khoa học và có tâm thế tích cực với nghề giáo, truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu và sáng tạo cho sinh viên. Người giảng viên giỏi của kỷ nguyên 4.0 phải là người có tầm nhìn hướng ra thế giới, có khả năng tự cập nhật kiến thức thường xuyên và hướng dẫn các nhà sư phạm tương lai khám phá kiến thức.

 

Người thầy giỏi sẽ hình thành cho sinh viên sư phạm tình cảm, tinh thần yêu nghề, tận tụy với công việc, có kỹ năng sư phạm cần thiết để hợp tác, dẫn dắt các hoạt động của người học, khơi dậy niềm đam mê với nghề giáo, tạo niềm tin cho sinh viên có một tâm thế “yên tâm với nghề” và dành trọn tâm huyết để theo đuổi ngành sư phạm.

 

Trang bị tri thức toàn diện và kỹ năng

 

- Để có đội ngũ giáo viên tương lai đáp ứng đòi hỏi của nghề nghiệp, theo GS, CTĐT trong các trường đại học sư phạm hiện nay phải thay đổi như thế nào?

 

Một trong những đặc trưng của CMCN 4.0 là tri thức liên ngành. CTĐT cần trang bị cho sinh viên – đội ngũ nhà giáo tương lai có tri thức toàn diện, khả năng hợp tác, làm việc nhóm, năng động, sáng tạo và thích ứng nhanh với sự thay đổi.

 

Chính vì vậy, mô hình phổ biến hiện nay là trường sư phạm trực thuộc trường đại học đa ngành. Ưu thế của mô hình này là, các ngành đào tạo sư phạm có thể tận dụng thế mạnh của các ngành đào tạo ngoài sư phạm. Đó là sự phong phú về đội ngũ, năng động sáng tạo, đa dạng về văn hóa, công nghệ… để trang bị cho người học nền tảng kiến thức văn hóa, khoa học và công nghệ vững chắc.

 

Các ngành ngoài sư phạm thường thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của xã hội, đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp sáng tạo gắn với doanh nghiệp. Sinh viên sư phạm trong môi trường đa ngành được thụ hưởng tư duy năng động và thích ứng nhanh với xã hội.

 

Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta đã được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực người học, lấy học sinh làm trung tâm. Mặc dù còn khá mới ở Việt Nam nhưng CTĐT tiếp cận năng lực đã được các nền giáo dục tiên tiến áp dụng từ lâu.

 

Do đó, các trường đào tạo giáo viên cần tham khảo và lựa chọn áp dụng mô hình đã được triển khai thành công ở các nước phát triển. Hiện nay, một số mô hình đào tạo tiếp cận năng lực đã được áp dụng vào Việt Nam như POHE (Profession oriented higher education - chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp), CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate: Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành), do Viện công nghệ Massachusetts Hoa Kỳ (MIT) khởi xướng. Mặc dù đề xướng CDIO bắt đầu từ ngành kỹ thuật nhưng các nguyên lý phát triển chương trình và tổ chức đào tạo rất phù hợp với ngành khoa học giáo dục nói chung và đào tạo giáo viên nói riêng.

 

Xin cảm ơn Giáo sư!

 

Việt Hoa - Báo GD&TĐ (Thực hiện)