PGS. TS Đinh Xuân Khoa  
Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng

 
            Ngày 16/7/1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ký Nghị định số 375/NĐ thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 28/8/1962, Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh được đổi tên thành Trường Đại học Sư phạm Vinh theo Quyết định số 637/QĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ Nhà trường thực sự đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt trong quá trình xây dựng và phát triển của Trường. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, trong thời chiến cũng như thời bình, Đảng bộ vẫn vững vàng về bản lĩnh chính trị, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, nhờ vậy đã phát huy được vai trò, sức mạnh trong công tác lãnh đạo, tổ chức, động viên tập thể cán bộ, công chức và học sinh, sinh viên Nhà trường thế hệ này nối tiếp thế hệ khác không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua gian khó để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là "ngọn cờ hồng trên quê hương Xô viết".
              Là trường đại học đầu tiên trên miền Bắc được thành lập xa thủ đô Hà Nội, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, tập thể thầy và trò của Trường đã đoàn kết bên nhau, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, tự trau dồi học tập và rèn luyện chuyên môn, trau dồi bản lĩnh chính trị cùng vượt qua những gian truân vất vả của ngày đầu thành lập.Được Đảng và Nhà nước quan tâm, ngay từ những năm đầu thành lập, Trường đã được cấp đất và xây dựng các giảng đường kiên cố. Tuy nhiên, toàn bộ cơ sở này đã bị đế quốc Mỹ phá huỷ ngay trong những ngày đầu chúng leo thang đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Để đảm bảo hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học trong điều kiện chiến tranh, Nhà trường phải sơ tán. Trải qua 8 năm sơ tán (1965-1973) ở các địa phương của hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, trong gian khổ của cuộc chiến tranh ác liệt, với ý chí và quyết tâm to lớn, đội ngũ cán bộ và sinh viên của Nhà trường được tôi luyện, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Rồi những ngày trở về thành phố Vinh (1973) đến ngày hoà bình lập lại, trước điều kiện khó khăn của đất nước vừa kết thúc chiến tranh, mọi thế lực thù địch luôn rình rập, phá hoại những thành quả cách mạng, nhiều lúc đã đặt Trường trước câu hỏi "tồn tại hay không tồn tại". Chính trong những ngày tháng gian khó đó, tập thể Nhà trường đã đồng cam cộng khổ để vượt lên chính mình.
             Từ việc nhận thức nhạy bén tình hình và xu thế vận động của đất nước, của ngành giáo dục - đào tạo trong cơ chế và khung cảnh mới cũng như thực tế của Nhà trường, kết hợp với việc đổi mới tư duy và phương pháp lãnh đạo, huy động sự đóng góp trí tuệ năng động, sáng tạo của tập thể cấp ủy và đảng bộ, Nhà trường đã tìm ra hướng đi mới, không những giải quyết những vấn đề nổi cộm, cấp bách hiện tại mà còn vạch ra những định hướng mới, mở ra những khả năng, triển vọng đưa sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Nhà trường tiến lên. Với chủ trương coi việc đào tạo sư phạm vẫn là ngành chính, đồng thời mở rộng mục tiêu, quy mô và đa dạng hoá các loại hình đào tạo, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhà trường chuyển mình từ một trường đại học đơn ngành thành trường đại học đa ngành đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của khu vực Bắc miền Trung và cả nước. Và thật vinh dự cho tập thể Nhà trường, ngày 25/4/2001, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Nhà trường đã trở thành một cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa cấp; là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
          Trong công tác lãnh đạo toàn diện sự nghiệp đổi mới của Nhà trường, Đảng uỷ luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao trình độ nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên và học sinh, sinh viên. Đảng bộ đã chỉ đạo tổ chức chính quyền và các tổ chức quần chúng trong Trường triển khai kịp thời việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng và tổ chức cấp trên. Thông qua đó mà tạo được bước chuyển quan trọng về nhận thức tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đảng uỷ đã xác định phương hướng và các biện pháp chỉ đạo cụ thể việc tăng cường và phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và trên thực tế các tổ chức này đã phát huy cao độ vai trò, chức năng của mình tạo ra nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc động viên quần chúng thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu của Nhà trường.
            Là Đảng bộ của Trường đại học trên quê hương Bác Hồ kính yêu, cán bộ, đảng viên của Nhà trường luôn thấm nhuần lời dạy "phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch và vững mạnh". Chính vì thế, Đảng uỷ coi công tác củng cố, kiện toàn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để đảm bảo tốt vai trò lãnh đạo của mình trong mọi hoạt động của Nhà trường là vấn đề xuyên suốt và có vị trí trọng yếu. Công tác bảo vệ chính trị, bồi dưỡng, phát triển Đảng được coi là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách của Đảng bộ. Hàng năm, Đảng uỷ tổ chức mở các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng thu hút được sự tham gia tích cực, tự giác và hiệu quả của quần chúng. Số lượng đảng viên mới kết nạp để bổ sung cho Đảng bộ thời gian gần đây tăng lên rõ rệt. Nếu như trong giai đoạn từ năm 1994 - 2000 có 215 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam thì giai đoạn từ năm 2001 đến 9/2009 có 1.700 quần chúng được kết nạp vào Đảng. Từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng bộ chỉ có 2 chi bộ trực thuộc với chưa đầy 20 đảng viên, thì đến năm 2009, Đảng bộ đã có có 14 đảng bộ bộ phận, 48 chi bộ (trong đó có 14 chi bộ cán bộ, 17 chi bộ học viên, sinh viên, 20 chi bộ trực thuộc) với 861 đảng viên (trong đó có 469 cán bộ, 392 sinh viên, học viên).  
           Trên cơ sở xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề có ý nghĩa then chốt, chiến lược đối với sự phát triển của Nhà trường, Đảng uỷ luôn chỉ đạo việc quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ theo hướng hiện đại, đa cấp, có trình độ, phẩm chất, năng lực tổ chức và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, thích ứng với cơ chế và yêu cầu đổi mới của giáo dục đại học. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ của Trường ngày càng được nâng cao về chất lượng, tăng cường về số lượng, hợp lý về cơ cấu với gần 856 cán bộ, trong đó có 3 giáo sư, 4 giảng viên cao cấp, 34 phó giáo sư, 133 giảng viên chính, 15 chuyên viên chính, 108 tiến sĩ, 327 thạc sĩ. Nhờ đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, tận tâm với nghề nghiệp mà hoạt động đào tạo của Nhà trường ngày càng được mở rộng, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.
          Từ việc xác định quan điểm của việc đổi mới Nhà trường là đổi mới đào tạo phải đi trước một bước. Đảng ủy đã có kế hoạch triển khai cụ thể các tư tưởng cải cách giáo dục đại học của ngành. Thực hiện Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhà trường triển khai vững chắc quá trình chuyển phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ. Đây là một bước chuyển có tính chiến lược phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho sinh viên khoá 48 và 49 đã đi vào nền nếp. Năm học 2008-2009, Trường Đại học Vinh đào tạo 5 môn chuyên cho học sinh trung học phổ thông, 45 ngành đại học, 33 ngành sau đại học. Hiện nay, Nhà trường có 35.000 học sinh, sinh viên, học viên (trong đó có hơn 20.000 học sinh, sinh viên, học viên học tại Trường) đến từ 54 tỉnh, thành trong cả nước và có trên 600 lưu học sinh của Thái Lan, Lào, Trung Quốc… Hàng năm, Trường Đại học Vinh có khoảng 6.000 sinh viên tốt nghiệp. 80% sinh viên ra trường có việc làm ổn định. Trường cũng đã góp phần đào tạo hệ học sinh trung học phổ thông Chuyên, ươm mầm những tài năng cho đất nước. Có nhiều em đã đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Nhiều cựu học sinh khối trung học phổ thông chuyên của Nhà trường hiện là những nhà khoa học đầu ngành, những doanh nhân thành đạt, những nhà quản lý giỏi trong nhiều lĩnh vực của đất nước.
             Bên cạnh hoạt động đào tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Nhà trường cũng đạt được nhiều kết quả lớn. Chỉ tính riêng từ năm 2001 đến 2007, Trường Đại học Vinh đã thực hiện 19 đề tài cấp Nhà nước, 147 đề tài cấp Bộ và 1.555 đề tài cấp cơ sở. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Hiện tại, Trường có quan hệ hợp tác với hơn 30 trường đại học, tổ chức khoa học, cơ sở giáo dục ở nước ngoài. Việc hợp tác bằng hình thức cử chuyên gia đi giảng dạy, công tác và học tập ở nước ngoài cũng góp phần không nhỏ vào chiến lược hội nhập với giáo dục đại học khu vực và thế giới. Riêng năm 2008, Trường có 28 cán bộ được đi đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ tại 10 quốc gia: Mỹ, Đức, Ba Lan, Nga, Pháp, Newdilan, Nhật, Trung Quốc, Rumani, Hàn Quốc.
           Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ, Đảng uỷ và Ban giám hiệu đã chủ trương từng bước khắc phục và đưa Nhà trường ra khỏi tình trạng tụt hậu về cơ sở vật chất, tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, các dự án quốc tế và bằng chính sự nỗ lực tự thân, Trường Đại học Vinh đã từng bước xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo đa ngành. Đến nay, Trường có 19 khoa đào tạo; 18 phòng, ban, trung tâm, viện, trạm; 8 trung tâm nghiên cứu, đào tạo, tư vấn và phục vụ. Hệ thống phòng học, giảng đường đạt tiêu chuẩn đã và đang được xây dựng; hệ thống phòng thí nghiệm, thư viện đang được hoàn chỉnh, hiện đại hoá; cơ sở hạ tầng được cải tạo… Ngoài diện tích hiện nay tại khu vực Bến Thuỷ - Trường Thi (14 ha), Trường đã được quy hoạch và triển khai xây dựng cơ sở 2 thuộc huyện Nghi Lộc với diện tích 258 ha. Đảng uỷ đã lãnh đạo Nhà trường xây dựng nhiều giải pháp và kế hoạch tự chủ về tài chính, tạo được nhiều nguồn tài chính đáp ứng các hoạt động trong mọi lĩnh vực. Toàn Trường đã làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm chi phí điện, nước, xăng xe, mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm, tiết kiệm nhân lực… Công tác điều hành ngân sách đảm bảo tính kế hoạch và hiệu quả. Đã bước đầu thử nghiệm phân cấp quản lý gắn với tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thu nhập của cán bộ được đảm bảo và có tăng.
            Với những thành tựu đạt được, Trường Đại học Vinh đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Lao Động hạng Nhất, Huân chương Độc Lập hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ Nhà trường được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An công nhận là đảng bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh 10 năm liên tục (1998-2008). Những kết quả nói trên là tổng hợp sự nỗ lực phấn đấu lớn lao của tập thể cán bộ, công chức và học sinh, sinh viên toàn Trường nhưng trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng bộ nói chung và Đảng uỷ nói riêng là một trong những nhân tố quyết định cho những thành công mà Nhà trường đã gặt hái được trong nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành.
           Hiện nay, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Nhà trường có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất là yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của sinh viên tốt nghiệp, sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo, khẳng định thương hiệu và vị thế của Nhà trường trong mối liên hệ với sự vận động, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Điều này đòi hỏi Đảng bộ Nhà trường và các cấp uỷ Đảng phải phát huy hơn nữa năng lực, vai trò, hiệu quả lãnh đạo, nhạy bén trong tư duy khoa học, nhanh chóng đổi mới phương pháp quản lý và tổ chức đào tạo cho phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới; đồng thời quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, giữ vững truyền thống, đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy dân chủ, kỷ cương, vận động tối đa các nguồn lực để phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Trường Đại học Vinh thành Đại học trọng điểm tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế ở một số ngành với phương châm: đi tắt, đón đầu, hiệu quả, đồng bộ và hiện đại, đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường lên một tầm cao mới, tạo đà cho quê hương, đất nước vững bước trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.