Ths Nguyễn Quang Tuấn
Văn phòng Đảng ủy
Năm học 2006-2007, ngành giáo dục nước ta bắt đầu triển khai cuộc vận động lớn: "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" (gọi tắt là cuộc vận động "hai không"). Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường học trong cả nước đã nhiều năm nói không với tiêu cực trong thi cử và tuyên chiến với bệnh thành tích trong giáo dục. Đảng bộ Trường Đại học Vinh là một đơn vị như vậy. Được thành lập từ năm 1959, trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Vinh là một trong những trường đại học lớn của Việt Nam, một trung tâm văn hoá, giáo dục, khoa học trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ. Hiện tại, Trường có 17 khoa đào tạo, 1 khối trung học phổ thông chuyên, 10 phòng chức năng, 5 trung tâm. Trường Đại học Vinh đào tạo 43 ngành đại học, 31 ngành Sau đại học (trong đó có 9 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 22 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ) với trên 35.000 học sinh, sinh viên, học viên. Sinh viên học tại trường đến từ 54 tỉnh, thành trong cả nước và lưu học sinh đến từ các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc.
Những năm trước đây, trong xu hướng phấn đấu đa ngành hoá Nhà trường, đồng thời không để giảm sút chất lượng đào tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ khoá XXVII đã ra Nghị quyết số 240-NQ/ĐU về đổi mới phương pháp dạy - học; Hiệu trưởng Nhà trường đã ra Chỉ thị về tăng cường trật tự, kỷ cương trong dạy, học và thi. Trong xây dựng phương hướng, nhiệm vụ năm học của các khoa đào tạo và khối trung học phổ thông Chuyên đã giảm bớt các chỉ tiêu, số lượng phải đạt, mà tập trung nêu ra các nhiệm vụ cụ thể, các giải pháp tích cực có tính khả thi để nâng cao chất lượng đào tạo, chống việc thêm, bớt chương trình, xem nhẹ các môn không thi tốt nghiệp để tập trung cho các môn thi; có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những giáo viên làm lộ đề thi, cho khống điểm, cấy điểm, làm sai lệch kết quả đánh giá, xếp loại để đạt chỉ tiêu đề ra hoặc thu lợi cá nhân. Người dạy từng bước chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp dạy học mới, trong đó học sinh dưới sự tổ chức, gợi mở, dẫn dắt của giáo viên tự mình chiếm lĩnh kiến thức, tự rút ra những kết luận, những bài học cần thiết cho mình với sự chủ động tối đa. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, đặc biệt là với những khâu dễ xảy ra tiêu cực như ra đề, chấm thi, coi thi, công bố kết quả thi. Trường đã xây dựng được phần mềm quản lý điểm thống nhất trong toàn Trường, hoàn chỉnh ngân hàng đề thi cho các học phần, các chuyên đề đào tạo. Đối với các bộ môn khoa học Mác - Lênin, khoa học giáo dục đã xây dựng được ngân hàng đề thi trắc nghiệm. 100% sinh viên dự thi các môn này trên máy tính. Trong chuyến về thăm và làm việc với Trường Đại học Vinh vào tháng 8/2006, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương, đánh giá cao việc biên soạn ngân hàng đề thi và tiến hành thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính của Trường và đề nghị các cơ sở đào tạo khác tham khảo.
Bước vào năm học 2006-2007, ngay sau lễ phát động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Vinh đã có nhiều phong trào thi đua rộng lớn nhằm thực hiện tốt cuộc vận động "hai không". Lãnh đạo Nhà trường đã quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc vận động trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên Nhà trường. Các đảng bộ bộ phận, các chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Trường Đại học Vinh - cơ hội và thách thức". Các khoa, phòng, ban, trung tâm đã tổ chức để cán bộ, công chức thảo luận, nêu các giải pháp thực hiện cuộc vận động phù hợp với đơn vị mình. 100% học sinh, sinh viên được quán triệt nội dung của cuộc vận động; nội dung Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy (được ban hành theo quyết định số 25/QĐ-BGDĐT, ngày 26/06/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), nội dung Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường tổ chức cho đoàn viên ký cam kết thực hiện nghiêm túc những nội dung của cuộc vận động và quy chế đào tạo mới.
Cùng với các sinh hoạt chính trị, tuyên truyền sâu rộng đó, Nhà trường đã triển khai đồng bộ các hoạt động cụ thể để chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục như triển khai đề án xây dựng các giáo trình, bài giảng điện tử, tin học hoá công tác quản lý, lưu trữ tài liệu; nâng cấp trung tâm Thông tin tư liệu và thư viện, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người học chuyển từ quá trình được đào tạo thành tự đào tạo; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình, nội dung giảng dạy; kiểm tra việc thực hiện quy chế đánh giá cho điểm; kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ về đổi mới phương pháp dạy - học; xử lý kiên quyết, triệt để các hiện tượng tiêu cực… Các khoa, bộ môn giảng dạy, các phòng chức năng tuỳ theo nhiệm vụ của mình đã tiến hành rà soát và tổ chức thực hiện nghiêm túc các hoạt động giáo dục, học tập, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực và bệnh thành tích; chú trọng bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành; kết hợp giữa giờ dạy trên lớp, giờ tự học, thực hành sêmina với tỉ lệ thích hợp; chú trọng giảng dạy các kiến thức về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu và kỹ năng thực hành; thường xuyên kiểm tra, đánh giá với các hình thức vấn đáp, tự luận hoặc trắc nghiệm tùy thuộc vào đặc điểm của từng môn học; sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật dạy học hiện đại để tăng hiệu quả của bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Xây dựng các tiêu chí thi đua sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và kết quả công tác của cá nhân, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá chất lượng công tác. Tăng cường đối thoại với học sinh, sinh viên, mở rộng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phối hợp với Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, sinh viên; những học sinh, sinh viên xuất sắc, ưu tú, đạt nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội.
Sau một năm triển khai cuộc vận động "hai không", Trường Đại học Vinh đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc vận động đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền các đơn vị quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Đông đảo cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và phụ huynh đã bày tỏ sự đồng tình và nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động. Công tác tư tưởng, chính trị của Nhà trường được ổn định. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Trường đã mở thêm một số ngành đào tạo đại học và Sau đại học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ giảng dạy đã trở thành nề nếp. Đặc biệt, 1 cán bộ giảng dạy được phong học hàm giáo sư và 2 cán bộ giảng dạy được phong học hàm phó giáo sư. Trong năm học 2006-2007, các kỳ thi kết thúc học phần, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp đã diễn ra đúng quy chế, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. Số thí sinh vi phạm quy chế, bị xử lý kỷ luật giảm hẳn so với những năm trước. Không xuất hiện các hình thức gian lận như giảng viên làm lộ đề, bán điểm, học sinh, sinh viên mua điểm, xin điểm. Không có các hiện tượng tiêu cực, các hành vi ứng xử thiếu văn hoá, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Việc thực hiện cuộc vận động "hai không" ở Trường Đại học Vinh tuy đạt được những kết quả bước đầu nói trên nhưng cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Một số cán bộ, giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về cuộc vận động này dẫn tới việc chỉ đạo và thực hiện còn lúng túng. Không ít học sinh, sinh viên chưa tập trung học tập, học với tư tưởng "bình quân chủ nghĩa" gắn với những suy nghĩ lệch lạc là nguy cơ dẫn đến những gian lận trong thi cử. Điều kiện cơ sở vật chất của Trường chưa theo kịp quy mô đào tạo nên ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác thi đua đòi hỏi phải có sự cải tiến về tiêu chí đánh giá nhằm có chuẩn đánh giá thi đua phù hợp với tinh thần của cuộc vận động.
Hiện nay, Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên trong thời gian tới giáo dục đại học đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn. Chất lượng đào tạo và khả năng thích ứng của sản phẩm đào tạo với thị trường lao động rộng mở là vấn đề sống còn của các trường đại học. Chính vì vậy, việc vào "sân chơi toàn cầu" một cách đúng luật, linh hoạt và mềm dẻo sẽ là phương châm để Trường Đại học Vinh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo. Để cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" đạt được kết quả bền vững làm cơ sở cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường, từ năm học 2007-2008, Trường đã chuyển phương thức đào tạo từ niên chế học phần sang đào tạo theo học chế tín chỉ; ứng dụng chương trình đào tạo tiên tiến của Thái Lan, Malaysia...; đẩy mạnh hợp tác đào tạo quốc tế với các nước: Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc và Malaysia; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ và tin học; đẩy nhanh năng lực nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, với yêu cầu nhiệm vụ kinh tế - xã hội - giáo dục của các địa phương; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 80-NQ/ĐU về công tác tổ chức cán bộ, chỉ tuyển dụng những người tốt nghiệp đại học loại Giỏi và có trình độ thạc sĩ trở lên (trừ một số ngành đặc thù) làm cán bộ giảng dạy, một số tổ bộ môn phấn đấu để tiến tới chỉ tuyển cán bộ có trình độ tiến sĩ...; tin học hóa công tác quản lý hành chính, tài chính, cơ sở vật chất và các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường; nâng cao chất lượng trang web của trường; nâng cấp và sử dụng có hiệu quả mạng nội bộ (mạng LAN), tạo sự liên thông giữa các đơn vị trong trường; nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác Internet phục vụ nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Với những biện pháp đồng bộ trên đây, tin tưởng rằng tập thể thầy và trò Trường Đại học Vinh sẽ phát huy những truyền thống tốt đẹp của đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới góp phần quan trọng vào việc xây dựng Trường Đại học Vinh vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.