ThS Nguyễn Quang Tuấn
Văn phòng Đảng ủy

 

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, những thành tựu to lớn của đất nước đã đem lại cho phụ nữ những điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng, trí tuệ. Và thực tế, phụ nữ đã có mặt ở tất cả các ngành nghề trong xã hội, đã xuất hiện những phụ nữ tài năng trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy tiềm năng to lớn của phụ nữ, quan tâm đào tạo cán bộ nữ, đề ra những chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Thực hiện những chủ trương đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền của Trường Đại học Vinh đã xác định công tác cán bộ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tổ chức cán bộ, làm tốt công tác cán bộ nữ là yếu tố góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập.
          Trước hết, lãnh đạo Nhà trường đã tổ chức hàng loạt các giải pháp để tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề cán bộ nữ trong toàn thể cán bộ, công chức. Đảng uỷ đã triển khai quán triệt Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/07/1993 của Bộ Chính trị về tăng cường và đổi mới công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16/05/1994 của Ban Bí thư về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong toàn Trường. Đảng uỷ đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phổ biến đến các đảng bộ bộ phận, chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên; đồng thời chỉ đạo Nhà trường bố trí thời gian và điều kiện cho các cơ sở học tập và thảo luận. Nhờ vậy đã làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm về công tác cán bộ nữ trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền, trong cán bộ, đảng viên, qua đó khắc phục tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng như định kiến hẹp hòi đối với cán bộ nữ, tạo tiền đề cho cán bộ nữ được phát huy tài năng và trí tuệ của mình.
          Nhà trường luôn quan tâm đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ. Từ năm 1994, Trường đã thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ do đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ - Hiệu trưởng làm trưởng ban, các ban viên gồm Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng Ban Nữ công, đại diện các khoa, phòng, ban. Bằng những hình thức và biện pháp phong phú, nhờ sự hoạt động tích cực của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban Nữ công đã tạo nên sự chuyển biến nhận thức rõ rệt trong cán bộ lãnh đạo, đảng viên và công chức; khích lệ được các phong trào thi đua, mọi hoạt động của cán bộ nữ luôn nhận được sự ủng hộ toàn diện và triệt để ở các đơn vị, các đoàn thể quần chúng. Nhà trường luôn có chính sách ưu tiên cán bộ nữ trong công tác như có mức hỗ trợ cao hơn khi đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; ưu tiên khi thi tuyển công chức; tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước… Mỗi cán bộ nữ đều có nhiều việc làm thêm để tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình dựa trên năng lực, sở trường và bằng nghề nghiệp chính đáng của mình. Tuy có lúc Trường phải trải qua những giai đoạn khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ nữ vẫn luôn sắt son với công việc, coi Trường như nhà của mình, sẵn sàng làm bất cứ việc gì Nhà trường yêu cầu.
          Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách, để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đảm bảo về số lượng và chất lượng, các cấp uỷ Đảng đã đổi mới công tác quy hoạch cán bộ nữ, gắn quy hoạch với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và các khâu trong công tác cán bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường các khoá và kế hoạch hằng năm của Nhà trường luôn xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho các loại hình cán bộ, nhất là cán bộ khoa học và cán bộ nữ. Sau khi đưa vào quy hoạch, các đơn vị đã cử cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, ai thiếu và yếu mặt nào thì bồi dưỡng mặt đó, bồi dưỡng toàn diện để đạt vững chắc các chuẩn quy định của Bộ. Phòng Tổ chức cán bộ chú ý cán bộ nòng cốt là nữ mỗi khi xem xét bổ nhiệm hoặc cử đi đào tạo nâng cao ở trong và ngoài nước. Phòng Kế hoạch tài chính cân đối thu, chi để có nguồn chi tiêu cho các hoạt động của cán bộ nữ. Phòng Quản trị quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để cán bộ nữ được mượn, thuê phòng ở Khu tập thể của Trường. Các khoa tạo điều kiện để cán bộ nữ tham gia vào công tác quản lý, công tác nghiên cứu khoa học và tham dự các hội nghị khoa học, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ tin học, ngoại ngữ ở trong và ngoài nước. Hàng năm, các đơn vị đều tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ về độ tuổi, trình độ chuyên môn, năng lực công tác, sức khoẻ, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá lại việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ hiện có. Từ đó cụ thể hoá kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ theo quy hoạch, có chính sách thu hút và bổ sung kịp thời nguồn cán bộ nữ trẻ, có trình độ để đảm bảo sự chuyển tiếp các thế hệ cán bộ nữ một cách vững vàng. Nhờ vậy đội ngũ cán bộ, viên chức nữ ngày càng tăng. Đội ngũ cán bộ nữ năm 2003 có 293 đồng chí, năm 2007 là 365 (chiếm tỷ lệ 44,57% tổng số cán bộ toàn Trường). Hầu hết nữ cán bộ đều có bằng đại học trở lên.
           Bên cạnh việc quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, Đảng uỷ luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên nữ, chú ý đến những tiêu chuẩn đặc thù để khuyến khích cán bộ nữ vào Đảng. Mỗi năm, Đảng uỷ tổ chức hai lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam cho trên 1.000 quần chúng xuất sắc được lựa chọn từ các đơn vị trong Trường. Qua các lớp học giúp cho học viên nắm được tóm tắt lịch sử Đảng; những nội dung cơ bản của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; những nội dung cơ bản của Điều lệ Đảng và phương hướng phấn đấu để trở thành đảng viên. Sau lớp học, Đảng uỷ chỉ đạo các đảng bộ bộ phận, các chi bộ phân công đảng viên chính thức bồi dưỡng, giúp đỡ các cảm tình Đảng, đặc biệt là cán bộ nữ, tích cực phấn đấu và rèn luyện để trở thành đảng viên. Vì vậy, số đảng viên nữ chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Nếu năm 1990 toàn Trường có 50 cán bộ nữ là đảng viên thì đến năm 2007 là 142. Đội ngũ đảng viên nữ được kết nạp thời gian qua luôn gương mẫu trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các khoa, phòng, ban, trung tâm.   
          Thực hiện đồng bộ các biện pháp nói trên, đội ngũ cán bộ nữ Trường Đại học Vinh đã trưởng thành về mọi mặt ở các lĩnh vực công tác, khẳng định vị trí của mình trong Nhà trường. Cán bộ nữ của Trường không những làm tròn thiên chức: yêu chồng, thương con, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn hết sự tự tin trên cương vị công tác của mình, đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, thu hút, lôi cuốn học sinh, sinh viên bằng những bài giảng đầy tâm huyết. Số cán bộ nữ có học hàm, học vị ngày càng tăng. Hiện tại trong số 365 cán bộ nữ có 01 Giáo sư, 12 tiến sĩ, 136 thạc sĩ. Một số đồng chí đã tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn thanh niên, lãnh đạo các khoa, phòng, ban, trung tâm. Có 25 đồng chí tham gia công tác quản lý từ Tổ trưởng bộ môn trở lên. Trong đợt tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Hai giỏi” do Công đoàn giáo dục và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động (6/2005), đã có 19 cán bộ nữ đạt danh hiệu “Hai giỏi” cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 04 đồng chí đạt cấp Công đoàn ngành và Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, 74 đồng chí đạt cấp Công đoàn Trường. Tập thể nữ cán bộ, công chức Nhà trường đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Những thành tích đó đã góp phần để Nhà trường đạt được nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2004, Trường Đại học Vinh được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Đảng bộ Nhà trường 9 năm liên tục được Tỉnh uỷ Nghệ An tặng Bằng khen đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
            Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác cán bộ nữ ở Trường Đại học Vinh cũng còn một số hạn chế, tồn tại. Đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý chiếm tỷ lệ còn thấp. Cấp uỷ, chính quyền một số khoa, phòng chưa nhận thức đúng vai trò, khả năng của cán bộ nữ; nhìn nhận, đánh giá cán bộ nữ còn cầu toàn, khắt khe; thiếu những chính sách và biện pháp cụ thể trong việc chăm lo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ. Một bộ phận cán bộ nữ còn có tư tưởng an phận, chưa vượt qua được những cản trở về gia đình, thiếu ý chí vươn lên trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
         Để xây dựng và phát triển Trường Đại học Vinh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Vinh lần thứ XXIX đã xác định phương hướng hoạt động giai đoạn 2005-2010 là “Huy động mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, mở rộng quan hệ hợp tác, phát huy sức mạnh tổng hợp và dân chủ hoá để từng bước xây dựng và phát triển Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh (có một số thành viên) với phương châm: đi tắt, đón đầu, hiệu quả, đồng bộ và hiện đại”.Để mục tiêu đó sớm trở thành hiện thực đòi hỏi toàn thể cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên Nhà trường phải phát huy cao độ sức lực, trí tuệ, sự sáng tạo, với tinh thần đoàn kết một lòng. Sự tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả của cán bộ nữ trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà trường là xu thế tất yếu. Điều đó mở ra triển vọng và cơ hội mới để phụ nữ phát triển tài năng và trí tuệ của mình. Mỗi cán bộ nữ cần chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu nâng cao phẩm chất và trình độ, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tự khẳng định mình trong công tác, biết kết hợp hài hoà giữa công việc gia đình và công tác xã hội, góp phần khẳng định Trường Đại học Vinh là một trong những trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục của cả nước.