Dương Thanh Lam
48B3 Chính trị - Luật
 
1. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện truyền thống đoàn kết, đồng cam cộng khổ, “một miếng khi đói bằng cả gói khi no”, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà non trẻ mới ra đời lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trong đó nạn đói là một trong những nguy cơ lớn đã đặt ra cho Chính phủ và nhân dân ta nhiệm vụ là diệt “giặc đói”. Cùng với phong trào tăng gia sản xuất và các chính sách khác, các sáng kiến cứu đói được thực hiện như “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói”...
Ngày 28/9/1945, Bác Hồ kêu gọi toàn dân “nhường cơm, sẻ áo”. Bác nói: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến người đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo. Như vậy thì người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”.
2. Chi đoàn 48B3 Chính trị - Luật học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ
Trước những hậu quả nặng nề do cơn bão số 9 vừa qua gây ra cho đồng bào Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, đồng chí Lê Thị Thu Nga, Bí thư chi đoàn 48B3 Chính trị - Luật đã chủ động phát động chương trình “Quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt tỉnh Quảng Nam”. Được sự đồng ý của Ban Chấp hành Liên chi đoàn khoa Giáo dục chính trị, Ban Thường vụ Đoàn trường, Chi đoàn tổ chức chương trình quyên góp trong các ngày từ 5/10 đến ngày 20/10/2009 với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các đồng chí đoàn viên trong và ngoài chi đoàn 48B3 Chính trị - Luật.
Sau gần hai tuần vận động, đội tình nguyện của chi đoàn đã quyên góp được 3 thùng quần áo và hơn 4 triệu đồng. Toàn bộ tiền và quần áo được đội tình nguyện cử đồng chí A Rất Bới trực tiếp mang tới trao tận tay những hộ gia đình bị thiệt hại trong cơn bão số 9 tại xã Arooi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Tối ngày 18/10/2009, trong buổi họp lên danh sách những hộ gia đình bị thiệt hại cần được giúp đỡ, đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Arooi, Hôih Grói cho biết: toàn xã có 9 ngôi nhà bị chôn vùi dưới đất, 16 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, tổng thiệt hại lên tới hơn 400 triệu đồng. Với một xã miền núi, kinh tế khó khăn, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy thì đây là thách thức lớn đối với chính quyền và nhân dân trong xã. Với số tiền hạn hẹp mà đội tình nguyện quyên góp được chúng tôi đã chia thành 17 suất, mỗi suất trị giá 250.000 đồng để giúp các gia đình khó khăn tạm thời ổn định cuộc sống.
Tuy số tiền ủng hộ đồng bào không lớn, nhưng mỗi chúng tôi, những người trong đội tình nguyện, cảm thấy rất hạnh phúc khi mình đã trở thành chiếc cầu nối của biết bao nhiêu tấm lòng đang hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt bị thiệt hại trong cơn bão số 9; được trở thành những người tiếp nhận tinh thần nối tiếp truyền thống đoàn kết, nhân ái, đồng cam cộng khổ, thương người như thể thương thân của dân tộc ta trong biết bao người Việt Nam.
Trong quá trình chi đoàn tổ chức chương trình “Quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt tỉnh Quảng Nam”, nhiều đồng chí trong chi đoàn đã tranh thủ từng khoảng thời gian không lên lớp để tham gia đi vận động tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Đình Tuân, Phạm Minh Hiến, Đinh Minh Thanh, Lê Thị Thu Nga... Các bạn học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên và các bạn sinh viên trong Trường tuy còn lệ thuộc vào gia đình nhưng với tinh thần “một miếng khi đói bằng cả gói khi no” đã bớt chút tiền hàng tháng để ủng hộ đồng bào. Chương trình không chỉ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam, của đồng bào phường Trường Thi, Trung Đô, Bến Thủy mà còn nhận được sự ủng hộ tích cực của các bạn lưu học sinh nước ngoài. Điều đó cho thấy tình đoàn kết gắn bó của các bạn lưu học sinh với dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào Quảng Nam nói riêng.
Về phần tôi, tôi xin tự phê bình trước chi đoàn về thái độ thờ ơ ban đầu trước chương trình vận động “Quyên góp” do chi đoàn phát động. Ban đầu tôi cảm thấy tham gia phong trào của chi đoàn sẽ tốn nhiều thời gian học tập, nhưng trước sự tham gia nhiệt tình của các đồng chí trong chi đoàn tôi nhận thấy rằng tham gia chương trình chính là mình đang hướng về với đồng bào. Các đồng chí và cả chi đoàn của mình hoạt động sôi nổi với một ý niệm duy nhất hướng tới đồng bào đang cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người, không mưu cầu tới thành tích riêng tư. Nhân đây, tôi cũng xin được phê bình một số đồng chí trong chi đoàn, bên cạnh sự thờ ơ với hoạt động của chi đoàn còn có thái độ không tốt khi có sự vận động quyên góp trong chi đoàn. Thật là nghịch lý khi chương trình nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của các chi đoàn bạn mà trong chính chi đoàn chúng ta, đơn vị phát động chương trình, lại có một số đồng chí không hiểu được tính nhân văn, ý nghĩa thiết thực của chương trình, quên đi mất rằng mình cũng là một người Việt Nam. Chúng ta không thể trở thành một chi đoàn vững mạnh, đoàn kết, xung kích khi trong chính phong trào của chi đoàn lại tính toán thiệt hơn, có tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ. Tôi đề nghị mỗi đồng chí trong chi đoàn nêu cao tinh thần “tự phê bình và phê bình”, coi đó là nguyên tắc trong sinh hoạt của chi đoàn để chi đoàn chúng ta có sự đoàn kết, thống nhất cùng đồng tâm nhất trí trong mọi phong trào, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xứng đáng với 4 chữ vàng của sinh viên Trường Đại học Vinh "Bản lĩnh - Trí tuệ - Văn minh - Tình nguyện".