Phạm Thị Ly

 

Thế giới mà chúng ta sống đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, giáo dục cũng phải thay đổi không ngừng để thích ứng. Cải cách giáo dục là một nhu cầu bức thiết của mọi quốc gia trên thế giới, tuy mục tiêu cụ thể của từng nước rất khác nhau, vì mỗi quốc gia có một bối cảnh cũng như ưu tiên chiến lược trong từng giai đoạn khác nhau. Việc xác định rõ ưu tiên chiến lược là một nhiệm vụ tối quan trọng của các nhà hoạch định chính sách, vì một ưu tiên đúng trong chiến lược sẽ giúp chúng ta sử dụng một cách tốt nhất nguồn lực có giới hạn của mình.

Bài học cải cách giáo dục của các quốc gia phương Tây đối với chúng ta rất cần thiết, nhưng có khi do những khác biệt về văn hóa, thể chế, xã hội, việc vận dụng những kinh nghiệm ấy nhiều khi không đạt được thành công như chúng ta mong đợi. Cây quýt trồng trên đất này thì ra trái ngọt nhưng trồng trên đất khác thành ra chua. Bài học kinh nghiệm từ Đài Loan trong việc giải quyết những vấn đề giáo dục, với Việt Nam có một ý nghĩa rất thực tiễn, vì những gì chúng ta đang thấy ở Việt Nam hôm nay rất giống với những gì xảy ra ở Đài Loan ba mươi năm trước. Ngày nay, Đài Loan đã đạt được một mức độ phát triển về nhiều mặt không thua kém các nước phát triển ở phương Tây. Trên chặng đường đó, giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Đài Loan hôm nay

Đảo quốc Đài Loan đã trải qua nửa cuối thế kỷ 20 với quá trình tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa và dân chủ hóa mạnh mẽ; ngày nay trở thành một nền kinh tế phát triển, một trong bốn con hổ châu Á, được coi là nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới nhờ công nghệ kỹ thuật cao. Đài Loan hiện nay được xếp hạng cao về tự do báo chí, chăm sóc sức khỏe,    giáo dục công, tự do kinh tế và phát triển con người[1]. Sự phát triển thần kỳ này đã từng được gọi là “Phép lạ Đài Loan” (Taiwan Miracle).

Tạo nên được sự thần kỳ đó là kết quả của giáo dục. Với 23,2 triệu dân, Đài Loan có 174 trường đại học, trong đó nổi tiếng nhất là Đại học Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University, năm 2011 xếp hạng 61-70 trong số 100 trường đại học tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng toàn cầu của THES, còn trong bảng xếp hạng ARWU của SJU thì NTU xếp hạng 123 trong 500 trường hàng đầu thế giới, và hạng nhất trong thế giới nói tiếng Hoa) và một số trường đại học khác trong đó có Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan (National Taiwan Normal University, được xếp hạng trong nhóm 400-450 trong 500 trường hàng đầu thế giới của ARWU). Tỉ lệ người biết đọc biết viết là 96,2% năm 2002, và tháng giêng năm 2011, Tổng thống Mã Anh Cửu đã tuyên bố đến năm 2014 Đài Loan sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc đến hết lớp 12 (từ 1968 đến nay là lớp 9). Giáo dục phổ thông đến lớp 12 là hoàn toàn miễn phí, trường tư được nhận học phí nhưng mức thu rất thấp vì vẫn được nhận tài trợ từ ngân sách và dựa vào nguồn hiến tặng. 95% học sinh phổ thông được nhận vào đại học, với học phí rất thấp. Học phí tại trường hàng đầu NTU chỉ 1.500 USD/năm, trong khi học phí của một trường tương đương ở Mỹ là 30.000-40.000 USD/năm. Ngân sách giáo dục hàng năm của Đài Loan là khoảng 20 tỉ đô la Mỹ và trong một thập niên gần đây không tăng nhiều.

Đằng sau những con số về tài chính giáo dục

Ngân sách gíao dục của VN năm 2003 là 28.800 tỉ VND tương đương khoảng 2 tỉ USD tính theo đầu người bằng 1/35 so với Đài Loan. Con số tương ứng trong năm 2009 ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể là khoảng 97.000 tỉ VND tương đương gần 5tỉ USD toàn bộ ngân sách giáo dục, tính theo đầu người bằng 1/15 so với Đài Loan, còn lương trung bình của giáo viên đại học/cao đẳng Việt Nam năm 2009 là 4,463 triệu đồng VN, tương đương khoảng 230 USD/ tháng. Lương trung bình của giáo viên phổ thông ở Đài Loan năm 2003 là 2.000 USD và giảng viên đại học từ 2.000-4.500 USD/tháng, chưa kể thu nhập do hoạt động nghiên cứu. Tất cả giáo viên đều được hưởng 13,5 tháng lương mỗi năm[2].

Điều đáng lưu ý không chỉ là con số ngân sách chi cho giáo dục mà là cơ cấu chi cho con người.  Chi lương cho giảng viên thường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong chi thường xuyên[3]. Lưu ý rằng so với các nước trong khu vực, tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng chi cho giáo dục của Việt Nam ở mức thấp nhất:

Bảng 1: Cơ cấu tài chính giáo dục (tất cả cấp học)[4]

Điều này nói lên rằng Việt Nam đang quá chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trang thiết bị, mà coi nhẹ việc đầu tư cho con người, trong lúc người thầy mới thực sự là người tạo ra chất lượng giáo dục và là linh hồn của cải cách giáo dục. Kinh nghiệm cá nhân cũng có thể cho chúng ta thấy có những bài học theo chúng ta suốt cả cuộc đời là từ những người thầy đáng kính đã dạy chúng ta trong những điều kiện vật chất tồi tàn nhất.

Chính phủ Đài Loan hiểu rõ điều này và có một chính sách rất nhất quán trong việc hậu đãi người thầy. Lương giáo viên ở Đài Loan cao hơn mức lương trung bình của các ngành nghề khác từ 20-30%. Do mức lương cao như vậy, nhiều người muốn vào ngành sư phạm, và trường sư phạm có khả năng tuyển chọn được những người giỏi nhất, tốt nhất. Là những người thuộc tầng lớp tinh hoa, lại được trả lương xứng đáng, cùng với truyền thống tôn sư trọng đạo của Á Đông, người thầy ở Đài Loan rất được xã hội tôn trọng. Những nhân tố đó đã tạo ra một áp lực để họ phải duy trì chất lượng công việc của mình với phẩm chất cao nhất, và chính họ là những người tạo ra kỳ tích của Đài Loan.

Về việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên ở Đài Loan

Phần lớn các trường đại học ở Đài Loan có Khoa Giáo dục. Trường được coi là tinh hoa bậc nhất trong lĩnh vực giáo dục và sư phạm là Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan (National Taiwan Normal University). Ngân sách của trường do nhà nước cấp vào khoảng 100 triệu USD hàng năm. Sinh viên chẳng những được miễn phí hoàn toàn mà còn có học bổng. Trường này có khoảng 11.000 sinh viên, 40% là sinh viên sau đại học. Giảng viên là 1.163 người (tỉ lệ giảng viên/sinh viên là 1/10 so với Việt Nam năm 2008 là 1/28).

Đây là nơi đào tạo ra các học giả, các nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn đối với đất nước. Cựu tổng thống Lý Đăng Huy là sinh viên của trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan trước khi theo học tại Nhật. Một số Bộ trưởng Bộ Giáo dục vốn là giáo sư của trường này, như Quách Vi Phan (Kuo Wei-Fan), Bộ trưởng thứ 13, Tiến sĩ Giáo dục Đại học Paris, nguyên giáo sư Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, hiện là Giám đốc Quỹ Văn hóa Giáo dục Pháp và Đài Loan; Ngô Thanh Căn (We Kin-Ki), Bộ trưởng thứ 21, hiệ­­­n là giáo sư của Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan. Giảng viên của trường còn bao gồm các triết gia, nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng. Mặc dù mang tên là Trường Đại học Sư phạm từ năm 1967 và nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên, cho đến nay nhà trường vẫn định vị mình như một đơn vị hàng đầu trong đào tạo nghệ thuật, văn học và khoa học nhân văn. Điều này hoàn toàn không mâu thuẫn, vì nghệ thuật, văn học, và khoa học nhân văn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đào luyện phẩm chất của người thầy và người lãnh đạo giáo dục. Châm ngôn của nhà trường là:     (Thành Chính Huân Nghiệp), nghĩa là “Trở thành người chính trực, và đạt được sự nghiệp công ích lớn lao”.

Thành lập từ năm 1946 trong thời thống trị của thực dân Nhật, ngày nay qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan đã đạt được mức độ quốc tế hóa rất cao. Trong tổng số sinh viên, khoảng 15% là sinh viên quốc tế thuộc hơn 60 quốc gia. Trường có quan hệ đối tác mật thiết với trên 30 trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Áo, Hà Lan, và đặc biệt là các nước trong khu vực: Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Thái Lan và Việt Nam. Sự giao lưu này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường đa văn hóa, giúp sinh viên của trường có cái nhìn toàn diện đa chiều về thế giới ngày nay, điều không thể thiếu để định hình năng lực thích ứng với những đổi thay của toàn cầu hóa.

Giáo viên ở Đài Loan được tuyển chọn và đào tạo tốt, lại được tái đào tạo và bồi dưỡng liên tục. Có 12 trung tâm đào tạo nâng cao tại chức nhằm cập nhật kiến thức và huấn luyện giáo viên thực hiện những chính sách về cải cách giáo dục, giúp họ không ngừng phát triển, không ngừng trưởng thành. Những trung tâm này có nhiệm vụ cung cấp thông tin và tài liệu tham khảo về giáo dục và quản lý giáo dục, tạo ra một cơ chế để trao đổi thông tin giữa các nhà giáo dục và những người lãnh đạo giáo dục, những người hoạch định chính sách ở các địa phương; khuyến khích giáo viên học tập suốt đời và không ngừng cải thiện việc dạy học. Nó cũng đem lại cho giáo viên những tư vấn và hỗ trợ cần thiết trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể của giáo dục trong đời sống hàng ngày. Hoạt động của các trung tâm này phục vụ đắc lực cho cải cách giáo dục và làm cho giáo dục trở nên theo sát các nhu cầu thực tế của địa phương, cũng như giúp giáo viên thực hiện vai trò của mình một cách tốt nhất.

Việc nghiên cứu về khoa học giáo dục ở Đài Loan

Các nghiên cứu về khoa học giáo dục ở Đài Loan trước đây chủ yếu được thực hiện ở các khoa giáo dục, các trường sư phạm. Do nhu cầu đẩy mạnh nghiên cứu về khoa học giáo dục nhằm đáp ứng những thay đổi của thời đại toàn cầu hóa, sau một thập kỷ chuẩn bị mọi mặt, tháng 3 năm 2011, Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Đài Loan (National Academy for Educational Research- NAER) đã được thành lập. Người ta mong đợi Viện trở thành một tổ chức nghiên cứu giáo dục hàng đầu với quan điểm và tầm nhìn toàn thế giới. Viện không chỉ thực hiện những nghiên cứu dài hạn và có tính hệ thống về những vấn đề giáo dục của quốc gia, mà còn tích cực tìm kiếm các quan hệ đối tác trong nghiên cứu trên toàn thế giới; thông qua các hoạt động tương tác quốc tế và các chương trình đào tạo nâng cao. Viện định vị mình như một “think tank” về chính sách giáo dục, chịu trách nhiệm chính trong việc cải cách chương trình, đánh giá kết quả giáo dục, tư vấn chiến lược, nhằm cải thiện chất lượng giáo dục của Đài Loan và duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu của Đài Loan.

 

Viện có khoảng gần 200 cán bộ nghiên cứu, bao gồm 7 trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu về Chính sách và Hệ thống Giáo dục; Trung tâm Nghiên cứu về Chương trình và Phương pháp Giảng dạy; Trung tâm Nghiên cứu về Khảo thí và Đánh giá; Trung tâm Sưu tập Tư liệu và Dịch thuật; Trung tâm Phát triển Biên soạn Sách Giáo khoa; Trung tâm Tư liệu Giáo dục và Ấn bản; Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Chuyên môn và Lãnh đạo Giáo dục. Lãnh đạo Viện hầu hết là người được đào tạo từ các quốc gia phát triển phương Tây: Viện trưởng Ngô Thanh Sơn (Ching- Shan Wu) làm post-doc ở State University of New York at Buffalo (Hoa Kỳ); Phó Viện Trưởng Vương Như Triết (Ru Jer Wang) học thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan và tiến sĩ giáo dục tại University of Manchester (Anh).

Kế hoạch hoạt động của Viện bao gồm:

·                                 Tổ chức việc nghiên cứu về chính sách giáo dục và những vấn đề của giáo dục ở mọi cấp. Thực hiện các nghiên cứu so sánh về giáo dục quốc tế.

·                                 Xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục phổ thông nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho tư vấn và quyết sách, cũng như phục vụ cho nghiên cứu trong dài hạn.

·                                 Nghiên cứu cải cách chương trình giáo dục phổ thông theo hướng coi học sinh là chủ thể và tích hợp kiến thức.

·                                 Nghiên cứu ứng dụng để áp dụng trong thiết kế, và số hóa hệ thống sách giáo khoa.

·                                 Xây dựng chương trình đào tạo dựa trên công nghệ số hóa cho đào tạo từ xa

·                                 Tổ chức các diễn đàn giáo dục quốc tế nhằm xây dựng một không gian cho hợp tác quốc tế và nối kết các think tank về giáo dục trên toàn thế giới để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Giáo viên, trường sư phạm, nghiên cứu khoa học giáo dục và vấn đề cải cách giáo dục

Giáo dục là việc trồng người. Không bao giờ có một nền giáo dục tốt nếu chúng ta không có những người thầy tốt. Không thể có những người thầy tốt nếu họ bị đối xử một cách rẻ rúng và không được tuyển chọn, huấn luyện một cách phù hợp. Lương sư hưng quốc là điều đã được chứng minh qua nhiều thế hệ.

Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ người thầy, nói cụ thể hơn là từ nhân cách của người thầy. Nếu các nhà làm chính sách không thể bảo đảm được cho người thầy sống bằng đồng lương ít nhất cũng ngang bằng với mức thu nhập trung bình trong xã hội, thì mọi nỗ lực cải cách giáo dục sẽ vĩnh viễn nằm trên giấy, hay chỉ là những lời tuyên ngôn hoa mỹ. Kinh nghiệm Đài Loan cho chúng ta thấy rõ, sự hậu đãi về lương bổng, đãi ngộ đã thu hút những người tốt nhất vào ngành giáo dục và đã tạo ra phép lạ Đài Loan như thế nào.

Giáo viên là sản phẩm, là thành quả của trường sư phạm. Các trường sư phạm phải chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo của mình, tức là về chất lượng của người thầy. Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan là ngôi trường của giới tinh hoa, giảng viên của họ là những người nổi bật trong xã hội, những tài năng thực sự trong nhiều lãnh vực,và họ đã đào tạo ra những người xứng đáng là bậc thầy của thế hệ trẻ, trong số đó nhiều người tiếp tục trở thành các chính trị gia, nhà hoạt động xã hội, người lãnh đạo giáo dục xuất sắc. Đối lập với thực tế đó là câu tục ngữ đã trở thành phổ biến ở Việt Nam: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Sự khủng hoảng giá trị đang lan rộng trong xã hội Việt Nam ngày nay chính là kết quả của việc coi thường nghề sư phạm và người thầy. Thực tế này nếu không được sửa chữa kịp thời, sẽ dẫn đến đổ vỡ tận gốc rễ những cột trụ tinh thần của xã hội. Vì vậy, ưu tiên của mọi ưu tiên, phải là vấn đề người thầy.

Không thể phủ nhận rằng người dân Việt Nam hết sức quan tâm đến giáo dục và nhà nước Việt Nam cũng nhận thức rất rõ nhu cầu khẩn thiết phải “đổi mới toàn diện, triệt để” giáo dục. Tuy vậy, từ nhận thức và quyết tâm đến hành động thực tế là một quãng đường xa. Nghiên cứu khoa học giáo dục có vai trò cốt lõi nhằm rút ngắn quãng đường này. Mọi chính sách đưa ra đều cần được dựa trên những bằng chứng xác thực và những bằng chứng này có được do nghiên cứu nghiêm túc. Chẳng hạn, một nghiên cứu của nhóm tác giả Ben Wilkinson &Laura Chirot đã cho thấy rằng, mọi thước đo đều chứng minh Việt Nam đã chi tiêu rất nhiều cho giáo dục, cao hơn hẳn mức trung bình của các nước trong khu vực, do vậy tình trạng thiếu nguồn lực không phải là rào cản chính đối với sự phát triển của giáo dục, mà vấn đề chính là chi tiêu cho giáo dục rất lãng phí và kém hiệu quả. Vì vậy, giải pháp không phải là tăng học phí ở tất cả các cấp, nhất là tiểu học và trung học, mà là áp đặt kỷ cương và thiết lập sự minh bạch trong toàn bộ hệ thống[5].

 

Nghiên cứu triết học giáo dục và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển giáo dục của các nước, cụ thể qua một trường hợp điển cứu là Đài Loan, có thể thấy rằng cải cách giáo dục phải bắt đầu từ sư phạm, và từ nghiên cứu nghiêm túc về khoa học giáo dục. Kinh nghiệm của Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Quốc gia Đài Loan cho thấy hoạt động này phải gắn với tầm nhìn quốc tế và dựa trên những phương pháp, chuẩn mực được quốc tế công nhận rộng rãi. Việc nghiên cứu này sẽ tránh cho chúng ta đưa ra những mục tiêu tùy tiện bất khả thi, vì mọi kế hoạch không thực hiện được đều có cái giá phải trả là làm xói mòn lòng tin của toàn xã hội. Nhưng điều quan trọng nhất, nghiên cứu về khoa học giáo dục, đặc biệt là giáo dục quốc tế, giúp cho chúng ta học được từ thành công và thất bại của người khác, và giữ cho mình không lạc hướng. Lạc hậu không phải là điều đáng ngại, mà lạc hướng mới đáng ngại, vì lạc hậu thì sẽ có thể rút ngắn khoảng cách, nhưng lạc hướng thì khoảng cách sẽ mỗi ngày một xa.

Hiển nhiên cải cách thể chế trong giáo dục là một tiến trình khó khăn và gian khổ, nhưng không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ là nhanh hay chậm và với giá nào mà thôi.

Viết tại Thành phố Đài Bắc, ngày 30-3-2012

Lời cảm ơn.

Người viết bài này xin chân thành cảm ơn Giáo sư Trần Văn Đoàn (Đại học Quốc gia Đài Loan), TS. Shawn H.Ma, TS. Robin J.Chen (Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Đài Loan) về sự hỗ trợ trong phiên dịch, tìm thông tin và góp ý kiến để hoàn thành bài viết này. Cảm ơn anh Hồ Phú Hùng về các nhận xét và góp ý quý báu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1.                              John Dewey bàn về giáo dục (1964). Phạm Anh Tuấn dịch. NXB Trẻ, 2012.

2.                              Chao-Wen Liu. The Implementation of  Teacher Evaluation for Professional Development in Primary Education in Taiwan., Boca Raton, Florida, U.S.A, 2011.

3.                              Nguyễn Văn Tuấn. Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập. NXB Tổng hợp TPHCM, 2011.

4.                              Trần Văn Đoàn. The Poverty of Ideological Education. The Council for Research in Values and Philosophy, 2000, U.S.A.

5.                              Trần Văn Đoàn. Chinese Foundation for Moral Education and Character Development . Series III, Asia.  Vol III.2.

6.                              Ben Wilkson and Laura Chirot. “Beyond the Apex, Toward A system Level Approach to Higher Education Reform in Vietnam”. Nguồn:  www.ash.harvard.edu/extension/ash/docs/beyondtheapex.pdf

7.                              Wei-Pang Wang,  Education and depression in Taiwan: Aging   trajectories, cohort variations . The University of Texas at Austin. Sociology, 2010

 

[1] Về phát triển con người, với chỉ số HDI 0,868, Đài Loan có thể đứng thứ 18 trên toàn thế giới, nhưng không được LHQ đưa vào bảng xếp hạng do vị trí quốc gia không được công nhận chính thức. GDP của Taiwan năm 2011 xếp hạng 20 trên thế giới ( Nguồn: Wikipedia).

[2] . Chúng tôi chưa có điều kiện chuyển thông tin tiền lương của hai bên sang đơn vị tương đương  sức mua của Ngân hàng Thế giới (purchasing power parity- World Bank  PPP$), nhưng lưu ý rằng giá sinh hoạt ở Đài Loan và Việt Nam không khác nhau nhiều lắm.

[3] . Theo định nghĩa của UNESCO, chi thường xuyên là: “Khoản chi cho hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong năm hiện tại và lặp lại nếu có nhu cầu trong năm sau. Nó bao gồm các khoản chi cho: lương nhân viên, hưu trí và phúc lợi; hợp đồng mua sắm dịch vụ; các khoản chi cho sách và tư liệu giảng dạy; dịch vụ phúc lợi, và các khoản chi tiêu thường xuyên khác như trợ cấp cho sinh viên và các hộ gia đình, nội thất và các thiết bị nhỏ, các sửa chữa nhỏ, xăng dầu, viễn thông, đi lại, bảo hiểm và các khoản tiền thuê.” Ở Việt Nam, ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên bao gồm các khoản dành cho chi thực hiện các dự án ODA (quy mô dự án nhỏ), chi cho chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo, chi lương và các khoản có tính chất lương (lương, phụ cấp lương, chi BHXH, BH Y tế, kinh phí cố định, chi học bổng chính sách) và chi nghiệp vụ giảng dạy, học tập. Các nguồn thu khác (thu từ học phí, thu dịch vụ khoa học công nghệ, đóng góp quyên tặng) chủ yếu dùng cho chi thường xuyên. Chi lương chiếm khoảng 60% chi thường xuyên. (Dẫn theo “Beyond the Apex…”. Nguồn:
www.ash.harvard.edu/extension/ash/docs/beyondtheapex.pdf).

[4]. UNESCO, “Bảng 19: Chỉ số tài chính theo cấp ISCED”, http://stats.uis.unesco.org/unesco/TableViewer/ tableView.aspx?ReportId=172. Rất tiếc do chưa được công nhận vị trí quốc gia, Đài Loan không có số liệu trong bảng thống kê này của UNESCO. Nếu đưa số liệu từ nguồn khác vào thì e không có giá trị, do không nhất quán về thước đo. Tuy nhiên tỉ lệ chi lương trên tổng chi ngân sách giáo dục của Đài Loan chắc chắn lớn hơn tỷ lệ tương ứng của Việt Nam, do tỷ lệ giáo viên/học sinh của Đài Loan lớn hơn nhiều so với Việt Nam, đặc biệt là khi ta so sánh trên cơ sở tổng chi ngân sách trên đầu sinh viên.

[5] Ben Wilkinson and Laura Chirot (2010). “Beyond the Apex, a System Level Approach to Higher Education Reform in Vietnam”. Nguồn:  www.ash.harvard.edu/extension/ash/docs/beyondtheapex.pdf). Lưu ý rằng Đài Loan chi 15% tổng chi ngân sách quốc gia cho giáo dục, còn Việt Nam đã chi đến 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục.