Cách đây 92 năm, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới do giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, binh sĩ cách mạng và đông đảo quần chúng lao động ở nước Nga tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đứng đầu là lãnh tụ thiên tài V. I. Lênin, đã thắng lợi rực rỡ, lật đổ chế độ Sa Hoàng, dựng lên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Thời gian càng lùi xa, âm hưởng của Cách mạng Tháng Mười càng có sức vang vọng. Đời sống chính trị - xã hội thế giới đã và đang trải qua những thay đổi lớn nhưng những giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười là không thể phủ nhận. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Cách mạng Tháng Mười đã phá vỡ một mảng quan trọng của thế giới tư bản chủ nghĩa và mở ra ra một thời đại mới. Có thể nói, nếu “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã khai sinh ra chủ nghĩa xã hội với tư cách là một học thuyết khoa học thì Cách mạng Tháng Mười đã khai sinh ra chủ nghĩa xã hội với tư cách là một chế độ, một phong trào. Sau Cách mạng Tháng Mười, trên thế giới đã hình thành hai hệ thống chế độ xã hội: xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội tư bản chủ nghĩa, chấm dứt thời kỳ độc quyền thống trị của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến. Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ, trở thành dòng thác cách mạng của thời đại, xoá bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, làm thất bại chủ nghĩa thực dân mới, cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập, hướng tới chủ nghĩa xã hội. Tiếp sau Liên Xô, nhiều nước ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ latinh đã lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển, hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. 90 năm qua, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã có những cống hiến vĩ đại cho nhân loại: giải phóng 1,5 tỷ người thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột; tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu loài người khỏi hoạ diệt chủng; ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh xâm lược và mưu toan sen đầm quốc tế của các lực lượng đế quốc hiếu chiến; giải phóng hàng chục quốc gia thoát khỏi cảnh nô lệ; là chỗ dựa vững chắc, là lực lượng tiên phong đẩy mạnh cuộc đấu tranh vì hoà bình, hợp tác và phát triển, giúp các dân tộc, quốc gia ngăn chặn các thế lực phản động quốc tế gây chiến tranh xâm lược; tạo thêm tiền đề cho các quốc gia xây dựng mối quan hệ hoà bình, hợp tác hữu nghị và phát triển.
Cách mạng Tháng Mười thành công và sự ra đời Nhà nước Xô Viết là sự kết hợp giữa những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lênin với việc vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước Nga, đã cung cấp cho các cuộc cách mạng sau đó những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là những bài học về xây dựng đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng; tổ chức lực lượng cách mạng, nắm vững thời cơ cách mạng, phát động khởi nghĩa vũ trang; bảo vệ chính quyền và chế độ xã hội mới, chống thù trong giặc ngoài; thiết lập hình thái kinh tế - xã hội mới; vấn đề xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân… Có thể khẳng định, Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng đối với tiến trình phát triển của xã hội và vận mệnh của các quốc gia trên thế giới.
Từ khi ra đời đến nay, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách để chống phá Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội hiện thực bằng các biện pháp vũ trang và phi vũ trang. Đặc biệt là sau sự sụp đổ của Liên Xô và chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu thì những luận điệu công kích, bôi nhọ những giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười càng được đẩy mạnh ráo riết. Với lập luận, Cách mạng Tháng Mười là “sự đẻ non”, một “sai lầm của lịch sử”, các thế lực thù địch cho rằng con đường mà Cách mạng Tháng Mười mở ra đã đi vào ngõ cụt và chúng ra sức tuyên truyền về cái gọi là “hồi kết thúc”, “sự cáo chung” của chủ nghĩa xã hội, sự lạc hậu, lỗi thời của học thuyết Mác - Lênin. Song những luận điệu xuyên tạc này đã bị thực tiễn bác bỏ. Gần một thế kỷ qua, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã hình thành, phát triển với rất nhiều thành tựu và cả những hạn chế đã chứng minh tính hợp quy luật và sức sống ngoan cường của chế độ xã hội chủ nghĩa. Giá trị của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin đã và đang được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam… Những thành tựu to lớn của Trung Quốc, Việt Nam trong những năm qua; sự phục hồi của các đảng cộng sản, đảng cánh tả ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Âu, xu hướng cánh tả và hướng theo chủ nghĩa xã hội của nhiều nước châu Mỹ latinh… đã chứng minh sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Mười; khẳng định sức sáng tạo và tương lai tươi sáng của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống vốn không ngừng vận động và phát triển đòi hỏi lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin phải đổi mới. Các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế phải đoàn kết lại, cùng nhau tìm ra con đường đi lên phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Lý tưởng cao cả giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người để xây dựng một xã hội không còn người bóc lột người của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Nguyễn Quang Tuấn