ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN                                                               ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
ĐẢNG UỶ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH                                         Vinh, ngày 04 tháng 11  năm 2010
                            *
                  Số 633-BC/ĐU
BÁO CÁO
Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
 
 
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Thành lập Ban chỉ đạo các cấp và chỉ đạo thực hiện
- Ngay sau khi có các văn bản của Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ủy Trường Đại học Vinh triển khai tới từng chi bộ. Trên cơ sở đó, Đảng ủy lần lượt ban hành các văn bản để chỉ đạo và triển khai thực hiện cuộc vận động như Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp Trường; quy chế làm việc của Ban chỉ đạo; Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo; Kế hoạch triển khai và hướng dẫn sơ kết, tổng kết theo từng năm...
- Đảng ủy thống nhất lấy khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” để làm phương châm hành động cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên trong toàn Trường. Đã quán triệt nội dung Kế hoạch tổ chức thực hiện cuộc vận động của Đảng uỷ đến các tổ chức cơ sở đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên và cán bộ, đảng viên, công chức, học sinh, sinh viên, học viên toàn Trường.
- Các đảng uỷ bộ phận, các chi bộ trực thuộc đều đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư cấp uỷ hoặc Thủ trưởng đơn vị làm trưởng ban. Hoạt động của Ban chỉ đạo từ Trường đến cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu đề ra của cuộc vận động, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, đồng thời cụ thể hoá nội dung triển khai ở cơ sở; gắn chỉ đạo thực hiện cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.
- Đảng uỷ đã chọn 4 tổ chức đảng để chỉ đạo điểm là Đảng bộ bộ phận khoa Giáo dục chính trị, Chi bộ phòng Quản trị, Chi bộ Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào và Chi bộ Trung tâm Phục vụ sinh viên. Mỗi đơn vị chỉ đạo điểm đã có một cách làm riêng và đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đơn vị và Nhà trường.
- Thực hiện chương trình công tác kiểm tra, giám sát hàng năm, Đảng ủy đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện cuộc vận động của các đơn vị như khoa Toán học, Hoá học, Giáo dục tiểu học, Trạm Y tế, Phòng Công tác chính trị - Học sinh, sinh viên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Thanh tra giáo dục - Đảm bảo chất lượng...; các đoàn thể: Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên. Ngoài ra, các thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên gắn kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động với nội dung làm việc và chỉ đạo các đơn vị.
- Ban Chấp hành Đảng bộ Trường, Ban Thường vụ Đảng uỷ luôn xác định lãnh đạo thực hiện cuộc vận động là nhiệm vụ trọng tâm của cấp uỷ, là nội dung quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng; gắn chỉ đạo cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Hàng tháng, hàng quý trong các kỳ hội nghị của Ban Thường vụ Đảng uỷ và Đảng uỷ đều có nội dung nghe và cho ý kiến chỉ đạo về thực hiện cuộc vận động.            
- Đảng ủy đã tham gia đầy đủ các cuộc giao ban cụm về thực hiện Cuộc vận động do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức. Đảng bộ Trường Đại học Vinh là đảng bộ cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở nên không tiến hành giao ban cụm cơ sở. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Cuộc vận động thường được tiến hành vào Hội nghị Đảng uỷ mở rộng và họp Hội đồng Nhà trường hàng tháng.
2. Tổ chức học tập các chuyên đề và viết thu hoạch cá nhân
            - Đảng uỷ đã cử nhiều đồng chí báo cáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và trình độ, có khả năng truyền đạt tốt tham dự hội nghị tập huấn các chuyên đề về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức.
- Trong 4 năm qua, Đảng uỷ đã chỉ đạo các đảng bộ bộ phận, chi bộ tiến hành học tập 7 chuyên đề: 6 chuyên đề của Ban Chỉ đạo Trung ương biên soạn: “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”; các tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”; tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc; “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”” và 1 chuyên đề riêng của tỉnh Nghệ An chỉ đạo học tập đó là Bức thư cuối cùng của Bác Hồ gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An ngày 21/07/1969.
Mỗi chuyên đề tổ chức học tập trong 1 buổi; việc học tập các chuyên đề được tổ chức trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Tài liệu dùng cho các đợt học tập là tài liệu chuyên đề do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành. Nội dung học tập các chuyên đề đều được đưa lên Website của Trường.
Đảng uỷ cũng đã chỉ đạo cho Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên Trường tổ chức cho gần 20.000 cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, học viên học tập trung tại Trường học tập các chuyên đề của Cuộc vận động thông qua các buổi sinh hoạt công đoàn bộ phận, chi đoàn, chi hội; hội nghị Công đoàn mở rộng, hội nghị cán bộ Đoàn - Hội hàng tháng.  
Nhìn chung, việc tổ chức học tập các chuyên đề được thực hiện đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu để ra của Ban chỉ đạo các cấp. Thông qua học tập, cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên nhận thức tốt hơn về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó xác định cho bản thân kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác.
- Sau học tập chuyên đề, các đảng bộ bộ phận, chi bộ đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên thảo luận gắn với đánh giá tình hình đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong đơn vị, từ đó liên hệ về trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm và hướng khắc phục, rèn luyện, phấn đấu khá cụ thể và thiết thực. Các đơn vị tổ chức tốt việc học tập chuyên đề và viết bài thu hoạch là: Đảng bộ bộ phận khoa Toán, khoa Giáo dục chính trị, khoa Công nghệ; các chi bộ phòng Quản trị, Ban Quản lý các dự án xây dựng...
            3. Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của quần chúng với tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức
Trong các năm 2007, 2008, các cấp uỷ đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp của quần chúng cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Hầu hết các tổ chức đảng đã kết hợp lấy ý kiến quần chúng vào dịp sơ kết, tổng kết công tác Đảng hàng năm. Các ý kiến góp ý của quần chúng khá thẳng thắn, chân tình với động cơ xây dựng nên đã có tác dụng thiết thực giúp cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, xác định được phương hướng phấn đấu, rèn luyện.
4. Tổ chức Hội thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Đảng uỷ Trường đã tổ chức thành công Hội thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cấp Trường và đăng cai tổ chức vòng chung khảo Hội thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cấp tỉnh. Trong thời gian 3 ngày (18, 19 và 20/09/2007), 26 thí sinh được lựa chọn từ các đơn vị trong Trường đã mang đến Hội thi những câu chuyện về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi câu chuyện là một nét son về những phẩm chất đạo đức cao quý của Người. Nhiều câu chuyện được thể hiện bằng tình cảm chân thật, gây ấn tượng mạnh và xúc động cho người nghe như: lòng yêu nước, thương dân, lòng nhân ái, bao dung của Bác với mọi người, về các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Người, về tình cảm của Bác Hồ đối với cán bộ, chiến sĩ, với thanh, thiếu niên và nhi đồng... đầy cảm động và có tính giáo dục cao. Đặc biệt ở phần liên hệ, các thí sinh đã nêu những tấm gương tiêu biểu nơi mình công tác, học tập, sinh sống, qua đó đã động viên cán bộ, học sinh, sinh viên toàn trường hưởng ứng, học tập và làm theo. Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 3 giải Nhất (Đinh Thị Phương Linh, Mai Phương Ngọc, Trần Thị Bích Nga), 3 giải Nhì (Đặng Thị Thúy, Trần Huyền Trang, Mai Thị Trang), 3 giải Ba (Ngô Thị Như Thơ, Nguyễn Thị Nga, Lê Thị Quỳnh Hoa) và 5 giải Khuyến khích; đồng thời lựa chọn 3 thí sinh xuất sắc nhất để bồi dưỡng tham gia Hội thi cấp trên. Kết quả, có 1 thí sinh đạt giải Ba hội thi cấp Tỉnh (Mai Phương Ngọc).
5. Xây dựng chương trình hành động, tiêu chí, chuẩn mực đạo đức lối sống, đăng ký làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- Sau khi học tập chuyên đề, tổng hợp ý kiến góp ý của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên, Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp đã xây dựng chương trình hành động, quy định, tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhiều đơn vị đã kết hợp chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và yêu cầu cần tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức để xây dựng và công khai tiêu chí, chuẩn mực đạo đức lối sống để thực hiện. Các đơn vị thực hiện tốt nội dung này là: phòng Quản trị, Phòng Công tác chính trị - Học sinh, sinh viên...
- Đảng uỷ đã ban hành Quy định về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Trường Đại học Vinh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể căn cứ những nội dung trong Quy định này và tình hình cụ thể của đơn vị để xây dựng tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sát với thực tiễn. Hàng tháng trong giao ban cơ quan, sinh hoạt chi bộ, công đoàn, Đoàn thanh niên phải rà soát, kiểm điểm việc thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Định kỳ 6 tháng, 1 năm lấy kết quả thực hiện quy định này làm căn cứ để đánh giá, nhận xét và xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cuối năm.
6. Việc tổ chức giảng dạy và học tập đạo đức Hồ Chí Minh trong Nhà trường
- Việc học tập, giảng dạy về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Nhà trường được thực hiện đúng chương trình và nội dung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Ngoài việc học tập, các đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động, nhiều phong trào học tập và làm theo Bác như thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thi thuyết trình về thân thế và sự nghiệp của Bác; tổ chức các hội diễn văn nghệ với chủ đề về Đảng, Tổ quốc và quê hương Nghệ An...
7. Công tác tuyên truyền, biểu dương nhân rộng điển hình tiên tiến
- Công tác tuyên truyền về cuộc vận động được các đơn vị thường xuyên quan tâm. Đảng uỷ đã chỉ đạo triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, quán triệt nội dung cuộc vận động thông qua các buổi báo cáo thời sự, nội san của Trường, thông qua Website của Nhà trường; hệ thống phát thanh, bảng tin, bảng báo. Mỗi năm, Nhà trường phát hành 4 số Bản tin nội bộ, tuổi trẻ Nhà trường phát hành 11 loại tập san, chuyên san phục vụ cho công tác tuyên truyền.
- Văn phòng Đảng uỷ, phòng Công tác Chính trị - Học sinh, sinh viên, phòng Hành chính - Tổng hợp thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động của Trường thực hiện cuộc vận động trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, các báo trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ, các hội nghị, hội thảo cũng như các hoạt động lớn của Nhà trường và các khoa, phòng, ban, trung tâm.
            - Đảng uỷ đã chỉ đạo Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên Trường triển khai đợt vận động "Tuổi trẻ Nghệ An sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" trong đoàn viên, thanh niên toàn trường. Đoàn viên, thanh niên tiếp tục học tập 10 chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức diễn đàn, hội thi, thuyết trình ở các cấp chi đoàn và liên chi đoàn.
- Nhờ tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà tình hình chính trị, tư tưởng trong Trường những năm qua luôn ổn định. Đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống đáng được biểu dương, nhân rộng. Đảng uỷ đã tổ chức hội nghị tuyên dương 5 tập thể và 12 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động, trong đó có 3 khoa, 1 phòng, 1 ban, 5 cán bộ, 1 học sinh, 6 sinh viên. Tiêu biểu như tấm gương của các đồng chí Hồ Sỹ Thành (phòng Quản trị), Hà Văn Sơn (phòng Thanh tra Giáo dục), Lưu Tiến Hưng (khoa Vật lý), Phan Thị Hồng Tuyết (khoa Hoá học)... Bên cạnh các cá nhân là nhiều tập thể tiêu biểu làm theo lời Bác như khoa Giáo dục chính trị với việc tuyên truyền và giảng dạy tốt các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho trên 30.000 sinh viên, học viên Nhà trường; khoa Giáo dục tiểu học, đơn vị chủ công trong việc đào tạo sinh viên theo hình thức vừa làm, vừa học, đưa lại nguồn tài chính đáng kể, góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển của Nhà trường...
Qua những tấm gương của các cá nhân và tập thể tiêu biểu nói trên, có thể khẳng định rằng, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào thực tiễn của Nhà trường, được biểu hiện qua những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực và ý nghĩa. Những cách làm của mỗi tập thể, cá nhân rất bổ ích, là những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn cuộc sống, công tác, học tập để giới thiệu nhân rộng người tốt, việc tốt ở các đơn vị, tiếp tục triển khai cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu.
8. Kết quả việc đăng ký làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Căn cứ Kế hoạch số 18-KH/BCĐ CT 06 ngày 15/5/2009 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Nghệ An về việc đăng ký làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng uỷ đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Bước 1: trong từng chi bộ chọn đối tượng là cán bộ lãnh đạo (từ cấp phó khoa, phòng, ban, trung tâm, trạm và chi uỷ viên trở lên) để đăng ký và tổ chức thực hiện trước. Bước 2: tất cả các đảng viên đăng ký làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đó là: giao cho mỗi đảng viên tự viết bản đăng ký làm theo; chi bộ tham gia, góp ý vào từng bản đăng ký của đảng viên; đảng viên tiếp thu góp ý của chi bộ, cấp uỷ và hoàn thiện bản đăng ký của mình; thay mặt chi bộ, cấp uỷ ký thông qua bản đăng ký của đảng viên. Chi bộ công khai bản đăng ký của đảng viên để mọi đảng viên trong chi bộ biết và giám sát, kiểm tra. Định kỳ sinh hoạt chi bộ để đảng viên tự giác báo cáo kết quả thực hiện và tham gia góp ý. Đến nay đa số đảng viên từ phó phòng, chi uỷ viên trở lên đăng ký làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
II. NHỮNG HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Một số hạn chế và nguyên nhân
- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vai trò, mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động chưa đều khắp. Do vậy, quá trình triển khai, chỉ đạo của một số đơn vị còn chung chung, chưa trở thành nội dung trọng tâm trong sinh hoạt Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
- Một số cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch còn mang tính chất chung chung, chưa đầu tư suy nghĩ, chất lượng một số bài thu hoạch còn thấp; việc đánh giá các bài thu hoạch ở một số cơ sở chưa thật chặt chẽ, chính xác.
            - Công tác cải cách hành chính chưa được đổi mới nhiều, chưa tạo được môi trường thông thoáng trong Nhà trường; hiệu lực, hiệu quả quản lý có lúc, có nơi chưa cao.
- Công tác tuyên truyền, phát hiện, cổ vũ, động viên các điển hình “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác có nơi, có lúc chưa kịp thời.
2. Một số kinh nghiệm qua thực hiện cuộc vận động
- Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, học sinh, sinh viên về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động; về thực hiện cuộc vận động gắn với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
- Hai là, nêu cao ý thức trách nhiệm và vai trò gương mẫu của các cấp ủy, các đồng chí cán bộ chủ chốt ở mỗi đơn vị, nhất là thực hiện “nói đi đôi với làm” ngay trong từng hoạt động và nhiệm vụ cụ thể hằng ngày của từng người.
- Ba là, coi trọng và phát huy ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Bốn là: gắn cuộc vận động với việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và phong trào thi đua ở mỗi đơn vị; gắn thực hiện cuộc vận động với yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chi bộ là nơi đảng viên tự giác đăng ký, tự giác báo cáo định kỳ kết quả đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện. Gắn kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết nghị quyết, Điều lệ Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị với kiểm tra, giám sát việc thực hiện cuộc vận động, đồng thời với việc thực hiện tốt công tác thi đua, tìm và nêu gương các điển hình.
III. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT 4 NĂM THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG
1. Cuộc vận động đã tạo ra chuyển biến thực sự về nhận thức và làm theo của cán bộ, đảng viên
- Nhìn chung, sau 4 năm triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đa số cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, học viên Trường Đại học Vinh đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động, đánh giá việc Trung ương phát động cuộc vận động này là đúng và trúng, đáp ứng tình cảm và lòng mong đợi của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua triển khai cuộc vận động, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, học sinh, sinh viên, học viên đã hiểu rõ hơn nội dung tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một số cán bộ, đảng viên đã nâng cao ý thức giữ gìn, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, có chuyển biến nhất định trong quan hệ với nhân dân, với tập thể và cộng đồng xã hội. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thành công của cuộc vận động được nâng lên. Những chuyển biến trong nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và học sinh, sinh viên về cuộc vận động là cơ sở quan trọng để việc “làm theo” trở thành hành động tự giác, tự nguyện, tự thân trong mỗi người.
- Thực hiện chủ trương của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, trong quá trình chỉ đạo và thực hiện cuộc vận động ở các đơn vị đều gắn với các chủ trương, phong trào nhân đạo, từ thiện như ủng hộ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt; ủng hộ giáo viên, học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tình nguyện; hiến máu nhân đạo và coi đây là một trong những nội dung làm theo thiết thực, cụ thể về tấm gương của Bác.
Đảng uỷ đã chỉ đạo các đoàn thể quần chúng, các đơn vị tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động "Vì nghĩa tình Biên giới - Hải đảo", tổ chức chiến dịch học sinh, sinh viên tình nguyện hè hàng năm đồng bộ, có chiều sâu. Cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên toàn Trường đã ủng hộ đồng bào các tỉnh Bắc Trung Bộ khắc phục hậu quả bão, lụt; ủng hộ kinh phí xây dựng Cầu treo Chôm Lôm; ủng hộ giáo dục vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An với số tiền hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn bộ quần áo, cặp, sách vở, chăn, màn... Trong Chiến dịch học sinh, sinh viên tình nguyện hàng năm, toàn Trường đã có hàng chục đội tình nguyện như Tiếp sức mùa thi, đội sinh viên tình nguyện về các huyện, dạy kèm trẻ em làng trẻ SOS Vinh, đội sinh viên tình nguyện quốc tế tại tỉnh Xiêng Khoảng, Lào.
2. Tác động của cuộc vận động đến công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị
Qua nghiên cứu, học tập, quán triệt các chuyên đề của cuộc vận động, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về Bác Hồ, về sự cần thiết xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh. Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là yêu nước, thương dân, đó cũng là cái mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phấn đấu thực hiện.
- Thực hiện Cuộc vận động gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị là rõ nét. Những năm qua, tình hình chính trị, tư tưởng trong toàn Trường ổn định. Hầu hết cán bộ, học sinh, sinh viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ mà hạt nhân là Đảng uỷ; sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Ban Giám hiệu. Cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên đồng cảm và chia sẻ với những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của Nhà trường, của nền giáo dục đại học nước nhà.
- Trường Đại học Vinh đã có những đổi mới và phát triển mang tính chất bước ngoặt trong đào tạo và kiểm định chất lượng giáo dục: là một trong 21 trường đại học của cả nước tham gia kiểm định chất lượng giáo dục đợt đầu; là một trong 23 trường đại học trong cả nước đã chuyển đổi thành công từ đào tạo theo niên chế học phần sang hệ thống tín chỉ; là trường đại học sớm công bố chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, cam kết với xã hội về chất lượng sản phẩm đào tạo; là trường đại học đi đầu trong triển khai đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào đào tạo và quản lý Nhà trường... Hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ của Nhà trường cũng có sự phát triển mạnh mẽ: số đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường tăng lên hàng năm; ngày càng có nhiều đề tài phục vụ đắc lực cho đào tạo và gắn kết chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác xuất bản các ấn phẩm khoa học được đẩy mạnh và có chất lượng...
- Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể đã tổ chức quán triệt các nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước về cải cách hành chính, tạo chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên. Thể chế, thủ tục hành chính được cải tiến, hệ thống tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Hoạt động quản lý đơn vị ngày càng nền nếp, phục vụ học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
- Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ; mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài; triển khai có hiệu quả nhiều dự án xây dựng và đã đưa vào sử dụng nhiều công trình; có nhiều đổi mới trong cơ chế điều hành ngân sách theo hướng công khai, bước đầu có sự phân cấp quản lý, tạo quyền chủ động cho các đơn vị; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Công tác điều hành ngân sách đảm bảo tính kế hoạch và hiệu quả. Đã bước đầu thử nghiệm phân cấp quản lý gắn với tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thu nhập của cán bộ, công chức được đảm bảo và có tăng.
            - Đảng uỷ đã chỉ đạo thực hiện có kết quả Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật phòng, chống tham nhũng. Nhà trường luôn thực hành tiết kiệm trong mọi hoạt động, đặc biệt là tiết kiệm điện, nước, xăng, dầu; tiết kiệm nhân lực; tiết kiệm trong việc tổ chức hội họp, tiếp khách, hội thảo. Thực hiện cải tiến công tác văn thư, giảm giấy tờ hành chính; phát huy lợi thế của hệ thống mạng LAN, Trang thông tin điện tử của Nhà trường để chuyển tải thông tin, gửi và tiếp nhận văn bản nhằm tiết kiệm giấy, mực in và cước phí bưu điện. Tiết kiệm chi phí mua văn phòng phẩm; mua báo, tạp chí... Sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ hoạt động của Nhà trường đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên.
IV. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Cuộc vận động không tách rời với nhiệm vụ xây dựng Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Do vậy, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu; coi kết quả thực hiện cuộc vận động hàng năm là chỉ tiêu thi đua quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; đưa thực hiện cuộc vận động vào nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng, đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm.
2. Ban chỉ đạo các cấp cần chỉ đạo cụ thể hơn công tác tuyên truyền về cuộc vận động, bảo đảm được yêu cầu giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và có kế hoạch kiểm tra, đánh giá hàng tháng, hàng quý.
3. Đối với các trường học nên tăng cường tổ chức lồng ghép cuộc vận động vào nội dung các môn học dưới hình thức chính khoá hoặc ngoại khoá.
 
 
 
Nơi gửi:                                                                                           T/M ĐẢNG UỶ
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ,                                                                   BÍ THƯ
- Bộ Giáo dục và Đào tạo,                                           
- Các đơn vị,
- Lưu Văn phòng Đảng ủy.                                                         Đinh Xuân Khoa