PGS.TS Phạm Minh Hùng
Phó Hiệu trưởng
Để nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ (HTTC), cần thực hiện tốt 10 giải pháp sau đây:
1. Bổ sung, hoàn chỉnh các quy định, hướng dẫn đào tạo theo HTTC cho phù hợp với tình hình thực tế của Nhà trường, trên cơ sở nhận thức đúng đắn bản chất của đào tạo theo HTTC là quá trình tích luỹ kiến thức và đào tạo sạch.
- Thực hiện quy định 1 lần tích lũy 1 lần thi
- Mở rộng đối tượng sinh viên ( SV) có nhu cầu tích lũy lại các học phần để cải thiện điểm
- Sử dụng thang điểm chữ nhiều mức
- Công nhận tốt nghiệp cho SV sau mỗi học kỳ...
2. Tiếp tục quán triệt những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong đào tạo theo HTTC cho cán bộ, giảng viên, sinh viên nhằm tạo ra sự đồng thuận và thích ứng cao của các chủ thể đối với phương thức đào tạo mới này. Thực tế cho thấy rằng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo theo HTTC của các trường là do quán tính đào tạo theo phương thức cũ còn khá lớn cả từ phía người dạy lẫn người học.
Thông qua các kênh: Sinh hoạt ở các khoa, tổ bộ môn, trang Web của Nhà trường; tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, hội nghị Học tốt; tăng cường giao diện giữa giảng viên và SV qua accouat của nhau...
3. Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh khung chương trình và chương trình chi tiết các học phần trên cơ sở 20% cho phép hàng năm nhằm cập nhật các thành tựu mới nhất trên các lĩnh vực khoa học- kỹ thuật- công nghệ và đáp ứng nhu cầu của thế giới việc làm.Tăng khả năng liên thông giữa các ngành, các hệ đào tạo. Thống nhất về số lượng học phần, số lượng tín chỉ đối với tất cả các ngành học có cùng thời gian đào tạo.
4. Đẩy mạnh các sinh hoạt chuyên môn, học thuật tập trung vào vấn đề tổ chức dạy học theo HTTC như:
- Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo HTTC.
Sử dụng các phương pháp dạy học (PPDH) tích cực là một trong những đặc trưng của đào tạo theo HTTC. Nếu trong đào tạo theo HTTC, người giảng viên ( GV) vẫn sử dụng các PPDH truyền thống, dựa trên cơ sở thuyết trình- diễn giảng là chủ yếu thì không thể nào nâng cao được chất lượng và hiệu quả của phương thức đào tạo này.
Trong đào tạo theo HTTC, thông thường GV chỉ lên lớp 50%, thời gian còn lại dành cho các họat động độc lập (như thí nghiệm, thực hành, xemine, học nhóm, tự học, tự nghiên cứu..) của SV. Vì thế, công việc chủ yếu của GV ở trên lớp là phải tổ chức hoạt động nhận thức của SV theo hướng gợi mở, phát hiện và giải quyết vấn đề. Với cách dạy này, đòi hỏi GV phải nhanh chóng sử dụng và sử dụng có hiệu quả các PPDH mới như: PPDH giải quyết vấn đề; PPDH nghiên cứu; PPDH hợp tác, PPDH cùng tham gia…
- Bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên.
Đây là vấn đề có ý nghĩa mấu chốt trong đào tạo theo HTTC, khi thời gian học tập trên lớp giảm đi, thời gian dành cho các hoạt động độc lập của SV tăng lên. Nếu SV không tự học, tự nghiên cứu thì không thể đáp ứng được yêu cầu của đào tạo theo HTTC. Tuy nhiên, để việc tự học, tự nghiên cứu đạt kết quả cao, bản thân SV cần được cung cấp hệ thống học liệu và bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
5. Hình dung cho hết những vấn đề trong quản lý đào tạo theo HTTC để đặt tiếp các bài toán cho phần mềm.
Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng phần mềm cho đào tạo theo HTTC, cả người đặt hàng và nhà cung cấp chưa thể hình dung hết các bài toán cần phải giải quyết. Trong quá trình triển khai sẽ phát sinh hàng loạt những vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện để làm cho phần mềm quản lý đào tạo theo HTTC ngày càng tiện ích và thân thiện hơn đối với người sử dụng.
Cụ thể: - Có module quản lý SV học ngành 2, trong đó có chức năng tự động chuyển điểm các học phần chung SV đã học ở ngành 1 sang ngành 2.
- Có module cảnh báo đối với SV thuộc diện : có nguy cơ buộc phải thôi học; học hết chương trình nhưng không đủ điểm trung bình chung để được công nhận tốt nghiệp; tích lũy sót học phần trong chương trình đào tạo...
- Có module quản lý Câu lạc bộ giáo dục thể chất...
6. Thực hiện tốt việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo HTTC. Cần tiếp tục trao đổi về quy định các thang điểm đánh giá kết quả học tập (gồm thang điểm 10, thang điểm chữ A, B, C, D, F và thang điểm 4) để thấy đây là hệ thống thang điểm rất khoa học, được các trường đại học hàng đầu trên thế giới áp dụng và đây cũng là tiêu chí để đánh giá quá trình đào tạo theo HTTC có triệt để hay không. Hệ thống thang điểm này nói lên bản chất của đào tạo theo HTTC là đào tạo sạch và đánh giá quá trình. Điều này được lý giải như sau: Thang điểm 10 dùng để đánh giá các điểm thành phần (điểm chuyên cần, điểm KTTX, điểm thực hành…) và điểm thi kết thúc học phần. Nghĩa là đánh giá cả quá trình học tập học phần, chứ không chỉ dựa vào điểm thi cuối kỳ như trước. Việc chuyển từ thang điểm 10 sang thang điểm chữ (A,B,C,D,F) nhằm phân loại kết quả kiểm học, phân thành các mức độ đánh giá và quy định thế nào là điểm đạt và không đạt. Thang điểm chữ này mang tính chất thang điểm trung gian. Tiếp theo, lại chuyển từ thang điểm chữ sang thang điểm 4, ta lưu ý điểm F . Điểm F trong thang điểm 10 có giá trị từ 0 đến 3,9 nhưng với thang điểm 4 thì chỉ có giá trị 0. Nhưng giá trị 0 này vẫn tham gia vào tính điểm trung bình chung học kỳ. Đây chính là bản chất đào tạo sạch của HTTC ( nó không chấp nhận bất cứ một kết quả nào dưới 4 của thang điểm 10).
7. Xây dựng hệ thống học liệu cho các ngành đào tạo, tiến tới tất cả các học phần đều có giáo trình, tài liệu tham khảo cho SV.
Đây là một yêu cầu không thể thiếu được đối với đào tạo theo HTTC, khi việc tự học, tự nghiên cứu chiếm tới 50% thời gian học tập của SV. Để tự học, tự nghiên cứu SV phải có giáo trình, tài liệu tham khảo.
8. Đổi mới hệ thống đào tạo và công tác quản lý đào tạo theo hướng phân cấp về cho các khoa, các tổ bộ môn; xây dựng hệ thống văn bản chặt chẽ chi tiết về chức năng, nhiệm vụ của các phòng, các khoa, trung tâm trong công tác quản lý đào tạo…
9. Phát huy vai trò của Trưởng bộ môn trong quản lý dạy học và vai trò của Cố vấn học tập trong việc giúp đỡ SV học tập theo HTTC.
Trong đào tạo theo HTTC, công tác quản lý dạy học có ý nghĩa rất quan trọng. Trưởng bộ môn chính là người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp việc giảng dạy các học phần do bộ môn của mình phụ trách. Vì thế, cần chú ý phát huy vai trò của Trưởng bộ môn trong quản lý dạy học.
Cố vấn học tập được xem là một mắt xích trong sợi dây chuyền đào tạo theo HTTC. Cố vấn học tập cần giúp đỡ SV, khi các em đăng ký học, học ngành hai, học tích lũy lại các học phần bị điểm F hoặc D để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy…
10. Từng bước tháo gỡ những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo theo HTTC. Nhà trường phải có kế hoạch xây dựng thêm những phòng học lớn (500, 300, 200 chỗ ngồi), trang bị các thiết bị hỗ trợ giảng dạy (100% các lớp học đều có hệ thống âm thanh, thiết bị trình chiếu, máy tính, Projector lắp cố định); nâng cấp hệ thống thông tin nội bộ, mạng Internet, trang Web, tăng cường thiết bị thí nghiệm…Trước mắt là phát huy tốt các phòng học trực tuyến hiện có đi đôi với cải tiến công tác quản lý việc học tập của SV ở các phòng này.