MAI THỊ HƯƠNG GIANG

 

Văn hóa lãnh đạo thuộc phạm trù văn hóa chính trị, là một bộ phận quan trọng của văn hóa nói chung. Văn hóa lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là hệ thống những giá trị, chuẩn mực tạo nên phong cách lãnh đạo của người cán bộ, có tầm ảnh hưởng lớn đến nhận thức và hành động của tổ chức, nhân dân. Xây dựng văn hóa lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược cũng chính là xây dựng Đảng, để “Đảng là đạo đức, là văn minh”, để Đảng thực sự “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, văn hóa nghĩ rộng ra đó là chính trị và chính trị nghĩ sâu xa cũng là văn hóa; cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng phải là người có văn hóa, phải là người có đủ tài và đức - đó là điều kiện cần và đủ, trong đó, đạo đức được coi là gốc của nhân cách và tài giữ vai trò quan trọng: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn… Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng”(1)Người cũng khẳng định, cán bộ là gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Lãnh đạo thường có hai cách: Một là, lãnh đạo bằng thuyết phục, cảm hóa thông qua trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và cái tâm, cái đức của người lãnh đạo, thấm đượm tính nhân văn, văn hóa. Hai là, lãnh đạo dựa vào quyền lực. Sự kết hợp nhuần nhuyễn hai cách lãnh đạo trên tạo thành nghệ thuật - văn hóa lãnh đạo, là tố chất cần có đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược.

Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quan trọng nhất trong bộ máy tổ chức Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đó là những người giữ vai trò quan trọng, có tính quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Họ là những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương thuộc diện quản lý của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu(2).

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đặt ra mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”(3); “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả”(4). Như vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược chính là nhiệm vụ cốt lõi trong vấn đề then chốt của nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng, trong đó việc bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng văn hóa lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược có vai trò quan trọng.

Ngày 4-8-2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 90-QĐ/TW “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII xác định, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược hiện nay cần phải có những phẩm chất vượt trội so với đội ngũ cán bộ nói chung trong hệ thống chính trị. Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược ngoài việc đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn, yêu cầu chung đối với cán bộ, công chức thì cần phải có những yêu cầu riêng về trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng.

Tuy nhiên, “đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản”(5). Nhiều cán bộ, “trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế… Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó cả cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”(6), có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Hạn chế, yếu kém nổi cộm trong công tác cán bộ là tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” tuổi, “chạy” quy hoạch, “chạy” luân chuyển, “chạy” bằng cấp…, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, làm kém hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, sự tha hóa quyền lực chính là kẻ thù của văn hóa lãnh đạo.

Để cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, là nơi hội tụ văn hóa lãnh đạo và thực hành văn hóa lãnh đạo nhuần nhuyễn như một phẩm chất tự nhiên, tạo dựng được uy tín với nhân dân, cần:

Thứ nhấtcó tư duy và tầm nhìn chiến lược.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là đội ngũ nắm giữ trọng trách trong toàn bộ bộ máy của hệ thống chính trị, trên tất cả các phương diện của đời sống kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của quốc gia… Họ là những người quyết định và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước và của quốc gia, dân tộc; là nhân tố quyết định việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải là những người có tư duy, tầm nhìn chiến lược.

Để năng cao nâng lực tư duy, tầm nhìn chiến lược, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược cần: Một là, phải nắm rõ tình hình ở trên (tỉnh, Trung ương), nắm rõ tình hình ở dưới (địa phương, cơ sở), nắm rõ tình hình bên ngoài (ngoài nước, tỉnh khác, địa phương khác, ngành khác) và nắm rõ tình hình bên trong (nội bộ của ngành, lĩnh vực được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý). Đây là cơ sở để hoạch định chiến lược một cách có căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn và xu thế chung của thế giới và khu vực. Hai là, phải có tư duy, tầm nhìn toàn diện, tổng thể và dài hạn. Ba là, tăng cường năng lực nắm bắt toàn cục, dự báo khoa học, năng lực đổi mới chiến lược và ứng phó với tình huống phức tạp, đột xuất.

Nâng cao tầm nhìn xa, trông rộng của tư duy chiến lược để không mắc phải lối tư duy nhiệm kỳ, chỉ thấy được cái trước mắt mà không thấy được lâu dài. Khi xem xét một vấn đề, sự vật, hiện tượng phải trong mối tương quan tổng thể, toàn diện, khách quan, lôgic - lịch sử, thấy cả những ưu điểm và hạn chế, những thuận lợi và khó khăn, những thời cơ và thách thức của nó. Đây là cơ sở, căn cứ giúp cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược tránh được hoặc hạn chế sự phiến diện, máy móc, một chiều trong nhận thức để “xử lý” chính xác, hiệu quả những vấn đề của thực tiễn. Vì không gian lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược không chỉ bó hẹp ở một địa bàn mà ở tầm vĩ mô toàn quốc, không chỉ ở một ngành mà tất cả các ngành với sự đan xen giữa các yếu tố dân tộc và quốc tế, ngành và liên ngành, vùng và liên vùng.

Nói cách khác, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược và khả năng dự báo tương lai một cách khoa học, gắn chặt với tiến trình vận động của cách mạng và sự phát triển của đất nước, bám sát tình hình thế giới để chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng.

Thứ hai, có ý thức, năng lực tự học, thực học và học tập suốt đời.

Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là những tinh hoa của xã hội, là “nguyên khí quốc gia”. Họ là những người am hiểu lý luận và có kinh nghiệm thực tiễn. Người cán bộ lãnh đạo làm việc, một là dựa vào sức mạnh của chân lý, hai là dựa vào sức mạnh của nhân cách. Hai yếu tố này có quan hệ qua lại với nhau, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Sức mạnh của nhân cách phải dựa vào sức mạnh chân lý để hun đúc, rèn luyện. Sức mạnh của chân lý lại dựa vào sức mạnh của nhân cách để thực hành. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược cần coi trọng việc học tập, nâng cao trình độ; phải tự học, thực học và học tập suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm”(7). Đồng thời, bằng sự ảnh hưởng của mình, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược truyền cảm hứng cho quần chúng nhân dân xây dựng được xã hội học tập, tinh thần học tập suốt đời; học đi đôi với tự học; học phải hiểu cho thực chất; học để hành, tức là học để được làm việc và làm được việc; học không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường, không chỉ thỏa mãn với tri thức có trong sách vở mà còn phải học từ thực tế cuộc sống để thấu hiểu được đời sống của nhân dân, để từ đó phục vụ nhân dân tốt nhất…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, phải lấy tự học làm cốt, phải biết tự động học tập. Tự học tập, thực học và học tập suốt đời là phương thức quan trọng để cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược tự nâng cao trình độ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược càng cần hoàn thiện trình độ, năng lực của bản thân, phải không ngừng học tập để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ công tác, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ ba, xây dựng văn hóa ứng xử với công việc, với nhân dân, với đồng sự, với tổ chức.

Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải là những người đi tiên phong trong việc xây dựng và thực hành văn hóa công vụ, đạo đức công vụ. Xây dựng cho mình cách ứng xử dựa trên tình yêu thương, tôn trọng con người, sâu sát, gần gũi, hòa mình vào cuộc sống, khiêm tốn, chân thành, quan tâm và chia sẻ.

Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là những người có quyền lực. Trong công tác lãnh đạo, cần sử dụng quyền lực một cách có văn hóa, tuyệt đối không được lạm dụng quyền lực. Trong lãnh đạo cần biết lắng nghe ý kiến của tập thể và quần chúng, có nghệ thuật đưa họ tham gia vào việc ra quyết định và thực hiện quyết định của lãnh đạo; có cách thức làm việc khoa học, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Đồng thời, cũng phải giữ vững nguyên tắc, quyết đoán, dám đổi mới, đột phá, dám làm và biết làm, đặc biệt là dám chịu trách nhiệm, làm chủ bản thân và kiểm soát cảm xúc, hành vi để có kết quả tốt nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược cần thực sự cầu thị, biết lắng nghe, tự có ý thức khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nhất là biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, áp đặt hoặc lợi dụng tập thể để quyết định vấn đề mang mục đích cá nhân. Thực hiện văn hóa “tự giác”, tự nhận, tự chịu trách nhiệm, văn hóa “từ chức”,… khi thấy mình không đảm đương được vị trí, chức vụ đó hoặc không còn đủ uy tín hay có khuyết điểm, vi phạm.

Thứ tư, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.

Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược nắm giữ những vị trí, trọng trách quan trọng. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ này phải có bản lĩnh vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ. V.I. Lê-nin đã từng nói: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ làm đảo ngược cả nước Nga lên!”(8). Thực tiễn cách mạng cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm có tính chất quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận mệnh đất nước đặt rất nhiều vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược.  

Xuất phát từ yêu cầu và trọng trách xây dựng và phát triển đất nước, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải là người chịu được áp lực và dám đối diện với thử thách, có tinh thần kỷ luật và giữ nghiêm kỷ luật. Người cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải nghĩ việc lớn, quyết đoán, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước. Đó chính là sự vững vàng, kiên định, chủ động trong cả suy nghĩ và hành động trước những khó khăn, thách thức của thời cuộc.

Thứ năm, phải quản trị được bản thân và gia đình.

Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược cần biết quản trị bản thân và gia đình, không để bản thân bị sức mạnh của đồng tiền hay quyền lực chi phối, không để gia đình lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi, tham ô, tham nhũng, không sống xa hoa, lãng phí.

Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải là người đi đầu trong việc nêu gương, giữ nghiêm kỷ luật đối với bản thân và gia đình; dứt khoát không vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng lên trên hết. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 08-Qđi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương để không chỉ góp phần vào việc phòng ngừa sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,… mà còn là tấm gương sáng về “sự tự tu, tự dưỡng, tự rèn luyện, tự soi, tự trách, tự sửa, tự xử”, phải thực sự là tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mang trong mình khát vọng của dân tộc, khát vọng của nhân dân.

Thứ sáu, có năng lực hội nhập quốc tế.

Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Muốn vậy, phải có trình độ ngoại ngữ, am hiểu về luật pháp quốc tế, về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội quốc tế, phải có sự hiểu biết phong phú về các nền văn hóa, văn minh trên thế giới, có tầm nhìn thời đại, tiêu biểu về văn hóa, trí tuệ của dân tộc./.

----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 269
(2) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/chuan-bi-va-tien-hanh-that-tot-dai-hoi-xiii-cua-dang-dua-dat-nuoc-buoc-vao-mot-giai-doan-phat-trien-moi-615015/
(3), (4) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr. 57, tr. 54
(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 22
(6) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XIISđd, tr. 47
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 143
(8) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1978, t. 6, tr. 162

 

Nguồn: Tạp chí Cộng sản