Lần đầu tiên, tôi nghe đến
Chủ nghĩa Mác - Lênin là khi tôi được 10 tuổi. Tôi không hiểu Mác
là ai, Lênin là người nào, nhưng tôi nghe loáng thoáng người ta bảo rằng đó là
chủ nghĩa chân chính nhất. Một lẽ đương nhiên, tôi lấy làm lạ khi người ta xem
chủ nghĩa ấy là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Tôi cũng nghe người ta
bảo nhau là : “Đồng chí”. Tôi hỏi cha tôi: “Sao chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ
nghĩa chân chính nhất vậy cha? Đồng chí là gì?” Cha tôi bảo bởi vì chủ nghĩa
Mác - Lênin đã cho tôi một cuộc sống như bây giờ. Chính Bác Hồ từ chủ nghĩa yêu
nước đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin để tìm ra con đường cứu nước giải phóng
dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, đem lại độc lập tự do cho đất nước. Hiện
nay, chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh đang thực sự là nền
tảng tư tưởng của Đảng và nhân dân ta. Còn “đồng chí” là những người có cùng
chung suy nghĩ, chí hướng và hành động. “Đồng chí” lúc còn đánh giặc là đồng
sức cùng nhau đấu tranh để giải phóng và thống nhất đất nước, còn bây giờ là
đồng lòng cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng phải cố gắng học hành
để sau này còn tiếp tục công việc ấy. Hôm đó, tôi “đi học” Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ IX cùng cha tôi.
Hồi ấy, cha tôi 45 tuổi,
tóc như vẫn còn đen lắm. Năm nay, cha tôi 55 tuổi, tóc bạc nhiều. Trong suốt
những năm tháng tuổi thơ ấy, tôi như lớn lên trong tình yêu của Đảng. Cứ
mỗi ngày tôi đi học cùng cha, tôi lại ngân vang câu hát: “Em là búp măng non,
em lớn lên trong mùa cách mạng. Sướng vui có Đảng tiền phong, có Đảng như ánh
thái dương sống yên vui trong tình yêu thương, cuộc đời ngàn năm bừng sáng…”.
Những lúc đó, tôi thấy trong đôi mắt cha tôi bừng lên không ít những niềm vui.
Cha tôi lúc nào cũng ở bên tôi, động viên tôi những lúc khó khăn, vấp ngã. Tôi
đi thi bơi cấp Quận, nhìn hồ nước vừa sâu vừa dài hơn mức tập thường ngày thì
trong lòng đã cảm thấy lo ngại. Nhưng cha vẫn động viên tôi “lửa thử vàng, gian
nan thử sức”. Cha nói thuở đánh Mỹ, có ai biết đánh bao nhiêu năm là thắng,
nhưng Đảng ta vẫn kiên quyết trên dưới một lòng, hết lớp người này đến lớp
người khác lần lượt xung phong ra chiến trường chiến đấu. Cùng năm ấy, trong
bài làm văn lớp ba của tôi có những dòng chữ như sau:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ,
Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Thiếu một mùa, thì không thành trời,
Thiếu một phương, thì không thành đất,
Thiếu một đức, thì không thành người”.
Hồ Chí Minh
Bác Hồ dạy cán bộ như vậy,
cha tôi học từ Bác qua sách vở rồi dạy lại cho tôi. Hồi ấy, tôi không biết những
câu ấy là của một bậc vĩ nhân như Bác, nhưng tôi cũng học thuộc lòng, vì đơn
giản là tôi thấy thích và thấy có lý. Cũng vì lý do đó, tôi đưa nó vào bài tập
làm văn về “Những đức tính quan trọng của con người”, không ngờ cô giáo cho 9
điểm - điểm cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Nhưng chuyện không chỉ dừng lại
ở đó, năm lớp 5, tôi thi tốt nghiệp được 20.5 điểm (bao gồm văn 9, toán 9.5 và
02 điểm nghề). Có người bạn của cha đã nhắn nhủ là nếu ông đồng ý tôi sẽ được
vào học một trường chuyên chất lượng cao với điểm tuyển là 21. Nhưng cha tôi
bảo với tôi rằng sức tôi tới đâu thì học trường phù hợp là được rồi, không cần
phải chạy trường, cha tôi tin ở tôi, mà nếu cha đồng ý với người ta thì xem như
cha đã bỏ mất chữ “liêm” của mình rồi. Về sau, cha tôi nói lời Bác dặn không
chỉ có “cần, kiệm, liêm, chính” là hết. Là đảng viên, cha tôi còn học và nghiên
cứu được nhiều điều nữa từ Bác. Trước hết, đó là tinh thần “dĩ bất biến, ứng
vạn biến”. Cha nói con người ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống cũng
như trong các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã
hội, với cộng đồng mình đang sống và tôi cũng không ngoại lệ.
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.”3
Hồ Chí Minh
Cha dạy tôi nhiều điều cũng
trên tinh thần đó và bản thân ông cũng tự học, tự làm được nhiều thứ. Năm 13
tuổi, cha tặng tôi quyển sách “Con đường vạn dặm của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tôi
đọc miệt mài hơn một tháng, càng đọc càng thấy thích thú. Cũng từ đó, tôi hiểu
rõ hơn về Bác, về quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi mới biết để
tiến hành cách mạng thành công, ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin ra thì còn phải có
chủ nghĩa yêu nước và phong trào công nhân. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của
Đảng, “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa
thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính
quyền toàn quốc”. Từ quyển sách đó và những lần trò chuyện với cha, tôi dần dần
hiểu được vai trò của Đảng trong hai cuộc kháng chiến “thần thánh” của dân tộc
ta đánh bại hai nước cường quốc trên thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,
giành lại độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân, non sông thu về một mối.
Với bản lĩnh chính trị của Đảng, khi đất nước thống nhất tiến lên xây dựng chủ
nghĩa xã hội, ở những thời điểm quan trọng Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục
đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc
thân yêu và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Thế hệ chúng tôi được sinh
ra và lớn lên trong điều kiện đất nước đã độc lập, tự do. Tôi cảm thấy may mắn
hơn các bạn cùng trang lứa khi được sống bên cha tôi - một Đảng viên Đảng Cộng
sản Việt Nam để cảm nhận một cách đầy đủ những tình cảm, niềm vui được sống
trong một đất nước hòa bình mà toàn Đảng, toàn dân đang ra sức dựng xây. Cha
tôi thuộc lớp dân nghèo thành thị, trưởng thành sau ngày miền Nam hoàn toàn
giải phóng, thống nhất đất nước. Lớn lên trong phong trào hành động cách mạng
của nhân dân, ông được Đảng phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng
năm 1982. Với cha, đó chính là bước ngoặc quan trọng tạo ra sự chuyển biến về
chất trong tư tưởng và hành động của người. Vì vậy, từ đó, lúc nào người cũng
không ngừng nỗ lực phấn đấu trong học tập, công tác, giữ gìn đạo đức lối sống
để làm tròn trách nhiệm mà tổ chức đảng đã giao phó. Trong suốt 35 năm công tác
thì cha có đến 27 năm làm công tác xây dựng Đảng. Đó là khoảng thời gian người
đầu tư khá nhiều công sức để nghiên cứu về Đảng, về công tác xây dựng Đảng nhằm
làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy về những chủ trương, giải pháp để không
ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của hệ thống tổ chức đảng và nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo cha, ở mỗi giai đoạn khác nhau đòi hỏi
nhiệm vụ xây dựng Đảng phải không ngừng đổi mới để thích ứng với yêu cầu lãnh
đạo và bản thân tổ chức Đảng cũng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để
xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lịch sử mà nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Là người nhiều năm tham gia
lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác này, dường như điều cha tôi quan tâm nhiều
nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo ông, việc xây dựng Đảng phải thực sự vững mạnh trên cả ba mặt về chính
trị, tư tưởng và tổ chức. Điều này đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải không
ngừng học tập để nâng cao nhận thức và phẩm chất chính trị, nắm vững nền tảng
tư tưởng, những quan điểm, đường lối và định hướng chính trị của Đảng. Có như
vậy, người cán bộ, đảng viên mới xác định đúng đắn phương hướng và hành động,
không dễ dàng dao động trước những khó khăn, thử thách. Để thực hiện tốt công
tác này, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng phải coi trọng trên cả hai mặt: Một là, phải
quản lý, nắm chắt tình hình diễn biến tư tưởng từ trong đảng viên đến quần
chúng để tiến hành công tác tư tưởng một cách hiệu quả. Hai là, không chỉ có
tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng mà phải chú ý công tác tư tưởng cá biệt
một cách chủ động, kịp thời, nhất là trong giai đoạn hiện nay (trước những biểu
hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên và quần chúng,
cũng như trước những âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù
địch đang nhắm vào trên lĩnh vực tư tưởng). Thật ra, tôi còn quá nhỏ để có thể
cảm nhận hết về vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng như cảm nhận hết những điều cha
tôi đã nói và những công việc mà ông đã làm. Nhưng có một điều tôi cảm nhận được
là với cha hầu như Đảng là lẽ sống, là trách nhiệm mà cha cùng với những đồng
chí của mình phải không ngừng ra sức xây dựng Đảng.
Ngoài việc là một người đảng
viên đúng nghĩa, một người cha thương con, cha tôi còn là một người thầy của
rất nhiều người thầy khác. Sở dĩ tôi nói vui như vậy là vì cha vẫn thường tranh
thủ những ngày thứ bảy, chủ nhật đi báo cáo chuyên đề cho các lớp tìm hiểu về
Đảng, lớp sơ cấp lý luận, tập huấn công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là bồi
dưỡng chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đối tượng tham dự những lớp học ấy rất rộng, từ cán bộ, công chức đến công nhân
lao động, “học trò” của cha tôi đôi khi lại là thầy giáo dạy trên lớp của tôi!
Để chuẩn bị cho bài giảng của mình, cha thường nghiên cứu nhiều sách bởi cha
vẫn thường nói “phải đem những gì hay, mới lạ nhưng phù hợp vào trong bài giảng
của mình mới không gây nhàm chán”. Điều quan trọng đối với một người thầy, mặc
dù là giảng viên kiêm chức, phải làm cho người học trở nên thích học, nắm và
hiểu được nội dung bài học, ngay cả khi đó là những vấn đề tư tưởng khô khan,
khó nhớ. Ông vẫn thường kể một câu chuyện từ xa xưa của con người về việc ăn
con cua để mở bài về “nhận thức khoa học và hoạt động thực tiễn”, chuyện ngụ
ngôn “ trên thành lửa cháy, họa đến cá trong hồ” để nói lên nguyên lý về “mối
liên hệ phổ biến” trong triết học… Ông cho rằng có những nội dung bài học, nhất
là trong triết học, chỉ cần kể một câu chuyện ngụ ngôn hoặc lấy một chuyện xưa
để nói nay như thế thì người học sẽ thích thú, chăm chú theo dõi hơn.
Được sống bên cạnh một
người đảng viên, từ nhỏ tôi đã học được ở cha nhiều điều. Đầu tiên, tôi học
được ở ông cách cảm nhận về cuộc sống xung quanh mình từ những điều bình dị
nhất. Năm lớp 9, bài báo đầu tiên của tôi được đăng trên báo Sài Gòn Giải
phóng. Bài báo ấy nói về con kênh nơi tôi ở đang chuyển mình từ màu đen của
nước thải sang màu xanh trong tự nhiên vốn có thuở nào. Tôi chia sẻ những cảm
xúc trước sự đổi thay ấy và gửi lời cám ơn vô cùng những người công nhân đã
không quản mưa nắng hoàn thành công việc của mình “Ngày chủ nhật, ba nghỉ, con
nghỉ nhưng các chú thì làm”. Đó là lần mà Quận 8 của tôi đang thực hiện chương
trình cải tạo lại dòng sông Kênh Đôi. Chính cha tôi đã động viên tôi viết về
những điều đổi thay đang diễn ra hằng ngày trên mảnh đất Quận 8 nơi mình lớn
lên và giúp tôi chỉnh sửa lại câu chữ cho súc tích, mạch lạc hơn. Tôi còn
học được ở ông cách viết một bản báo cáo cho hoạt động của mình. Cha có phong
cách viết mà theo ông khi còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp đã học lời
chỉ dẫn của Bác là phải viết như thế nào và viết cho ai đọc. Có lẽ vì vậy mà
cha cũng là một cây bút có không ít bài viết được đăng trên các báo, phần nhiều
trong số đó là về công tác xây dựng Đảng. Ông thường dành thời gian để viết bài
gởi cho “Bản tin Quận 8” hàng tháng. Lúc đầu, bản thân tôi cũng thấy khó
hiểu vì ông đã đi làm suốt ngày rồi mà vẫn dành rất nhiều thời gian cho công
việc này. Khi hỏi ra, tôi mới biết ông cho đây cũng là cách để định hướng tư
tưởng trong Đảng, thiết thực để thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư
tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tôi đã đọc nhiều bài do cha viết về tất
cả các lĩnh vực, trong đó có những bài viết nhắc nhở mọi người không quên những
ngày tháng lịch sử, tiếp bước những giá trị truyền thống nhân các ngày lễ lớn,
ngày thành lập của từng ngành, đôi khi bao gồm cả việc giáo dục đối với học
sinh và trẻ em đường phố. Nhưng tôi tâm đắc nhất vẫn là những bài cha viết về
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” kể
từ ngày Đảng ra Chỉ thị về thực hiện cuộc vận động cho đến nay. Trong một bài
viết của mình, ông nhận xét “Cuộc vận động này có ý nghĩa quan trọng trong giai
đoạn hiện nay, không chỉ nhằm đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối
sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và nhân dân, mà còn là cơ sở để
xây dựng những chuẩn mực đạo đức mới trong đời sống xã hội”. Còn khi đề cập về
“Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, cha cho
rằng: “Từ khi Cuộc vận động chính thức được phát động đến nay, ít nhiều đã tác
động đến tâm tư, tình cảm, hành vi đạo đức của nhiều người… Chúng ta tin tưởng
rằng, ở mỗi con người dù như thế nào đi nữa, nếu nhận thức được sự hy sinh cao
cả cùng với những tấm gương đạo đức bình dị của Bác, thì ít nhiều đều có sự soi
rọi, chiêm nghiệm, điều chỉnh hành vi của mình”. Khi xác định yêu cầu “làm
theo” của Cuộc vận động, người viết: “ Học tập là để nhận thức, nhưng từ nhận
thức đến hành động là cả một quá trình. Có người hiểu được nhưng lại không làm
hoặc chưa biết làm như thế nào. Cho nên cần phải được hướng dẫn, vì yêu cầu
“làm theo” là rất quan trọng trong nội dung của cuộc vận động…”. Cha cho rằng
để “làm theo” được tốt và có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, thì trước hết
mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng lời nói phải đi đôi với việc làm và phải có hành
động nêu gương. Không thể nói mà không làm hoặc nói nhiều làm ít, nói một đường
làm một nẻo. Ngoài ra, cha viết nhiều bài để phân tích về quan niệm trung -
hiếu, lòng yêu thương con người, các đức tính về cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng trong tư tưởng đạo đức của Bác. Bản
thân tôi cảm nhận được ở cha ngoài sự quan tâm đối với công tác chính trị tư
tưởng, người còn có sự quan tâm đặc biệt trong việc truyền tải những quan điểm
tư tưởng về đạo đức của Bác đến với đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Người luôn nhắc nhở tôi
rằng: Lúc sinh thời, Bác Hồ đã nêu một luận điểm quan trọng đối với cán bộ,
đảng viên là: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng
sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo
đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Trong thực tế, do không chú ý việc soi gương, rửa mặt (tu dưỡng, rèn luyện)
hàng ngày nên có những người chỉ mới hôm qua còn được mọi người tin yêu quý
mến, thì ngày hôm sau đã trở thành người có tội với Đảng, có tội với dân. Cũng
có lẽ vì học tập theo tư tưởng đạo đức của Bác Hồ và những người đi trước mà
cha luôn giữ cho mình sự trong sáng, giản dị suốt 27 năm làm công tác tổ
chức và xây dựng Đảng. Nhờ tấm gương phản chiếu của cha mà anh em trong gia
đình tôi ngày càng khôn lớn, trưởng thành, biết sống hữu ích cho gia đình, cho
xã hội. Anh em tôi luôn ý thức được rằng cuộc sống con người vốn có nhiều mối
quan hệ đa dạng và phức tạp luôn đặt ra đòi hỏi phải giải quyết. Những hiện
tượng tốt - xấu, thiện - ác, phải - trái, đúng - sai… luôn đan xen, giằng xéo
nhau ngay trong bản thân của mỗi người, đòi hỏi chúng ta phải có sự lựa chọn,
điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Việc xây dựng đạo đức mới hoàn toàn
không đơn giản, nó đòi hỏi mọi người phải không ngừng thường xuyên tu dưỡng,
rèn luyện giống như việc “soi gương, rửa mặt hàng ngày”.
Cha tôi cũng là một người
luôn có sự quan tâm chăm lo giáo dục đối với thế hệ trẻ. Ông thường yêu cầu các
cấp ủy đảng cùng quan tâm chăm lo công tác thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, coi đó là nhiệm vụ tổ chức trực tiếp của Đảng,
để Đoàn Thanh niên phát huy được vai trò xung kích và đội hậu bị tin cậy của
Đảng. Theo ông, cấp ủy đảng cần tạo điều kiện đổi mới và nâng cao chất lượng
hoạt động của tổ chức Đoàn trên các lĩnh vực, để không ngừng nâng cao hiệu quả
tập hợp, giáo dục thanh niên, không nên để nhiều thanh niên đứng ngoài tổ chức.
Vì đó là lực lượng đang chịu sự tác động từng ngày, từng giờ trước những mặt
tiêu cực, phức tạp ngoài xã hội, là địa bàn mà các thế lực thù địch nhắm vào
nhằm giành giật, lôi kéo thanh niên. Để giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ, tôi rất
tâm đắc với một ý kiến của ông là không thể khoán trắng, phó mặc việc giáo dục
thế hệ trẻ cho Đoàn Thanh niên, mà những người có trách nhiệm phải chung tay,
chung sức chăm lo sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ trên cả 3 môi trường. Cha tôi
nói thật không công bằng, khi những ai hễ nói đến giáo dục thế hệ trẻ là cứ đặt
hết trách nhiệm lên vai của tổ chức Đoàn, mà không nghĩ đến trách nhiệm của cả
nhà trường, gia đình và xã hội. Khi xảy ra trường hợp học sinh đánh nhau, cha
và những người lãnh đạo cứ đau đáu trách nhiệm, vừa chỉ đạo tập trung giải
quyết, vừa viết một bài “Cần coi trọng giáo dục học sinh ở cả nhà trường, gia
đình và xã hội” để phân tích đầy
đủ trách nhiệm và đề xuất giải pháp ở mỗi môi trường giáo dục.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
20 tháng 11, nói đến những người “lái đò” đưa khách sang sông trong sự nghiệp
trồng người, cha vừa ôn lại truyền thống và tiếp tục khẳng định vai trò quan
trọng của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, vai trò và sự cống hiến của thầy - cô
giáo, vừa lưu ý đến chức năng giáo dục về đạo đức của ngành đối với học sinh.
Ông cho rằng: Giáo dục nhằm tạo ra những nguyên liệu không có sẵn trong tự
nhiên, đó là đội ngũ những chuyên gia, những nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư… nói
chung là tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước, nhưng giáo dục còn có chức năng
quan trọng là nhằm tạo ra nhân cách con người và hoàn thiện nhân cách con
người, điều này ở thầy, cô giáo ai cũng biết, bởi lẽ trước cổng trường nào cũng
có câu “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhưng thực tế thời lượng giáo dục dành cho
đạo đức là chưa nhiều, chưa thật coi trọng. Cha nói, ngay cả người dạy võ khi
nhập môn, người ta đã dạy đạo trước, võ sau để các em thành nhân trước khi
thành danh. Trong giáo dục cũng nên như vậy hoặc chí ít dạy chữ phải đi đôi với
dạy đạo làm người. Để dạy tốt đạo làm người cho học sinh thì chuẩn mực đầu tiên
đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo vừa phải có tâm, vừa phải có tầm, thật sự là tấm
gương sáng về đạo đức để các em noi theo. Theo Người, có hai chỗ dựa tinh thần
rất quan trọng đối với học sinh là nhà trường và gia đình. Nếu cả hai chỗ dựa
này đều hụt hẫng thì các em rất khó khăn để trưởng thành. Thật vậy, gia đình
chính là cái nôi đầu tiên để con trẻ khôn lớn và trưởng thành, không ai có thể
gần gũi và hiểu con trẻ bằng cha mẹ. Khi con trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống,
trong các mối quan hệ xã hội và trong việc học hành ở nhà trường… thì chỗ dựa
lớn nhất là gia đình, cha hoặc là mẹ. Cho nên, đã là cha mẹ ngoài việc phải nêu
gương về đạo đức, thì cho dù có tất bật chuyện mưu sinh trong xã hội hiện đại,
thì chí ít cũng nên dành thởi gian đễ gần gũi, nghe con nói, hiểu con hơn và
tận tình hướng dẫn giúp con trẻ đứng vững, đi lên trong cuộc sống, nhất là
trong những lúc con trẻ gặp khó khăn, nhưng vốn sống thì lại chưa nhiều. Ngược
lại, khi học sinh gặp khó khăn về hoàn cảnh gia đình, thiếu sự quan tâm giáo dục
của gia đình hoặc do sự nêu gương không tốt của cha mẹ… thì chính nhà trường,
tổ chức Đoàn - Đội trong nhà trường là chỗ dựa tinh thần quan trọng hơn bao giờ
hết, nếu không muốn học sinh chán nản, suy nghĩ cực đoan, xa rời việc học và
trở nên cá biệt. Cha nói điều này đòi hỏi cái tâm rất lớn của nhà trường, trực
tiếp là thầy, cô giáo trong việc nắm bắt tư tưởng, hoàn cảnh của các em để động
viên, dạy dỗ.
Đọc những bài viết, nghe
bài nói của cha xoay quanh sự nghiệp trồng người, tôi cảm nhận trong lòng người
đảng viên mà tôi yêu quý không chỉ có sự quan tâm đến việc giáo dục trong đội
ngũ cán bộ, đảng viên về chính trị, tư tưởng và đạo đức, mà còn rất quan tâm
đến việc giáo dục, xây dựng đạo đức trong đời sống xã hội, đặc biệt là đối với
thế hệ trẻ. Khi còn là học sinh phổ thông, tôi có những lúc cũng gặp phải sự
hụt hẫng ở nhà trường khi bị cô giáo phân biệt đối xử về vấn đề không học thêm.
Thì chính cha là người kịp thời động viên, chỉ dẫn, giúp cho tôi đứng vững để
tự khẳng định mình cho đến khi bước chân vào cổng trường đại học. Chính vì lẽ
đó, tôi biết có nhiều cán bộ lão thành, mặc dù là những người đi trước, bây giờ
hàng tháng cứ trông để đọc bản tin về những gì cha viết.
Hầu như tháng nào có những
ngày kỷ niệm của từng ngành, cha tôi mặc dù có đến dự hay không, nhưng ông cũng
không quên có những bài viết để vừa ôn lại truyền thống, vừa định hướng nhiệm
vụ, đó là cách mà người muốn truyền tải những suy nghĩ, vừa là trách nhiệm của
mình xuống tận các cơ sở. Khi tôi hỏi sao cha lại viết về nhiều lĩnh vực như
thế, thì người trả lời “Bởi vì Đảng lãnh đạo mà con”. Đảng lãnh đạo theo như
người nói, đó là do Đảng có vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và đối
với toàn xã hội. Đó là trách nhiệm của một Đảng cầm quyền, là sứ mệnh lịch sử
đã được nhân dân tin tưởng giao cho.
Khi viết và cảm nhận về
những suy nghĩ và việc làm của cha, bản thân tôi cũng thật sự trân trọng, tự
hào về Đảng và qua đó cũng muốn chia sẽ những suy nghĩ, tình cảm của mình với
Đảng như sau:
Một là, để làm tròn vai trò
lãnh đạo của mình, Đảng phải luôn luôn tự đổi mới và tự chỉnh đốn đội ngũ của
mình. Chỉ có một đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự trong sạch, vững
mạnh, có tổ chức, kỷ luật và đạo đức, có sự đề kháng tốt trước những cám dỗ,
tiêu cực ngoài xã hội… thì mới làm cho tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững
mạnh và mói phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng.
Hai là, Đảng phải thường
xuyên giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán
bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên. Nên duy trì và chỉ đạo thực hiện sâu rộng
hơn nữa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh”, tạo sự lan tỏa bằng hành động “ làm theo” không những trong Đảng mà cả
trong nhân dân, làm cơ sở xây dựng những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp trong đời
sống xã hội.
Ba là, Đảng cần đặc biệt
coi trọng việc giáo dục về tư tưởng đạo đức đối với thế hệ trẻ, nhất là trong
học đường và ở địa bàn dân cư. Nên có những cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học
về hình thức, thời gian, thời lượng giáo dục đạo đức phù hợp cho mỗi đối tượng
khác nhau. Chỉ đạo sự phối hợp liên tịch giữa tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản
với Hội Cựu chiến binh và các tổ chức khác trong việc tham gia củng cố, xây
dựng tổ chức Đoàn Thanh niên ở địa bàn dân cư. Để phát huy vai trò của Đoàn
trong việc tập hợp và tổ chức giáo dục đối với thanh thiếu niên đường phố. Đây
là trận địa quan trọng mà những ai có trách nhiệm đều không thể không quan tâm.
Bốn là, Đảng cần làm rõ hơn
trách nhiệm phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong sự nghiệp giáo
dục. Quan tâm hơn việc giáo dục nhân cách, đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh,
sinh viên theo tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn”, học làm người tốt sẽ học
chữ tốt hơn. Xây dựng những chuẩn mực cần thiết về đạo đức từ thấp đến cao phù
hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, có sự hướng dẫn đến mỗi hộ gia
đình cùng chung sức thực hiện. Trong nhân dân, ai cũng mong muốn con mình lớn
lên phải nên người, trong đó bao hàm việc sống làm người có đạo đức, đó sẽ là
cơ sở để thực hiện cuộc vận động.
Là một đoàn viên của Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tôi luôn cảm thấy tự hào vì có cha - một người
Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, ở bên cạnh. Tôi lớn lên từng ngày trong
tình yêu thương của cha, trong niềm tin về lý tưởng của Đảng. Đó cũng là lý do
vì sao ngay từ phần mở đầu tôi khẳng định với các bạn rằng: Với tôi, Đảng vô
cùng gần gũi! Ngày qua ngày, với vai trò là một Bí thư Chi đoàn, tôi vẫn cố
gắng để chia sẻ, truyền đạt những hiểu biết, cảm nhận của mình về Đảng cho
những người bạn cùng trang lứa của mình. Trong cuộc sống hôm nay, đoàn viên,
sinh viên chúng tôi đứng trước những lợi ích về vật chất và mong muốn khẳng
định mình trong xã hội. Đâu đó trong sinh viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ và
đúng đắn về vai trò của Đảng nên việc bồi dưỡng nhận thức của các bạn dường như
cũng là trách nhiệm của tổ chức Đoàn và của những cá nhân như tôi - những người
có nhiều điều kiện để tìm hiểu về Đảng.
Tôi tin rằng không phải
Đảng chỉ là người bạn của những “người trong cuộc”, những người đồng chí. Đảng
trong cuộc sống hôm nay vẫn có thể nhìn thấy và cảm nhận qua những đổi thay
từng ngày của đất nước, những công trình vút cao giữa những tầng trời, qua
những nhà máy sản xuất không mệt mỏi, qua những con người ngày đêm tận tụy một
lòng vì nước, vì dân. Chúc cho Đảng ta sẽ luôn trong sạch vững mạnh, luôn xứng
đáng với vai trò lãnh đạo dân tộc, để rồi đây, mỗi công dân nước Việt có thể tự
hào, nói rằng: “Tôi lớn lên trong tình
yêu của Đảng!”.
Trần Nguyễn Ngọc Phượng
Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh