Cứ mỗi độ
tháng năm về, đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng với bạn bè quốc tế lại có
dịp nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta,
người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh
nhân văn hóa thế giới với lòng khâm phục và kính yêu vô hạn.
Cách mạng
tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản
Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ ngày đó,
đông đảo đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế biết đến Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ
muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam và biết đến ngày 19-5 là sinh nhật của
Người. Năm 1946 là năm kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên.
Cả cuộc đời 79
mùa Xuân, cuộc đời vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản vô
cùng quý báu là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Đó chính là sự kết
tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại;
là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Sinh thời, Bác sống
rất giản dị, từ ăn, mặc, ở cho đến mọi sinh hoạt hằng ngày. Ngay khi đã là Chủ
tịch nước, Bác luôn nêu tấm gương vô cùng mẫu mực về đạo đức cách mạng.
Có biết bao
câu chuyện chân thực và cảm động về tấm gương đạo đức của Bác đã trở thành biểu
tượng văn hóa, đạo đức, văn minh của một vị Chủ tịch nước, một lãnh tụ của Đảng,
của nhân dân. Câu chuyện có đồng chí đề nghị Bác bỏ đi chiếc áo vá, nhưng Bác
không cho bỏ. Bác nói: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là
cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”. Bác mặc bộ quần áo ka ki đã sờn
cổ, sờn tay, xin được thay bộ khác, Bác bảo: “Nếu thi sang thì thua, thi tiết
kiệm thì thắng”. Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, của dân
không phải thay... Nhớ lại, lúc sinh thời, thường cứ đến tháng 5 sinh nhật, Bác
nói với thư ký của Bác bố trí những chuyến công tác xa để Bác tránh chúc tụng,
lễ hội. Bác không muốn cái gì riêng cho mình cả, đời Bác hóa thân tất cả vào
dân tộc và nhân loại. Cả cuộc đời Bác Hồ kính yêu là cả cuộc đời: “Nâng niu tất
cả chỉ quên mình”...
Cuộc sống của
Bác giản dị biết bao, tâm hồn vĩ đại biết bao, nhân cách vĩ đại biết chừng nào!
Tâm hồn Bác không chỉ lộng gió thời đại, mà còn rất gần gũi yêu thương. Tháng
Năm nhớ Bác, nói điều cụ thể trên đây về cuộc sống giản dị, tiết kiệm của Người
đứng đầu một đất nước để chúng ta hiểu sâu sắc rằng, bất cứ ai, dù trên cương vị
nào, lứa tuổi nào, cũng đều cần phải và đều có thể học và làm theo tấm gương đạo
đức Bác Hồ. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa là nhu cầu tự
hoàn thiện tư cách, đạo đức của mỗi cá nhân, vừa là yêu cầu đối với toàn xã hội,
cảm hóa đến mọi người xung quanh, đến cuộc đời.
Đối với Đảng Cộng
sản Việt Nam – Đảng do Người sáng lập đã trải qua 87 năm lịch sử. Người đã vận
dụng sáng tạo học thuyết Đảng kiểu mới của Lênin vào thực tiễn xây dựng Đảng,
rèn luyện Đảng ta thành một Đảng cách mạng chân chính, không chỉ là đội tiên
phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiên phong của dân tộc và nhân dân
lao động. Một trong những ngọn nguồn làm nên sức mạnh của Đảng, của cách mạng
Việt Nam, là sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đảng vì dân mà tồn tại
và chiến đấu hy sinh nên nhân dân một lòng tin tưởng vào Đảng, đi theo lý tưởng,
mục tiêu mà Đảng đã vạch ra: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Bác Hồ từng chỉ
rõ: "Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng
có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết
điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa
chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân
chính"[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết bài báo quan trọng “Nâng cao
đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nhắc nhở toàn Đảng phấn đấu
rèn luyện về đạo đức. Vì vậy, muốn Ðảng mạnh, được nhân dân tin tưởng, yêu quý,
nhất định chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 05 gắn với việc thực hiện
Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Ðảng, nhất là việc sửa chữa những khuyết điểm,
thiếu sót một cách quyết liệt, dứt điểm.
Noi gương Bác,
đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, gần
dân, lắng nghe dân và có trách nhiệm với dân. Một tấm gương điển hình, một hành
động gương mẫu có ý nghĩa hơn gấp trăm lần so với những lời giáo điều, sáo rỗng.
Trong lúc này, việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Ðảng, mối quan hệ
máu thịt giữa Ðảng với dân là nhân tố hàng đầu nhằm nâng cao sức mạnh của Ðảng,
là môi trường để thử thách, rèn luyện và sàng lọc cán bộ, lựa chọn đúng những
người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng tham gia
bộ máy lãnh đạo Ðảng và Nhà nước.
Như muôn mạch
nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn, mỗi ngày, mỗi người hãy cố gắng làm thêm một
việc tốt, có ích cho mình, cho cơ quan, đơn vị, có lợi cho dân, cho nước. Nếu
ai cũng làm được như vậy thì chắc chắn sẽ tạo thành một động lực mạnh mẽ, làm
chuyển biến nhanh hơn nữa, tích cực hơn nữa mọi mặt của đời sống xã hội. Và nếu
làm được như thế, chúng ta tin chắc rằng việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, việc
thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhất định sẽ thu
được kết quả thiết thực, to lớn hơn khi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân tự
giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, coi đó là danh dự, nghĩa vụ
và trách nhiệm của mình.
Chúng tôi xin
kết thúc bài viết bằng hai câu thơ nổi tiếng của Nhà thơ Tố Hữu “Yêu Bác, lòng
ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi…”. Lời thơ ấy đã nói lên
tình cảm và nguyện ước của mỗi chúng ta. Đó cũng chính là lời nhắn nhủ, nhắc nhở
suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta hôm nay phải tu dưỡng, rèn luyện bản
thân mình trong cuộc sống, xứng đáng với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí
Minh vĩ đại./.
[1] (Hồ Chí
Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, Tập 5, tr 301).
Trung Anh
Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam