TS. Lê Thị Hòa
 
Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một trong những chiến sĩ cộng sản thuộc lớp cán bộ “cốt cán” của Đảng. Từ một người yêu nước, đồng chí đã nhanh chóng trở thành một chiến sĩ cộng sản, và trưởng thành trong quá trình tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (7/1936-3/1938).
Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, trong lịch sử hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng, đồng chí đã có nhiều cống hiến cho Đảng, cho phong trào cách mạng nước trong những năm 30 của thế kỷ XX, khi cách mạng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thử thách.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập và lời dặn: “Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động"
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở Hà Tĩnh - một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Truyền thống của quê hương đã sớm được hấp thụ hình thành trong đồng chí nhân cách và nghị lực sống “vì dân, vì nước”.
Sớm tham gia hoạt động cách mạng, tháng 12/1928, đồng chí Hà Huy Tập sang Quảng Châu, Trung Quốc bàn việc hợp nhất với tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niênvà hoạt động trong Hội. Tháng 7/1929, đồng chí sang Liên Xô, học tại trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva, đến cuối năm 1929, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Thời gian học tập ở Liên Xô (1929-1932), đồng chí vừa học lý luận, vừa tranh thủ thâm nhập thực tiễn công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô, đồng thời viết bài đăng trên tạp chí quốc tế, trong đó có tạp chí Bônsêvích - cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời tham gia soạn thảo nhiều tài liệu quan trọng khác. Đồng chí là người “được đào tạo tốt về chính trị, là một chiến sỹ tích cực của Đảng”, được Quốc tế Cộng sản dự kiến cử về nước hoạt động, với lời giới thiệu rằng, đây “là một đồng chí vừa giỏi về đường lối cộng sản, vừa được đào tạo tốt về lý thuyết, vừa có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quần chúng. Chúng tôi tin rằng đồng chí khó có thể tìm được ở nước các đồng chí một người thích hợp như vậy”.
Năm 1932, tốt nghiệp đại học, đồng chí trở về Việt Nam hoạt động, nhưng trên đường về, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và bị trục xuất sang Bỉ, sau đó trở về Trung Quốc. Năm 1934, đồng chí cùng với đồng chí Lê Hồng Phong và một số cán bộ cách mạng khác lập Ban lãnh đạo của Đảng – Ban Chỉ huy ở ngoài, nhằm khôi phục tổ chức của Đảng, và phong trào cách mạng sau những tổn thất của cuộc Tổng diễn tập lần thứ nhất - Cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931). Không chỉ là một người có năng lực dự báo sớm tình hình, đồng chí còn nắm bắt được thời cơ, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi, đưa ra những quyết sách phù hợp với hoàn cảnh đang diễn ra ở trong nước và quốc tế. Bằng sự chỉ đạo kịp thời, những nỗ lực hoạt động, đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong và các chiến sĩ cộng sản khác trong Ban Chỉ huy ở ngoài, đã từng bước đưa phong trào cách mạng trong nước vượt qua những khó khăn trong thời kỳ thực dân Pháp thực hiện chính sách “khủng bố trắng” (1932-1935).
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Thượng Hải (7/1936), một số nội dung trong đường lối chính trị và tổ chức của Đảng đã được kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế cộng sản năm 1935. Đồng thời, Hội nghị phân công đồng chí Lê Hồng Phong ở lại nước ngoài làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài, giữ mối liên hệ với Quốc tế Cộng sản; đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, có nhiệm vụ trở về nước, tổ chức lại Ban chấp hành Trung ương và khôi phục mối liên lạc với các tổ chức Đảng trong nước.
Vượt qua những tổn thất của thời kỳ khủng bố trắng, phong trào cách mạng đã phục hồi và ngày càng phát triển. Đại hội Đảng lần thứ nhất (3/1935) và Hội nghị Trung ương tháng 7/1936 là những mốc quan trọng, đánh dấu cho sự củng cố và phát triển của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương, của các tổ chức quần chúng của Đảng. Những dấu mốc đó cũng đồng thời khẳng định sức mạnh nội sinh, nguồn sinh lực của Đảng, mối quan hệ máu thịt Đảng – Dân của Đảng trước hành động đàn áp, khủng bố dã man của kẻ thù. Đó chính là kết quả cụ thể của những chủ trương, biện pháp lớn trong công tác xây dựng Đảng. Đó cũng chính là kết quả của sự chuyển biến nhận thức của đồng chí Hà Huy Tập dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản 7/1935, và tư tưởng Hồ Chí Minh về việc giải quyết vấn đề dân tộc và dân chủ trong những năm đấu tranh giành chính quyền (1930-1945). Trên đà đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ đấu tranh mới – thời kỳ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình và chống chiến tranh đế quốc (1936-1939).
Tháng 8/1936, đồng chí Hà Huy Tập về tới Nam Kỳ trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có biến động lớn. Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp thắng cử, lên cầm quyền. Thực hiện chương trình tranh cử của Mặt trận, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp thi hành cải cách chính trị, trong đó có vấn đề “đại xá tù chính trị ở thuộc địa”. Tận dụng điều kiện thuận lợi, Đảng ta, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã lãnh đạo nhân dân đưa phong trào đấu tranh cách mạng Đông Dương lên một cao trào mới. “Ủy ban hành động” lần lượt được thành lập ở nhiều nơi; sách báo công khai của Đảng lần lượt được xuất bản và phong trào “Đông Dương Đại hội”, đón tiếp phái đoàn Mặt trận nhân dân Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương diễn ra hết sức sôi nổi, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước tham gia.
Tháng 3/1938, đồng chí Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị Trung ương, và tại Hội nghị này, trên cơ sở nhận định tình hình trong nước và thế giới, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương và bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư mới của Đảng.
Trong thời gian gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (7/1936-3/1938), đồng chí đã triệt để khai thác những thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, lặn lội trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức đảng trong nước, sớm hình thành được Ban chấp hành Trung ương lâm thời từ tháng 10/1936; triệu tập và chủ trì 3 Hội nghị Trung ương (3/1937, 9/1937, 3/1938) để vừa tổng kết tình hình, vừa đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, từng bước đưa phong trào đấu tranh cách mạng tiến lên những bước mới.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội thời kỳ Mặt trận Dân chủ, là nhà lý luận chính trị sắc sảo ( ngay từ năm 1929, đồng chí đã viết Lịch sử của Tân việt cách mạng Đảng và năm 1933 đã viết cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương), thời kỳ này đồng chí đã viết bài bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt đang trên tờ Tiền Phong - 1937, Tiến lên- 1937, Dân chúng -1938, với các bút danh Hồng Thế Công, Thanh Hương, H.Q.V, Hồng Qui Vit, v.v.. Thông qua những bài viết của mình, đồng chí luôn đi tiên phong trong mặt trận đấu tranh chính trị và tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng đường lối chủ trương của Đảng đến đông đảo quần chúng nhân dân, bảo vệ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin trước những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các phần tử cơ hội và thù địch (Trốtkít, AB - cách mạng đầu lưỡi, giả danh cách mạng”.
Ngày 1/5/1938, đồng chí bị quân Pháp bắt tại Sài Gòn, sau đó bị quản thúc ở quê, và ngày 30/3/1940 đồng chí bị thực dân Pháp bắt lại. Tháng 3/1939, thực dân Pháp trục xuất đồng chí Hà Huy Tập khỏi Nam Kỳ và đưa về Hà Tĩnh quản thúc. Đến tháng 8/1940 đồng chí bị thực dân Pháp bắt lại. Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ (11/1940), ngày 25/3/1941, Tòa án binh Pháp gán tội "chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” cho đồng chí Hà Huy Tập và kết án tử hình đồng chí cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần và Nghuyễn Thị Minh Khai.
Thanh niên Việt Nam học tập tấm gương kiên trung cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Nêu cao phẩm chất của người cộng sản, trong những ngày bị giam trong khám lớn Sài Gòn, bị đày đọa trong ngục tù đế quốc, đồng chí Hà Huy Tập luôn giữ vững tinh thần lạc quan với một niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Lời nhắn gửi cuối cùng đồng chí về cho gia đình và bạn hữu thật giản dị: "Nếu tôi có chết thì gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như là người chết mà phải buồn, trái lại nên xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn... mà thôi". Song trước tòa án của kẻ thù, một Hà Huy Tập đầy hiên ngang và kiên trung đã khảng khái tuyên bố: "Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động" đã làm kẻ thù phải run sợ.
Ngày 26/8/1941, thực dân Pháp xử bắn đồng chí cùng với một số nhà cách mạng khác. Đồng chí đã hy sinh, nhưng niềm tin của đồng chí và những người cộng sản Việt Nam khác vào tương lai tươi sáng của dân tộc đã trở thành hiện thực sinh động. Hơn 60 năm sau ngày hy sinh, ngày 22/11/ 2009, hài cốt của đồng chí được phát hiện tại khu vực Bến Tắm Ngựa, thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 1/12/2009, lễ viếng và truy điệu linh cữu đồng chí được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, và sau đó được đưa về an táng tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Sau này, đánh giá công lao của đồng chí và các nhà cách mạng tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng” (1).
Noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc cách mạng tiền bối, nhân Năm Thanh niên, nhân dịp Kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập và 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có lực lượng thanh niên đang nỗ lực quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết 11 của Chính phủ, Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp, ôn lại những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng anh hùng của một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, càng thấy cảm phục trước tấm gương đạo đức cách mạng của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Học tập, làm theo lời của đồng chí: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động", và để thanh niên xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước, là lực lượng kế cận hùng hậu, là đội quân có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" xứng đáng với trọng trách được ghi rõ trong Khoản 1, Điều 4, Luật Thanh niên và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) của Đảng: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên”, thanh niên Việt Nam quyết tâm phấn đấu rèn đức, luyện tài, hoàn thành mọi nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó để “chẳng có gì phải hối tiếc”.
Trên tinh thần đó, trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, việc tăng cường giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc; bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho thanh niên Việt Nam thông qua giáo dục nhân cách, "giáo dục làm người" theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng như cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã được quan tâm chu đáo. Thông qua các hoạt động giáo dục nhạy bén của Ðoàn, theo sát các sự kiện chính trị, xã hội của đất nước; gắn hoạt động của thanh niên với giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống đẹp và ý thức công dân trẻ, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên thời gian qua góp phần nhen lên ngọn lửa lý tưởng cách mạng, ý chí và lòng yêu nước cho thanh niên. Tiêu biểu là đợt sinh hoạt chính trị "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi", diễn đàn "Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích", triển khai Cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác", phong trào hành động “Mùa hè Thanh niên học sinh, sinh viên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”, "Ðền ơn đáp nghĩa", các cuộc hành trình "Về nguồn" với các địa chỉ, địa danh cách mạng,v.v..
Làm tốt điều này, chính là góp phần tạo dựng cho thanh niên ý chí tự lực, tự cường, dám tự tin vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng động cơ đúng đắn và tạo nội lực tinh thần cho thanh niên. Làm tốt điều này, cũng chính là làm cho thanh niên nhận thức sâu sắc rằng: nỗ lực, phấn đấu hết mình, chính là “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà” (2) như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn và căn dặn./.



 

___________________________________________
 

(1) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.6, tr. 159 - 160.
(2) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 7, tr.399