Theo sự phân công của Liên đoàn những người cộng sản, Mác và Ăngghen đã soạn thảo Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và công bố lần đầu vào tháng 2-1848. Đó chính là Cương lĩnh lý luận và hành động của chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống sự thống trị, áp bức của giai cấp tư sản, lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chế độ xã hội mới - chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
“Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn là: trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy; do đó (từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thuỷ tan rã), toàn bộ lịch sử là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và những giai cấp bóc lột, giữa những giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển xã hội của họ; những cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi những cuộc đấu tranh giai cấp - tư tưởng chủ chốt ấy hoàn toàn và tuyệt đối là của Mác”(1).
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác-Ăngghen đã phân tích, lý giải một cách khoa học quy luật phát triển tất yếu của lịch sử loài người và chứng minh chủ nghĩa tư bản là tiến bộ so với chế độ phong kiến nhưng đến lượt nó sẽ bị thay thế bởi chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn, đó là CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử đánh đổ sự thống trị của giai cấp tư sản của chủ nghĩa tư bản “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản là tất yếu như nhau”(2).
Mác-Ăngghen đã nêu rõ bản chất bóc lột về kinh tế và sự thống trị phản động về chính trị của giai cấp tư sản. Với sự bóc lột giá trị thặng dư để thoả mãn lợi ích và lòng tham, giai cấp tư sản đã không từ một thủ đoạn nào để bóc lột, thống trị, nô dịch không chỉ giai cấp vô sản mà cả đối với các tầng lớp nhân dân lao động khác và các dân tộc. Vì vậy, cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản không tách rời cuộc đấu tranh giải phóng toàn thể xã hội, giải phóng những người lao động và các dân tộc bị giai cấp tư sản và CNTB thống trị. Mác-Ăngghen lưu ý rằng “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu mang hình thức đấu tranh dân tộc”(3). Các ông nhấn mạnh: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(4). Trên ý nghĩa đó Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không chỉ là Cương lĩnh cách mạng của giai cấp vô sản mà còn của nhân dân lao động của các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp tư sản, CNTB.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn cao nhất là chủ nghĩa đế quốc, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược chiếm các nước nhỏ yếu và biến các nước đó thành thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa trở thành một nội dung lớn của thời đại. Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917) là thắng lợi vĩ đại, hiện thực hoá tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Cuộc cách mạng đó chẳng những là cuộc cách mạng vô sản, giải phóng giai cấp vô sản Nga mở đầu thời đại quá độ lên CNXH của lịch sử loài người, mà còn giải phóng nhiều dân tộc bị đế quốc Nga thống trị trước đó. Từ thực tiễn cách mạng Nga và thế giới, Lênin và Quốc tế Cộng sản đặc biệt quan tâm và chỉ đạo phong trào dân tộc ở các thuộc địa. Từ khẩu hiệu chiến lược của Tuyên ngôn: Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!, Quốc tế Cộng sản và Lênin đề ra khẩu hiệu chiến lược mới: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!.
Nước Việt Nam phong kiến cuối thế kỷ XIX bị thực dân Pháp xâm lược và biến thành thuộc địa của Pháp (1884). Các phong trào yêu nước chống Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam diễn ra sôi nổi, liên tục từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX nhưng đều thất bại vì thiếu đường lối cứu nước và sự tổ chức lãnh đạo đúng đắn. Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp nhận tư tưởng, ảnh hưởng của Lênin và Cách mạng Tháng Mười, cũng là tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản để đi đến lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn. Ngày 16 và 17-7-1920, Nguyễn ái Quốc đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanité của Đảng xã hội Pháp. Đó là văn kiện quan trọng của Lênin sẽ trình Đại hội II Quốc tế Cộng sản (khai mạc ngày 19-7-1920 ở Pêtơrôgrát - Nga). Đó là thời điểm lịch sử Nguyễn ái Quốc cảm động, vui mừng vì đã tìm thấy con đường giải phóng chúng ta. Từ đó Người hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế thứ III. Tại Đại hội 18 của Đảng xã hội Pháp họp ở thành phố Tours (Tua), Nguyễn ái Quốc đã tán thành thành lập Đảng Cộng sản và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn ái Quốc nêu rõ: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(5).
Nguyễn ái Quốc đã kết hợp một cách đúng đắn lập trường của chủ nghĩa yêu nước với lập trường của chủ nghĩa cộng sản, vấn đề dân tộc đấu tranh dân tộc với vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, gắn liền một cách tất yếu giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng toàn xã hội, giải phóng con người, vận dụng đúng đắn tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam dẫn tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - lãnh tụ chính trị của cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam. Nguyễn ái Quốc nghiên cứu một cách sâu sắc lịch sử chính trị, tư tưởng của Phương Đông, Châu á và Đông Dương dễ dàng hơn ở Châu Âu. Đương nhiên cần phải hiểu chủ nghĩa cộng sản cho đúng đắn. Người nhấn mạnh không nên hiểu chủ nghĩa bônsêvích là sự phá bỏ tất cả, cũng không nên hiểu đó chỉ là sự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Cả hai cách hiểu đó đều nguy hiểm vì làm cho quần chúng xa lánh cách mạng hoặc dẫn tới chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong khi nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, Nguyễn ái Quốc thấy rõ ở một nước thuộc địa như Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc là một động lực vĩ đại.
Lãnh tụ Nguyễn ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930). Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã nêu rõ mẫu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc trong xã hội Việt Nam khi đó. Giai cấp tư bản bản xứ không có thế lực, chỉ có đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc. Vì vậy, cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản phải có chiến lược, sách lược đúng đắn để thu phục đại bộ phận giai cấp vô sản và dân cày và làm cho giai cấp vô sản lãnh đạo được dân chúng, đồng thời tranh thủ trung, tiểu địa chủ, tư sản vừa và nhỏ. Đảng Cộng sản Việt Nam “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(6). Đường lối chiến lược đó của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng của Mác-Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và tư tưởng của Lênin về cách mạng ở các nước thuộc địa.
Quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh giành chính quyền, quan điểm của Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước được hiện thực hoá và khẳng định tính đúng đắn của nó. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939) chủ trương giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp và dân tộc. Hội nghị Trung ương (5-1941) do Nguyễn ái Quốc chủ trì đã đặc biệt nhấn mạnh, đặt lên hàng đầu mục tiêu giành độc lập dân tộc, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp, chống đế quốc và chống phong kiến. Đường lối đúng đắn đó đã dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt chế độ phong kiến và thuộc địa, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin, của tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Sau cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành 30 năm kháng chiến oanh liệt chống đế quốc, thực dân giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Đó thật sự là quá trình đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp quyết liệt và cuối cùng giai cấp công nhân, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã toàn thắng vào mùa Xuân 1975 giành độc lập, thống nhất đưa cả nước tiến lên CNXH.
Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) khởi xướng công cuộc đổi mới. Trải qua gần 30 năm xây dựng CNXH ở miền Bắc và cả nước theo mô hình và cơ chế cũ cùng với những thành tựu và tính ưu việt, đã bộc lộ nhiều khuyết điểm và sự trì trệ. Cần phải đổi mới tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiên cứu và nhận thức rõ hơn học thuyết về CNXH mà Mác-Ăngghen đã thể hiện trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Nắm vững cơ sở lý luận, tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn nhất là quan điểm sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội trong mỗi thời đại lịch sử, nhận thức rõ hơn cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội của thời kỳ quá độ lên CNXH. Đại hội VI thừa nhận sự tồn tại khách quan các thành phần kinh tế trong suốt thời kỳ quá độ và gắn với điều đó là các quan hệ sở hữu và cơ cấu xã hội. Trước đó, trong nhận thức lý luận các đảng cộng sản cầm quyền chỉ chú ý tới quan điểm của Mác-Ăngghen trong Tuyên ngôn là xoá bỏ chế độ tư hữu mà chưa chú trọng tới những diễn đạt quan trọng khác của các ông. Mác-Ăngghen cho rằng, tất cả các quan hệ sở hữu đã trải qua những thay đổi liên tiếp, những cải biến liên tiếp trong lịch sử. “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xoá bỏ chế độ sở hữu nói chung mà là xoá bỏ chế độ sở hữu tư sản”(7).
Xoá bỏ sở hữu tư nhân là một quá trình lịch sử chứ không phải ngay lập tức. Trước Tuyên ngôn, năm 1847, trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Ăngghen trong câu hỏi thứ 17 đã đặt vấn đề: Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Ăngghen trả lời: “Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”(8).
Tư tưởng của Mác-Ăngghen về chế độ sở hữu, về quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã được Đại hội VI và tiến trình lãnh đạo đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sáng tỏ và vận dụng, thực hiện có hiệu quả. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ rằng, trong thời kỳ quá độ lên CNXH có nhiều hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau. Cần thiết phải xây dựng nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với sự đổi mới tư duy lý luận và cũng là kết quả của quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn Việt Nam, Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (6-1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định mô hình xã hội XHCN đang xây dựng ở Việt Nam gồm 6 đặc trưng. Đại hội X của Đảng (4-2006) đã bổ sung và phát triển rõ hơn thành mô hình 8 đặc trưng. Có thể coi đó là sự vận dụng lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và phát triển sáng tỏ hơn từ thực tiễn đổi mới của Việt Nam. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăngghen đã nêu rõ 10 biện pháp để làm biến đổi phương thức sản xuất bao gồm cả quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Những biện pháp đó theo Mác, Ăngghen áp dụng phổ biến ở các nước tiên tiến. “Trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều”(9). Trong lời tựa viết cho bản tiếng Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất bản năm 1872, Ăngghen đã chỉ rõ: “Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong Tuyên ngôn nay vẫn hoàn toàn đúng. ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính ngay trong Tuyên ngôn, cũng đã giải thích rõ ràng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối Chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi”(10). Chính Mác-Ăngghen với những chỉ dẫn vừa nêu đã thể hiện một thái độ và phương pháp thật sự khoa học, cách mạng khi vận dụng các nguyên lý lý luận, phải luôn luôn phát triển và sáng tạo, tránh rập khuôn, giáo điều.
Mác và Ăngghen đã phân tích sự phát triển của đại công nghiệp và thị trường thế giới dưới CNTB. CNTB và giai cấp tư sản “đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước gộp lại”(11). Trên ý nghĩa đó, CNTB là tiến bộ, là phát triển có vai trò cách mạng trong lịch sử. Mác-Ăngghen dự báo sự phát triển mạnh mẽ của đại công nghiệp và thị trường thế giới trong tương lai. “đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới... Thị trường thế giới thúc đẩy cho thương nghiệp, hàng hải, những phương tiện giao thông tiến bộ phát triển mau chóng lạ thường. Sự phát triển này lại tác động trở lại đến việc mở rộng công nghiệp”(12). Thị trường cứ lớn lên không ngừng, nhu cầu luôn luôn tăng lên. Sự phát triển của đại công nghiệp và thị trường thế giới đương nhiên phục vụ cho lợi ích, lợi nhuận của giai cấp tư sản, nhưng đó là sự phát triển tích cực và khách quan và cũng gắn liền với sự phát triển của giai cấp vô sản. Những thành tựu phát triển của đại công nghiệp và thị trường thế giới như Mác-Ăngghen đánh giá đã phát triển mạnh mẽ, ngày càng mạnh mẽ hơn từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và cho đến hiện nay. Đó là sản phẩm của lịch sử phát triển lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất nói chung.
Cách mạng XHCN cũng nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất hiện đại tạo ra năng lực sản xuất và năng suất lao động cao dưới CNXH. Kế thừa và phát triển là một đặc điểm quan trọng của CNXH. Trong công cuộc đổi mới vì CNXH, Đảng Cộng sản Việt Nam bằng đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã chú trọng phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với xây dựng, phát triển nền kinh tế tri thức là một nội dung, một mục tiêu có ý nghĩa quyết định để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Con đường đi lên của nước ta như Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “là sự phát triển quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN, những tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”(13). Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1996 đã đề ra Chiến lược hàng đầu là phát triển khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo.
Trong quá trình đổi mới, một trong những vấn đề nổi bật của đất nước là xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Kinh tế thị trường, nhất là sự phát triển ngày càng tăng của thị trường thế giới đã được Mác, Ăngghen nêu rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Cuộc sống trong chế độ tư bản chủ nghĩa và trong quá trình xây dựng CNXH ngày càng bộc lộ cả mặt tiêu cực và tích cực của cơ chế thị trường, của nền kinh tế thị trường. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triệt để khai thác mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường và cùng với hệ thống các chính sách và đòn bẩy kinh tế đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới.
Đảng và Nhà nước Việt Nam khuyến khích phát triển kinh tế thị trường trong nước theo định hướng XHCN, đồng thời mở rộng giao lưu buôn bán với các nước trên thế giới, tích cực và chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hoá. Từ năm 1995, Việt Nam đã xin gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trải qua quá trình chuyển biến mạnh mẽ từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường cũng là quá trình khẳng định kinh tế Việt Nam trong thị trường thế giới. Ngày 7-11-2006, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã chính thức kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 150. Chính quan hệ thương mại, mở rộng thị trường thế giới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đã làm cho các nước, các khu vực xích gần lại nhau hơn, phấn đấu vì những mục tiêu chung của cộng đồng và lợi ích của từng quốc gia dân tộc. Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN) và ngày càng có vai trò tích cực trong tổ chức này trên các trụ cột về kinh tế, văn hoá, an ninh. Việt Nam cũng đã tham gia tích cực trong Diễn đàn hợp tác á - Âu (ASEM); mở rộng quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, EU và nhiều quốc gia và các khu vực khác trên thế giới. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác-Ăngghen đã cho rằng: “tự do buôn bán, thị trường thế giới, sự đồng đều của sản xuất công nghiệp và những điều kiện sinh hoạt thích ứng với nền sản xuất ấy thì những sự cách biệt dân tộc và những sự đối lập giữa nhân dân các nước cũng ngày càng mất đi”(14).
Với sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không ngừng phát triển và vận dụng sáng tạo học thuyết, tư tưởng ấy trong điều kiện mới, với chế độ chính trị vững mạnh, ổn định trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đường lối độc lập tự chủ với quan hệ đối ngoại rộng mở, Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, với đường lối đổi mới toàn diện, có kế thừa, có hình thức, bước đi, giải pháp thích hợp. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, không ngừng đưa công cuộc đổi mới tiến bước vững chắc và có thêm nhiều thành tựu mới. Năm 2007, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8,44% (Bình quân 5 năm 2001-2005 là 7,5%), trong đó công nghiệp, xây dựng 10,60%, nông, lâm, ngư nghiệp 3,25%, dịch vụ 8,66%. GDP bình quân đầu người là 833 USD (năm 2006 là 720 USD). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% (2006) xuống còn 14,87%. Sau khi trở thành thành viên của WTO Việt Nam có 5 cơ hội để phát triển nhưng cũng đứng trước 5 thách thức như Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa X (2-2007) đã nêu rõ. Cơ hội và thách thức có mối quan hệ qua lại, có thể chuyển hóa lẫn nhau. Với những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ, năm 2007 đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng có nhiều khó khăn như giá cả và lạm phát tăng, thứ hạng cạnh tranh trên thị trường thế giới giảm.v.v. Điều đó đòi hỏi năm 2008 phải phấn đấu cao hơn, có hiệu quả hơn.
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(15). Điều khẳng định đó tại Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam (4-2006) là tổng kết của cả quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp, nhân dân và dân tộc vì mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong lãnh đạo của giai cấp công nhân mà còn của cả nhân dân lao động và dân tộc. Ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác. Đó cũng là sự phát triển tư tưởng của Mác-Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: giai cấp vô sản phải tự mình trở thành dân tộc./.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

------------
(1) Mác-Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t. 21, tr.11-12
(2), (3), (4), (7), (8), (9), (11), (12) Mác-Ăngghen, Sđd, 2002, t. 4, tr. 613, 611, 623-624, 615, 469, 627, 603, 598,
(5) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 1993, t.1, tr. 94
(6) ĐCSVN : Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t. 2, tr. 2
(10) Mác-Ăngghen, Sđd, 1995, t.18, tr.128
(13) ĐCSVN : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 84
(14) Mác - Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t.4, tr. 624
(15) ĐCSVN : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.130