Ngày 27-1, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng với chủ đề: "Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025". Trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận.

Ngày 4-11-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Sau bảy năm thực hiện Nghị quyết 29, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém đã chỉ ra trong Nghị quyết 29 chưa được giải quyết triệt để, cần tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

I. MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cơ bản được hoàn thiện

Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) đã rà soát, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khắc phục những hạn chế, bất cập tồn tại từ nhiều năm trước. Lần đầu tiên trong hai năm liên tiếp, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục (sửa đổi, ban hành mới) năm 2019, giải quyết những “nút thắt” và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân[1] nhằm khắc phục tình trạng phân mảnh, thiếu liên thông giữa các bộ phận giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được thiết kế theo hướng mở, có cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; bảo đảm tăng cường phân luồng sau trung học cơ sở và định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới bảo đảm tính tương thích với các bảng phân loại giáo dục chung của quốc tế và kết nối được với khung trình độ quốc gia[2].

Đến nay, về cơ bản, các chủ trương của Nghị quyết 29 đã được thể chế hóa và được cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực hiện[3]. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách được tăng cường, xử lý nhiều bất cập, vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết các vấn đề về giáo dục, đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc trước đây.

2. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở

Chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017[4] với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%. Trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường. Thành công này phần lớn nhờ vào sự nỗ lực của ngành giáo dục, quan tâm của các địa phương và chính sách đầu tư mục tiêu cho giáo dục mầm non của Chính phủ Việt Nam[5].

Bên cạnh đó, chúng ta cũng duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 3 (năm 2016 mới có 12/63 tỉnh); cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3. Chỉ số về tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, được đánh giá cao trong khu vực (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore). Đây cũng là điểm sáng trong đổi mới giáo dục của nước ta và được các nước và tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, WB, UNDP đánh giá cao.

Mặt khác, là nước thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp, nhiều khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, giao thông cách trở; vì vậy, việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời, tạo tiền đề quan trọng để các em bước vào các bậc học tiếp theo.

3. Ban hành và tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

Bộ GD-ĐT đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định. Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, tiếp cận quốc tế, theo một quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học ở các cấp học, lớp học. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành cuối năm 2018 được kỳ vọng giải quyết căn bản những hạn chế của chương trình hiện hành, trong đó đặc biệt là cách tiếp cận chuyển từ phương thức truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học[6].

Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện chương trình mới, Bộ GD-ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp các địa phương chuẩn bị các điều kiện bảo đảm như tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý[7], đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng phương án dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học[8].

Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học của giáo viên đã có những thành công bước đầu. Bộ GD-ĐT đã ban hành hệ thống văn bản để tổ chức biên soạn sách giáo khoa phục vụ triển khai chương trình mới như quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, thúc đẩy xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.

Cuối năm 2019, Bộ trưởng GD-ĐT đã phê duyệt năm bộ sách giáo khoa lớp 1, với tổng số 46 quyển của chín môn học và hoạt động giáo dục cho phép sử dụng trong năm học 2020 - 2021. Việc lựa chọn sách giáo khoa được các địa phương thực hiện cơ bản nghiêm túc, công khai, minh bạch[9]. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục nước ta thực hiện chủ trương này và đã có kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Có thể nói, chính sách này đã phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Đây là tiền đề, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông.

4. Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả hơn

Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học[10]. Việc tổ chức đánh giá chất lượng ở cấp cơ sở giáo dục, cấp địa phương và ở cấp quốc gia được thực hiện thường xuyên. 

Các bậc học sau phổ thông đã chuyển việc tổ chức đào tạo theo niên chế sang tích lũy mô đun hoặc tín chỉ[11]. Việc kiểm tra, đánh giá trình độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ được thực hiện chặt chẽ hơn theo phương thức kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá kết quả cuối cùng; chất lượng các luận văn, luận án từng bước theo tiêu chuẩn quốc tế[12].

Công tác đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở phổ thông và đã đi vào nề nếp, hiệu quả hơn[13]. 

Thí sinh không phải lên các thành phố lớn để dự thi trong nhiều đợt, thay vào đó chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội; thí sinh được xét nhiều nguyện vọng, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường và ngành học yêu thích. Điều này khẳng định mạnh mẽ quá trình đổi mới, thực hiện khâu đột phá thi trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng đến nay đã đạt được mục tiêu của Nghị quyết 29 đề ra.

5. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao

Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Nhiều chỉ số về Giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN; kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông-Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng vào tốp đầu của các nước ASEAN.

Trong sáu nước tham gia đánh giá năm 2019 gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippines, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả ba năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học. Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, với kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn[14].

Chất lượng giáo dục mũi nhọn được thế giới đánh giá cao trên đấu trường quốc tế. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 huy chương vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 huy chương vàng trong giai đoạn 2011-2015; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.

6. Tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực

Tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học. Nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động. Cùng với hai đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Đào tạo đại học đã gắn kết hơn với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên được quan tâm hơn[15]. Nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh[16], vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới. 

Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có bốn cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á. Như vậy, mặc dù giáo dục đại học còn nhiều hạn chế, nhưng với kết quả này là điểm sáng và khẳng định chủ trương đúng đắn của Nghị quyết 29 về thực hiện thực hiện tự chủ đại học và đang đi vào cuộc sống.

7. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên có nhiều chuyển biến tích cực

Bộ GD-ĐT luôn quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống đối với học sinh, sinh viên, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Toàn ngành đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh[17] thông qua nhiều hình thức gắn với các phong trào của ngành như “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường; đổi mới nội dung, chương trình, hình thức giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trong trường học được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo đã tạo hiệu quả rõ rệt. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội được tăng cường, bước đầu phát huy hiệu quả.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống tiếp tục được chú trọng, thực hiện thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục. Môn Đạo đức ở bậc tiểu học, Giáo dục công dân ở bậc trung học đã được tăng cường cả nội dung và thời lượng.

Ngoài ra, nội dung giáo dục đạo đức còn được lồng ghép, tích hợp trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục như giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục các vấn đề về giới, bình đẳng giới, giáo dục bảo vệ môi trường; thông qua các hoạt động, lao động sản xuất, hoạt động tập thể, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí cho học sinh, sinh viên.

8. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục

Toàn ngành giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Lần đầu tiên, toàn ngành Giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông và được triển khai tại 63/63 Sở GD-ĐT, 710 Phòng GD-ĐT, thu thập được 22 triệu hồ sơ học sinh, 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý từ 53.000 trường học và thông tin về cơ sở vất chất, nhà vệ sinh trường học. Hệ thống thống kê về giáo dục đại học được triển khai đến nay đã thu thập được khoảng 1,3 triệu hồ sơ sinh viên, 94 nghìn hồ sơ giảng viên từ 247 trường đại học, học viên, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm. Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành.

Công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi trong các trong các hoạt động dạy và học[18]; dạy học qua internet, trên truyền hình được thực hiện mạnh mẽ, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng toàn diện, nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục, nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, bị “đứt gãy” như một số nước đã gặp phải, trái lại “trong nguy có cơ”, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, giúp hoàn thành mục tiêu kép vừa hoàn thành kế hoạch, vừa bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục[19].

9. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo

Quá trình quốc tế hóa thể hiện ở các mặt như tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên, hiện đại hóa chương trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và lãnh thổ. Trong bảy năm qua, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được nâng lên, giúp nâng cao hiệu quả về hợp tác quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới. Giai đoạn 2013-2017, 68 thỏa thuận quốc tế và 23 Điều ước quốc tế được ký kết, tăng 15% số lượng văn bản ký kết so với cùng kỳ những năm trước. Đặc biệt, năm học 2019 - 2020, Bộ GD-ĐT đã chủ trì, ký kết được 21 văn bản hợp tác quốc tế (trong đó có sáu văn bản cấp Chính phủ) và ký kết các thỏa thuận về công nhận văn bằng để thúc đẩy việc dịch chuyển sinh viên với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước cũng đã đem lại hàng ngàn học bổng hằng năm cho công dân Việt Nam đi học tập tại nước ngoài (gần 20 nước). Số lượng học bổng do chính phủ nước ngoài cấp cho Chính phủ Việt Nam đã tăng từ khoảng 400 học bổng/năm (năm 2013) lên 1.400 học bổng/năm (năm 2019)[20].

Bộ GD-ĐT đã chủ động thực hiện các hoạt động thúc đẩy hợp tác và đầu tư của nước ngoài. Hiện có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với 147 nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp vào giáo dục và đào tạo tại Việt Nam[21].

Với chất lượng giáo dục liên tục được nâng lên, chi phí học tập, sinh hoạt hấp dẫn, môi trường sống an toàn, trong những năm gần đây Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế. Đến năm học 2019 - 2020 đã có hơn 21 nghìn lưu học sinh đến từ 67 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 14.400 sinh viên theo học các chương trình đào tạo từ đại học trở lên.

II. HẠN CHẾ, BẤT CẬP

Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, bên cạnh kết quả, thành tựu mà ngành Giáo dục đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như:

1. Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; việc kiện toàn Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học còn chậm, hoạt động chưa thực chất, chưa phát huy tốt vai trò của Hội đồng trường.

2. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.

3. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm còn chậm.

4. Hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học còn chưa đồng bộ; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

5. Công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế, chưa tạo được đồng thuận cao trong xã hội khi bắt đầu triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới của ngành. Truyền thông nội bộ ngành chưa hiệu quả, còn những ý kiến trái chiều ngay trong đội ngũ giáo viên khi triển khai chính sách mới.

III. GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 29-NQ/TW CỦA ĐẢNG VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế,bất cập nêu trên, thời gian tới, Bộ GD và ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 05 nhóm giải pháp cơ bản như sau:

1. Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường - giải pháp đột phá

Trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 29, ngành Giáo dục chọn đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng là giải pháp đột phá, để thông qua đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp hơn. Giải pháp này đã cơ bản hoàn thành trong giai đoạn vừa qua. Giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục chọn đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là giải pháp đột phá, để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả hơn, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội. Giải pháp này không cần nhiều nguồn lực nhưng tháo gỡ được những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay.

- Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý trong giáo dục và quản trị nhà trường, coi trọng quản lý chất lượng, hiệu quả quản trị nhà trường, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản trị nhân sự và tài chính; hoàn thiện cơ chế để cơ quan quản lý giáo dục được tham gia quyết định trong quản lý nhân sự và phân bổ, sử dụng nguồn tài chính dành cho giáo dục của địa phương.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và các địa phương.

- Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh kiện toàn Hội đồng trường đúng quy định về số lượng, chất lượng, cơ cấu và thành phần, bảo đảm thực quyền theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) và Nghị định 99 của Chính phủ.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Triển khai hiệu quả hệ thống quản lý - quản trị giáo dục trực tuyến trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên,cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

2. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Thời gian qua, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được kiện toàn, nâng cao chất lượng một bước. Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ còn bấp cập, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, cần tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng trong thời gian tới.

- Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đối với các cấp học.

- Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền và củng cố các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương theo “mô hình vệ tinh” với các trường đại học sư phạm trọng điểm. Xây dựng cơ chế đặt hàng với các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, bảo đảm việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

- Tiếp tục chuẩn hóa giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo các vị trí chức danh, xây dựng lộ trình và thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và thực hiện bồi dưỡng đội ngũ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà Bộ GD-ĐT đã ban hành.

- Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước, gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó có cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của các giáo viên, giảng viên giỏi, các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ ở trong và ngoài nước đến làm việc, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.

3. Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp

Thời gian qua, các địa phương đã tiến hành rà soát, quy hoạch một bước mạng lưới trường, lớp học. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện sáp nhập cơ học các trường, điểm trường lẻ có ít giáo viên, học sinh. Việc quy hoạch, sắp xếp chưa quan tâm đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và dự báo nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương.

- Các địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao để tập trung đầu tư nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.

- Tăng cường đầu tư, phát triển nhanh trường, cụm lớp cho cấp học mầm non; ưu tiên tài chính và quỹ đất để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học hai buổi/ngày, nhất là ở vùng khó khăn, trước hết tập trung cho giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; bảo đảm đủ các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch.

- Khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện; rà soát các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tổ chức hoạt động và tiêu chuẩn đội ngũ, cơ sở vật chất tối thiểu để bảo đảm chất lượng giáo dục.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án của Chính phủ về bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; tập trung bố trí kinh phí thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

- Thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực và tiếp cận quốc tế. Rà soát sắp xếp lại các đại học, trường đại học công lập bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Hình thành một số đại học, trường đại học trọng điểm và khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục, trong đó nhất là các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.

4. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục

Những năm qua, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Giáo dục xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học bảo đảm 100% các cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành; các phần mềm quản lý, dạy và học trong nhà trường.

- Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh.

- Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, ưu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; các loại hồ sơ, sổ sách, học bạ điện tử trong nhà trường; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử trao đổi văn bản điện tử, chữ ký số liên thông giữa Bộ GD-ĐT với Chính phủ, các cơ quan, địa phương, cơ sở giáo dục và các tổ chức cá nhân có liên quan.

5. Tăng cường công tác truyền thông

Giáo dục có liên quan đến từng người, từng gia đình nên luôn được xã hội quan tâm, góp ý. Bởi vậy, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới giáo dục; các chỉ đạo, điều hành của Bộ GD-ĐT và các địa phương cần được chủ động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân. Thời gian qua, ngành Giáo dục rất nỗ lực triển khai Nghị quyết 29 bảo đảm đúng hướng và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, tuy nhiên, công tác truyền thông còn nhiều bất cập, hạn chế nên chưa tạo được đồng thuận cao của xã hội. Vì vậy, công tác truyền thông cần được tăng cường, đổi mới nội dung và phương thức thực hiện.

- Chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và tự chủ đại học, trước hết là quán triệt sâu sắc trong nội bộ ngành giáo dục.

- Kịp thời truyền thông kết quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để tạo niềm tin vào đổi mới; những yêu cầu mới đặt ra đối với đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, làm rõ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện; đồng thời có các biện pháp kiểm soát kịp thời các thông tin sai lệch, có tác động tiêu cực đến ngành.

----------------

[1]Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 thay thế Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được quy định tại Nghị định 90/CP năm 1993, Luật Giáo dục sửa đổi 2009, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

[2]Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18-10-2016 phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam.

[3]Từ năm 2016 đến nay, Bộ GDĐT đã ban hành và trình cấp thẩm quyền ban hành 211 văn bản, gồm hai Luật, 18 nghị định và nghị quyết của Chính phủ; 40 quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 151 thông tư của Bộ trưởng làm cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện trong công cuộc đổi mới giáo dục.

[4]Năm học 2013-2014 cả nước mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thì đến năm 2017, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi được học mẫu giáo từng bước nâng lên, việc chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày cho trẻ em đã được thực hiện tốt hơn. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi để có các giải pháp đầu tư, thúc đẩy thực hiện phổ cập giáo dục theo đúng lộ trình. Nhiều tỉnh,thành phố đã ban hành chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.

[5]Kataoka, S.; Le, A.; Kitchlu, S.; Inoue, K., 2020. Vietnam’s Human Capital: Education Success and Future Challenges. World Bank, Washington, DC.

[6]Bộ GD-ĐT chỉ đạo và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29, chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh; kết hợp dạy chữ, dạy người và dạy nghề; xác định rõ mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình phổ thông theo hướng phát triển toàn diện.

[7] Tổ chức bồi dưỡng cho 1.028 cán bộ quản lý cấp sở, phòng giáo dục và đào tạo; 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; 11.000 tổ trưởng chuyên môn; 28.000 giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Các địa phương đã chức tập huấn đại trà cho 100% giáo viên dạy lớp 1, hướng dẫn các nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn để nắm vững chương trình và sách giáo khoa mới.

[8] Tính đến nay, bình quân cả nước đạt 0,98 phòng học/lớp, đa số các trường đủ điều kiện thực hiện được phương án tổ chức dạy học từ 30 tiết/tuần trở lên. Đây là mức tối ưu của chương trình. Các tỉnh chưa đủ tỉ lệ một phòng học/lớp đều có giải pháp, lộ trình tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng trường lớp, thực hiện quy hoạch, dồn ghép điểm trường theo hướng ưu tiên cho các lớp đầu cấp.

[9] Tất cả các quyển sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT tạo phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Hầu hết các địa phương chọn ít nhất sách giáo khoa từ ba bộ sách trở lên. Trong đó 36 tỉnh chọn sách giáo khoa của cả năm bộ.

[10] Cấp tiểu học chuyển sang đánh giá sự tiến bộ của học sinh; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số, kết hợp đánh giá của thầy cô, học sinh và phụ huynh. Cấp trung học cơ sở và trung học  phổ thông đánh giá theo hướng chú trọng cách học và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

[11]Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13-3-2017 quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, CĐ theo niên chế hoặc tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ.

[12] Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4-4-2017 ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ đã yêu cầu người học phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn hai năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển hoặc phải có bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp.

[13]Kết quả này thể hiện rõ nét nhất trong năm 2020, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ GD-ĐT đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức thi thành hai đợt phù hợp tình hình dịch bệnh của từng địa phương. Cùng sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các địa phương, kỳ thi được tổ chức thành công, vừa  bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng, minh bạch và nghiêm túc, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Giám đốc giáo dục của OECD Andrea Schleicher đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, khi vừa bảo đảm an toàn cho thí sinh, vừa xây dựng phương án  bảo đảm cơ hội bình đẳng cho tất cả thí sinh trên toàn quốc, là quốc gia điển hình có thể tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện đại dịch khó khăn như hiện nay.

[14]Trong kỳ đánh giá PISA 2018 (công bố vào năm 2019), Việt Nam đạt 543 điểm Khoa học, điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 4 bậc so với năm 2015; đạt 505 điểm đọc hiểu, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 19 bậc so năm 2015. So các nước trong khu vực, Indonesia là nước có mức đầu tư tương đương, hay Thái Lan là nước có mức đầu tư gấp đôi Việt Nam, chúng ta vẫn có sự chênh lệch hơn 90 điểm, tương đương với khoảng 2-3 năm học.

[15]Sau ba năm triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, Đề án 1665 nói chung, Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp quốc gia và Chương trình ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức thường niên nói riêng đã thu được nhiều kết quả tích cực: Số dự án khởi nghiệp HSSV tăng gấp ba lần so năm đầu tổ chức; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khởi nghiệp và tự thành lập doanh nghiệp tăng từ 5% năm 2017 lên 9% năm 2019; Nhiều doanh nghiệp của sinh viên đã được thành lập ngay từ trong trường đại học; 40 cơ sở đào tạo đã thành lập các trung tâm đào tạo doanh nghiệp. 

[16]Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc), trong đó các trường đại học đóng góp trên 90% số bài.

[17]Cuộc thi trực tuyến “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được phát động sâu rộng trong toàn ngành, theo đó, hằng năm (từ năm 2014) thu hút hàng triệu học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia. Cuộc thi đã trở thành một sân chơi bổ ích có tác động mạnh mẽ trong toàn ngành Giáo dục.

[18] Bộ GD-ĐT đã tổ chức xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng; cập nhật hơn 2.000 video các bài giảng trực tuyến trên truyền hình; hơn 900 đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng (giai đoạn 2017-2019).

[19] Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố báo cáo PISA năm 2020. Theo số liệu của báo cáo này, việc học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).

[20] Số lượng du học sinh học bổng Hiệp định tăng từ khoảng 1.500 người vào năm 2013 lên khoảng gần 5.000 người năm 2020.

[21] Tính đến 31-12-2019, cả nước có tổng số 525 dự án FDI còn hiệu lực thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp), với số vốn đăng ký đầu tư đạt 4.376 triệu USD, tăng 321 dự án FDI so với 5 năm trước, số vốn đăng ký đầu tư cũng tăng 3.551 triệu USD.

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử