ĐẢNG BỘ TỈNH NGHỆ AN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
ĐẢNG UỶ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH Vinh, ngày 07 tháng 04 năm 2010
*
Số 141-CV/TV
V.v. hướng dẫn thảo luận cho Văn kiện
Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XXX
Kính gửi: - Các đảng bộ bộ phận, các chi bộ,
- Các đơn vị, Hội cựu giáo chức,
- Các đoàn thể.
Nhằm tập hợp rộng rãi ý kiến, trí tuệ của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, học viên Nhà trường trong việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Vinh lần thứ XXIX (nhiệm kỳ 2005-2010) và tham gia xây dựng phương hướng, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ và giải pháp hoạt động của Đảng bộ Trường Đại học Vinh giai đoạn 2010-2015, Ban Thường vụ Đảng uỷ hướng dẫn thảo luận và tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Vinh lần thứ XXX (nhiệm kỳ 2010-2015) cụ thể như sau:
I. NỘI DUNG THẢO LUẬN, GÓP Ý
1. Về đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XXIX (nhiệm kỳ 2005-2010)
Tập trung thảo luận, góp ý:
- Phần khái quát về thuận lợi và khó khăn.
- Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đảng bộ Trường lần thứ XXIX, những vấn đề nêu trong dự thảo đã hợp lý, đầy đủ hay chưa? Cần đánh giá, sửa đổi, bổ sung nội dung nào, sửa đổi, bổ sung như thế nào?
- Chỉ ra những tồn tại và hạn chế cần phải tập trung giải quyết mà dự thảo báo cáo chưa nêu hoặc chưa làm rõ.
2. Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động của Đảng bộ Trường giai đoạn 2010-2015
Tập trung thảo luận, góp ý:
- Phần Dự báo khái quát tình hình.
- Phương hướng và mục tiêu tổng quát.
- Một số chỉ tiêu phấn đấu đạt được trong nhiệm kỳ: cần thêm, bớt gì cho phù hợp với tình hình trong thời gian tới.
Ngoài các nội dung trên: có thể thảo luận, góp ý thêm về bố cục văn bản, văn phong, chính tả và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của Đảng bộ Trường.
II. ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN GÓP Ý
1. Đối tượng tham gia đóng góp ý kiến
Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Vinh lần thứ XXX (nhiệm kỳ 2010-2015) phải được tổ chức lấy ý kiến đóng góp trong tất cả các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trực thuộc Trường và các tập thể, cá nhân có tâm huyết, quan tâm đến hoạt động của Nhà trường.
2. Hình thức tổ chức
- Đối với đảng bộ bộ phận, chi bộ: tổ chức thảo luận, góp ý tại đại hội của đơn vị hoặc tổ chức hội nghị góp ý riêng trong tháng 4/2010.
- Đối với các khoa, phòng, ban, trung tâm, trạm: tổ chức hội nghị cán bộ, công chức của đơn vị để thảo luận, góp ý.
- Đối với các đoàn thể: tổ chức thảo luận, góp ý trong Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng.
- Đối với Hội cựu giáo chức: tổ chức thảo luận, góp ý trong Ban Chấp hành và xin ý kiến của các hội viên có tâm huyết.
3. Cách thức thảo luận
- Người chủ trì nêu mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc góp ý dự thảo văn kiện đại hội, quán triệt yêu cầu phát huy dân chủ, trí tuệ và tâm huyết của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, học viên tập trung đóng góp ý kiến theo các nội dung của hướng dẫn này.
- Đại biểu có thể tham gia ý kiến chung các nội dung dự thảo văn kiện hoặc tập trung góp ý sâu các nội dung theo lĩnh vực phụ trách, nội dung sở trường hoặc vấn đề quan tâm. Việc góp ý cần tiến hành theo trình tự các nội dung nêu trong dự thảo văn kiện, tránh lặp lại ý kiến người khác đã nêu.
- Ban Thường vụ Đảng uỷ khuyến khích các cá nhân phát huy năng lực, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, đào sâu suy nghĩ, góp ý bằng văn bản về những vấn đề quan tâm, đặc biệt là đề xuất, hiến kế nội dung, giải pháp mới, các phong trào, các cuộc vận động của Đảng bộ Trường trong nhiệm kỳ tới.
III. HƯỚNG DẪN VIẾT BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN THẢO LUẬN, GÓP Ý CHO DỰ THẢO VĂN KIỆN
1. Bám sát nội dung gợi ý thảo luận tại mục I; tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến thảo luận. Ý kiến thảo luận phải được phân định, sắp xếp và tổng hợp theo nhóm nội dung các vấn đề đã được hướng dẫn và bám trình tự tiêu đề trong dự thảo văn kiện.
2. Bản tổng hợp vừa phải có tính khái quát, vừa phải cụ thể, thể hiện đúng tinh thần của các ý kiến và làm rõ xu hướng của các loại ý kiến đối với vấn đề thảo luận; nêu rõ lập luận của những ý kiến cá biệt có nội dung sâu sắc, nhưng không bình luận, nhận xét theo ý kiến chủ quan của người tổng hợp.
3. Xác định số lượng và mức độ ý kiến: nêu cụ thể số đảng viên tham dự, số lượng ý kiến phát biểu; tổng hợp rõ số lượng ý kiến (đồng ý, không đồng ý) hoặc đánh giá theo các mức độ sau:
- “Hầu hết ý kiến” (sử dụng khi có khoảng ¾ trở lên số ý kiến có cùng chính kiến);
- “Đa số ý kiến” (sử dụng khi có khoảng ½ đến dưới ¾ số ý kiến có cùng chính kiến);
- “Nhiều ý kiến” (sử dụng khi có khoảng ¼ đến dưới ½ số ý kiến có cùng chính kiến);
- “Một số ý kiến” (sử dụng khi có dưới ¼ số ý kiến có cùng chính kiến);
- “Có ý kiến” (sử dụng trong trường hợp có một vài ý kiến có sự khác biệt hoặc đáng lưu ý về một vấn đề nào đó).
4. Những ý kiến góp ý bằng văn bản của cá nhân cán bộ, đảng viên, quần chúng được tổng hợp như ý kiến phát biểu trực tiếp. Trường hợp những vấn đề lấy phiếu biểu quyết thì phải nêu rõ kết quả biểu quyết.
5. Những vấn đề phải phản ánh nguyên văn: những ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi, thay đổi cấu trúc, tiêu đề hoặc một đoạn, một câu, một từ hoặc một cụm từ cần được phản ánh đầy đủ, ghi nguyên văn, đồng thời phải nêu rõ ở đoạn nào, trang nào trong dự thảo văn kiện.
Các báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý của các đơn vị phải gửi về Ban Thường vụ Đảng uỷ để tổng hợp trước ngày 28/04/2010 (qua Văn phòng Đảng uỷ) bằng văn bản hoặc qua hộp thư điện tử: tuandhv@gmail.com
Nhận được Công văn này, Ban Thường vụ Đảng ủy yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Ban Thường vụ các đoàn thể và Hội cựu giáo chức thực hiện đúng thời gian quy định.
Nơi nhận: T/M BAN THƯỜNG VỤ
- Như trên. BÍ THƯ
- Lưu Văn phòng Đảng ủy.
Đinh Xuân Khoa