Lược ghi kết luận của đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tại Hội nghị cán bộ cốt cán toàn tỉnh triển khai quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 ( Khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
 
Kính thưa các đồng chí!
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ của hơn 600 cán bộ cốt cán toàn tỉnh, Hội nghị đã hoàn thành các nội dung triển khai quán triệt Nghị quyết và thảo luận về các kế hoạch hướng dẫn của tỉnh, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Ý kiến các đồng chí đều đồng tình cao với mục đích, nội dung, phương châm, giải pháp... của Nghị quyết. Một số ý kiến khẳng định sự tin tưởng vào Nghị quyết nhưng vẫn có băn khoăn, lo lắng: làm thế nào để tránh xa khuynh hướng quá tả hoặc quá hữu, tức là làm qua loa hoặc là "bé xé ra to", gây mất đoàn kết nội bộ. Về vấn đề này Nghị quyết đã xác định rõ phương châm khách quan, trung thực, khoa học, hiệu quả; kiên quyết, quyết tâm cao nhưng phải bình tĩnh, không nóng vội, cực đoan; không để địch lợi dụng, kết hợp "chống và xây", "xây và chống". Phải chống địch lợi dụng và chống cả người cơ hội trong nội bộ lợi dụng nhằm trục lợi cá nhân. Ai là cơ hội thì tập thể cần tỉnh táo để phát hiện ra, để nhận diện cho đúng. Đặc biệt, nội dung góp ý, nội dung phê bình là trong sáng hay động cơ cá nhân, là chân thành cho đồng chí mình sửa chữa hay là từ "bé xé ra to", nói trong hội nghị kiểm điểm như thế nào thì đưa ra các phương tiện truyền thông như thế đấy. Muốn tránh được 2 khuynh hướng này thì tập thể cấp ủy phải lãnh đạo chặt chẽ và mỗi người chúng ta phải chân thành, trong sáng, cầu thị và giữ đúng nguyên tắc. Có khuyết điểm thì tự nhận, các đồng chí mình góp ý thì tiếp thu, sửa chữa, nếu chưa đúng ý thì giải trình cho rõ, để giải tỏa, đừng nặng nề, đừng ra ngoài nói. Mất đoàn kết chính là ở đây. 
Có ý kiến lại băn khoăn việc triển khai Nghị quyết lần này nặng về giải pháp kiểm điểm hơn là các giải pháp khác. Cần phải quan tâm các giải pháp như rà soát bổ sung hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng... Vấn đề này trong kế hoạch của Bộ Chính trị, của Ban Thường vụ đều có cả, cái mới của hệ thống giải pháp lần này nói rõ những giải pháp có thể làm ngay được và những giải pháp cần phải có thời gian. Kiểm điểm tự phê bình và phê bình là giải pháp làm ngay được, và cần phải làm trước, cho nên hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Có ý kiến cho rằng, đây là Nghị quyết mà nhân dân và đảng viên rất kỳ vọng, trong đánh giá hạn chế yếu kém có đề cập một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó có cán bộ lãnh đạo. Nếu sắp tới kiểm điểm không chỉ ra được cụ thể thì niềm tin, hy vọng của đảng viên và nhân dân sẽ như thế nào? Nếu cho rằng lần này phải xử lý kỷ luật càng nhiều những cán bộ có khuyết điểm mới đạt yêu cầu thì nhận thức này cũng không hoàn toàn đúng. Cái quan trọng nhất là mỗi người có khuyết điểm tự nhận được bằng tự giác của mình, bằng góp ý của đồng chí, đồng đội và quyết tâm khắc phục sửa chữa và sửa chữa bằng được. Đấy mới là mục đích của Nghị quyết, chứ không phải kỷ luật nhiều mới đạt được mục đích hay không đạt mục đích. Bằng sự tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời xin ý kiến góp ý của cá nhân, của tập thể, của đoàn thể, tổ chức, đó chính là cách chỉ ra khuyết điểm yếu kém của từng tập thể, cá nhân. Trường hợp nào có khuyết điểm mà cố tình không nhận khuyết điểm, không tự giác sửa chữa, sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì xử lý kỷ luật. Trong Nghị quyết và trong hướng dẫn kiểm điểm cũng nói rất rõ: mỗi người ít hay nhiều đều có khuyết điểm. 
Về các giải pháp đột phá, thì có nhiều ý kiến đề xuất cần tập trung vào 2 giải pháp đột phá. Một là công tác tổ chức cán bộ, trong đó quan trọng nhất là đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Đây là khâu quyết định nhất nhưng cũng là khâu yếu kém nhất, khó khăn nhất từ trước đến nay. Thực tế đã chứng minh, một người phấn đấu quyết liệt hơn, trong sáng hơn, thẳng thắn hơn, trung thực hơn, thì có khi cuối năm khi bỏ phiếu đánh giá lại không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì va chạm, còn đồng chí khác "bình bình" lại được xuất sắc. Cho nên bây giờ chúng ta cần phải tập trung sửa để xây dựng tiêu chí cán bộ theo từng chức danh và tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ. Đảng đang cố gắng khắc phục vấn đề này. Quan điểm đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện, biện chứng và hết sức cụ thể, lấy tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ, tâm huyết, trách nhiệm, trong sáng làm thước đo chính; đừng "tròn trĩnh" quá, đừng có căn cứ duy nhất vào phiếu tín nhiệm cao. "Đều đều, không sai phạm lớn", "không có tì vết lớn", xởi lởi, thế là tốt, phiếu cao? Nhưng mà hỏi có tác động gì đến công việc chung không, thì không hoặc không đáng kể. Giải pháp đột phá thứ hai là tính tiên phong gương mẫu của cán bộ chủ trì, nhất là người đứng đầu. Điều này rất đúng, vì vậy Nghị quyết mới đưa giải pháp kiểm điểm nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên lên trên hết.
Vấn đề về kê khai tài sản thì lâu nay đã làm, nhưng mang tính hình thức, chưa hiệu quả, cho nên NQ yêu cầu phải công khai nơi công tác và nơi cư trú. Đối với vấn đề lấy phiếu tín nhiệm thì cán bộ 2 năm không đạt yêu cầu phải thay thế, có đồng chí băn khoăn là không khả thi vì lâu nay xếp loại cuối năm đều hoàn thành tốt và xuất sắc cả, số hoàn thành nhiệm vụ ít và không có ai không hoàn thành nhiệm vụ. Muốn đánh giá cán bộ cho chính xác, phải khắc phục bệnh hình thức trong đánh giá cán bộ. Việc cán bộ không đạt yêu cầu vẫn nhiều, nhưng xếp loại hàng năm thì không có ai không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là lỗi của chúng ta. Ta phải sửa. Tự mỗi người chúng ta phải sửa, bởi chúng ta sợ mất lòng nên cho nhau xuất sắc hết. 
Một số ý kiến tham gia góp ý vào kế hoạch của Ban Thường vụ và hướng dẫn của các ban thì theo tôi: Thứ nhất, về tổ chức học tập, quán triệt, đối tượng học tập, cách thức tổ chức, tài liệu học tập đã có kế hoạch của Ban Thường vụ và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo khá đầy đủ. Riêng tài liệu, băng hình phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư được phổ biến đến cấp huyện, không sao gửi xuống cấp cơ sở. Do vậy, các đồng chí nghe được trực tiếp có thể chuyển tải ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về tinh thần Nghị quyết. Thứ hai: Về tổ chức kiểm điểm, đối tượng kiểm điểm, cách lấy ý kiến góp ý, đối tượng lấy ý kiến góp ý, cách gợi ý kiểm điểm, phân công trách nhiệm lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến kiểm điểm; Cách triển khai công tác tư tưởng trong quá trình thực hiện Nghị quyết, đã có hướng dẫn cụ thể của Ban tổ chức, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Riêng về kiểm điểm, tôi nói sau.
Những kiến nghị đề xuất như: Cần rút gọn số lượng văn bản ở cấp tỉnh thành một văn bản của Ban Thường vụ, các ban không cần. Vấn đề này cần thống nhất như sau: ở tỉnh sẽ có kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn chi tiết, cụ thể của các ban: Tổ chức, Tuyên giáo, Kiểm tra, Dân vận. Thực tế mỗi hướng dẫn sẽ có một nội dung khác nhau, không hoàn toàn giống như kế hoạch của Ban Thường vụ. Ví dụ phần kiểm điểm, kế hoạch của Ban Thường vụ nêu những nguyên tắc chung, những định hướng lớn, còn chi tiết hơn, cụ thể hơn là hướng dẫn của Ban Tổ chức...
Có ý kiến cho rằng phần mục đích yêu cầu các văn bản đều giống nhau là không hoàn toàn chính xác. Thực tế, yêu cầu triển khai kế hoạch, triển khai Nghị quyết TƯ 4 là yêu cầu tổng thể cần đạt được, còn hướng dẫn của Ban Tổ chức là về kiểm điểm tự phê bình và phê bình; Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo là về tuyên truyền Nghị quyết; hướng dẫn của Ban Dân vận là triển khai nghị quyết với các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên; hướng dẫn của Ban Kiểm tra là kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết và việc tham mưu cho cấp ủy thực hiện Nghị quyết...
Tuy nhiên, đối với cấp huyện có thể gom lại thành một văn bản nhưng phải đảm bảo rõ, gọn, đầy đủ và thuận lợi trong triển khai. Xuống cơ sở lại càng phải gọn, dễ hiểu. 
Về việc mẫu hóa một số văn bản, như là văn bản lấy ý kiến góp ý, văn bản báo cáo kết quả kiểm điểm... Thường trực sẽ giao cho Ban Tổ chức, Văn phòng cùng các ban để có định lượng nội dung các văn bản này. 
Về đề xuất cần chọn một số vụ việc nổi cộm, bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết. Những nội dung này đã được đề cập trong văn bản của TƯ, của tỉnh. Đi liền với kiểm điểm là xác định những vấn đề nổi cộm, bức xúc để tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết. Và chính những nội dung nội cộm, bức xúc trên 3 vấn đề NQ nêu là nội dung kiểm điểm tập thể, cá nhân. 
Tuy nhiên, có những vấn đề nổi cộm, bức xúc, sai phạm, là do từ những quy định ở tầm vĩ mô. Nhưng quan trọng nhất là khi phát hiện bất hợp lý chúng ta có kiến nghị không, kiến nghị có kịp thời không. Không sai luật, không sai quy định của Đảng thì không thể đưa lãnh đạo ra kiểm điểm. Bức xúc nhất hiện nay là vấn đề đất đai và nguyên nhân chính là do xuất phát từ những quy định của Luật Đất đai, nhưng một phần do tổ chức thực hiện của chúng ta. Quy định của Luật Khoáng sản hiện nay rất thoáng, tạo cho một số tư nhân kinh doanh khoáng sản giàu có, những kẽ hở của Luật Đất đai tạo ra một số tư nhân kinh doanh bất động sản giàu có... thì phải kiến nghị sửa luật. Quan trọng nhất là những trường hợp trên giàu nhưng có làm đúng luật không? Doanh nghiệp thì được làm những gì luật không cấm; Công chức thì được làm những gì luật cho phép. Chúng ta phải theo nguyên tắc đó để xử lý.  
Bây giờ, tôi xin lưu ý một số điểm sau khi triển khai ở cơ sở và cấp huyện: Thứ nhất, đề nghị bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch và trực tiếp phổ biến nghị quyết. Ban Tuyên giáo không xuống làm thay. Đó là quy định của Bộ Chính trị. Phải nắm vững tinh thần văn bản của Trung ương, của tỉnh và từ đó xác định những nội dung phù hợp thực tế đơn vị mình để triển khai. Trung ương yêu cầu các đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng phải trực tiếp truyền đạt nghị quyết, qua đó mới kiểm nghiệm được năng lực thuyết trình, trách nhiệm, kể cả năng lực tư duy của cán bộ chủ trì để đánh giá.
Thứ hai là, sau khi quán triệt Nghị quyết, hoàn chỉnh các văn bản của tỉnh cần chuẩn bị kỹ cho đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình, rồi tổ chức kiểm điểm. Quy trình kiểm điểm và tự kiểm điểm có 4 bước: bước 1 gợi ý kiểm điểm và lấy ý kiến góp ý, đều do Thường trực cấp ủy chủ trì, trực tiếp chỉ đạo nhưng gợi ý kiểm điểm là Ủy ban Kiểm tra chủ trì, lấy ý kiến góp ý là Ban Tổ chức chủ trì. Ý kiến góp ý của tập thể được thảo luận thống nhất và thể hiện bằng văn bản do đại diện thường vụ cấp ủy hoặc đại diện lãnh đạo ký tên đóng dấu gửi về nơi nhận. Còn ý kiến góp ý của cá nhân phải ký tên, ghi rõ họ tên, địa chỉ, gửi đúng nơi nhận. Ý kiến góp ý yêu cầu cao nhất là phải khách quan, trung thực, xây dựng với động cơ trong sáng. Cả tập thể cũng như cá nhân góp ý, tránh tình trạng văn bản gửi chưa đến nơi nhưng trên mạng, trên báo đã có thông tin. Cũng phải coi đây là dịp để người được góp ý kiểm điểm giải trình lại với cá nhân hay tổ chức có ý kiến góp ý, nếu ý kiến góp ý chưa chính xác, đừng để thông tin lan truyền tạo dư luận không tốt. Mặt khác, người tiếp nhận cũng cần phải cầu thị, đúng thì phải tiếp thu, sửa chữa.
Bước thứ hai là xây dựng báo cáo kiểm điểm và tiến hành kiểm điểm. Trên cơ sở gợi ý kiểm điểm và ý kiến góp ý, để xây dựng báo cáo kiểm điểm của tập thể và của cá nhân, sau đó tổ chức tiến hành kiểm điểm. Cách kiểm điểm thì tập thể trước, cá nhân sau và cá nhân thì người đứng đầu trước rồi đến các cán bộ tiếp theo. Dành cho người đứng đầu kiểm điểm trước là để góp ý nhiều hơn, bởi người đứng đầu trách nhiệm nặng nề hơn, va vấp nhiều hơn, do vậy có thể có thiếu sót, khuyết điểm nhiều hơn.
Bước thứ ba là báo cáo kết quả lên cấp trên, và cấp ủy, lãnh đạo để góp ý.
Cuối cùng là thông báo cho nơi góp ý. Riêng đối với cá nhân góp ý tùy điều kiện để thông báo cho phù hợp.
Đối tượng kiểm điểm là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và mọi cán bộ đảng viên từ Trung ương đến cơ sở đều phải tổ chức kiểm điểm. Về nơi kiểm điểm: các đồng chí trong Ban Thường vụ thì kiểm điểm ở tập thể Ban Thường vụ, ở đảng đoàn mà mình tham gia hoặc ở tập thể lãnh đạo cơ quan nếu không có đảng, đoàn và ở chi bộ; các đồng chí cấp ủy viên không phải là thường vụ thì kiểm điểm ở đảng, đoàn hoặc tập thể cơ quan nơi mình công tác nếu như nơi đó không có ban cán sự đảng, đoàn và ở chi bộ; các đồng chí lãnh đạo không phải là cấp ủy thì kiểm điểm trong tập thể cơ quan và chi bộ; các đồng chí đảng viên khác thì kiểm điểm ở chi bộ. 
Về nội dung kiểm điểm: Tập trung vào 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết đã nêu và 19 điều quy định đảng viên không được làm để kiểm điểm cả tập thể và cá nhân. Tôi xin nhấn mạnh cụ thể về thẩm quyền trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan. Như thế nào là buông lỏng lãnh đạo, là bao biện lấn sân và như thế nào là bí thư và chủ tịch không thống nhất, có phải bí thư, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo một đường, chủ tịch chỉ đạo một nẻo, bí thư nói thế này, chủ tịch nói thế kia? Vấn đề là chúng ta phải lượng hóa, phải xây dựng được quy chế quy định những vấn đề về kinh tế - xã hội, cấp ủy, thường trực cấp ủy phải cho ý kiến trước khi thực hiện. Ngoài những vấn đề đó thì bí thư cấp ủy có thể có ý kiến được không? Đương nhiên là có vì Đảng lãnh đạo toàn diện, mọi thành tích, mọi kết quả trên địa bàn đồng chí bí thư cấp ủy đều phải chịu trách nhiệm, nhưng chỉ có ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo để đồng chí chủ tịch làm tốt hơn chứ không làm thay, không gây khó khăn. Đồng thời, đồng chí chủ tịch cũng là phó bí thư được phân công chịu trách nhiệm về kinh tế - xã hội, do vậy mọi tình hình về kinh tế - xã hội và hoạt động của Ủy ban nhân dân thì chủ tịch phải thường xuyên báo cáo bí thư và cấp ủy. Như vậy, cấp ủy và bí thư mới kiểm soát được tình hình, đảm bảo việc thực hiện đúng chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định, Kết luận của cấp ủy, tránh để hậu quả xảy ra nặng nề rồi mới xử lý.
Về mốc kiểm điểm, thì phải xác định 3 vấn đề cấp bách đến nay vẫn tồn tại những gì, khi kiểm điểm có thể liên hệ với thời gian trước.
Điểm cuối cùng là xử lý sai phạm sau kiểm điểm như thế nào? Sai phạm mà không thành khẩn nhận, không tự giác khắc phục, đáng phải kỷ luật thì kỷ luật. Về vấn đề này đã có các quy định: Đối với kỷ luật đảng đã có Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn; sai phạm về hành chính có nghị định của Chính phủ về xử lý cán bộ công chức; còn sai phạm về pháp luật thì xử lý theo quy định của pháp luật. 
Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sai phạm của cán bộ cần phải xác định: Không phải mọi vấn đề kiểm điểm đều đưa lên mặt báo mà khi đưa tin xử lý kỷ luật phải đưa tin theo quan điểm thật nhân văn và đúng Luật Báo chí; phải theo tinh thần, kỷ luật là một biện pháp giáo dục với mục đích để cán bộ, đảng viên tiến bộ. Sai phạm thế nào phải nói đúng, khách quan. Kỷ luật không phải đề dìm cán bộ, mà mục đích là giáo dục để tiến bộ. 
Vấn đề cuối cùng, đi liền với kiểm điểm triển khai Nghị quyết Trung ương 4, cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khác về xây dựng Đảng. Nhất là 8 nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu, các nghị quyết chuyên đề của tỉnh. Đặc biệt là phải đảm bảo vừa kiểm điểm tự phê bình và phê bình nhưng đồng thời phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Chỉ lo kiểm điểm mà bê trễ nhiệm vụ chính trị là không đạt yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Sau năm 2012, việc kiểm điểm này sẽ kết hợp với kiểm điểm cuối năm hàng năm.