Sáng 1/2/2021, tại Trung tâm Hội nghị
Quốc gia (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bế mạc
và thành công tốt đẹp.
Tham dự phiên bế mạc Đại hội có đầy đủ các
đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Đại hội. Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo,
nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí nguyên
Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa III đến khóa VII, các đồng chí Ủy viên Ủy ban
Kiểm tra Trung ương khóa XII; đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí
thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo tiêu biểu; thanh niên tiêu biểu đại diện
cho thế hệ trẻ Việt Nam; các vị đại sứ, đại diện và trưởng đại diện các tổ chức
quốc tế tại Việt Nam.
PHẤN ĐẤU, NỖ LỰC ĐỂ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí
Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội điều khiển phiên họp.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, thay mặt Đoàn Chủ tịch
Đại hội báo cáo kết quả bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm
tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XIII gồm 200 đồng chí trong đó có 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự
khuyết. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ nhất, bầu Bộ
Chính trị gồm 18 đồng chí.
Với sự thống nhất rất cao, Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam làm Tổng Bí thư Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ban Bí thư Trung ương khóa XIII gồm một số
đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư
và 5 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa
XIII. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII gồm 19 đồng chí; đồng chí Trần Cẩm
Tú tiếp tục được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đại hội nhiệt liệt chúc mừng đồng chí Nguyễn
Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XIII và các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương
Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa XIII.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu nêu rõ: “Tôi xin
chân thành cảm ơn Đại hội, cảm ơn các đồng chí đại biểu Đại hội đã tin cậy, tín
nhiệm, bầu chúng tôi vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại
hội; giao cho chúng tôi trọng trách hết sức lớn lao nhưng vô cùng vinh dự.”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
nhấn mạnh tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xin hứa trước Đại
hội, trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sẽ hết sức cố gắng, ra sức phấn
đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, tiếp nối, kế thừa
truyền thống, những thành quả cách mạng đã đạt được, cùng với toàn Đảng, toàn
dân phát huy những truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta, dân
tộc ta, tăng cường đoàn kết nhất trí, thống nhất tư tưởng và hành động; luôn
luôn rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng để không ngừng nâng cao
bản lĩnh chính trị và năng lực công tác, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị
quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách
mạng trong giai đoạn mới và lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu của các bậc lão thành
cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan, ban, bộ,
ngành Trung ương và địa phương, các giới, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước,
đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế..., để tập thể Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIII có thêm sức mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng chia sẻ: "Chúng tôi luôn luôn ý thức rằng, vinh dự bao giờ cũng đi
đôi với trách nhiệm, vinh dự càng cao, trách nhiệm càng lớn, nhất là trong giai
đoạn sắp tới như trong các Văn kiện trình Đại hội vừa qua đã nói, có rất nhiều
thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng có muôn vàn khó khăn, thử thách. Cho nên, tuyệt
đối không được chủ quan, không được tự mãn, không được kiêu ngạo và càng phải
khiêm tốn học tập, càng phải khiêm tốn làm mọi công việc để xứng đáng với sự
tin cậy của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tập thể 200 thành viên của Ban Chấp
hành Trung ương khóa này, kể cả chính thức và dự khuyết, xin hứa với các đồng
chí, với Đại hội, sẽ là một khối đoàn kết thống nhất cao, và sẽ thực hiện như
Bác Hồ đã nói: Đại hội là một dịp đã đoàn kết càng đoàn kết hơn, đã tiến bộ
ngày càng tiến bộ hơn."
NHẤT TRÍ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ
XIII CỦA ĐẢNG
Tại phiên bế mạc, đồng chí Lê Minh Hưng, Bí
thư Trung ương Đảng khóa XIII, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn Thư
ký đọc toàn văn dự thảo Nghị quyết Đại hội. Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị
quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Nghị quyết nêu rõ: Đại hội tán thành những nội
dung cơ bản về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và đánh giá
chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh
1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; định hướng phát triển và phương
hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời gian tới nêu trong các văn kiện
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội.
Nghị quyết nêu bật kết quả thực hiện Nghị
quyết Đại hội XII; khẳng định những thành tựu đạt được 5 năm qua là kết tinh
sức sáng tạo của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và
toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, góp phần tạo nên những thành tựu to
lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới.
Nghị quyết đánh giá Mười năm thực hiện Cương
lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tể
- xã hội 10 năm 2011 - 2020; nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30
năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội (Cương lĩnh năm 1991).
Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc
đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện
Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế
phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu
quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều
biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng,
ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu
vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh."
Nêu tầm nhìn và định hướng phát triển, quan
điểm chỉ đạo, Nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực
lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ
thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin
của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát
vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng
bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững
chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ
XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm
giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có
công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm
2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp
hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở
thành nước phát triển, thu nhập cao.
Cụ thể là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh
đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị
toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của
Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu
lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng,
lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên
và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng
lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với
Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tập trung kiểm soát đại dịch COVD-19, tiêm
chủng đại trà vắcxin COVID-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế-xã
hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng,
hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy
đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu
vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính
sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu,
chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là
những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi
số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả,
sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các
nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ
thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các
tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất
nước.
Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao
chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực
quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện
đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công
an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo
vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng
trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát
triển văn hoá đồng bào dân tộc thiếu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo
đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý
phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng
cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.
Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế,
chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của
nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã
hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội
chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
tổ chức chính trị-xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn
kết toàn dân tộc.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất
đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai
các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.
Nghị quyết nêu 3 đột phá chiến lược
được xác định là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị
quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả.
Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất
lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập
môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần
kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả
mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công-tư; đẩy
mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám
sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân
lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo,
quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến
mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển
dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và
phát triển mạnh khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát
triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giả trị văn hoá, sức mạnh con
người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ,
hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng
điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát
triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng
bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
NHỮNG KẾT QUẢ, THÀNH CÔNG NỔI BẬT CỦA ĐẠI HỘI
LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
Trong không khí phấn khởi trước thành công tốt
đẹp của Đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIII đọc diễn văn bế mạc, tổng kết những kết quả, thành công nổi
bật của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
nêu rõ: Sau 8 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần "Đoàn
kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển", với ý thức trách nhiệm cao
trước Đảng, nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra,
kết thúc sớm hơn gần 2 ngày so với kế hoạch đề ra.
Đại hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân
chủ và nhất trí cao thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Báo
cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020,
xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh
giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và
phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng
kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; Báo cáo kiểm điểm
sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XIII gồm 200 đồng chí tiêu biểu cho hơn 5 triệu đảng viên, có đủ tiêu
chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng
và nhân dân giao phó.
Đại hội biểu thị sự thống nhất ý chí và quyết
tâm hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ mới, thực
hiện bằng được mục tiêu phát triển tổng quát đã nêu trong Báo cáo chính trị.
Đại hội đã thảo luận và thông qua những chủ trương, quyết sách quan trọng để
định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, toàn diện quá trình triển khai tổ
chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững, xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội khẳng định, Đảng ta tiếp tục kiên định
chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển
sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục
tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại hội nhấn mạnh, Đảng phải tăng cường xây
dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; tiếp
tục nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, cầm quyền trong hoạch định và thực
hiện đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển
của thời đại.
Đại hội xác định rõ: Kịp thời thể chế hóa, cụ
thể hóa, triển khai thực hiện đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo,
chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ,
trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên,
trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược;
giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc,
cơ chế, quy định của Đảng, thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật,
kỷ cương của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
nhấn mạnh: “Đến giờ phút này, chúng ta có thể vui mừng báo cáo với toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân rằng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta
đã thành công rất tốt đẹp!”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
nêu rõ thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng sẽ cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi
khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu sớm đưa nước ta
trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ
nghĩa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề
nghị ngay sau Đại hội, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ
biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại
hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn
trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong
trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn,
thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là biến những
quyết định quan trọng của Đại hội thành hiện thực sinh động, đưa nghị quyết vào
cuộc sống, làm ra của cải vật chất, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.
"Vừa qua, tổ chức thực hiện Nghị quyết
vẫn là khâu yếu, sắp tới phải hết sức chú ý chỗ này. Muốn thế phải thể chế hóa,
cụ thể hóa, có chương trình kế hoạch hành động cụ thể từ trên xuống dưới, lãnh
đạo rất sâu sát, cụ thể, quyết liệt, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, kịp thời
biểu dương khen thưởng việc tốt người tốt và phê bình, thậm chí kỷ luật những
người làm sai, làm hỏng, làm trái đường lối nghị quyết của Đảng. Tinh thần ấy
mới là quan trọng" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở
nước ngoài hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết
Đại hội với tinh thần năm sau phải tốt hơn năm trước; nhiệm kỳ khóa XIII phải
tốt hơn nhiệm kỳ khóa XII.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp, cống hiến to
lớn của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
khóa XII; nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cảm ơn các cấp ủy, tổ chức đảng,
các đồng chí lão thành cách mạng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và
các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể nhân dân, toàn thể cán bộ, đảng
viên, các nhân sĩ, trí thức, cùng đông đảo nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước
ngoài đã tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và đóng góp những ý kiến quý báu vào
dự thảo các văn kiện Đại hội, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc
tế đã tham dự khai mạc, bế mạc, gửi điện, thư chúc mừng Đại hội, biểu thị những
tình cảm hữu nghị và đoàn kết tốt đẹp đối với Đảng ta, nhân dân ta và đất nước
ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí
trong và ngoài nước đã đến dự và kịp thời đưa tin về Đại hội; biểu dương và cảm
ơn các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội, các cấp,
các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động, các sĩ quan và chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã tận tuỵ
làm tốt công tác phục vụ, góp phần thiết thực vào thành công của Đại hội.
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo