Trần Lưu Hải

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương

 

Từ tháng 5-2010, đại hội Đảng cấp cơ sở bắt đầu được tiến hành, đây là cơ sở quan trọng cho thành công của đại hội đại biểu đảng bộ các cấp trên cơ sở và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Do vậy, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị phải tập trung chỉ đạo quyết liệt để tổ chức thành công ngay từ các đại hội Đảng cấp cơ sở.

Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã quyết định tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào nửa đầu tháng 1-2011. Để thực hiện nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 04-8-2009 về “Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng”. Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ: Đại hội XI của Đảng là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước; đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, đại hội Đảng cấp cơ sở bắt đầu tiến hành từ tháng 5 và cơ bản hoàn thành trong tháng 6-2010; đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên cơ sở, quận, huyện và tương đương hoàn thành trong tháng 8-2010; đại hội đại biểu các đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành trong tháng 10-2010. Để tiến hành tốt đại hội các tổ chức cơ sở đảng lần này, các cấp ủy đảng cần tổ chức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị, các quy chế, quy định, hướng dẫn của Trung ương và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên. Phải làm cho các cấp ủy viên và đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững yêu cầu, nội dung về đại hội đảng bộ các cấp, nhất là những chủ trương mới mà Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện thí điểm như đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; đại hội đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp bầu bí thư, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong toàn đảng bộ. Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, cần mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tập hợp trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hiện nay, toàn Đảng có gần 54.000 tổ chức cơ sở đảng (gần 22.000 đảng bộ cơ sở, hơn 32.000 chi bộ cơ sở) và hơn 200.000 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với tổng số gần 3,5 triệu đảng viên. Các tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở có nhiệm vụ lãnh đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống ở cơ sở. Các cấp cơ sở là nơi thể hiện toàn diện, trực tiếp và cụ thể nhất quyền làm chủ của đảng viên, quần chúng; nơi thể hiện tập trung nhất mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân; nơi giáo dục, rèn luyện, đàn tạo, bôi dưỡng, quản lý, kết nạp và sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên; nơi tạo nguồn và bổ sung cán bộ chế các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các cấp trên.

Thực tiễn và kinh nghiệm của công tác xây dựng Đảng trong những năm qua, như là trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cho thấy: Sự phát triển và vững mạnh của các tổ chức cơ sở đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự phát triển và vững mạnh của toàn Đảng, sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội các tổ chức cơ sở đảng lần này phải thể hiện tinh thần đổi mới; quán triệt các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng để xác định nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ mình trong 5 năm tới cho phù hợp; tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng cấp ủy viên, trước hết là đội ngũ bí thư cấp ủy và bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên bao gồm những đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu trong sự nghiệp đổi mới, được đảng viên và quần chúng ở địa phương, cơ quan, đơn vị tín nhiệm. Như vậy, việc chỉ đạo và tổ chức thật tốt đại hội các tổ chức cơ sở đảng là tiền đề rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của đại hội đảng bộ cấp trên và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Các văn kiện của cấp ủy cơ sở trình đại hội lần này gồm: Báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội của đảng bộ, chi bộ nhiệm kỳ qua; báo cáo kiểm điểm về sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy trong cả nhiệm kỳ và dự thảo nghị quyết đại hội. Một yêu cầu đặt ra trong công tác chuẩn bị dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua là phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng tình hình của đảng bộ, chi bộ; chỉ rõ ưu điểm và những việc đã làm được; những khuyết điểm, hạn chế và những việc chưa làm được theo nghị quyết của đại hội đã ra đề ra; xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan và rút ra những linh nghiệm từ thực tiễn. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị nhiệm kỳ qua phải gắn với kiểm điểm việc triển khai, tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và xây dựng, biểu dương những điển hình tiên tiến để nhân rộng. Việc xác định phương hướng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ nhiệm kỳ tới cũng phải căn cứ trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới của cấp ủy cấp trên ; đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, có tính khả thi để thực hiện nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nội lực của địa phương, cơ quan, đơn vị. Báo cáo kiểm điểm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thẳng thắn đấu tranh để làm rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém của tập thể cấp ủy, ban thường vụ và mỗi cấp ủy viên để có biện pháp sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới.

Việc dự thảo nghị quyết đại hội để trình đại hội thông qua lần này cần phải xác định rõ mục tiêu phấn đấu, các chỉ tiêu cần đạt được trên các lĩnh vực; nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu đã nêu trong báo cáo chính trị trình đại hội để làm cơ sở cho cấp ủy mới xây dựng chương trình làm việc toàn khóa; cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện trong từng thời gian, đưa nghị quyết của đại hội vào thực tiễn cuộc sống ở cơ sở. Các dự thảo văn kiện trình đại hội phải chuẩn bị chu đáo và thảo luận kỹ trong tập thể cấp ủy, tổ chức tốt việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của các tổ chức đảng trực thuộc, của đại diện Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, đại hội các tổ chức cơ sở đảng lần này chỉ thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện dự thảo trình Đại hội XI của Đảng và của đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp. Để tập hợp được trí tuệ của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy cơ sở cần tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt các văn kiện dự thảo tại các chi bộ; khuyến khích tranh luận thẳng thắn và tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thiết thực và bức xúc theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Văn phòng Trung ương và cấp ủy cấp trên. Cấp ủy cần tôn trọng ý kiến phát biểu của đảng viên và bố trí những đảng viên có năng lực, kinh nghiệm tổng hợp để tập hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến vào các văn kiện dự thảo trình Đại hội XI của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp để trình ra đại hội thảo luận. Việc thảo luận báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào các văn kiện dự thảo của cấp trên ở đại hội cần tập trung vào những nội dung lớn, quan trọng, thiết thực và những vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và cũng là quán triệt một bước các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ở Đại hội XI và những nhiệm vụ lớn của đảng bộ cấp trên trực tiếp trong nhiệm kỳ tới.

Việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy ở đại hội các tổ chức cơ sở đảng lần này phải đặc biệt coi trọng, bảo đảm các tiêu chuẩn theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII và Chỉ thị của Bộ Chính trị; thực hiện đúng các quy định quy chế, hướng dẫn của Trung ương, đồng thời vận dụng đúng đắn, phù hợp với chủ trương “nhất thể hóa” theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02- 02-2008 của Ban Chấp hành Trung ương về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải căn cứ vào kết quả rà soát quy hoạch cán bộ, kết quả đánh giá cán bộ hằng năm và cuối nhiệm kỳ; bảo đảm thực sự mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, đề cao trách nhiệm của tập thể cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy; kiên quyết đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ địa phương, dân tộc dòng họ, hoặc thái độ nể nang, né tránh, ngại va chạm và các biểu hiện bè phái, cơ hội, lợi dụng dân chủ để vu khống, làm giảm uy tín của cán bộ, gây mất đoàn kết trong nội bộ.

Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, số lượng tối đa cấp ủy viên ở cơ sở nhiệm kỳ này tăng lên so với nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ trước không quá 15, nhiệm kỳ này không quá 21). Tuy nhiên, việc xác định số lượng cấp ủy viên của đảng bộ, chi bộ phải căn cứ vào tính chất, vị trí, đặc điểm, số tổ chức đảng trực thuộc và số lượng đảng viên của mỗi tổ chức cơ sở đảng cho phù hợp. Việc tăng thêm số lượng cấp ủy viên lần này là tạo điều kiện để bổ sung các cấp ủy viên trẻ, cấp ủy viên là nữ. Mỗi cấp ủy cần bảo đảm có 3 độ tuổi tham gia và có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Đặc biệt, công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy lần này cần chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển tham gia cấp ủy, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số; đồng thời kết hợp chặt chẽ với việc chuẩn bị nhân sự cán bộ chủ chốt của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ tới.

Rút kinh nghiệm của các kỳ đại hội trước, trong dịp đại hội lần này các cấp ủy đảng ở cơ sở cần chú ý một số nội dung sau:

- Tổ chức cho cấp ủy và cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên, nhất là những yêu cầu và nội dung mới, tạo thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, trước hết là trong cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp.

- Cấp ủy cấp trên cần chỉ đạo thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra diện rộng; phân công các cấp ủy viên chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và giúp đỡ từng cơ sở, nhất là những đơn vị yêu kém, có nhiều khó khăn. Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc còn tồn đọng ở cơ sở. Những cán bộ được chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới nhưng có vấn đề lịch sử chính trị, có đơn thư tố cáo hoặc có dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, cần chỉ đạo xác minh, làm rõ để kết luận; nếu có sai phạm phải xử lý kịp thời hoặc chủ động cho rút khỏi danh sách chuẩn bị nhân sự cấp ủy trước khi bước vào đại hội.

- Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, các cấp ủy cấp quan tâm chỉ đạo toàn diện các nội dung khắc phục tình trạng quá chú trọng vào công tác nhân sự, xem nhẹ việc chuẩn bị báo cáo chính trị của cấp mình và thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của cấp trên. Quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền và đẩy mạnh các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội.

- Cần lựa chọn những đảng viên có năng lực, kinh nghiệm, nắm vững nguyên tắc, thủ tục quy trình và quy chế bầu cử trong Đảng để tham gia đoàn chủ tịch, đoàn thư ký và ban kiểm phiếu đại hội. Chương trình nội dung và thời gian tiến hành đại hội cần xây dựng khoa học, hợp lý để thực hiện tốt tất cả các nội dung của đại hội đề ra. Những vấn đề trình bày trước đại hội phải được chuẩn bị kỹ bằng văn bản để chủ động điều hành, tránh xảy ra những nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc.

Việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư nhằm mở rộng dân chủ trong bầu cử của Đảng ở cơ sở; phát huy trí tuệ, quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên; đề cao ý thức trách nhiệm của toàn đảng bộ trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng của cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là vấn đề mới chưa được quy định trong Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng nên cần tiến hành thí điểm trước ở một số đảng bộ cơ sở để rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra diện rộng. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong dịp đại hội các tổ chức cơ sở đảng lần này, mỗi tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương sẽ chọn và chỉ đạo thực hiện thí điểm chủ trương này tại 5% đến 7% số đảng bộ cơ sở trong đảng bộ mình. Như vậy, toàn Đảng sẽ có khoảng 1.400 đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Những đơn vị chọn thí điểm cần đại diện cho các loại hình và chất lượng của tổ chức cơ sở đảng để có điều kiện tổng kết, rút kinh nghiệm chung.

Vì vậy để thực hiện tốt chủ trương thí điểm trên, các cấp ủy đảng cần tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên; thực sự mở rộng dân chủ trong việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư trước đại hội; đồng thời thực hiện đúng nội dung, quy trình theo Hướng dẫn số 24-HD/BTCTW ngày 06-3-2009 của Ban Tổ chức Trung ương và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Đối với những đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm trước khi có các văn kiện dự thảo của Trung ương trình Đại hội XI của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp thì sẽ tổ chức thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện dự thảo nêu trên sau đại hội theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên.