Ngày 14 tháng 01 năm 2013, Ban Tuyên giáo Trung ương Ban hành văn bản hướng dẫn số 69-HD/BTGTW, về việc xác nhận trình độ sơ cấp lý luận chính trị, kèm theo mẫu xác nhận trình độ sơ cấp lý luận chính trị. Ban Biên tập website Trường xin gửi đến bạn đọc văn bản Hướng dẫn này.

 

 

HƯỚNG DẪN

Về việc xác nhận trình độ sơ cấp lý luận chính trị

 

 

          - Căn cứ Quyết định số 113 – QĐ/TW ngày 9 tháng 7 năm 2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương;

 

          - Căn cứ Quyết định số 185-QĐ/TW ngày 03 tháng 9 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện);

 

          - Căn cứ Quy chế giảng dạy và học tập của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện kèm theo Quyết định số 1853-QĐ/BTGTW ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và công văn số 5723 – CV/BTGTW về điều chỉnh một số điều trong Quy chế giảng dạy và học tập của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương;

 

          - Căn cứ Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16 tháng 9 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về việc xác định trình độ lý luận chính trị;

 

          Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn một số nội dung cụ thể  như sau:

 

1.     Căn cứ và thẩm quyền  xác định

 

- Lấy Chương trình sơ cấp lý luận chính trị theo Hướng dẫn số 65-HD/BTGTW, ngày 11  tháng 12  năm 2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện chương trình Sơ cấp lý luận chính trị làm căn cứ để xác định trình độ tương đương Sơ cấp lý luận chính trị; Chương trình yêu cầu được xác định phải là các chương trình giáo dục lý luận chính trị do các cơ quan có thẩm quyền về giáo dục và đạo tạo của Đảng và Nhà nước thực hiện.

 

- Chương trình lý luận chính trị mà người có nhu cầu xác nhận đã học được tính tương đương Sơ cấp lý luận chính trị khi có ít nhất 80% số tiết lên lớp và 3/4 nội dung của chương trình tương đương với Chương trình được lấy làm căn cứ để xác định. Nếu chương trình đề nghị xác nhận chưa bảo đảm về thời lượng hay nội dung thì Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có thể tổ chức lớp bồi dưỡng cho đủ yêu cầu.

 

- Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tổ chức xác định và cấp giấy xác nhận trình độ tương đương Sơ cấp lý luận chính trị cho người yêu cầu. Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát và thẩm định việc xác nhận để bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời...

 

2. Quy trình, thủ tục tiến hành xác định và cấp giấy xác nhận

 

- Người có nhu cầu xác nhận trình độ lý luận chính trị phải có hồ sơ đề nghị gồm: Đơn đề nghị xác định trình độ tương đương Sơ cấp lý luận chính trị; các văn bằng, chứng chỉ; bảng điểm (bản gốc hoặc bản sao có công chứng) chương trình lý luận chính trị đã được học; công văn đề nghị của cơ quan, chính quyền, đơn vị công tác.

 

- Căn cứ công văn đề nghị, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tổ chức xác định trình độ lý luận chính trị cho người có nhu cầu.

 

3. Giấy xác nhận

 

- Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị có giá trị theo quy định tại Điều 5 Quy định 256 – QĐ/TW ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X);

 

-  Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc tổ chức in theo mẫu chung do Ban Tuyên giáo Trung ương quy định (kèm theo).

 

 

    K/T TRƯỞNG BAN

    PHÓ TRƯỞNG BAN

                 Đã ký

         Phạm Văn Linh

 

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG              ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

                              *

             Số: 65-HD/BTGTW                         Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

VỀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SƠ CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

 

1. Mục đích, yêu cầu

 

- Giúp người học nắm được những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, trên cơ sở đó hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

 

- Qua học tập, người học hiểu và nắm được những nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối cách mạng, sự vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; từ đó, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của cách mạng.

 

- Giúp người học vận dụng những kiến thức được học vào thực tế công tác và cuộc sống, chủ động, tích cực tham gia cùng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và vận động nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

- Sau khi hoàn thành chương trình này, người học được cấp bằng Sơ cấp lý luận chính trị, tạo cơ sở, tiền đề, điều kiện để người học tiếp tục theo học các chương trình cao hơn hoặc được miễn học một số chương trình, chuẩn hóa chức danh cán bộ theo quy định.

 

2. Đối tượng của chương trình

 

- Tất cả đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chưa có bằng sơ cấp lý luận chính trị trở lên hoặc chưa có chứng chỉ công nhận có trình độ tương đương hoặc trên sơ cấp lý luận chính trị.

 

- Cán bộ lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở chưa có bằng sơ cấp lý luận chính trị trở lên hoặc chưa được công nhận có trình độ tương đương hoặc trên sơ cấp lý luận chính trị.

 

- Những người thuộc các đối tượng khác có nguyện vọng, có trình độ học vấn từ phổ thông cơ sở trở lên, được xem xét theo học, cấp bằng và được cấp ủy cơ sở giới thiệu.

 

3. Nội dung

 

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị và tính đa dạng, phong phú của đối tượng học tập, chương trình, tài liệu sơ cấp lý luận chính trị này kế thừa những nội dung cơ bản, hợp lý của chương trình, tài liệu sơ cấp lý luận chính trị do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ban hành năm 2002; tham khảo có chọn lọc bộ giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã được cập nhật đến năm 2011; chương trình, giáo trình các bộ môn lý luận chính trị dành cho sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng không chuyên Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cập nhật, bổ sung những kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực lý luận chính trị, những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; những nội dung cơ bản trong chương trình sơ cấp lý luận chính trị được thực hiện thí điểm từ năm 2009 do Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành.

 

Xuất phát từ mục tiêu và yêu cầu nhận thức cần đạt được đối với người học, chương trình, tài liệu sơ cấp lý luận chính trị này có bước đổi mới cơ bản về bố cục và kết cấu theo lôgíc chặt chẽ và giảm tải, gắn với yêu cầu thực tiễn đất nước, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.

 

4. Phân bổ thời gian và hình thức thực hiện

 

4.1. Phân bổ thời gian

 

Chương trình và tài liệu sơ cấp lý luận chính trị được thiết kế 18 bài, thời lượng thực hiện như sau:

Tên bài

Số tiết

Bài 1: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng

10

Bài 2: Nguồn gốc và cơ sở của thế giới xung quanh

10

Bài 3: Mối quan hệ và sự phát triển của các sự vật, hiện tượng trong thế giới

10

Bài 4: Xã hội loài người và sự vận động, phát triển của xã hội loài người

10

Bài 5: Kinh tế hàng hóa

10

Bài 6: Chủ nghĩa tư bản và các giai đoạn phát triển của nó

10

Bài 7: Hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa

10

Bài 8: Cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam

10

Bài 9: Chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

10

Bài 10: Công nghiệp hóa – nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

10

Bài 11: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ

10

Ôn tập và nghiên cứu thực tế

30

Kiểm tra

5

Bài 12: Nhiệm vụ xây dựng con người, phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội

10

Bài 13: Cơ cấu xã hội và nhiệm vụ phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

10

Bài 14: Hệ thống chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

10

Bài 15: Vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

10

Bài 16: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền

10

Bài 17: Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1945 – 1975)

10

Bài 18: Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (1975-2011)

10

Ôn tập và nghiên cứu thực tế

30

Kiểm tra

5

Ôn tập toàn khóa

30

Tổng giải đáp cuối khóa

10

Thi, kiểm tra

5

Tổng

295

 

4.2. Hình thức thực hiện

 

- Thời gian dành cho chương trình là 30 ngày, 295 tiết, mỗi tiết 45 phút (mỗi ngày tính 10 tiết), bao gồm cả thời gian dành cho lên lớp nghe giảng, thảo luận và nghiên cứu thực tiễn; tỷ lệ giữa thuyết giảng và thảo luận tùy thuộc đối tượng cụ thể và bài cụ thể; khuyến khích tăng cường các phương pháp học tập trực quan, tích cực và tăng thời gian thảo luận, nhưng phải bảo đảm hiệu quả; trong thảo luận, học viên phải nghiên cứu tài liệu trước. Tùy theo đối tượng, có thể bổ sung thêm báo cáo thực tiễn, điều chỉnh thời gian dành cho các nội dung.

 

- Tùy theo tình hình cụ thể, có thể mở lớp tập trung liên tục trong 30 ngày hoặc có thể mở lớp chia thành 02 đợt học, mỗi đợt học xong yêu cầu học viên tự thảo luận, nghiên cứu và có bài thu hoạch, kiểm tra.

 

- Hai đợt nghiên cứu thực tế có thể ghép thành một.

 

Tỉ lệ giữa thời gian thuyết trình và thảo luận, nghiên cứu thực tế; hình thức tổ chức học, bố trí thời gian đi thực tế... do Giám đốc Trung tâm quyết định.

 

5. Tài liệu học tập:

 

- Đối với học viên: sử dụng tài liệu chương trình môn học sơ cấp lý luận chính trị do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành.

 

- Đối với giảng viên: có thể tham khảo thêm các loại tài liệu như:

 

+ Các tài liệu thực hiện chương trình sơ cấp lý luận chính trị dành cho giảng viên.

 

+ Giáo trình các môn học Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác- Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học do Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đạo biên soạn.

 

+ Các tài liệu nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.

 

+ Các tài liệu nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị.

 

6. Về tổ chức chỉ đạo

 

Chương trình sơ cấp lý luận chính trị được thực hiện thống nhất trong cả nước theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.

 

Việc mở lớp do Thường trực cấp uỷ cấp huyện trực tiếp chỉ đạo. Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức quận, huyện, thị xã và tương đương, xây dựng kế hoạch mở lớp hằng năm, trình cấp ủy thông qua. Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức các lớp theo kế hoạch và theo Quy chế dạy và học hiện hành. Sau lớp học báo cáo kết quả học tập gửi Thường trực cấp uỷ quận, huyện, thị xã và Ban Tuyên giáo tỉnh, thành uỷ.

 

Người hoàn thành chương trình sơ cấp lý luận chính trị này được cấp bằng sơ cấp lý luận chính trị. Việc tổ chức học, thi, kiểm tra, đánh giá và cấp bằng sơ cấp lý luận chính trị do các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thực hiện dưới chỉ đạo, thẩm định và giám sát của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Bằng sơ cấp lý luận chính trị hoặc chứng chỉ tương đương là căn cứ, điều kiện để cấp ủy, các đơn vị cử cán bộ, đảng viên và các trường chính trị tỉnh, thành phố nhận vào học các lớp để có trình độ Trung cấp lý luận chính trị (cấp ủy không cử và các trường chính trị tỉnh, thành phố không tiếp nhận người chưa có bằng sơ cấp lý luận chính trị hoặc giấy chứng nhận có trình độ tương đương sơ cấp lý luận chính trị vào học chương trình Trung cấp lý luận chính trị).

 

Chương trình này là căn cứ để Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cấp giấy chứng nhận tương đương trình độ sơ cấp lý luận chính trị theo Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xác định trình độ lý luận chính trị.

 

Kinh phí cho các lớp học và việc cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành./.

 

    K/T TRƯỞNG BAN

    PHÓ TRƯỞNG BAN

                 Đã ký

         Phạm Văn Linh