Sáng 2/8/2018, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ GDĐT và các điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo một số trường đại học; một số chuyên gia, nhà khoa học. Tham dự về phía Bộ GDĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng: Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Làm rõ những nguyên nhân tồn tại, hạn chế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ một số kết quả nổi bật cũng như hạn chế, bài học kinh nghiệm của ngành Giáo dục trong năm học 2017-2018.

Bọ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong công tác quản lý giáo dục các cấp trong năm học vừa qua, trong đó, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương trong từng vấn đề cụ thể.

Đồng thời dành thời gian thỏa đáng để thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Giáo dục trong năm học tới, trên cơ sở đó cùng nhau tập trung thực hiện cho hiệu quả, đặc biệt là các định hướng lớn đối với các bậc học.

Đối với giáo dục mầm non: Tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. 

Đối với giáo dục phổ thông: Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

Đối với giáo dục đại học: Tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ của các trường đại học, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo ngày càng tăng. 

Ổn định những hoạt động đổi mới của ngành

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng trình bày tại Hội nghị cho thấy, năm học 2017-2018, ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra và đạt được một số kết quả nổi bật.

Chất lượng các hoạt động GDĐT ở tất cả các bậc học từng bước được cải thiện, nâng cao. Mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển, tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các độ tuổi. Mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định, từng bước được rà soát, sắp xếp.

Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tựu quan trọng với kết quả nổi bật của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực, thi khoa học kỹ thuật quốc tế. Nhiều trường đại học đã có tên trong bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần phải nghiêm túc xem xét rút kinh nghiệm như: Vẫn còn tình trạng thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh còn hạn chế; cá biệt có một số giáo viên, học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa gây mất niềm tin của cha mẹ học sinh, bức xúc trong xã hội.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, tình trạng lạm thu đầu năm học trong các cơ sở giáo dục còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước.

Công tác tổ chức Kỳ thi THPTQG năm 2018 còn một số hạn chế, thiếu sót như: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao; Phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.

Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị, chỉ đạo của TTgCP về GDĐT; quán triệt địa phương thực hiện tốt Chỉ thị năm học 2018-2019 của ngành Giáo dục. Ổn định những hoạt động đổi mới của ngành; đồng thời triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kỷ cương, nền nếp và giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội.

Giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất; giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường Phổ thông. Đẩy mạnh việc tự chủ của các trường đại học, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. 

Tiếp tục hoàn thiện kỳ thi trung học phổ thông quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh giáo dục đại học, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.

Đổi mới là một quá trình và cần kiên định

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2018 là năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tới đây, Đảng đã giao cho Ban Tuyên giáo, Chính phủ đã giao Bộ GDĐT phối hợp đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết để nhìn nhận những việc đã làm được, những việc chưa làm được và thời gian tiếp theo cần tập trung vấn đề gì.

Theo Phó Thủ tướng, kể từ khi thực hiện Nghị quyết TƯ 29 đến nay, có rất nhiều đổi mới trong ngành Giáo dục đã đạt những kết quả triển vọng. Có thể đánh giá chung, hướng đi chúng ta đã đúng; có những khâu, lĩnh vực, lộ trình đảm bảo; có những khâu, lĩnh vực lộ trình được đẩy nhanh nhưng cũng có những khâu, lĩnh vực lộ trình bị chậm... Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có rất nhiều vấn đề xuyên suốt nhưng cần tập trung vào 2 vấn đề: đổi mới giáo dục phải là một quá trình và trong quá trình đổi mới phải kiên định.

Phó Thủ tướng đánh giá, trong năm qua, tự chủ chương trình của các nhà trường có chuyển biến, cách dạy và học có chuyển biến khá rõ. Đến nay đã có 24 trường đại học thí điểm tự chủ. Bộ Giáo dục gương mẫu giao cho 3 trường thí điểm không còn Bộ chủ quản. Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, theo bảng xếp hạng uy tín QS.

Về mầm non tư thục, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ở một số thành phố, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất có hơn 300 trường tư thục, nhóm lớp tư thục được bổ sung. Đây là những nỗ lực cần được nhìn nhận.

Phó Thủ tướng cũng nêu ra những giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề của ngành như: tinh giản biên chế, chất lượng chuyên môn và đạo đức đội ngũ giáo viên, quy hoạch trường lớp học, tình trạng thiếu giáo viên mầm non…  Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, nhất là nhà vệ sinh trường học; tình trạng bạo lực học đường.

Đặc biệt Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc nêu gương của các thầy cô giáo. Cụ thể, từ năm học này, Bộ GDĐT cần phát động để các thầy cô cùng thi đua, cùng gương mẫu, ai vi phạm nhất định cho ra khỏi ngành.

Phó Thủ tướng tin rằng, với tinh thần cầu thị, đổi mới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục “giữ lửa”, lan tỏa rộng hơn nữa sự quyết tâm đến từng đơn vị, địa phương, để nền giáo dục Việt Nam thực sự đổi mới, có như vậy đất nước mới phát triển.

 

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục