Làm thế nào để thu hút được HS giỏi vào các trường sư phạm; yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo thì có giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn cho các trường sư phạm? Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trò chuyện với GS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, về những băn khoăn này.

Thưa ông, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã thành công, tới đây các trường sư phạm sẽ lấy kết quả thi để xét tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ (nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy) được cho là đã rất chú trọng nâng cao chất lượng nhà giáo. Ông đánh giá sao về việc này?

Theo tôi, một trong những thay đổi của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 này được xã hội, đặc biệt là các nhà trường, đón nhận và đánh giá cao là việc sửa đổi, bổ sung quy định: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Trong đó quy định rất chi tiết và cụ thể: Đối với trình độ ĐH xét tuyển HS tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển HS tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, việc đáp ứng những yêu cầu này là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của GD. Quy định cũng cho thấy, một trong những nền tảng căn bản quyết định chất lượng là yêu cầu chất lượng giáo viên cao hơn thì đầu vào cho các trường phải tốt hơn lên.

Đây cũng là điều mà nhiều nhà quản lý GD cũng đồng quan điểm khi cho rằng, xét tuyển với loại giỏi là một bước tiến rất lớn để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Vấn đề đặt ra là vẫn biết việc thu hút người giỏi vào sư phạm sẽ giúp chất lượng đầu vào sư phạm tốt hơn, nhưng làm thế nào để thu hút HS giỏi vào học các trường sư phạm lại là câu chuyện phức tạp mà riêng ngành GD nỗ lực thì khó đạt được.

Thực tế trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 cho thấy nhiều thí sinh giỏi có nguyện vọng theo học các trường sư phạm, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng điểm trúng tuyển vào sư phạm thấp. Ông lý giải gì về điều này?

Đúng là năm 2017 ở nhiều ngành đào tạo sư phạm ở các trường ĐH học uy tín, điểm trúng tuyển rất cao. Tuy nhiên, cũng có những ngành học ở những trường có đào tạo sư phạm, nhất là tại ở địa phương, đưa ra điểm xét tuyển thấp. Tôi cho rằng không cứ gì sư phạm mà ngành học nào cũng vậy, cùng một ngành đào tạo ở những trường top đầu thì điểm trúng tuyển cao, ngược lại ở những trường chưa có uy tín với người học và xã hội đương nhiên là điểm trúng tuyển sẽ thấp. Ở Trường ĐH, năm 2017 chúng tôi có những ngành như GD tiểu học, GD mầm non điểm chuẩn tới 24, thậm chí 27 điểm, rất cao so với mặt bằng chung.

Như vậy có thể thấy điểm trúng tuyển vẫn cao chứ không hề thấp. 

 Vấn đề ở đây là chúng ta cần phải công bằng khi nhìn nhận đánh giá một hiện tượng nào đó chứ không thể quy chụp. Đúng là ngành sư phạm so với một số ngành học khác không có sức hút bằng, nhưng đây là những yếu tố khách quan và điều quan trọng là chúng ta phải có những tác động để thay đổi. Làm được điều này không chỉ ngành giáo dục mà còn phụ thuộc quan điểm của xã hội và chính sách của Nhà nước về sử dụng và đãi ngộ giáo viên.  

Xã hội đánh giá cao quyết tâm của Bộ GD&ĐT trong việc nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm. Dẫu vậy, lại có vấn đề là bên cạnh điểm xét tuyển, còn có kênh xét tuyển là học bạ. Đây chính là mối băn khăn lớn của dư luận, khi cho rằng không phải học bạ nào cũng đáng tin cậy. Ông có quan điểm như thế nào?

Mọi lo lắng đưa ra là cần thiết, nhưng chúng ta phải có lòng tin vào các thầy cô giáo và hệ thống GD. Thêm vào đó, tôi cho rằng có rất nhiều bạn trẻ mơ ước đến với giảng đường sư phạm là do yêu nghề, là theo truyền thống gia đình. Mà đã yêu nghề, đã có truyền thống gia đình thì sức học của những bạn đó không xuất sắc thì cũng là tốt. Thế nên với những bạn đã quyết định theo học các trường sư phạm thì căn cơ đã tốt rồi, chúng ta nên có niềm tin như vậy.

Thêm nữa, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có những giám sát và cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT phải đặc biệt lưu ý khi đánh giá HS, vì học bạ của các em là thông tin đầy đủ và chính xác được dùng để xét tuyển vào các trường sư phạm sau này. Quy chế tuyển sinh cũng chỉ rõ, không chỉ bằng học bạ, với những thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm từ kết quả thi THPT quốc gia thì Bộ cũng sẽ đưa ra mức ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao.

Như ông nói, nguyên nhân trường sư phạm chưa hấp dẫn HS giỏi cũng bởi nghề này kém sức hấp dẫn hơn những nghề khác. Vậy, theo nghề liệu có phải phần nhiều là truyền thống gia đình, nếu không thì các em cũng phải có tình yêu nghề giáo?

Theo và gắn bó với nghề cũng là truyền thống gia đình, nhưng nói vậy không phải là tất cả. Vẫn có nhiều người cha mẹ làm ngành nghề khác nhưng con vẫn theo nghề sư phạm. Hiện nay đang có một thực tế là nghề dạy học đang thiệt thòi hơn nhiều ngành nghề khác; áp lực từ công việc rất lớn nhưng chế độ lương bổng, cơ hội nghề nghiệp thì không tương xứng.

Không ít sinh viên ngành sư phạm ra trường không có việc làm, hoặc xin được việc cũng không có sự ổn định lâu dài, mức thu nhập lại thấp. Ai cũng biết là muốn HS giỏi vào sư phạm thì nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu làm được điều này, sẽ không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào mà vẫn tạo được sức hấp dẫn đối với HS giỏi. Tuy nhiên, để làm được như vậy sẽ lại vướng rất nhiều rào cản, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Xin cám ơn ông!

Dĩ Hạ thực hiện

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại