Đổi mới căn bản nền giáo dục là công việc quan trọng hàng đầu hiện nay của nước ta. Nói quan trọng hàng đầu là cũng còn khiêm tốn, chứ đúng ra đây là việc số một và cũng là công việc rất không dễ dàng, nó khó vào loại bậc nhất.

 

1. Phát triển là mục tiêu quan trọng nhất đối với nước ta hiện nay. Không phát triển thì độc lập dân tộc đã giành được bằng rất nhiều công sức và máu xương sẽ không giữ được (trong thời hội nhập có thể mất độc lập bằng nhiều cách khác nhau), và chủ nghĩa xã hội (CNXH) cũng không thể có được trên thực tế, bởi CNXH là kết quả của một sự phát triển rất cao về thực chất chứ không phải là mong muốn chủ quan duy ý chí. Khi một quốc gia chậm phát triển, nếu xét trong thời gian ngắn hạn thì có thể là do thể chế, cơ chế, do năng lực lãnh đạo điều hành..., nhưng xét trong một lịch sử dài thì phải tìm nguyên nhân và giải quyết vấn đề từ văn hóa. Có nhiều cách tiếp cận, nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo tôi, trước tiên và quan trọng nhất là sự phát triển của con người - từng con người, những con người, và cả một dân tộc, vì đất nước là sản phẩm của con người, con người sẽ tạo ra đất nước với đẳng cấp như thế này hoặc thế kia.

 

Để dân tộc và đất nước có thể phát triển bền vững, với tình hình thực tế như nước ta hiện tại, việc đổi mới căn bản và toàn diện (nói gọn là cải cách) nền giáo dục nước nhà là việc quan trọng số một, không gì bằng. Khi nói đổi mới giáo dục là quan trọng nhất, chắc sẽ có ý kiến chưa đồng tình. Có người sẽ nói kinh tế còn quan trọng hơn, kinh tế là trung tâm; hoặc chính trị quan trọng hơn nữa, đó là “then chốt”; hoặc văn hóa mới là quan trọng nhất, vì đó là “nền tảng”. Ý kiến nào cũng có những góc nhìn, những lý lẽ hùng hồn, đều đáng lắng nghe và suy ngẫm cả. Tuy nhiên, theo tôi, đổi mới giáo dục mới là quan trọng nhất. Bởi lẽ, chính công việc ấy, chứ không phải cái gì khác, nếu làm tốt thì sau một thời gian, không phải dài lắm, nó có thể tạo ra một dân tộc Việt Nam “mới” ở tầm cao và đẳng cấp hơn hẳn hôm nay, nhất là về năng lực. Còn mọi việc về xây dựng một nền kinh tế phát triển cao, một nền văn hóa giàu tính nhân văn, một chế độ xã hội tốt đẹp, một cách quản trị quốc gia thông minh, một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không có tham nhũng, “lợi ích nhóm”… cũng đều quan trọng cả, nhưng tất cả những việc quan trọng ấy chắc chắn đều sẽ tốt lên, trên nền tảng một nền giáo dục ở tầm cao mới.

 

2. Đã có nghị quyết tốt nhưng triển khai thực hiện chưa tốt. Nói vậy, chắc sẽ có ý kiến không đồng tình, nhưng cũng phải nói thế là vì sự nghiệp giáo dục. Việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà đã chính thức có chủ trương từ Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI cách đây hơn 5 năm. Nghị quyết ấy được nhiều chuyên gia đánh giá cao, cho rằng nó có nhiều nội dung rất tiến bộ, phù hợp quy luật và thời đại. Xét một cách khách quan, theo tôi, nội dung khoa học của Nghị quyết tuy chưa phải đã đạt yêu cầu tốt nhất đối với mọi vấn đề, có những nội dung rồi sẽ bổ sung, điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp hơn, nhưng linh hồn - giá trị cốt lõi của Nghị quyết ấy thì sẽ sống lâu dài với thời gian, như một dấu mốc tiến bộ trong tư duy.

 

Nhưng không phải cứ ra một nghị quyết cho tốt là xong. Quan trọng hơn là thực hiện nghị quyết ấy như thế nào. Rất tiếc là, cho đến nay, trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29 có nhiều việc chưa đạt yêu cầu. Việc tổ chức nghiên cứu và thảo luận sâu thêm để nhận thức thật rõ yêu cầu chính yếu và giá trị cốt lõi của công cuộc đổi mới, trên cơ sở đó mà tiếp tục đề ra những giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện một cách tích cực, có bài bản, chúng ta chưa quan tâm đúng mức và thực hiện chưa đạt. Sau 5 năm, vẫn chưa có một đề án tổng thể về chuyên môn, trong khi đó đã thực hiện một số việc cụ thể. Cứ cho rằng khẩn trương làm một số việc cụ thể ấy là cần thiết và tích cực đi, nhưng rất tiếc là đối với các công việc đã triển khai thì có việc đi xuôi, có việc đi ngược, hoặc nửa vời, hoặc hình thức, không thực chất và không vững chắc. Vừa đi xuôi vừa đi ngược thì cũng có nghĩa là có biểu hiện chưa nhất quán, chưa nắm chắc vấn đề.

 

Đổi mới nền giáo dục là công việc hết sức hệ trọng và cần thiết hiện nay, kể cả cấp bách nữa, đồng thời cũng là công việc rất không dễ dàng, nó khó vào loại bậc nhất. Nếu không đủ tâm huyết thì sẽ không làm được. Đặc điểm công việc đổi mới đòi hỏi phải rất thiện tâm, hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Là việc khó, cần phải rất sâu và có kiến thức tổng hợp, cần được thảo luận kỹ một cách công khai, nhiều lần và phải có một “bộ lọc” tốt, biết cách lắng nghe và lựa chọn phương án tối ưu. Phải thay đổi nhận thức đồng thời của người quản lý, người dạy, người học, phụ huynh và toàn xã hội, để cùng phối hợp thực hiện, tạo ra sức mạnh tổng hợp chuyển động đúng hướng. Giáo dục là lĩnh vực có tính xã hội rất cao, rất nhạy, quan hệ rộng, liên quan đến mọi người và rất nhiều lĩnh vực. Chính quá trình thảo luận rộng rãi và công khai, nhiều lần, nhiều người tham gia, sẽ là một cuộc “tập huấn” khổng lồ, nâng cao nhận thức và năng lực hành động cho đội ngũ những người làm giáo dục và toàn xã hội. Nếu không có cách làm tốt hoặc né tránh bản chất của vấn đề thì sẽ không thay đổi được. Đề phòng làm một hồi, vất vả và tốn kém, nhưng cuối cùng thì vẫn như cũ, đổi mà không mới, hoặc mới mà không đúng, sẽ lại một lần nữa đánh mất cơ hội phát triển của dân tộc.

 

Các nhà lãnh đạo cần quan tâm nhiều hơn đến đổi mới giáo dục. Trong Nghị quyết của Trung ương có nói đến việc phải có một Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục. Đó là việc rất cần. Cần một ủy ban tâm huyết với giáo dục và làm việc thật nghiêm túc, khoa học. Vì rằng, sẽ phải giải quyết nhiều việc có tính chất liên ngành mà một bộ không giải quyết nổi, ngay cả đối với Chính phủ cũng có việc sẽ bị vượt thẩm quyền mà phải xin ý kiến Quốc hội, có việc còn liên quan đến bên Đảng nữa. Ủy ban ấy đã được thành lập, đã củng cố, nhưng nhìn chung hầu như không thấy hoạt động. Trước đây, có họp vài lần theo kiểu hành chính, nêu tên một số công việc, vậy thôi. Các nhóm chuyên gia cũng không hoạt động đủ nhiều, dù công việc này rất cần họ hoạt động thường xuyên với cường độ cao trong một thời gian nhất định. Khoảng ba mươi năm trước, Hàn Quốc đã tiến hành cải cách giáo dục, lúc ấy họ lập ra một ủy ban do Tổng thống làm Chủ tịch và huy động 800 nhà khoa học trực tiếp tham gia, làm việc liên tục trong một thời gian không ngắn. Ngày nay, có công nghệ thông tin để giúp cho việc thảo luận, ta có thể không nhất thiết phải huy động nhiều như thế, nhưng cũng không thể là ít, vì đây là việc lớn và khó, cần nhiều ý kiến tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan tham mưu chính cũng còn tỏ ra rất lúng túng. Bản thân ngành Giáo dục chưa thấy có tổng công trình sư về khoa học giáo dục, mỗi người một vài lĩnh vực, một  số vấn đề, mới nhìn theo góc độ cụ thể nào đó thì ý kiến như thế là đúng, nhưng khi khớp nối vào trong tổng thể thì không ít vấn đề mâu thuẫn nhau. Các chuyên gia mỗi người nói một khía cạnh, nhiều ý kiến khác nhau chưa được trao đổi đến cùng, trong đó không ít ý kiến theo kiểu kinh nghiệm của giáo dục chưa đổi mới.

 

Khi kiểm điểm công việc đã làm trong 5 năm kể từ Nghị quyết 29 thì có thể kể ra rất nhiều thứ, mà nhiều thật, việc của giáo dục lúc nào mà chả nhiều, nhưng đó là nói về số lượng tổng thể, trong đó có việc thuộc về đổi mới, có việc không thuộc đổi mới, có việc đổi mới đúng hướng và có việc không đúng hướng. Nếu liệt kê hết ra thì thấy số lượng công việc của giáo dục rất nhiều, nhưng không nên nhầm lẫn, đồng nhất đó là thành tích của đổi mới giáo dục.

 

Sau đây xin điểm lại một số việc quan trọng để thấy rõ hơn tình hình. Trước nhất, nhìn lại việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Cái lõi quan trọng nhất liên quan đến mục tiêu, phương pháp và hiệu quả là việc chuyển đổi từ nền giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục xây dựng nhân cách, phát triển năng lực. Yêu cầu này vẫn chưa thể hiện rõ trong chương trình mới cũng như nhiều chủ trương khác. Tất nhiên, trong một số phần cụ thể cũng có cố gắng nhất định, nhưng rất chưa đủ. Nếu không làm cho tốt phần này thì thà rằng cứ để vậy rồi cải tiến dần từng việc một, chứ thay đổi nhiều mà không chuẩn thì lại thành rối. Đổi mới căn bản là vì chất lượng và hiệu quả thật sự, chứ không có mục đích tự thân. Chuyện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thực hiện theo kiểu nửa vời, đối phó, còn thực chất là vẫn bám giữ “độc quyền” sách giáo khoa, vừa tốn kém ngân sách vừa không tốt về hiệu quả đầu tư, chất lượng.

 

Việc tự chủ đại học thời gian qua, Chính phủ có nhiều quan tâm, đây là việc rất đúng, nhưng nghe chừng vẫn còn rất lúng túng, nhất là việc tự chủ về chương trình. Tự do học thuật hầu như chưa đụng đến, còn né tránh, có phần ngại đụng những vấn đề nhạy cảm, dễ bị quy chụp. Đây là phần việc mà cấp trên phải trực tiếp chủ trì, thậm chí là cấp rất cao, chứ để cho cấp dưới loay hoay trong vòng các quan điểm và quy định đã có thì chẳng ai dám đổi mới. Việc kiểm định chất lượng, thi cử và đánh giá chưa có tiến bộ gì đáng nói. Vấn đề liên thông và phân luồng là một chủ trương quan trọng vẫn chưa có giải pháp rõ ràng và hữu hiệu. Hệ thống giáo dục mở và thực học cũng vậy, thậm chí có việc còn đi theo hướng ngược, cắt hệ thống ra thành 3 khúc giao cho 2 bộ, trở ngại hơn đối với liên thông và phân luồng. Chính sách thúc đẩy khu vực ngoài công lập, nhất là đối với loại trường phi lợi nhuận chưa có đổi mới, bổ sung, vẫn theo cách cũ, không thúc đẩy phát triển được. Đổi mới sư phạm nhìn chung chưa làm, mặc dù có thể ghi nhận ở đây đó đã có một số chuyển động ban đầu về đổi mới cách dạy, cách học, nhưng nhìn chung còn ít và chủ yếu là tự phát. Chính sách và cách phân bổ tài chính đối với giáo dục chưa có gì tiến bộ đáng nói. Một số trường đại học đã có những cố gắng rất đáng khích lệ và rất cần tạo điều kiện, kể cả trợ giúp. Họ đã tự làm một cách tâm huyết và vất vả, trong điều kiện chưa có chỉ đạo từ trên thật rõ ràng và nhất quán… 

 

3. Một số vấn đề thuộc về mục tiêu và triết lý giáo dục nếu không làm rõ, không nắm chắc thì cuộc đổi mới dễ mất phương hướng, lạc đường. Câu hỏi đầu tiên thường được nêu ra là “Mục đích của giáo dục để làm gì?”. Giáo dục để hình thành “con người”, sản phẩm của giáo dục là “con người” - điều đó thì hầu như đã thống nhất. Nhưng câu hỏi thứ hai, cần tạo ra “con người như thế nào?” thì xưa nay vẫn luôn có những ý kiến khác nhau. Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể và do góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau, nên đã có nhiều quan điểm không giống nhau. Với sự không giống nhau ấy mà ta có cách nhìn đa chiều, phong phú và sâu sắc thêm, liên tục hoàn thiện tư duy trên con đường đi tìm chân lý, trong một thế giới, một thời đại vận động không ngừng, liên tục biến đổi và tiến lên. Đây là việc cần có cách nhìn mở, cần có phản biện khoa học và thảo luận thẳng thắn, thông tin nhiều chiều, liên tục hoàn thiện.

 

Có nhà nghiên cứu cho rằng không có học sinh kém mà chỉ có học sinh giỏi việc này và không giỏi việc khác. Nhiệm vụ của người lớn, người thầy là phát hiện cho được ở em nào đang tiềm ẩn năng lực có thể giỏi thứ gì để giúp cho nó phát triển tốt nhất theo hướng đó. Từng học sinh cần phải được phát triển một cách tự nhiên, đó là sự phát triển “chính nó”, không bị gò ép theo tư duy chủ quan của người khác. Ngược lại, nếu cho rằng, con người cứ phát triển một cách tự phát, ngẫu nhiên, tùy hứng, không cần có những giá trị chung (làm chuẩn) về nhân cách thì cũng sai lầm nguy hiểm, vì chính việc ấy sẽ phá vỡ nền tảng văn hóa, cơ sở tồn tại và phát triển của cộng đồng xã hội. Mỗi con người là một thế giới riêng, không ai giống ai; và mặt khác, họ đều là thành viên của một cộng đồng cùng loại. Vì vậy, triệt tiêu hoặc làm lu mờ vai trò của cá nhân sẽ làm mất động lực phát triển; nhưng nếu quên đi tư cách thành viên của cộng đồng sẽ làm rạn nứt nền tảng văn hóa. Trên nền tảng các giá trị nhân bản chung, từ những cá nhân cụ thể được hoàn toàn giải phóng, được hoàn toàn tự do, phát triển tối đa theo các thế mạnh của mình, cộng lại sẽ có một cộng đồng dân tộc với sức mạnh của cấp số nhân. Trong công cuộc đổi mới căn bản nền giáo dục hiện nay, việc quan trọng hàng đầu là giải phóng con người khỏi các tư duy lạc hậu, kìm hãm tự do cá nhân, để thật sự trở thành “người tự do”, tự do với chính mình, tự do trước mọi sự áp đặt và các ảnh hưởng tha hóa từ xã hội; biết quyền tự do của mình và biết tôn trọng tự do của người khác, của cộng đồng; có thể phát triển tối đa những năng lực tiềm ẩn, trên cơ sở kế thừa và tiếp thu tinh hoa của văn hóa dân tộc và nhân loại, cộng với sự cập nhật thường xuyên, liên tục các tiến bộ về khoa học và công nghệ.

 

Tính cách quan trọng hàng đầu cần có ở con người là gì? Các tài liệu nghiên cứu về giáo dục hiện nay đã nêu rất nhiều tính cách, tiêu chí đầu ra của học sinh. Nhiều và cụ thể như vậy mà vẫn chưa đủ, mặt khác lại trùng lắp và tản mạn. Tôi nghĩ, nên chọn ít vấn đề thôi, để tập trung xử lý. Ít không có nghĩa không cần cái khác, mà là chọn cái gì quan trọng nhất trong tình hình cụ thể. Ví như tính trung thực, lòng nhân ái, phát triển năng lực tư duy và hành động.

 

Văn hóa là những giá trị thuộc về con người. Không trung thực sẽ không có tự trọng và không biết xấu hổ. Khi con người biết xấu hổ là lúc văn hóa bắt đầu. Trong một gia đình, một tập thể, một cộng đồng mà bao gồm nhiều con người sống không trung thực thì thật đáng sợ. Trong một môi trường trung thực và minh bạch sẽ không có chỗ ẩn nấp của các thói xấu và các thủ đoạn. Lòng nhân ái cũng là nền tảng của văn hóa cộng đồng. Con người ta sống với nhau trước tiên là bằng lòng nhân ái. Khi lòng nhân ái không còn thì đó là môi trường phát triển của cái ác. Năng lực tư duy và năng lực hành động là cái cần thiết để con người nhận thức và cải tạo thế giới. Năng lực và sự sáng tạo là bạn đồng hành. Năng lực là để sáng tạo. Và sự sáng tạo làm cho năng lực phát triển hơn lên. Năng lực là cái tự nó. Không thể ban phát, không thể vay mượn, không thể áp đặt. Khi nói đến năng lực Người, là bao gồm cả phẩm chất, trong đó có tính trung thực và lòng nhân ái. Cần tạo ra những con người thật sự có năng lực của chính mình, để họ tự quyết định mọi thứ, chứ không phải là tạo ra những con người chỉ biết thừa hành như một công cụ của người khác, do người khác áp đặt tư duy. Để năng lực Người có thể phát triển một cách tự nhiên, không bị biến dạng, thì người học và người dạy đều phải là những con người biết tôn trọng tự do. Trong tự do, trước nhất là tự do tư tưởng và tự do ngôn luận để thể hiện chính kiến của mình. Không có tự do thật sự thì con người chẳng những không phát triển được năng lực, mà cũng không thể xây dựng được tính trung thực. Khoa học tâm lý đã từng cho biết, nói dối trong rất nhiều trường hợp cũng là một “cơ chế tự vệ” khi con người không có quyền tự do ngôn luận, và nói dối lâu ngày thì thành quen, thành tật. Khi không có tự do, con người sẽ không thể phát triển đầy đủ năng lực tư duy độc lập. Khi không có tư duy độc lập thì con người cũng thiếu sức đề kháng về văn hóa, trở thành thụ động, dễ bị các thói hư tật xấu xâm nhập và hủy hoại.

Xác định vấn đề “nhạy cảm” không phải là để tránh né nó, mà ngược lại, để “xông vào”, hiểu nó đến cùng, và có lời giải để đáp ứng cho yêu cầu của cuộc sống. Trong năng lực của người học, cần quan tâm trước tiên là năng lực tự học. Nhờ biết tự học mà con người ta có thể chủ động tiếp cận sâu hơn với những vấn đề cần học. Hầu như những trí thức lớn ở nước ta, và kể cả thế giới, đều trở thành trí thức lớn chủ yếu bằng tự học, chứ không phải do tiếp thu kiến thức được truyền thụ ở trường mà thành. Có nhà giáo đã nói đúng rằng, “giáo dục là giúp cho thanh thiếu niên tự trưởng thành”. Trong đổi mới giáo dục hiện nay, việc quan trọng hàng đầu là tổ chức và tạo điều kiện cho học sinh tự học một cách hiệu quả nhất. Và tự học là cách học kiểu người lớn, không áp đặt một chiều, dù các em vẫn còn tuổi phổ thôngChính điều vừa nói đã cho thấy vai trò to lớn của tự chủ đại học và tự do học thuật trong công cuộc đổi mới giáo dục. Ở Việt Nam ta, chuyện tự do học thuật đến nay vẫn chưa quen, thậm chí còn không ít ý kiến khác nhau, kể cả cho rằng có cần thiết hay không cần thiết. Chưa quen thì phải làm quen! Đây là việc rất cần, không thể khác, nếu muốn dân tộc ta phát triển. Cũng có ý kiến ngại đụng đến các vấn đề “nhạy cảm” trong chính trị, nếu như mở rộng tự do học thuật. Đó là cách tư duy sai lầm. Giống như ngại ánh sáng. Trong khi ánh sáng mới chính là nguồn sống và sự phát triển của tư duy khoa học. Cái gì đã đúng, đã có cơ sở khoa học, thì trong tự do học thuật nó càng được khẳng định, càng có sức sống, lan tỏa. Cái gì chưa đủ cơ sở khoa học thì trong tự do học thuật nó sẽ sớm được phát hiện, được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp hơn, tránh được những sai lầm. Phần lớn những vấn đề “nhạy cảm” chính là những vấn đề mà cuộc sống đang cần, đang đòi hỏi phải sớm có câu trả lời.

 

Tóm lại, về mục tiêu và triết lý giáo dục là giúp cho người học biết tự học, tự trưởng thành nhằm tạo ra những con người chính nó, thật sự tự do, trung thực, nhân ái và có năng lực phát triển cao, kể cả năng lực tư duy và năng lực tổ chức thực hiện.

 

TS. Vũ Ngọc Hoàng

 

 ____________________

 

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 2/2019