Ngày 5/10/2018, tại Hà Nội, Câu lạc bộ khối đào tạo điều dưỡng thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực của giảng viên điều dưỡng

Tới dự hội thảo có Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Minh Lợi – Phó cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) và Thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu - Phó chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cùng 90 đại biểu đến từ 24 trường đại học, cao đẳng khối đào tạo điều dưỡng trên toàn quốc. 

Xung quanh chủ đề này, tại hội thảo đại diện một số trường đại học, cao đẳng đã có phát biểu về thách thức, khó khăn cũng như đưa ra phương án đề xuất nhằm nâng cao năng lực của giảng viên điều dưỡng trong giai đoạn hiện nay. 

Theo Thạc sĩ Trần Việt Tiến - Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, trong giai đoạn hiện nay, nhân lực điều dưỡng ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. 

Cụ thể, trong khi bệnh viện thiếu điều dưỡng nghiêm trọng thì tỷ lệ điều dưỡng mới ra trường thất nghiệp lại cao. 

Theo số liệu thống kê, năm 2014, điều dưỡng mới tốt nghiệp là 28.000 đến năm 2015 thì con số này đạt mức 37.000 trong khi đó điều dưỡng được tuyển hàng năm chỉ ở mức 7.000- 8.000. 

Như vậy có nghĩa, tỷ lệ có việc làm chỉ đạt 1/4 hoặc 1/5. 

Trong khi đó, trên 75% điều dưỡng viên của Việt Nam chưa đạt chuẩn trình độ (WHO/ASEAN). 

Đặc biệt, Việt Nam thiếu cán bộ đầu đàn được đào tạo trình độ cao, thiếu đội ngũ điều dưỡng hướng dẫn lâm sàng. 

Để hiểu rõ hơn về vai trò của nghề điều dưỡng, tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu- Phó chủ tịch hội điều dưỡng Việt Nam đã trình chiếu video về nghề điều dưỡng do tổ chức phát triển nghề nghiệp của Úc thực hiện năm 2017, 2018.

Video này cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang gặp vấn đề chung là thiếu điều dưỡng một cách trầm trọng. 

Riêng tại Mỹ tới 2020 cần 1,2 triệu điều dưỡng. Ở Úc 90.000 điều dưỡng sẽ nghỉ hưu vào năm 2020 còn tại Anh cứ 1/3 điều dưỡng sẽ nghỉ hưu trong 10 năm tới. 

Nếu một thế giới không có điều dưỡng thì ai sẽ chăm sóc người thân của bạn? Ai sẽ quản lý bệnh mãn tính? Ai sẽ chăm sóc bạn khi ốm đau?

Trong khi đó, càng ít điều dưỡng thì tuổi thọ của con người sẽ ngắn hơn, có thể gặp phải những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, gặp phải biến chứng trong những phẫu thuật ở bệnh viện. 

Từ những con số này và nhìn nhận, đánh giá về nghề điều dưỡng, Thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu khẳng định:

“Nhiều nước không có sinh viên học điều dưỡng vì đây là nghề vất vả mà lương lại thấp. Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một gia tăng nên Chính phủ các nước trên thế giới rất quan tâm tới ngành nghề này”.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, Việt Nam đang thiếu cả số lượng và chất lượng điều dưỡng. 

“Điều dưỡng của chúng ta thiếu tính chuyên nghiệp; ngoại ngữ kém; chương trình đào tạo còn cổ hủ; giáo trình nhiều trường tham gia viết nhưng lại viết theo góc nhìn bác sĩ còn điều dưỡng thì chủ yếu là dịch nhưng lại không việt hóa;

Cơ sở đào tạo tại trường ở nhiều trường chưa đủ điều kiện; phương pháp giảng dạy, năng lực giáo viên còn yếu”, Thạc sĩ Lưu nhấn mạnh. 

Từ những yếu kém này, Phó Chủ tịch hội điều dưỡng Việt Nam đưa ra giải pháp nâng cao năng lực giảng viên điều dưỡng bằng cách:

Đổi mới chương trình giáo dục điều dưỡng theo chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra và tích hợp theo xu hướng hội nhập;

Tăng cường năng lực giáo viên điều dưỡng bằng áp dụng chuẩn năng lực cốt lõi của tổ chức y tế thế giới mới ban hành năm 2016. 

Và phổ biến năng lực cốt lõi giáo viên điều dưỡng của tổ chức y tế thế giới đang giảng dạy điều dưỡng để biết và phấn đấu. 

 Theo Báo Giáo dục điện tử