Chiều ngày 21/3/2019, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có phiên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, nhằm tạo điều kiện cho quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh có cơ hội, động lực phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cùng dự về phía Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ; Phạm Minh Chính - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trương Thị Mai - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an; Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành liên quan.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện một số sở, ngành liên quan.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đoàn kết, thống nhất, phát huy tốt nội lực, thu hút ngoại lực, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng. So sánh với mục tiêu, Nghệ An đã phát triển đúng hướng, nhiều chỉ tiêu dự báo sẽ đạt và vượt; kinh tế - xã hội có bước phát triển khá nhanh, bền vững; kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, từng bước trở thành trung tâm kết nối của vùng Bắc Trung Bộ.

1- Kinh tế phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 là 115,67 nghìn tỷ, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bình quân giai đoạn 2014 - 2018 tăng 8,0%/năm. Thu ngân sách tăng đều hàng năm, năm 2018 đạt 14.052 tỷ đồng, tăng 1,74 lần so với năm 2013. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng, tăng 1,57 lần so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 74,97% lên 79,50%; nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 25,03% xuống 20,50% so với năm 2013. Một số sản phẩm chủ lực có sản lượng tăng và khẳng định được vị trí trên thị trường.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Nghệ An dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, xếp thứ 21 cả nước, tăng 25 bậc so với năm 2013. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2014 - 2018 đã thu hút được 690 dự án với tổng số vốn đăng ký 142.987 tỷ đồng.

Thành phố Vinh phát triển khá toàn diện. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, thông tin và truyền thông, thương mại, du lịch từng bước được định hình là trung tâm của vùng. Lĩnh vực tài chính, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, thể thao tiếp tục chuyển biến tích cực.

Các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam của tỉnh phát triển khá nhanh và đúng định hướng. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã từng bước được hoàn thiện trên cơ sở tập trung nguồn lực ngân sách và chính sách kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế.

Ngành nông nghiệp đã được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, gắn sản xuất, chế biến với thị trường. Vùng miền Tây Nghệ An đã được tập trung đầu tư, khai thác và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2014 - 2018 của miền Tây Nghệ An bình quân đạt 8,4%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác huy động nguồn lực thực hiện chương trình đạt kết quả khá (tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2013 - 2018 đạt trên 27.773 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 218 xã (đạt 50,58%) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới...

2- Công tác quy hoạch được triển khai chủ động và chất lượng

Nghệ An đã hoàn thành toàn diện các cấp độ quy hoạch. Chất lượng các quy hoạch được nâng cao, bảo đảm theo đúng quy chuẩn quốc gia. Trong đó, trọng tâm là: điều chỉnh quy hoạch phát triển tổng thể tỉnh Nghệ An đến năm 2020; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Hệ thống hạ tầng đường giao thông, sân bay, cảng biển, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, cấp thoát nước, hạ tầng đô thị, thương mại... đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp từng bước đồng bộ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

3- Thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, bảo đảm an sinh xã hội

Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới, có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục phổ thông không ngừng được nâng lên; thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế được duy trì trong tốp đầu cả nước. Huy động nguồn lực có hiệu quả, từng bước kiên cố hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học, góp phần xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay đã có 1.065 trường đạt chuẩn (chiếm 70,11%). Hệ thống đào tạo nghề nghiệp tiếp tục phát triển. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và xây dựng đội ngũ trí thức được chú trọng. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 30%.

Mạng lưới khám chữa bệnh được củng cố, mở rộng và phát triển. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên rõ nét. Thực hiện tự chủ tài chính bước đầu phát huy hiệu quả. Y tế ngoài công lập phát triển nhanh, đứng tốp đầu cả nước về xã hội hóa đầu tư. Tỷ lệ xã hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về y tế năm 2018 đạt 89%.

Các di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm được quan tâm tu bổ, tôn tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, phát huy hiệu quả tốt như: Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong,... Nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh, rộng khắp. Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm đầu tư, bước đầu đạt được những kết quả tốt.

Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho hơn 37.000 người. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt mục tiêu đề ra, đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,54%. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

4- Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; không để xảy ra điểm nóng phức tạp, kéo dài

Đã chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân. Công tác xây dựng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh biên giới, biển đảo bảo đảm vững chắc. Xử lý hiệu quả nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, không để lây lan, hình thành điểm nóng.

5- Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của tỉnh phát triển toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu

Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt với các tỉnh của nước bạn Lào được giữ vững, phát huy. Tiếp tục xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác với một số địa phương ở trong và ngoài nước. Công tác người Nghệ An ở nước ngoài được quan tâm, chăm lo. Hàng năm, lượng kiều hối của tỉnh đạt khoảng 400 triệu USD.

6- Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực

Hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vùng đặc thù thường xuyên được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) được các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, bước đầu tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên được nâng lên; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Tại phiên làm việc, Bộ Chính trị ghi nhận những kết quả mà Nghệ An đạt được trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan, không ngừng nỗ lực, sáng tạo, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và đạt nhiều kết quả nổi bật. Bộ Chính trị đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện Nghị quyết 26 trong 5 năm qua. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng “Qua thực tiễn Nghệ An đã thấy được hướng đi, thấy được chúng ta cần làm gì”. 
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý một số chỉ tiêu trong nghị quyết chưa đạt. Trong lãnh đạo, chỉ đạo ít có đột phá, nhất là về thể chế, cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực; chưa phát huy hết lợi thế, thế mạnh của địa phương, chưa có các dự án lớn… Đồng chí cho rằng, Nghệ An là vùng đất địa linh, nhân kiệt, rộng lớn, có truyền thống cách mạng, lịch sử, có ý chí vươn lên mãnh liệt; có nhiều đóng góp cho cả nước; là địa bàn có nhiều lợi thế, có biển, có rừng. Cần phải có khát vọng, vươn lên mạnh mẽ hơn nữa; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, phát huy truyền thống của quê hương, khắc phục khó khăn, phải là tỉnh trong tốp đầu của cả nước. Muốn đạt được điều ấy, Nghệ An phải có cách làm mới, phải có nguồn lực và trí tuệ. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, cần chọn đúng khâu đột phá, bước đi phù hợp, không đưa ra nhiều việc cùng một lúc, tính toán kỹ lưỡng xác định rõ việc nào làm trước, việc nào làm sau. Về chủ trương, Bộ Chính trị ủng hộ các kiến nghị của tỉnh, song cần cân đối các nguồn lực. Bộ Chính trị sẽ ra Thông báo kết luận, điểm lại những việc làm được, chưa làm được, để tiếp tục đẩy mạnh thực Nghị quyết số 26, đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, xứng động đóng vai trò là trung tâm động lực hội nhập và phát triển của vùng Bắc Trung Bộ.