Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, cụm từ “khát vọng phát triển” được đề cập đến với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, phản ánh nhận thức mới, có kế thừa và phát triển từ truyền thống của dân tộc đến tinh hoa của thời đại.

Ngay chủ đề Đại hội, khát vọng Việt Nam được thể hiện như một tuyên bố chính trị “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Các quan điểm và định hướng phát triển trong dự thảo Văn kiện nhấn mạnh: “Bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước...”; “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam...”. Dự thảo Văn kiện xác định rõ vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trong dụng nhân tài. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội...”; “Tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển...”.

Dự thảo Văn kiện nêu sáu nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, trong nhiệm vụ thứ tư chỉ rõ: “Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”. Tại đột phá thứ hai: “Phát triển nguồn nhân lực...đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Đảng ta tin tưởng rằng: với khát vọng vươn lên mãnh liệt, quyết tâm chính trị cao, nhất định đất nước ta sẽ lập nên những kỳ tích mới vì một nước Việt Nam cường thịnh, cùng tiến bước sánh vai với cường quốc năm châu.

Khát vọng phát triển trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là khát vọng về một Việt Nam đổi mới, dân tộc Việt Nam cường thịnh, văn minh, nhân dân hạnh phúc; Là khát vọng thiêng liêng, lớn lao, có sự hòa hợp ý Đảng với lòng dân, tạo sự đồng tâm, nhất trí của toàn thể nhân dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng chính là khát vọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khát khao xây dựng một đất nước có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Từ khi còn là một thanh niên yêu nước, Người khát khao tìm con đường cứu nước và giải phóng dân tộc, để rồi 34 năm sau, khát khao ấy được trở thành hiện thực: nước Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới. Trên cương vị chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã bày tỏ niềm tin tưởng của mình vào thế hệ trẻ với khát vọng xây dựng một đất nước phồn vinh, sánh vai với cường quốc năm châu: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Trong suốt 24 năm là lãnh tụ của dân tộc, Người bền bỉ thực hành đạo đức cách mạng, nêu một tấm gương sáng về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Tâm nguyện cuối cùng của Người là khát vọng “...xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Như vậy, Khát vọng Việt Nam là khát vọng Hồ Chí Minh, là khát vọng giải phóng dân tộc, khát vọng phát triển, khát vọng phồn vinh, cường thịnh: “Dân tộc Việt Nam nhất định trở thành một dân tộc thông thái”; “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một xã hội văn hóa cao”...

Quan điểm về khát vọng phát triển trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào đường lối chủ trương của Đảng để xây dựng đất nước trong bối cảnh mới. Điều đó cũng thể hiện một cách tốt nhất quyết tâm thực hiện khát vọng và tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì một tương lai, triển vọng tốt đẹp của dân tộc: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.     

Nguồn: Báo Tuyên Quang điện tử